Home > Khai Thị Phật Học
Sửa Lỗi Của Chính Mình Còn Không Kịp Thì Đâu Có Thời Gian Để Nhìn Lỗi Của Người Khác
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Vọng Tây, Việt Dịch


Đại sư Lục Tổ Huệ Năng trong Đàn Kinh nói rất hay: “Tôi sửa lỗi của chính mình còn không kịp thì đâu có thời gian để nhìn lỗi của người khác”. Các Ngài sở dĩ có thể tu hành chứng quả là dựa vào tâm thái này. Chúng ta đời đời kiếp kiếp, từ vô lượng kiếp đến nay cũng nghe kinh, cũng nghe pháp, cũng tu hành nhưng vẫn rơi vào tình cảnh của ngày hôm nay, hơn nữa lại ngày một xấu đi, bản thân mình thử nghĩ lại xem có đáng bị đoạ làm súc sinh không? Có đáng bị đoạ làm ngạ quỷ không? Có đáng bị đoạ địa ngục không? Bạn không cần phải hỏi người khác, chỉ cần dựa vào lương tâm để phản tỉnh kiểm điểm thì sẽ hiểu ra thôi.

Tiên sinh Liễu Phàm khuyên người phát ba loại tâm: thứ nhất là phát sỉ tâm, là tâm biết hổ thẹn. Chúng ta ngày nay vì sao không thể sửa đổi làm mới? Thật thà mà nói chính là do không biết hổ thẹn. Thế nào là không biết hổ thẹn vậy? Tôi không bằng người khác chính là hổ thẹn, người nào vậy? Là chư Phật Bồ-tát. Vô lượng kiếp trước, chúng ta cùng với các Ngài là bình đẳng, tại sao các Ngài tu hành chứng quả mà tôi hôm nay lại rơi vào bước đường này. Điều này là sự sỉ nhục lớn. Khổng Phu Tử nói với chúng ta “Tri sỉ cận hồ dũng”, chữ “dũng” có nghĩa là tinh tấn mà nhà Phật thường nói. Duy chỉ có người biết nhục mới có thể cố gắng dũng mãnh tinh tấn. Chúng ta trong đời này khoác áo cà-sa, tương lai đoạ ba đường ác, vậy thì còn nỗi nhục nào nghiêm trọng hơn điều này chứ?

Điều thứ hai là cần có úy tâm là tâm kính sợ. Thiên địa quỷ thần đích thực là có, không phải là lừa người, không phải là mê tín. Phật trong kinh đã nói cho chúng ta biết: Người ở Tây Phương Cực Lạc, thiên nhãn của người hạ hạ phẩm vãng sanh có thể nhìn thấu, thiên nhĩ có thể nghe thấu. Mọi khởi tâm động niệm, hành vi cử chỉ của chúng ta họ đều nhìn thấy rất rõ ràng minh bạch. Cho nên con người chỉ là tự lừa dối chính mình, không lừa dối được thiên địa quỷ thần.

Chúng ta khi nào mới giác ngộ? Khi nào mới quay đầu? Trong thời đại lớn này nếu có thể chăm lo chính mình thì sẽ thành tựu, không nên đi lo việc người khác. Lục Tổ Đại sư nói: “Nếu là người chân thật tu đạo, không nhìn thấy lỗi thế gian”, bạn cần phải hiểu được ý nghĩa của câu nói này. Nếu bạn thật sự không hiểu được lẽ thiện ác của người thế gian thì bạn là người ngu si, người ngu si làm sao có thể thành tựu được chứ? Không nhìn thấy lỗi thế gian có nghĩa là nhìn như không thấy, nhất định không đem lỗi của người khác để trong tâm của mình. Điều này gọi là không nhìn thấy, Ngài quả thật có trí huệ. Nếu đem lỗi của người khác để vào trong tâm của mình thì hoàn toàn sai lầm rồi, điều này chính là đem lỗi của người làm thành lỗi của chính mình. Bạn nói xem người như vậy có ngu si không chứ?

Còn một dạng người khác là sợ tội nghiệp của bản thân tạo ra vẫn còn ít, lỗi lầm chưa đủ nhiều nên đi khắp nơi dò hỏi lỗi lầm của người khác. Cổ Đại Đức nói với chúng ta: “Biết nhiều việc thì nhiều phiền não, quen nhiều người thì thị phi nhiều”. Hai câu này là lời nói chí lý, cho nên người tu hành biết càng ít việc càng tốt. Nếu việc này đối với bản thân không có quan hệ gì thì không cần biết, nếu biết sẽ tăng trưởng phiền não chấp trước của chính bạn, tăng trưởng tập khí nghiệp chướng của chính bạn, cho nên đâu cần phải làm những việc như vậy. Tôi học Phật bốn mươi tám năm, sở trường của tôi chính là biết rất ít việc, tôi không dò hỏi việc của người khác. Các bạn thường xuyên tiếp xúc với tôi hơi để ý một chút liền biết là có rất nhiều người khi gặp tôi, tôi từ trước đến nay chưa từng hỏi người đó “Họ của bạn là gì? Tên của bạn là gì?” Lại càng không hỏi “Bạn ở chỗ nào? Số điện thoại của bạn là bao nhiêu?”, tôi tuyệt đối không hỏi, chỉ có người khác tìm tôi, tôi từ trước đến nay không tìm người khác. Tôi cho rằng việc này đối với tôi không có quan hệ gì, tôi không cần thiết phải biết, tuyệt đối không dò hỏi việc của người khác. Có người đến nói với tôi chuyện đúng sai của người khác thì tôi lập tức ngăn lại, vì sao vậy? Vì tôi không muốn nghe. Vì vậy có người nói: “Pháp sư à, có người nói xấu Ngài” thì tôi lập tức nói: “Được rồi, hãy dừng lại ở đây, tôi biết rồi, không cần nói nữa.” Vì sao vậy? Là vì những người nói tôi đều là những người tôi quen biết. Tôi hy vọng giữ được ấn tượng tốt nhất như lúc ban đầu chúng tôi gặp mặt, không được phá vỡ hình ảnh đó. Trong lòng tôi mọi người đều là người thiện, cái gọi là chuyện đúng sai không vui đó là vì họ nhất thời hiểu lầm. Tôi sẽ không để việc đó ở trong tâm mình, cho nên cuộc sống của tôi rất tự tại, rất hạnh phúc, rất mỹ mãn. Hạnh phúc là do chính mình tìm lấy chứ không phải do người khác ban cho bạn.

Tâm của bạn thiện vậy tiêu chuẩn của thiện là gì? Là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Đó chính là tâm thiện. Tôi ngày ngày hạ công phu trên điều này, ngày ngày nỗ lực tinh tấn trên điều này. Những việc của chúng sanh, chúng ta tận tâm tận lực giúp họ, tôi đã làm được rất viên mãn, không thổ thẹn với lòng mình. Còn bạn nghe lời hay không là việc của bạn, bạn có hiểu hay không là việc của bạn, bạn có thể làm được hay không cũng là việc của bạn, không can hệ gì với tôi, tôi không can dự vào, chư Phật Bồ-tát đều không can dự thì tôi đâu cần nhiều chuyện. Ý niệm thiện, chính là niệm lời giáo huấn của Thánh Hiền nhân, mỗi ngày đọc kinh niệm lời giáo huấn của Thánh Hiền nhân, thực hiện những thiện tâm thiện hạnh của bạn vào trong cuộc sống, thực hiện vào trong việc xử sự đối người tiếp vật. Đó chính là hành thiện. Mỗi ngày làm ba điều thiện, thời thời có ba điều thiện thì tiền đồ của chúng ta vô cùng tươi sáng, khởi tâm động niệm, cử chỉ hành vi sẽ không phụ lòng Thích-ca Mâu-ni Phật, sẽ không phụ lòng chư Bồ-tát, không phụ lòng Tổ sư Đại đức và cũng không phụ lòng hết thảy chúng sanh. Tai nạn sẽ không đáng để sợ hãi, sanh tử sẽ không đáng sợ, xả thân thọ thân chỉ là đổi y phục mà thôi, càng đổi càng tốt, càng đổi càng trang nghiêm, tất cả đều do chính mình. Chúng ta cần biết việc này không liên quan đến bất cứ người nào.

Tiên sinh Liễu Phàm dạy chúng ta điều thứ ba là phát tâm dũng mãnh, dũng mãnh sửa lỗi, tâm hổ thẹn là tâm chân thành sám hối, tâm dũng mãnh là tâm thật sự sửa đổi. Duy chỉ có sám hối mới có thể sửa lỗi, mới thật sự chịu làm. Ông nói rất hay: Người đọc sách thế gian không thể thành Thánh thành Hiền, người học Phật không thể thành Phật thành Tổ chính là do thiếu ba cái tâm này. Cho nên khởi tâm động niệm, đối người tiếp vật vẫn là tuỳ thuận tập khí phiền não của chính mình, vẫn là lấy bản thân mình làm trung tâm của tất cả, không biết chư Phật Bồ-tát là vô ngã. Chư Phật Bồ-tát ứng hoá tại thế gian đều là hằng thuận chúng sanh, tuyệt đối không lấy chính mình làm trung tâm mà lấy hết thảy chúng sanh làm trung tâm, không phải khiến chúng sanh phải tuỳ thuận mình mà là mình tuỳ thuận chúng sanh. Trong sự hằng thuận tùy hỷ của các Ngài thành tựu công đức, thành tựu công đức gì vậy? Đó là Giới Định Huệ. Hằng thuận như lý như pháp thì thành tựu Giới học. Khi hằng thuận nếu có thể giữ gìn tâm địa của bản thân thanh tịnh, không bị ô nhiễm thì gọi là Định học. Khi gặp thuận cảnh thiện duyên không khởi tham ái, khi gặp nghịch cảnh ác duyên không khởi sân hận, trong hết thảy cảnh duyên tu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng của chính mình, đó là Định học, là thiền định. Thiền định không phải là quay mặt vào vách tường, không phải là ngồi kiết già. Đối với hết thảy Pháp thế xuất thế gian, tánh tướng, lý sự, nhân quả rõ ràng minh bạch, thông đạt vô ngại là Huệ học. Điều này gọi là “Hằng thuận chúng sanh, tuỳ hỷ công đức”.

Phương thức tu học này các vị hãy quan sát tỉ mỉ Kinh Hoa Nghiêm ở phần cuối, phẩm “Nhập pháp giới”, Thiện Tài Đồng Tử năm mươi ba tham vấn chính là thực hiện hai nguyện của “Hạnh nguyện phẩm”. Bồ-tát Đại thừa làm thế nào để tu hành thành Phật? Giới Định Huệ tam học của các Ngài chưa hề xa rời xã hội, chưa hề xa rời quần chúng, chưa hề rời xa đại chúng. Các Ngài vì sao có thể thành tựu vậy? Là do các Ngài có sỉ tâm, các Ngài biết hổ thẹn, các Ngài có tâm kính sợ, các Ngài có tâm dũng mãnh tinh tấn, cho nên các Ngài thành công. Chúng ta hôm nay đọc đến những lời giáo huấn này, hiểu rõ đạo lý này thì nhất định phải hiểu được là nhất định không được làm việc tổn hại đến bất kỳ chúng sanh nào, nhất định phải quay đầu, nhất định phải tu thiện, đoạn tất cả ác tu tất cả thiện thì mới có thể tiêu trừ cái kiếp nạn trước mắt này. Ngàn vạn lần không được cho rằng những lời tiên tri cổ xưa của trong và ngoài nước là không đáng tin. Nếu bạn nghĩ như vậy thì bạn sai rồi. Chúng ta không xem lời tiên tri mà xem lòng người, xem việc làm, thiện nhân nhất định cảm thiện quả, ác nhân nhất định cảm ác báo. Đây là chân lý, vĩnh viễn không thay đổi. Trong nghiệp báo có cộng nghiệp và biệt nghiệp, chúng ta cần chăm sóc tốt cho chính mình, cần chăm chỉ tu học tốt thì trong cộng nghiệp sẽ có biệt nghiệp. Đương nhiên nếu có duyên phận để ảnh hưởng người khác, giúp đỡ người khác thì đó là tự lợi lợi tha, công đức sẽ càng thù thắng.

Trích từ: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên 086