Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Neu-Bi-Nuoc-Lon-Cuon-Troi-Xung-Danh-Hieu-Quan-The-Am-Bo-Tat-Lien-Duoc-Cho-Can

Nếu Bị Nước Lớn Cuốn Trôi Xưng Danh Hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát Liền Được Chỗ Cạn
Đại Lão Hòa Thượng Thích Diễn Bồi | Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Nhược vị đại thủy sở phiêu, xưng kỳ danh hiệu, tức đắc thiển xứ.
(Nếu bị nước lớn cuốn trôi, xưng danh hiệu Ngài liền được chỗ cạn).

Đây là thủy nạn, nạn thứ hai trong bảy nạn. Đại thủy cũng đúng là một tai nạn hết sức lớn. Như trong năm Dân Quốc 48 (1959), Đài Loan gặp nạn đại thủy tai nhằm ngày mồng Bảy tháng Tám, năm Dân Quốc 49 (1960) gặp trận lụt lớn hôm mồng Một tháng Tám, đều là những trận thủy tai bi thảm, nặng nề chưa từng có. Quý vị xem báo chí tường thuật, chỉ biết là tai nạn rất nặng, còn rốt cuộc nghiêm trọng đến mức độ nào, chỉ sợ quý vị chẳng tưởng tượng nổi đâu!

Lúc trận lụt mồng Bảy tháng Tám năm Dân Quốc 48 xảy ra, chính tôi đang ở Đài Trung, lúc nước dâng lên, từng dãy từng dãy nhà bị nhận chìm, từng gốc từng gốc cây bị nước xoáy tróc gốc, cả cánh đồng màu mỡ rộng lớn lập tức bị nước trào biến thành hoang sơn loạn thạch, đường sắt bị xoáy đứt, cầu sắt bị nước ngập kín, gia súc bị cuốn phăng theo dòng nước, người bị chết đuối. Bởi vậy, cơn đại thủy tai có thể làm cho người ta khuynh gia bại sản, táng thân mất mạng, không ai chẳng sợ thủy tai.

Thế nhưng thủy tai thiên nhiên không cách gì đề phòng được, ngoại trừ tận nhân lực, không cách gì trốn tránh được. Phật pháp cho rằng niệm Quán Âm là tốt nhất, bởi vậy, kinh dạy: “Nhược vị đại thủy sở phiêu, xưng kỳ danh hiệu, tức đắc thiển xứ” (Nếu bị nước lớn cuốn trôi, xưng danh hiệu Ngài, liền được chỗ cạn)”. Lúc một cá nhân bị nước lớn cuốn trôi, sanh mạng rất nguy hiểm, trong lúc khẩn yếu đó, nếu có thể nhất tâm xưng niệm thánh hiệu Bồ Tát, ngay lập tức sẽ từ chỗ rất sâu đến được chỗ rất cạn, sanh mạng được thoát hiểm! Bởi thế, lúc bị nước lớn cuốn trôi, tối khẩn yếu là đừng quên Đại Từ Đại Bi Quán Âm Bồ Tát!

Trước hết, tôi nêu lên sự cảm thông về mặt sự tướng để thuyết minh chuyện thoát khỏi thủy nạn. Theo sách Pháp Hoa Cảm Thông, vào đời Đường ở Trung Quốc, có chàng Sầm Cảnh Nhân, từ nhỏ đã niệm phẩm Phổ Môn. Có lần, do có việc phải ngồi thuyền qua Tô Châu. Thuyền đi chưa được bao lâu, chợt chao nghiêng, mọi người rớt hết xuống nước. Sầm Cảnh Nhân đang ở dưới nước, nghe có người nói: “Bình thời niệm phẩm Phổ Môn, bây giờ nhất định được thoát thủy nạn!” Nghe âm thanh như vậy ba lần tất cả, sau đó, tự nổi trên mặt nước, trôi tấp vào bờ, thật sự thoát khỏi thủy nạn.

Những chuyện giống như vậy ở Trung Quốc thấy rất nhiều, chúng ta chẳng thể không tin! Thủy tai có thể phát sanh bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, trong tâm lý chúng ta phải nên chuẩn bị như thế, lại nên có tín niệm như thế, lỡ ra gặp phải thủy tai, ngàn vạn phần nhớ kỹ thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát.

Kế tiếp, giảng về mặt đạo lý: Đại thủy cũng chẳng phải là đại thủy sóng vỗ ngất trời bên ngoài, mà là nước ái dục trong tâm chúng ta. Nhân loại chúng sanh rất nhiều kẻ chìm đắm trong nước ái dục, táng thân, mất mạng. Nhà Phật nói:

Ái hà thiên xích lãng,
Khổ hải vạn trùng ba,

(Sông ái ngàn thước sóng,
Biển khổ sóng muôn trùng)

Đủ biết là sức nước ái dục lớn lao. Thử xem hiện tại bao nhiêu thanh niên nam nữ trái nghịch cha mẹ và những người thân thuộc ngụp lặn trong vũng xoáy sông Ái, chẳng đạt mục đích chẳng thôi, thậm chí tự sát cả đôi! Bởi vậy, phải biết đại thủy chính là nước tham ái. Nếu chúng sanh đắm chìm trong nước ái dục, thì Phật dạy chúng ta chỉ có biện pháp cứu vãn là đề khởi chánh niệm, nhất tâm xưng niệm thánh hiệu Quán Âm, để cầu khải phát trí huệ, sau đấy mới dùng lửa trí huệ đốt tiêu nước ái dục, mới hòng cứu vãn, bất tất phải hy sinh! Bởi vậy, người tu học Phật pháp phải thường niệm Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ tuyệt đối hữu ích cho chúng ta.

Phật pháp coi ái dục là căn bản của sanh tử. Sở dĩ chúng sanh chẳng thể thoát khỏi vòng sanh tử, gốc bệnh là do ái dục. Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói: “Nhân hoài ái dục, bất kiến đạo giả, thí như trừng thủy, trí thủ nhiễu chi, chúng nhân cộng lâm, vô hữu đổ kỳ ảnh giả. Nhân dĩ ái dục giao thác, tâm trung trược hưng, cố bất kiến đạo. Nhữ đẳng Sa-môn, đương xả ái dục, ái dục cấu tận, đạo khả kiến hỹ” (Người ôm lòng ái dục chẳng thấy đạo thì ví như lấy tay khuấy nước lặng, mọi người cùng đến, không ai thấy được hình ảnh. Con người do ái dục xen tạp, những thứ nhơ bẩn trong tâm nổi lên, nên chẳng thấy đạo. Hàng sa-môn các ông nên bỏ ái dục, cấu nhơ ái dục hết rồi mới thấy được đạo vậy). Người đời bị ái dục mê hoặc, bởi vậy cả một đời chẳng thấy chân lý, chẳng có cách nào giải thoát sanh tử! Như một chậu nước thanh tịnh, vốn có thể soi được mặt, do bị người ta dùng tay khuấy động, tạo thành nhiều gợn lăn tăn, bởi vậy bất cứ ai đến soi bóng đều chẳng thể thấy được dung mạo của chính mình.

Một niệm tâm của con người bị ái dục làm mê, suốt ngày vọng tưởng tơi bời, làm sao thấy được chân lý? Do bởi như vậy, chẳng những hàng sa-môn xuất gia mà ngay cả mỗi một người học Phật đều phải nên cắt bỏ ái dục, cắt ngang dòng ái dục, thì bổn tâm sẽ khôi phục thanh tịnh, sẽ thấy chân lý được giải thoát!
 
Trích từ: Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Lược Giảng, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành Tải Về
2 Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
5 Vãng Sanh Tịnh Ðộ Luận Giảng Ký, Hòa Thượng Thích Nhất Chân Tải Về
6 A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
9 Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
10 Phật Giáo Và Cuộc Sống, Thượng Tọa Thích Hạnh Bình Tải Về

Dùng Sáu Căn Niệm Quán Âm
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa