Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Mot-Bon-Phan-Thieng-Lieng-Va-Cap-Bach

Một Bổn Phận Thiêng Liêng Và Cấp Bách
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang

Bổn phận ấy là bảo vệ chánh pháp. Nhờ chánh pháp của Phật mà chúng ta biết rõ sự thật cuộc đời của chúng ta, chúng ta biết quay đời mình về ánh sáng, chúng ta biết cả đến phương pháp để thực hiện mục đích ấy, nên đối với chánh pháp, bổn phận thiêng liêng và cấp bách mà chúng ta phải có là tận lực bảo vệ bằng mọi tiềm lực nào ta có.

Nhưng làm cách nào mới bảo vệ được chánh pháp? Thì điều kiện căn bản vẫn là sự thực hành vào đời sống của mình. Chánh pháp tồn tại hay không là ở chỗ có biểu hiện ra nơi đời sống hay không. Bởi vậy, muốn chánh pháp tồn tại, bổn phận thiết yếu và căn bản của chúng ta là trước hết phải tu tập chánh pháp, áp dụng và thực hiện chánh pháp vào chính đời sống của mình.

Từ công việc căn bản đó, sự bảo vệ chánh pháp một cách thiết tha của ta sẽ cho ta thấy có thể có lúc ta phải hy sinh năng lực, hy sinh tài sản, hy sinh tánh mạng. Phải đem tài đem sức của mình ra phục vụ chánh pháp. Hãy bỏ của bỏ tiền ra xây dựng lấy lâu đài của chánh pháp. Vì chánh pháp, lúc cần, ta phải xả bỏ tánh mạng thực sự. Đức Phật có dạy rằng đem năng lực, tài sản và tánh mạng mà bảo vệ chánh pháp thì thế là đem 3 thứ không kiên cố và tánh mạng kiên cố đó. Lý luận và thực tế chứng minh cho ta thấy không dùng vào việc bảo vệ chánh pháp thì năng lực, tài sản và cả tánh mạng nữa cũng chẳng còn. Ba thứ thế này là 3 lợi khí mà ác thay, thiện hay ác đều do chính chúng nó tạo ra. Vậy không đem chúng nó hiến cho chánh pháp, sống vì chánh pháp, thì chúng sẽ phục vụ cho dục vọng. mà phục vụ dục vọng thì quả như lời Phật phán dạy: “không bao lâu ta đã thất chúng hao mòn và tiêu diệt mà tai hại của chúng gây ra thì không phải chỉ khổ một đời, thực họa đến cả muôn kiếp”. vậy ta nên học cái khôn của kẻ trí giả khi ta có – nhất là có thể xử dụng được – năng lực tài sản và tánh mạng của mình bằng cách đem chúng ta phục vụ và bảo vệ Chánh pháp tối thượng mà đời ta nhờ đó sống có ý nghĩa đầy đủ.

Trong kinh điển còn ghi chép rất rõ những cố gắng, những hành động xả bỏ tánh mạng vì chánh pháp của chính đức Phật. Có lúc vỏn vẹn chỉ vì bài kệ như sau đây mà đức Bổn sư của chúng ta đã xả bỏ tất cả:

“Các hành vô thường,

Là pháp sanh diệt;

Sanh diệt diệt hết,

Tịch diệt an lạc”.

Người ta thấy từ đầu mắt đến tay chân, từ cơ thể đến tâm trí, từ năng lực đến tư tưởng, từ bản thân đến quyến thuộc, không một thứ chi đức Thầy chi giác tiếc cho chánh pháp. Ngài đã dạy như thế này trong một bộ kinh mang tên là Báo ân cha mẹ: Phải biết ân và trả ân cha mẹ. Mà cha mẹ là tất cả mọi người mọi vật: vậy muốn báo đáp ân đức tất cả thì phải hết lòng bảo vệ lấy chánh pháp. Và Ngài kết thúc tất cả hành động vì chánh pháp của Ngài, rằng ta đã thành Phật nhờ những hành động đó.

Ngày nay nhờ chánh pháp của Phật mà đời ta có ý nghĩa thì nghĩa vụ hợp lý nhất là ta phải bắt chước, phải học cái hạnh của Ngài, tận lực hộ trì chánh pháp để nhờ sự tồn tại của chánh pháp khiến cho bao nhiêu người khác cũng biết đường, biết cách sống đời sống có nghĩa. Và chính đó là cách vừa tri ân vừa báo ân Phật. Nên tôn giả A Nan có thề mà lời thề ấy, hằng ngày, trong những buổi sáng sớm, liệt vi Tăng già trân trọng tụng lại để cũng tự nguyện làm theo: “Đem thâm tâm phụng sự muôn loài, thế tức là báo đáp hồng ân Phật” Bảo vệ chánh pháp tức là trả ân xã hội và báo ân Phật đà, lại cũng chính đó là sự tu hành, là sự lợi tha.

Hiện giờ có một số Phật tử khá đông không thấy trách nhiệm của mình đối với sự tồn vong của chánh pháp. Họ cũng chẳng xác nhận rõ ràng tính cách vô cùng cần thiết của chánh pháp trước thời đại. Họ không biết rõ ràng rằng thời đại này, thời đại mà con người tranh nhau tung ra tất cả tham sân si để xâm lược, đàn áp và tàn sát lẫn nhau, thời đại ấy chỉ có chánh pháp chống lại tham sân si mới có hệiu lực đem lại hòa bình thực sự, một thứ hòa bình được nhổ tận gốc rễ tất cả nguyên nhân làm tan rã nó. Nhưng sự thực là như thế. Sự thực thế giới loạn là loạn trong tham sân si của con người và sự thực chỉ có chánh pháp chủ trương diệt tham sân si mới đem lại hòa bình cho con người. Cho nên bảo vệ chánh pháp chính thị là bảo vệ hòa bình mà nhân loại mong mỏi. Do tất cả lý do chinh xác này, tất cả nhu cầu cấp bách này, nghĩa vụ bảo vệ chánh pháp bằng cách áp dụng vào đời sống, bằng cách đổ hết năng lực ra mà phụng sự, nghĩa vụ ấy là nghĩa vụ thiêng liêng bậc nhất của đời người Phật tử đối với hòa bình.

Do tính cách thiêng liêng của nghĩa vụ đó, người Phật tự tự thấy cái vinh quang cũng như cái tủi nhục của đời mình lệ thuộc hẳn vào cái vinh cái nhục của chánh pháp. Người Phật tử tự tạo cho mình cái ý thức vô cùng hợp lý, xem “mình là của chánh pháp, chánh phap là của mình” và họ hành động theo ý thức đó.
 
Trích từ: Tâm Ảnh Lục - Thích Trí Quang
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ