Câu hỏi: Con nghe Ngài nói, cho dù có thiện căn, nhưng duyên làm chủ tể cả đời của mình, duyên phận còn quan trọng hơn thiện căn, người vãng sanh về thế giới Tây Phương ở ba bậc chín phẩm luôn là gặp duyên không đồng. Phải làm thế nào mới có thể khiến chính mình ở trong đời này gặp được duyên thù thắng, đảm bảo gặp được vị thầy tốt, thiện tri thức tốt, gặp được hoàn cảnh tu học tốt?
Điều này rất khó. Người xưa thường nói, Thầy tốt rất khó gặp được, những vị thầy tốt đó muốn tìm học trò tốt cũng không dễ, gần như còn khó hơn việc học trò đi tìm Thầy. Đây chính là duyên, không thể gặp, không thể cầu. Cho nên nói là gặp duyên chứ không nói là cầu duyên. Không cầu được! Có thể gặp không thể cầu, vậy có thể gặp được, gặp được là nhân duyên từ đời trước, tuyệt đối không phải là đời này. Cho nên thiện căn phước đức nhân duyên này đều là đã trồng từ trong đời quá khứ, nhưng nếu đời này có thiện duyên thì bạn tương đối dễ cảm ứng, có thể cảm ứng được. Duyên này là gì? Ưa thiện mến đức, bạn nhất định sẽ gặp được. Nếu đối với đạo đức, đối với thiện hạnh mà bạn không muốn đi làm, làm không nghiêm túc thì bạn sẽ không dễ gì gặp được, gặp được thì bạn cũng sẽ bỏ lỡ cơ hội. Bạn hãy nghĩ xem đời này có bao nhiêu học trò đã gặp được Chương Gia Đại Sư, có bao nhiêu là tín đồ? Không tính nổi! Lão sư Lý có bao nhiêu học trò? Những người khác thì chúng tôi không tính, chỉ tính riêng những Liên hữu ở Đài Trung, khi tôi rời khỏi thì danh sách Liên hữu có khoảng gần năm trăm ngàn người, đây đều là học trò của Lão sư Lý. Học trò của Tiên sinh Phương Đông Mỹ, cả đời thầy dạy học, có bao nhiêu học trò? Có mấy người được thành tựu? Mặc dù thảy đều gặp được, gặp được rồi vẫn là không thành tựu như vậy. Đây là nguyên nhân gì? Không hiếu học, không chịu học nghiêm túc, gặp được cũng như không gặp, học được những thứ bề ngoài, cũng chính là nói chính mình không thể thực hành. Thầy dạy điều gì mà bạn thật làm được thì bạn mới có thọ dụng; nếu bạn không làm được mà do bạn học biết rồi nói ra thì cái này không có tác dụng, không có được thọ dụng, nhất định phải thật sự làm được.
Cho nên trong cả đời của một người Thầy gặp được học trò như vậy, có thể gặp được mấy người? Hai ba người đã là tốt lắm rồi! Gặp được một người thì rất hiếm có rồi, gặp được một người thì pháp của họ sẽ truyền xuống được. Một người hiếu học thật làm cũng không có, học trò nhiều đến mấy đi nữa mà không thể truyền pháp thì không có truyền thừa. Cho nên Đại đức thời xưa biết tình hình này, không truyền thì sao? Làm sách, viết sách để lại cho người đời sau, có thể người đời sau có duyên phận này, sau khi gặp được thì họ có thể y giáo phụng hành. Sách của Khổng Tử gặp được Mạnh Tử, khi Mạnh Tử ra đời thì Khổng Tử đã qua đời rất nhiều năm rồi, Ngài xem sách của Khổng Tử rồi y giáo phụng hành, học được còn tốt hơn cả học trò của Khổng Tử những năm còn tại thế, chỉ có vượt hơn chứ không thua kém. Cho nên ở Trung Quốc, Khổng Tử là Chí Thánh, Mạnh Tử là Á Thánh, mọi người đều nói là Khổng Mạnh, không nói là Khổng Nhan, không nói Khổng Tăng (Tăng là Tăng Tử). Nói Khổng Mạnh là đạo lý gì? Thật làm. Cho nên có thể thành Thánh thành Hiền được hay không, điều này không phải việc gì khác, chính mình có chịu thật làm hay không, có chịu được khổ hay không, có chịu trì giới hay không. Trì giới là thủ pháp, những nguyên lý nguyên tắc mà Thầy dạy, bạn có thể tuân thủ thì đó chính là trì giới! Có thể tuân thủ quy cũ lại có thể chịu khổ, giữ gìn thường hằng mãi không thoái chuyển thì không ai mà không thành công. Cho nên từ trên lý luận mà nói thì ai nấy đều có thể thành tựu, nhưng trên sự thật mà nói thì phải xem chính bạn có chịu thật làm hay không. Người nào thật làm thì người đó thành Thánh, thành Hiền, thành Phật, thành Bồ Tát, quyền hành này đều do chính mình nắm giữ, không phải trong tay Phật Bồ Tát, cũng không phải trong tay Lão sư. Cho nên bạn nhất định không được oán trời trách người, oán trời trách người là tội lỗi.