Home > Khai Thị Phật Học
Người Sống Trong Thế Gian Hãy Nên Ai Nấy Trọn Hết Bổn Phận
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


Thư gởi Mã Sĩ Hoằng
 
Người sống trong thế gian, hãy nên ai nấy trọn hết bổn phận. Bổn phận chính là “cha từ, con hiếu, anh nhường, em kính, vợ chồng hòa thuận, chủ nhân từ, tôi tớ trung thành”. Mỗi người tròn hết bổn phận ấy, hoặc làm được hơn quá nửa. Phàm những gì thuộc về bổn phận của mình, ắt cần phải chăm chú tròn hết bổn phận của chính mình. Người đời chẳng nói đến đạo lý “trọn hết bổn phận”; vì vậy, thiên tai, nhân họa nối tiếp nhau dấy lên! Ai nấy đều trọn tình, trọn hết bổn phận, thiên hạ sẽ thái bình. Các bổn phận đều dễ trọn hết, chỉ có bổn phận của người làm cha mẹ nhiều người chẳng biết. Cho nên mới tạo thành hiện tượng rối loạn trong hiện tại. Nếu người làm cha mẹ, khi con cái vừa bắt đầu hiểu biết, liền dạy con đạo “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ”, và lý “nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi”, con cái chắc chắn trở thành hiền nhân, thiện nhân. Phàm những đứa hung hăng mù quáng quấy rối và kẻ ác cường đạo, thổ phỉ từ đâu mà ra vậy? Lũ mù quáng quấy rối, cường đạo, thổ phỉ, tuy là tội của chính chúng nó, nhưng thật ra là vì cha mẹ [của chúng nó] chẳng biết đạo làm cha mẹ! Do đó, đã biến tư chất “có thể thành bậc hiền thiện” [của con cái] trở thành trộm cướp! Ai mà chẳng có cha mẹ? Ai không có con cái? Chớ nên nghĩ nuông chiều con quen thói kiêu ngạo là thương con; dạy cho con đạo đức mới là lòng Từ.

Nay cõi đời đã loạn cùng cực, ông làm y sĩ, ắt quen biết nhiều. Hãy nên thường bàn chuyện “khéo dạy con cái sẽ có thể đạt tới thái bình”, ắt công đức sẽ to tát. Nếu ông thật sự có thể khéo dạy con cái, thanh danh của gia đình ông chắc chắn sẽ vang dội. Thứ nhất là cần phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, ngăn tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng hành các điều thiện. Các điều khác dễ biết, chỉ có chuyện [bổn phận của người] làm cha mẹ thì lắm kẻ chẳng biết! Vì thế, tôi nói cặn kẽ trước. Ông hãy gắng công thì mới đáng là đệ tử đức Phật.

Nay đặt pháp danh cho ông là Đức Hoằng (德弘), hàm ý mang tâm tự lợi, lợi ích người khác. Phàm chuyện gì có thể làm, bèn tận lực làm. Đối với chuyện chẳng có sức làm, hãy nên khiến cho cái thiện tâm ấy phát sanh, tăng trưởng. Chỉ phát thiện tâm, cũng có công đức. Ắt cần phải dùng thuốc men thế gian để trị thân bệnh cho người khác, dùng pháp dược của đức Phật để trị tâm bệnh của họ, và trị các bệnh do oán nghiệp mà thuốc men chẳng thể chữa trị. Gặp bệnh do oán nghiệp, hãy dạy họ đổi ác, hướng lành, kiêng giết, phóng sanh, ăn chay niệm Phật. Nghiệp lực tiêu, bệnh sẽ tự lành. Đấy là cách càng thử, càng thấy hiệu nghiệm!

Y sĩ chẳng chuyên trọng tiền tài, sẽ tự có thể tích đức. Có hạng chủng tử địa ngục chuyên nghĩ tới tiền. Bệnh nhẹ ắt khiến cho nặng hơn hòng có thể vơ vét, cầu lợi! Thầy thuốc kiểu đó, đời sau chắc chắn chẳng thể làm thân người! Hơn nữa, Tây y hễ gặp người bệnh nặng ăn chay, ắt [bác sĩ sẽ] bắt họ (bệnh nhân) ăn mặn. Tới chừng ăn mặn, bệnh nặng thêm, [bác sĩ] vẫn chẳng thay đổi phương châm. Loại người ác ấy, đời sau chắc chắn thành loài động vật thỏa thích bụng miệng của kẻ khác. Ông đã làm nghề y, hãy nên nghĩ tới điều này để vun bồi đức, há có nên do vậy mà tạo nghiệp ư? Các pháp tắc tu trì khác, mong hãy đọc tường tận trong Văn Sao hay Gia Ngôn Lục, chẳng viết cặn kẽ ở đây!

 
Trích từ: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên