Home > Khai Thị Niệm Phật > Phap-Mon-Niem-Phat-La-Thu-Thang-Nhat
Pháp Môn Niệm Phật Là Thù Thắng Nhất
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Như Lai là tên chung của chư Phật, mỗi một vị Phật đều có mười hiệu, đầy đủ mười hiệu thì mới gọi là Phật. Danh hiệu thứ nhất là Như Lai. “Như” là ý nghĩa gì vậy? Như là chân như. Chân như chính là chân tâm, chính là bản tánh, có ai mà không có? Tất cả chúng sanh mỗi mỗi đều đầy đủ. Tuy có nhưng hiện tại bị mê rồi, mê mất chứ không phải thật đã mất đi. Vậy muốn hỏi bạn, chân như của bạn có khởi tác dụng hay không? Khởi tác dụng. Tuy khởi tác dụng nhưng bạn chính mình không hề biết. Lúc nào thì khởi tác dụng? Khi khởi tâm động niệm. Niệm thứ nhất là chân tâm, niệm thứ nhất là như như, niệm thứ nhất là Phật tri Phật kiến. Tâm bệnh của phàm phu ở chỗ nào vậy? Không thể giữ được niệm đầu tiên. Nếu như có thể giữ được niệm đầu tiên thì con người này liền thành Phật, thì gọi là Phật, là Như Lai. Phàm phu thì niệm thứ nhất rất ngắn, chỉ một sát na, niệm thứ hai liền rơi vào trong ý thức. Niệm thứ hai là gì vậy? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều khởi lên, vậy thì liền biến thành phàm phu.

Thí dụ bạn mở mắt nhìn thấy tất cả đại chúng, bạn vẫn chưa có phân biệt, vẫn chưa có chấp trước, vẫn chưa khởi vọng tưởng, tâm địa bạn rất thanh tịnh, thấy được rất rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, là Phật tri Phật kiến. Đó là kiến tánh, kiến sắc tánh. Thế nhưng niệm thứ hai thì phiền phức rồi, đây là Trương Tam kia là Lý Tứ, con người này là người tốt, người kia là người xấu thì phiền phức lớn rồi, hoàn toàn rơi vào trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bỗng chốc liền rơi xuống thành phàm phu. Đến lúc nào bạn có thể giữ cho niệm đầu tiên này không thay đổi thì bạn liền thành công. Trong nhà Phật nói rất nhiều phương pháp, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, nói ra hết chỉ là một sự việc, đó là làm thế nào giữ được niệm đầu tiên này không thay đổi. Chỗ này gọi là nhất niệm, Tịnh Độ tông chúng ta gọi là nhất tâm. Ý niệm mới vừa khởi, hai tâm ba tâm liền biến thành nhiều tâm. Hai tâm, ba tâm, nhiều tâm là phàm phu. Vọng tưởng càng nhiều càng đáng lo, càng nhiều càng hướng xuống đọa lạc.

Trong tất cả pháp môn, pháp môn niệm Phật là thù thắng nhất, một ngày từ sớm đến tối không có ý niệm nào khác, khởi tâm động niệm đều là A Di Đà Phật. Tôi dạy mọi người câu Phật hiệu này làm thế nào để niệm được có lực? Xem tất cả mọi người đều là A Di Đà Phật thì niệm Phật của bạn mới có thể niệm được tốt, công phu mới có lực. Không cần phải thấy đây là Trương Tam, kia là Lý Tứ, vậy thì phiền. Đây là A Di Đà Phật, kia là A Di Đà Phật, thảy đều là A Di Đà Phật, bạn xem, bạn vĩnh viễn là A Di Đà Phật, bạn liền thành Phật rồi. Không chỉ tất cả mọi người là A Di Đà Phật, tất cả mọi vật cũng là A Di Đà Phật, tất cả mọi việc cũng là A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật thì không có bất cứ thứ gì, đều là A Di Đà Phật biến hóa ra hết. Bạn xem, thế giới Tây Phương Cực Lạc bảo thọ thành hàng, các chim nói pháp. Bảo thọ, các chim đều là A Di Đà Phật biến hoá ra. Thế giới Tây Phương như vậy, thế giới trước mắt này của chúng ta không là như vậy hay sao? Cũng là như vậy, chỉ là bạn chính mình không chịu thừa nhận, bạn nhất định phải vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vậy thì còn cách nào đâu? Cho nên làm thế nào chuyển đổi được cảnh giới, then chốt chính ngay chỗ này.

Chữ “Lai”, “Như Lai”, người xưa giải thích là “thừa như thị đạo nhi lai” liền gọi là Như Lai. Cái gì là thừa như thị đạo nhi lai? Thực tế mà nói, tương ưng với như mà đến. Đến để làm cái gì? Đến hiện thân, nói pháp. Đây là nói với chúng ta ứng thân Phật, báo thân Phật. Như Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa xuất hiện ở thế gian, Ngài là người tái lai, Ngài không phải là phàm phu, đáng dùng thân gì để độ thì Ngài liền hiện ra thân đó để độ, Ngài liền thị hiện tám tướng thành đạo, con người này là thừa như thị đạo mà đến ứng hoá, là Như Lai. Chúng ta thì đến như thế nào? Chúng ta là do nghiệp báo mà đến. Chúng ta tạo tác thiện nghiệp ác nghiệp, chúng ta là thừa nghiệp báo mà đến, cho nên không tự tại. Như Lai tự tại, do nghiệp đến thì không tự tại. Hai chữ này có rất nhiều cách nói, chỉ riêng giảng hai chữ này mười ngày cũng giảng không hết, nhưng chúng ta không cần phải phiền phức như vậy, hiểu được chút ý nghĩa của nó thì được rồi.

Trên kinh Kim Cang còn có một giải thích rất hay. Phật nói: “Như Lai giả, chư pháp như nghĩa”. Chỗ này giảng rất hay, cách nói này là nghĩa rộng, đối với người tu học chúng ta có sự giúp đỡ rất lớn. Như vừa rồi tôi dạy các vị niệm Phật ở niệm Phật đường, xem thấy tất cả mọi người, tất cả mọi việc, tất cả mọi vật đều là A Di Đà Phật, đây chính là chư pháp như nghĩa. Chúng ta thực hiện câu kinh văn này của kinh Kim Cang, tất cả mọi người, tất cả mọi việc, tất cả mọi vật, không chỉ ở đạo tràng của chúng ta mà cả bên ngoài đạo tràng của chúng ta, cả thảy thế giới, tất cả chúng sanh, tất cả nhân sự, tất cả vạn vật đều là như vậy, đó là chư pháp thật nghĩa. Vì sao vậy? Tất cả pháp đều là tự tánh biến hiện. Tự tánh là chân như, chân như biến hiện mọi vật, cho nên nó từ chân như mà đến. Ý nghĩa này nếu như các vị nghe rồi vẫn không thể tường tận, chúng ta dùng thí dụ mà nói. Chúng ta dùng vàng ròng thí dụ cho chân như, chúng ta dùng đống vàng ròng tạo thành một tượng của Bồ Tát Địa Tạng, tượng Bồ Tát Địa Tạng này bằng vàng, cái tượng này là dùng vàng để tạo ra. Vàng thí dụ cho chân như, vị Bồ Tát này là từ như mà có, ý nghĩa là như vậy. Cho nên trên kinh Hoa Nghiêm, Phật nói với chúng ta là vạn sự vạn pháp giữa vũ trụ này là duy tâm sở hiện. Cái tâm đó chính là chân như, chính là chỉ chân như hiện ra. Cũng giống như khi nói vạn sự vạn pháp đều từ vàng ròng mà tạo thành, lấy vàng làm món đồ thì mỗi món đồ đều là vàng. Mười pháp giới Y Chánh Trang Nghiêm đều là từ nơi như mà có, cho nên Phật mới nói “chư pháp như nghĩa”, câu nói này giảng mới được chân thật viên mãn, chân thật là nói đến chỗ cùng tột. Cho nên trong kinh Phật mới nói, khi chúng sanh thành Phật thì sẽ xem thấy chúng sanh đại địa đều là Phật chính là ý nghĩa này. Đến hôm nào bạn xem thấy tất cả chúng sanh đều là Phật A Di Đà thì chúc mừng bạn, bạn thành A Di Đà Phật rồi. Niệm Phật đường này của chúng ta khác với các niệm Phật đường khác chính ngay chỗ này, mỗi người ngoài chính mình ra thì thấy người khác đều là chư Phật Như Lai.

Khi nói đến ba thân của Phật, pháp thân vô khứ vô lai. Pháp thân là Tỳ Lô Giá Na mà trên kinh Hoa Nghiêm đã nói. Tỳ Lô Giá Na Phật là tiếng Phạn, ý nghĩa là khắp tất cả mọi nơi. Tận hư không khắp pháp giới là pháp thân, cho nên bạn phải nên biết, trong Phật pháp thường nói mười phương ba đời tất cả chư Phật cùng đồng một pháp thân. Pháp thân chính là chân như, không có đến đi, chỉ có thị hiện, nơi nào có cảm thì nơi đó liền có ứng. Việc thị hiện này thật không dễ hiểu. Hiện tại chúng ta dùng khoa học kỹ thuật để thí dụ thì sẽ dễ hiểu hơn nhiều. Thí dụ như máy truyền hình, hiện tại mọi người đều rất quen thuộc, những sắc tướng của toàn thế giới, bạn mở một kênh đài nào thì sắc tướng đó lập tức xuất hiện. Thử hỏi cái tướng đó có phải từ bên đó truyền đến hay không? Không hề có, không luận ở bất cứ nơi nào, khi vừa mở đúng kênh đài thì hình ảnh liền lập tức hiện ra, không có đến cũng không có đi. Không muốn xem nữa, tắt máy đi thì sẽ không còn, không đến, cũng không đi. Chư Phật Bồ Tát ứng hoá ở thế gian này của chúng ta nói pháp cũng là không đến, không đi. Chúng ta chính mình hiện tại có đến hay không? Xin nói với các vị cũng là không có đến, đi. Bạn chính mình cho rằng có đến, có đi thì sai rồi, đó là cách nghĩ, cách nhìn sai lầm của bạn. Hiện tại bạn ngồi ở nơi đây, ngay lúc này hiện thân. Bạn rời khỏi cái bước đó, bạn ở ngay một bước này hiện thân. Bước này diệt rồi thì bước kia hiện, chẳng phải đã nghe trên kinh Kim Cang đã nói là “như lộ diệc như điện” sao? Như lộ như điện là thí dụ cái gì? Thí dụ thời gian của hiện tượng này tồn tại rất là ngắn ngủi, ngắn đến không cách gì quan sát được, cho nên gọi là không sanh không diệt. Không sanh không diệt là cái ý gì vậy? Nếu như nó thật không có sanh diệt mà nói không sanh không diệt thì đó là lời thừa. Có sanh diệt mà gọi nó là không sanh không diệt vì thời gian của sanh diệt quá ngắn ngủi, nói sanh thì nó đã diệt, nói diệt thì nó lại sanh, đúng như trên kinh Kim Cang đã nói là “như lộ diệc như điện”, đó mới là chân tướng sự thật. Chư Phật Như Lai ứng hóa ở thế gian, chúng ta lại chẳng phải là ứng hóa ở thế gian hay sao? Vì sao không như nhau vậy? Họ tương ưng với chân như, chúng ta tương ưng với phiền não, kém là kém ngay chỗ này. Thế nhưng phiền não vẫn nương vào chân như, không có chân như thì làm gì có phiền não? Mê mất chân như thì khởi phiền não, không hề lìa khỏi chân như. Nhất định phải hiểu được những chân tướng sự thật này.

Người xưa nói “vô lai vô khứ” đó là pháp thân. “Đệ nhất nghĩa đế” gọi là Như, “chánh giác” gọi là Lai, đây gọi là báo thân. “Thừa chân như thật tướng chi đạo như thị nhi lai”, đây gọi là ứng thân. Nói được cũng không tệ, có thể nói được thông, thế nhưng không thể chấp trước, vừa chấp trước thì sai rồi. Cho nên đọc kinh nghe pháp đích thực là phải lìa tướng, “tức tướng lìa tướng”, “ly tức đồng thời” thì chúng ta mới có chỗ vào, mới có chỗ ngộ. Chỉ sợ chấp trước, vừa chấp trước thì chết ngay trong đó, thật không bằng chân như hoạt bát. Chân như biến hiện tất cả pháp mà cũng là hoạt bát linh động.

“Pháp thân” là chân như lý thể. Hiện tại trong triết học đã nói bản thể của vũ trụ vạn hữu. Bản thể trong nhà Phật gọi chính là chân như, chính là tự tánh chân tâm, nó có thể biến, có thể sanh. Mười pháp giới Y Chánh Trang Nghiêm là sở sanh sở biến.

“Báo thân” là cái gì? Báo thân là tự thọ dụng của thị hiện, thị hiện cái thân này, tự thọ dụng đều là báo thân. Báo thân của Phật là báo thân của trí tuệ, báo thân của phàm phu là báo thân của phiền não, bạn thọ báo mà đến.

“Ứng thân” là tha thọ dụng. Phật có ứng thân lợi ích tất cả chúng sanh. Cái thân này của chúng ta nếu là vì xã hội phục vụ, vì nhân dân phục vụ, vì đại chúng phục vụ, thì cái thân này là ứng thân. Mỗi ngày ởđạo tràng của chúng ta làm nghĩa công là ứng thân, vì đại chúng phục vụ. Chính mình thọ dụng, cảm thọ của chính mình, đó gọi là báo thân. Cách nói này của tôi các vị dễ dàng thể hội.

Phật có ba thân, phàm phu chúng ta cũng có ba thân. Ba thân của Phật tương ưng với chân như, thân này của chúng ta không tương ưng với chân như. Không tương ưng là vì chúng ta mê mất đi tự tánh. Chúng ta có pháp thân, nguyên bổn cùng chân như là tương ưng, chỉ là một sự việc, hoàn toàn biến thành vô tri, lỗi lầm chính ngay chỗ này. Cho nên, Phật rất từ bi giúp chúng ta hồi phục. Cách hồi phục thế nào vậy? Trừ bỏ đi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì liền hồi phục.

Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là bạn chính mình khởi lên, người khác không cách gì giúp bạn trừ bỏ, nên có câu là “giải kềm hoàn yếu hệ kềm nhân”. Do chính bạn khởi lên thì bạn chính mình trừ bỏ nó, không có người nào có thể giúp đỡ được, chư Phật Bồ Tát từ bi chỉ là đem cái chân tướng này nói cho chúng ta nghe rõ ràng tường tận. Chúng ta rõ ràng tường tận, biết được nguyên nhân chúng ta bị hại là do cái này, trừ bỏ thì tốt rồi. Có rất nhiều người nói: “Rất khó! Trừ không hết được”. Làm gì mà trừ không được, bạn không chịu trừ thì còn cách nào chứ? Tại vì sao không chịu trừ chứ? Tham luyến cái sắc thân, tham luyến thọ dụng trước mắt, không hề lìa khỏi tham-sân-si, cho nên bạn sống ở ngay trong phiền não, không phải bạn sống ở ngay trong chân như. Chư Phật Bồ Tát không như chúng ta, các Ngài sống ở ngay trong chân như, cho nên các Ngài được đại tự tại. Loại đời sống trí tuệ cứu cánh viên mãn đó là Phật, Phật là đời sống trí tuệ cứu cánh viên mãn. Bồ Tát là đời sống đại trí tuệ nhưng chưa viên mãn. Phàm phu là đời sống vô lượng vô biên tham-sân-si-mạn. Cái này quyết định chuyển biến đều ở chính mình, không ở người khác, cho nên chính mình muốn thành Như Lai thì lắc mình một cái liền biến thành Như Lai. Tại vì sao không vứt bỏ đi phiền não tập khí? Cái điểm này rất quan trọng, vứt bỏ đi phiền não tập khí thì chính là vứt bỏ đi sáu cõi luân hồi, chính là vứt bỏ đi vô lượng kiếp sanh tử, thì bạn liền bất sanh bất tử. Sanh tử là giả, không phải là thật, then chốt chính ngay ở một niệm mê ngộ. Ngày nay bạn không thể vứt bỏ được, bạn vẫn đang mê, bạn không giác ngộ.

Niệm Phật đường là huấn luyện bạn được định, giảng đường giúp cho bạn khai trí tuệ, cái đạo tràng này định huệ đều học. Nếu như không nghe kinh, chỉ dựa vào niệm Phật thành tựu, ngày trước lão sư Lý đã làm một thí dụ, chỉ dựa vào niệm Phật, dựa vào tu định thành tựu thì gần như là cần phải mười năm bạn mới có thể thành tựu, mới có thể minh tâm kiến tánh; nếu như bạn vừa niệm Phật lại có thể nghe kinh, có thể nghiên giáo thì liền có thể rút ngắn được thời gian, ba năm, năm năm thì bạn liền khai ngộ. Đây chính là nói lợi ích của định huệ đều học, công đức của định huệ đều học. Bởi vì bạn ở niệm Phật đường niệm Phật, dùng Phật hiệu đè tham-sân-si-mạn xuống như dùng đá cuội đè cỏ, liều mạng mà đè, đè đến mức bão hòa, khi đè không xuống nữa thì xong, liền bạo phát lên. Thế nhưng bạn nghe kinh nghe pháp, cái trí tuệ này là gì? Bạn một mặt dùng định đè xuống, một mặt dùng trí tuệ hóa giải nó, đem nó hóa giải hết thì không còn nữa. Phương pháp này tốt. Cho nên người chân thật biết dụng công, nhất định là định huệ đều học, hiệu quả rất là thù thắng.

Chúng ta xem thấy đức hiệu của Phật, đức hiệu thực tế mà nói chính là đức hiệu của tự tánh. Xem thấy hai chữ Như Lai này, chúng ta làm thế nào thực tiễn,làm thế nào để học tập? Nghĩ đến ta ngay một đời này không phải đến cái nhân gian này hay sao? Làm thế nào tương ưng với như thì chúng ta gọi là Như Lai, nếu không tương ưng với Như thì không phải Như Lai. Như là cái gì vậy? Như là chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Chân tướng là cái gì vậy? Trên kinh Bát Nhã nói rất hay, có thể nói sáu trăm quyển Đại Bát Nhã mà Thế Tôn đã nói 22 năm, quy nạp lại thành hai câu nói là“bất khả đắc, vô sở hữu”. Hai câu nói này ở trong kinh Bát Nhã lặp lại hơn mấy trăm lần. Đây là nói thật với bạn. Tại vì sao “vô sở hữu, bất khả đắc”? Vô sở hữu là giảng hiện tướng, bất khả đắc là giảng thọ dụng. Trên kinh Kim Cang nói với bạn “mộng huyễn bào ảnh, như lộ như điện”, chỗ này chẳng phải đã nói rõ “bất khả đắc, vô sở hữu” hay sao? Không thể được mà bạn muốn được, không thể có mà bạn cho là có thì bạn hoàn toàn tương phản với Như, bạn không Như, mà bạn Lai, bạn không Như Lai. Nếu như hiểu rõ cái đạo lý này thì đối với người, với việc, với vật chân thật hiểu được tùy duyên. Thông thường giảng hai chữ tùy duyên này ai hiểu được? Ý nghĩa hai chữ tùy duyên này quá sâu, quá rộng, chân thật hiểu rõ “bất khả đắc, vô sở hữu” mới biết tùy duyên. Những người nào tùy duyên? Chư Phật Như Lai ứng hoá ở thế gian này là tùy duyên, phàm phu chúng ta làm gì có thể làm đến được? Phàm phu là tùy thuận phiền não, không phải tùy duyên. Chư Phật Như Lai tùy duyên là tùy thuận chân như thì làm sao như nhau được?
 
Trích từ: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
4.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
5.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
10.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
12.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
14.    Tịnh Từ Yếu Nghĩa, Thiền Sư Thích Nguyên Hiền | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
15.    Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Chú Giải Giảng Nghĩa, Dân Quốc Tịnh Luật Tự sa-môn Tánh Phạm | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch