Chương Nhất Đạo Phật
Cư Sĩ Tịnh Mặc

“Tựa như nước của bể cả, chỉ thấm nhuần một hương vị: hương vị của muối, Đạo lý của ta cũng chỉ thấm nhuần một hương vị: hương vị của sự GIẢI THOÁT.”

LỜI PHẬT DẠY


Một nghĩa của chữ “Đạo” là đường đi.

Đạo Phật là con đường đi đến cảnh Phật, tức là con đường tinh thần dắt dẫn chúng sanh đến chỗ yên vui, trong sạch sáng suốt và thường còn của Phật.

Cảnh này còn gọi là NIẾT BÀN.

Cảnh Niết Bàn là cảnh đầy đủ hạnh phúc chân thật, hoàn toàn, vĩnh viễn. Đến đấy, con người không còn lo buồn, đau khổ, bệnh tật, già yếu và chết nữa. Khi ấy con người đã thoát khỏi đời sống tầm thường, vất vả, tối tăm và chật hẹp của thế gian.

Bởi vậy người ta nói Đạo Phật là Đạo giải thoát và cũng là đạo giác ngộ. Giác ngộ nghĩa là hiểu biết đến cùng cực, ráo rốt.

Đạo Phật dạy con người hiểu biết đến cùng cực nguyên nhân tạo ra sống, chết, nguyên nhân tạo ra đau khổ. Khi nào giác ngộ được những nguyên nhân ấy, con người sẽ tự mình tránh được nó, không tạo ra nó nữa và không còn sống trong vòng mê tối, chật hẹp của thế gian mà sống sung sướng trong cảnh Niết bàn của Phật.

Đạo Phật dạy những gì?

Giáo lý của đức Phật mênh mông bát ngát như bể cả. Nhưng ta có thể tạm phân tách ra hai phần như thế này để dễ giảng:

Một là phần Đạo lý, nghĩa là những điều mà đức Phật dạy về những sự thật trong vũ trụ, tức là những định luật chi phối vạn vật, mà vì ngu dốt, chúng sanh không tự mình nhận ngay ra được minh bạch, rõ ràng.

Hai là phần Pháp lý, nghĩa là những phương pháp tu tập mà đức Phật dạy để chúng sanh thấu hiểu Đạo lý nói trên, rồi sẽ tự mình giác ngộ và giải thoát.

Những phương pháp tu tập sẽ được đề cập đến trong chương sau. Trong chương này chúng ta học sơ qua về Đạo lý của Phật giáo.

Đức Phật giảng dạy rất nhiều Lẽ Thật (Chân lý). Mỗi Lẽ thật là một định luật chi phối tất cả mọi vật lớn, bé, hữu hình và vô hình trong vũ trụ. Đã là Lẽ thật thì ai ai cũng có thể nhận thấy được, chứ không riêng gì đức Phật. Các khoa học ngày nay, mỗi ngày một tiến, đều là đi tìm Lẽ thật và cũng đã phát minh được nhiều lẽ thật. Nhưng những lẽ thật lẻ tẻ này mới chỉ là những giai đoạn đầu tiên, chưa phải là lẽ thật ráo rốt, cùng cực, vì trí óc con người dù có thêm dụng cụ tinh xảo giúp đỡ vào, cũng vẫn còn rất tầm thường, chưa nhìn thấu hết, chưa nghe được hết, chưa nhớ được hết, chưa suy nghĩ được hết…

Đức Phật đã tu tập để làm cho trí tuệ nhỏ hẹp, hạn cuộc của con người trở thành trí huệ sáng suốt vô biên, vô tận, có thể trực giác thấy lẽ thật cùng cực, lẽ thật tuyệt đối.

Những Lẽ thật ấy, đức Phật đem giảng dạy cho người thế gian hiểu.

Nhưng ta cũng nên biết rằng cái gì đã tuyệt đối thì tức là ở trên sự đo lường, so sánh, nghĩa là ở ngoài sức diễn tả của lời nói, của chữ nghĩa, là những dụng cụ, những phương tiện nhỏ hẹp. Chữ nghĩa và lời nói chỉ có thể cho chúng ta biết một phần rất nhỏ của lẽ thật mà thôi. Muốn thấu suốt hết lẽ thật phải dùng trí tuệ sáng suốt vô biên của Phật (trí tuệ bát nhã) mà đức Phật dạy cho chúng ta phương pháp tập luyện để đạt được.

Trong những chân lý rất nhiều mà đức Phật đã giảng dạy, chúng ta có thể trích giảng ba chân lý sau đây, để giúp bạn đọc có một ý niệm, đại cương thô sơ về triết lý của đạo Phật:

Lý Nhân quả
Lý Vô thường Vô ngã
Lý Chân không.

I. Lý nhân quả

Nhân nghĩa là hạt, tức là hạt giống sinh ra một vật hữu hình, hay là sức mạnh sinh ra một vật vô hình. Quả là trái, tức là kết quả hữu hình hoặc vô hình của một hạt đã gieo trồng.

Lý nhân quả là lẽ thật mà ai ai cũng biết:

Khi gieo trồng một hạt nhân thì sẽ thu lượm được trái quả. Định luật hiển nhiên này mọi người đều nhận thấy và đều đem áp dụng trong đời sống, trong công việc làm ăn hàng ngày.

Nhưng đức Phật dạy chúng ta chú ý và suy nghĩ đến những góc cạnh, những điểm sâu xa sau đây:

1. Nhân nào quả ấy: Trong giới hữu hình, vật chất hay trong giới vô hình, tinh thần đều như vậy cả, không sai, không khác.

Gieo hạt dưa tất sau này sẽ hái được quả dưa, chớ không hái được quả xoài.

Gieo hạt cam tất sau này sẽ hái được những trái cam, chứ không thế hái được trái mít.

Gieo việc làm tốt sau này sẽ thu được kết quả tốt. Như siêng năng học sẽ giỏi giang và thi đậu. Siêng năng làm công việc buôn bán, canh nông, kỹ thuật…sẽ thu được hoa lợi và tiền bạc.

Gieo việc xấu sẽ thu được kết quả xấu. Lười biếng sẽ dốt nát, nghèo hèn; ăn trộm sẽ phải tù tội.

Quả và nhân bao giờ cũng cùng một giống, cùng một loài.

2. Trong nhân đã có quả sẵn, chỉ chờ cơ hội thuận tiện là quả phát sinh và lớn lên. Trong quả cũng có nhân nằm sẵn, chỉ chờ dịp tốt là nhân này mọc lên để sinh ra quả.

Vòng nhân – quả, quả nhân cứ liên tiếp, quay tròn như thế mãi, nếu ta không diệt hết được quả và phá trừ được nhân để cắt đứt vòng tròn ấy.

3. Nhân không thể tự mình sinh ra qủa, nếu không có sự giúp đỡ của nhiều nhân khác trợ sức thêm vào. Những nhân giúp đỡ, trợ lực này gọi là duyên.

Thí dụ như một hạt dưa (nhân), cần phải có sự giúp của đất, hơi ẩm, ánh sáng mặt trời, phân bón (duyên) mới có thể mọc thành cây và sinh ra quả được.

Vậy duyên tức là những sức mạnh, những cơ hội thuận tiện giúp cho nhân sinh sôi, nảy nở.

Nhân nào cũng có đủ cả hai tính cách nhân và duyên, vì nó là nhân để sinh ra quả của nó và đồng thời cũng là duyên để giúp đỡ các nhân khác sinh ra những giống quả khác.

Thí dụ như ánh sáng mặt trời là nhân sinh ra hơi nóng, nhưng đồng thời cũng là duyên giúp cho hạt cây mọc, cho hoa lá có màu sắc, cho mắt trông thấy cảnh vật …

Trong vũ trụ, mọi sự mọi vật đều chằng chịt, dính líu với nhau vì luật nhân duyên này. Không một vật nào, một sự gì sinh ra và tăng trưởng mà không cần đến giúp đỡ của nhiều vật, nhiều sự khác.

4. Nhân hữu hình có thể sinh ra quả vô hình và nhân vô hình có thể sinh ra quả hữu hình

Giới hữu hình và giới vô hình không có gì ngăn ngại cả. Hai giới liên can mật thiết với nhau, tiếp tục, qua lại với nhau và cũng chịu những luật chi phối như nhau.

Thí dụ: nước hữu hình, khi duyên với sức nóng, biến thành hơi ẩm vô hình tản mác trong không khí. Khi gặp sức lạnh, hơi ẩm vô hình lại biến thành máy hữu hình.

Xác thân hữu hình và tâm linh vô hình của con người cũng liên can và tiếp tục nhau như thế.

Thí dụ: ý nghĩ oán giận (nhân vô hình) tạo ra ý nghĩ trả thù (quả vô hình). Quả vô hình này làm nhân sinh ra hành động đánh người hoặc đập phá đồ đặc, giết hại súc vật (quả hữu hình). Quả hữu hình này sẽ làm nhân cho những hình phạt: tù tội, xiềng xích (quả hữu hình). Tù tội xiềng xích hữu hình lại làm nhân cho những quả vô hình là buồn phiền đau khổ. Và buồn phiền đau khổ vô hình lại sinh ra những quả hữu hình là thân gầy còm, ốm yếu hoặc chết.

Như thế nhân – quả, quả nhân trong hai giới hữu hình và vô hình, trong hai phần xác thịt và tâm linh đều duyên với nhau và sinh lẫn nhau, chẳng khác gì chỉ có một giới một khối duy nhất mà thôi.

5. Có nhân sinh quả ngay trong đời này (hiện báo), có nhân sinh quả trong đời sau (sinh báo), và cũng có nhân sinh quả cách sau nhiều đời (hậu báo).

Tùy từng loại và cũng tùy theo những duyên, hoặc cản trở, hoặc giúp đỡ thêm vào. Mà những hạt giống đem gieo trồng sẽ mọc cây và sinh ra quả mau hay chậm. Điều này ai ai cũng nhận thấy cả.

Nhưng đức Phật dạy cho ta hiểu biết thêm những quả chẳng phải hạn cuộc, bó buộc sinh ra trong đời hiện tại mà thôi (hiện báo). Có những quả sanh ra trong đời sau (sanh báo) và có những quả cách nhiều đời sau mới phát sanh.

Điều này không có gì là lạ, nếu chúng ta mở trí óc thật rộng mà suy nghĩ, như đức Phật đã dạy ta.

Đối với óc thiển cận, hẹp hòi của thế gian thì có năm, tháng, ngày, giờ, đời này, kiếp nọ. Nhưng tất cả những thứ phân chia ấy chỉ là những mốc mà con người đặt ra, tưởng tượng ra, để chia chẻ và ghi dấu một cái gì dài vô tận, không đầu không đuôi, không hình không tướng, là thời gian mà thôi.

Một năm của con muỗi chẳng phải là một năm của con bướm, một năm đối với con bướm chẳng phải là một năm đối với con người, và một năm của con người chẳng phải một năm của con voi…

Thời gian là con đường bằng phẳng, không tự nó chia ra từng đoạn là đời, kiếp, năm, tháng của mỗi loài, mỗi vật.

Bởi vậy một nhân gieo trồng, tức là một sức mạnh tạo tác, khi nào đủ duyên, đủ cơ hội thuận tiện, thì sinh quả, quả đủ duyên thì chín, chớ nhân, quả không hề biết đến những mốc của con người, hoặc của những vật khác.

Nói một cách khác, đối với nhân và quả, không có năm, tháng, ngày, giờ, đời và kiếp, mà chỉ có một dòng thời gian duy nhất, bình đẳng cho tất cả muôn loài, muôn vật, không có chia chẻ ra từng đoạn dài, ngắn.

Vì thế mà những cái chết liên tiếp của con người (hay của vạn vật) không ảnh hưởng gì đến những nhân đã gieo trồng. Những nhân này vẫn cứ đeo đuổi cái sức sống của nó trên đường thời gian vô tận, để khi nào đến lúc, gặp thời, sẽ sinh ra quả.

Một thí dụ cụ thể sẽ giúp chúng ta dễ hiểu:

Các báo Âu, Mỹ đã cho biết người ta mới đào thấy ở một nước bên Âu Châu những hạt lúa mì đã gặt từ hơn 1. năm nay và ở Trung Hoa những hạt sen đã hái từ hơn 2. năm. Những hạt ấy đều bị ngâm kín trong một chất dầu hoặc mật ong. Đem gieo những hạt lúa xuống đất và những hạt sen xuống nước, các hạt ấy đều nẩy mầm, mọc cây, rồi ít lâu sau, lúa sinh hạt và sen nẩy hoa.

Việc trên đây cho chúng ta hiểu biết ba điều:

a. Dầu và mật ong là những duyên đã kìm hãm (chớ chưa diệt trừ) sức mạnh sinh hoạt của nhân là hạt lúa và hạt sen.

b. Lúa và hạt sen nói trên, khi gặp đủ những cơ hội thuận tiện (đất, nước, ánh sáng…), nghĩa là gặp những trợ duyên giúp sức, thì sinh hoa và kết quả.

c. Đời sống của những hạt lúa và hạt sen (nhân) nói trên, không liên can đến năm, tháng, ngày, giờ, kiếp này, kiếp nọ của con người và vạn vật đã trôi qua. Trong thời gian vô tận, nó chỉ chờ trợ duyên để nẩy nở mà thôi (nếu không gặp những duyên khác làm tiêu diệt, phá hoại sức sống của nó.)

6. Sự sinh hoạt của những nhân có thể cải biến, thay đổi bằng những nhân khác.

Khi đã gieo rồi, một nhân sẽ sống theo dòng sống của nó. Nhưng con người có thể gieo nhiều thứ nhân. Nhân này duyên với nhân kia, như chúng ta đã biết, để cản trở hoặc giúp đỡ sự tăng trưởng và sinh hoa kết quả.

Một hạt mít, nếu bị đem phơi khô ngoài nắng hoặc cất kỹ trong hộp thật kín sẽ không bao giờ mọc cây, nở hoa và ra trái được.

Bởi vậy, người ta có thể cải biến nhân này bằng những nhân khác. Người ta có thể làm tăng trưởng, kìm hãm hoặc diệt trừ hẳn đời sống của một nhân, bằng cách tạo những nhân khác, tức là tạo những duyên khác để giúp đỡ hoặc phá trừ.

7. Vì có dòng sống liên tiếp của nhân – quả nên có luân hồi.

Những nhân và quả cứ theo đuổi nhau mà sống, chết mãi trên con đường vô tận là thời gian, nên con người (và tất cả những vật nào có sức tạo ra nhân) cũng theo những nhân và quả ấy mà chết đi sống lại mãi. Dòng sống của nhân và quả kết hợp với nhau thành một dòng sống duy nhất là dòng sống của con người (hoặc của các vật) đã tạo ra nhân, quả[1].

Sự chết đi sống lại nối tiếp nhau từ kiếp này đến kiếp khác như một cái vòng bánh xe xoay tròn không bao giờ nghỉ. Bởi thế nên gọi là Luân hồi (Luân = bánh xe, xoay tròn; hồi = trở lại).

Theo đức Phật dạy, con người (và tất cả những vật có khả năng tạo ra nhân, duyên), tuy những hành động đã làm xấu hay tốt, lành hay dữ (ác nghiệp, thiện nghiệp), mà khi chết đi sẽ luân hồi trong sáu cõi khác nhau.

Sáu cõi hay sáu đường (lục đạo) ấy là: 1. Cõi Trời (Thiên), 2. Cõi Người (Nhân), 3. Cõi A Tu La (một loại thần nóng nảy, dữ tợn), 4. Cõi Súc vật (súc sanh), 5. Cõi quỷ đói (ngạ quỷ), 6. Cõi Địa ngục.

II. Lý vô thường vô ngã

Vô thường nghĩa là không giữ lâu bền một hình dạng, một trạng thái nào, hay biến đổi luôn luôn.

Vô ngã là không có cái “Ta” riêng biệt, không có một tự thể, một chất cố định của mỗi vật để tạo ra cái “Ta” riêng biệt của vật ấy.

Chân lý Vô thường Vô ngã, cũng như chân lý Nhân – quả cũng là một Lẽ thật hiển nhiên trong vũ trụ mà đức Phật không phát minh ra. Nhưng đức Phật là ông Thầy sáng suốt đã đem lý ấy giảng dạy sâu sắc, để chúng sanh hiểu rõ bộ mặt của tất cả mọi sự, mọi vật.

Vạn vật đều vô thường:

Các khoa học và ngay cả mắt phàm phu chúng ta đều nhận thấy những thay đổi của vạn vật. Bất cứ vật nào cũng trải qua bốn thời kỳ: sinh ra, lớn lên, già và chết (hoặc tan rã). Từ những vật nhỏ li ti như con vi trùng đến những vật rất lớn như trái núi, trái đất, mặt trăng, mặt trời, ngôi sao, tất cả đều phải chịu định luật Vô thường.

Đã có sinh thì phải có diệt, có hình tướng thì phải có hủy hoại. Tất cả mọi vật không tránh khỏi bốn thời kỳ biến động nói trên, mà trong Phật Giáo gọi là “Sinh, Trụ, Dị, Diệt” hoặc “Thành, Trụ, Hoại, Không”.

Chúng ra thường nhận xét và tưởng tượng bốn thời kỳ ấy dài, tương đối bền lâu tùy theo mỗi vật.

Thí dụ như chúng ta vẫn nghĩ một bông hoa thường sống một vài ngày, một con vật nhỏ từ một vài tháng đến một vài chục năm, một cây cổ thụ vài trăm hoặc vài nghìn năm, một quả núi vài triệu năm, một ngôi sao vài muôn nghìn triệu năm chẳng hạn. (Thời kỳ biến đổi tương đối lâu dài ấy, trong Phật học gọi là “Nhất kỳ vô thường”).

Nhưng đức Phật, với mắt trí huệ, trông thấy vạn vật đều biến đổi liền liền.

Ngài thấy bốn thời kỳ Sinh, Trụ, Dị, Diệt dài lâu không đầy một nháy mắt. Trong Phật học gọi sự biến đổi nhanh chóng ấy là “Niệm niệm vô thường” hay “Sát na vô thường”.

(Niệm = thời gian rất ngắn, tỷ như một ý nhớ vừa thoảng qua trong trí đã biến đi ngay. Sát na = một phần chín mươi của một niệm).

Tất cả mọi vật đều chết đi, sống lại (luân hồi), sống sống, chết chết liền liền, nối tiếp nhau nhanh như một dòng nước chảy. Nước ta trông thấy chảy hiện tại ở ngay trước mắt chẳng phải là nước ta trông thấy chảy một nháy mắt trước và nước chảy trong nháy mắt sau đã không phải là nước hiện tại nữa rồi.

Ngày nay, khoa sinh lý học – tuy chưa có thể hiểu biết đến chỗ ráo rốt – cũng cho chúng ta biết rằng trong thân thể mỗi người, mỗi giây đồng hồ, có hàng nghìn triệu tế bào chết đi và hàng nghìn triệu tế bào khác sinh ra để thay thế.

Như vậy, thân ta và thân mọi vật luôn luôn đổi mới. Chúng ta không phải chỉ có một thân mà là vô số lượng thân nối tiếp nhau không xen hở, thân trước làm nhân cho thân sau là kết quả của thân trước. (Phật giáo cho biết trong thời gian một ngày 24 giờ, thân ta thay đổi, chết đi sống lại tới 6.400.099.980 lần).

Sở dĩ chúng ta chỉ trông thấy một thân cho mỗi người, mỗi vật là vì sự thay đổi quá nhanh cho sức phân biệt của con mắt phàm phu.

Cũng như chúng ta xem chiếu bóng, mỗi người mỗi cảnh trên màn bạc là do hàng triệu hình trong các cuốn phim chiếu ra. Tuy vậy chúng ta không thấy có sự thay đổi ấy mà chỉ nhìn thấy có một hình ảnh, một cảnh vật liên tiếp hoạt động mà thôi.

Chúng ta sống trong vũ trụ cũng y như thế. Cảnh vật chung quanh ta và ngay cả ta nữa là một cuốn phim vĩ đại, do vô số lượng hình ảnh nối tiếp nhau diễn ra nhanh chóng mà chúng ta không nhận ra.

Vạn vật vô ngã:

Vạn vật đã biến đổi nhanh chóng, lại không có một tự thể, một cái “Ta” chắc thật riêng cho mỗi vật nữa.

Thí dụ hãy thử xét thử cái “Ta” của con người là gì? Là xác thân hay là tâm linh (linh hồn)? Hoặc là cả hai thứ hợp lại?

Lấy xác thân (mà trong Phật học gọi là “Sắc”) làm “Ta” thì xác thân là gì?

Phật dạy: xác thân chỉ là sự tạm hợp nhất của bốn chất (tứ đại): 1. Chất cứng (Địa) như thịt xương, 2. Chất lỏng (Thủy), như máu, nước mắt, nước miếng…3. Chất nóng (Hỏa) tức là hơi ấm, 4. Chất hơi (Phong) là hơi thở…

Ta hãy suy nghĩ:

Khí trời đang ở bên ngoài thì gọi là cảnh vật, thoạt không đầy một nháy mắt, hít vào trong lỗ mũi hoặc thấm qua làn da mỏng, đã gọi là của ta. Những thán khí và các thứ hơi đang ở trong phổi hoặc trong thịt, nói rằng là của ta. Nhưng mới thoạt thở ra khỏi mũi hay mới thoát qua làn da đã là cảnh ngoài. Và nếu cây, cỏ hút lấy thần khí ấy thì gọi là của cây cỏ rồi.

Những chất lỏng, nóng và cứng trong người cũng đều như vậy cả: thoạt gọi là của ta, thoạt gọi là của cảnh, hay của vật. Vậy thật sự nó là của ai? Tại sao lại nhất định nó là của ta và gọi nó là cái “Ta”?

Vả chăng, nếu bốn chất ấy rời nhau ra, mỗi thứ trở về mỗi loại của nó trong vũ trụ, thì còn chất gì ở lại để gọi là TA nữa?

Nếu lấy tâm linh làm “TA” thì tâm linh là gì vậy? Là những tình cảm vui, buồn, giận, hờn…những ý nghĩ, tưởng tượng, ghi nhớ, những hành động, cử chỉ, phân biệt, hiểu biết …(Phật giáo phân tách những thứ ấy ra làm bốn loại gọi là: Thọ, Tưởng, Hành, Thức).

Trong bấy nhiêu món, lấy vui buồn, hay lấy giận hờn, lấy ý nghĩ, hiểu biết, hay lấy hành động làm TA? Mỗi thứ này lại thay đổi từng lúc, vậy lấy trạng thái lúc nào làm “TA”?

Hoặc giả phải tổng hợp, nghĩa là cộng bấy nhiêu thứ lại? Nhưng có hợp thì có tan; khi tan còn có thứ gì ở lại để làm “TA” nữa?

Trong xác thân và tâm linh đều không có “TA”, vậy dẫu đem hợp cả hai thứ, tức là: Sắc hợp với Thọ, Tưởng, Hành, Thức (trong Phật học gọi là thân ngũ uẩn hay ngũ ấm[2]) thì thân ấy, khi phân tách ra vẫn không có chất “TA” nào riêng biệt cả.

Như thế, cái “TA” riêng biệt cho mỗi vật là gì?

Đức Phật dạy rằng các vật không có chất gì riêng biệt của nó, để làm thành một cái TA riêng cho nó. Nó chỉ là những hợp tướng tạm thời của nhiều phật tử duyên lại với nhau. Lúc nào duyên hết thì hợp tướng phải tan. Đó là định luật Vô thường và lẽ thật Vô ngã của tất cả mọi vật trong vũ trụ.

Bởi vậy theo nhận xét sáng suốt của đức Phật thì những hiện tượng – trong đó có con người – bầy ra và hoạt động trong vũ trụ đều là tạm thời và đều là giả (vọng).

Hiểu rõ như thế, con người sẽ không vì những cái giả và tạm thời như xác thân, tiền tài, cảnh vật, danh vọng… mà say mê, luyến tiếc, ghen ghét và tham lam, rồi tạo ra các tội lỗi, ác nghiệp là những nguyên nhân sinh ra đau khổ, quả báo và luôn hồi.

Nhưng chúng ta phải nên hiểu rõ nghĩa chữ giả để khỏi bị sai lạc trong việc học giáo lý của đức Phật.

Giả không phải là “không có”.

Giả có ý nghĩa là: Có, nhưng có một cách không thật, không đúng và không vững bền mãi mãi.

Thí dụ như khi nói “vàng giả”. Không phải là không có chất gì cả. Vẫn có một thứ gì rắn, màu vàng và bóng nhưng không thật là vàng, không đúng là vàng, ít lâu nó sẽ mờ ám, nên gọi là vàng giả.

Những hiện tượng, những cảnh vật ở thế gian mà mắt phàm phu chúng ta trông thấy đều không đúng với hình tướng của hiện tượng thật, cảnh vật thật, cảnh vật thật mà mắt sáng suốt của chư Phật trông thấy.

Bởi thế đức Phật mới nói rằng đời thế gian mà phàm phu sống, vũ trụ mà mắt thịt chúng ta trông thấy đều là giả (vọng).

Cũng như chúng ta nằm chiêm bao. Trong giấc mộng chúng ta trông thấy nhiều người, nhiều cảnh vật. Những hình ảnh ấy tuy hiện ra nhưng không có thật, vì lúc ta tỉnh giấc thì nó biến mất, không còn gì nữa.

Một thí dụ khác làm cho chúng ta dễ hiểu hơn:

Trong căn nhà tối, một người trông thấy một con rắn to nằm uốn khúc cuộn tròn. Người ấy hoảng hốt vội vàng kêu la cầu cứu. Nhưng đến khi thắp đèn lên thì con rắn to ghê sợ ấy chỉ là một cuộn dây thừng. Té ra người ấy đã kinh hoảng, sợ hãi vì đã không nhìn thấy vật thật (cuộn dây) mà chỉ nhìn thấy vật giả và tưởng tượng là con rắn.

Một phương ngôn bên Ấn Độ nói: “Khi thấy chó thì không thấy đá; khi thấy đá thì không thấy chó”. Câu ấy cùng một ý nghĩa như trên. Trong lúc tối tăm, mê mờ, người ta trông thấy hình dáng một con chó ngồi trong xó cửa sắp nhảy ra cắn mình; lúc sáng sủa nhận rõ ra là hòn đá thì con chó ghê gớm lúc trước tự nhiên biến mất không còn nữa[3].

Chúng sanh là người ngủ mê, chỉ trông thấy hình dáng giả của đời và của vũ trụ. Phật là người thức tỉnh nên trông thấy hình dáng thật, bộ mặt thật của đời và vạn vật vũ trụ. Bộ mặt thật ấy tức là Lý Chân Không Diệu hữu mà chúng ta sẽ giảng sau đây.

III. Lý chân không

Nói đủ là Lý Chân Không Diệu Hữu.

Chân Không nghĩa là: Thật Không.

Hữu là có. Diệu Hữu nghĩa là có một cách huyền diệu nhiệm màu, trí óc không thể tưởng tượng được.

Ở đoạn trên, chúng ta nói rằng, theo lời Phật dạy, những cảnh vật, hiện tượng mà phàm phu chúng ta nhận thấy bằng trí tuệ hẹp hòi và mê tối của thế gian đều là giả và tạm thời.

Nói như vậy tức là ngoài những cảnh vật, những hiện tượng giả và tạm thời ấy, tất phải có một cảnh tượng thật và không tạm thời. Vì khi nào nói giả thì phải có một đối tượng là thật để so sánh, khi nào nói tạm thời phải có một trạng thái trái lại là vững bền, vĩnh viễn.

Cảnh tượng đúng, thật và vĩnh viễn không bao giờ thay đổi từ ngàn xưa vô thủy (không có bắt đầu) đến nay và từ nay đến vô tận, Phật giáo gọi cảnh ấy là Chân Không (Thật Không).

Tại sao gọi là Thật Không?

Không ở đây chẳng có nghĩa là không có gì như những người không hiểu đạo Phật tưởng lầm.

Không nghĩa là tuyệt đối, chỉ có một mà không có cái thứ hai để so sánh và không thể dùng lời nói, chữ nghĩa, óc tưởng tượng mà luận bàn được.

Như vậy, Thật Không nghĩa là một “Cái gì” có thật và tuyệt đối, một “cái gì” chỉ có một ở trong vũ trụ mà không có cái thứ hai để đối đãi, đo lường.

“Cái gì” ấy vừa rộng lớn vô biên, bao trùm tất cả, mười phương thế giới, vừa lâu bền vô tận, dài khắp thời gian vô thủy vô chung (không có hết), nên mắt người thường không thể so sánh với một vật gì được, không thể nhận xét bằng trí óc hẹp hòi được. Vì thế tưởng rằng không có gì. Nhưng tưởng là không có gì mà thật ra vẫn có, có thật sự, chắc chắn và hiển nhiên.

Một thí dụ sẽ làm cho dễ hiểu.

Nếu tất cả vũ trụ đều hoàn toàn cùng một màu trắng, không có một màu sắc gì khác, thì ta không thể nào nhận ra được màu trắng nữa. Và cả cái tên “màu trắng” cũng không có, vì làm gì có màu khác để so sánh mà đặt tên. Tuy vậy, không phải vì ta không nhận ra được và không đặt được tên cho nó mà cái màu tạm gọi là màu trắng ấy không có. Nó có thật sự, chắc chắn và rõ ràng.

Tất cả vạn vật trong vũ trụ mà ta trông thấy với trí óc tầm thường chỉ là sự hiển nhiên tạm thời của một “cái gì” không trông thấy mà thôi.

Cái ấy nó lan tràn khắp mọi nơi, không chỗ nào không có, không một sự vật gì ở ngoài nó. Nó không có hình tướng, nên nó không có tên. Bởi thế mà gọi nó là “Chân Không” hoặc tùy theo trường hợp muốn đặt cho nó nhiều tên khác cũng được.

Vì do Chân Không duy nhất ấy mà sinh ra, hiện ra tất cả vạn vật trong vũ trụ, cho nên nó là Bản thể của mỗi vật, mỗi người chúng ta. Nó là cái “TA THẬT” (Chân ngã), là Tâm thật (Chân tâm) của mọi người, mọi vật, mọi loài.

Con kiến, con người, con cá, con chim, cây hoa, ngọn cỏ, sông, núi, mặt trăng, mặt trời…tất cả đều cùng một bản thể ấy, cùng một Chân tâm ấy sinh ra. Trong con người nó không thêm mà trong con kiến bé nhỏ nó không bớt, vì chân tâm của mỗi người, mỗi vật đều đồng như nhau, rộng lớn như nhau, bao la khắp vũ trụ, không bị hạn cuộc trong một xác thịt nhỏ nhoi hay một hình tướng to tát nào.

Cũng vì Chân Không, Bản Thể, cái “Ta thật ” của mọi vật bao la vô cùng tận, không hình không tướng như thê nên mới gọi Cái “không có tướng” ấy là Thật Tướng (Chân tướng) của muôn loài, muôn vật.

Bản thể ấy có từ thời gian vô thủy, không nhân nào sinh ra nó nên nó không có quả “diệt” nghĩa là không bao giờ hủy hoại (bất sanh bất diệt). Vì không có nhân và quả nên định luật Nhân – Quả, Vô thường, Vô ngã không còn áp dụng cho nó nữa. Nó lâu bền từ ngàn xưa đến vô cùng tận, không lúc nào tăng giảm hoặc biến đổi, bao giờ cũng như như, vì vậy nên còn gọi nó là Chân Như (Thật Như) hay Như Lai (vẫn như thế từ ngàn xưa đến nay), hoặc Bản lai diện mục (bộ mặt của vạn vật từ vô thủy đến bây giờ).

Tánh của Bản thể, Chân Không là yên lặng (tịch), trong sạch (tịnh), sáng suốt, không mê lầm (giác), linh diệu (linh), dũng mãnh (hùng), tự do, tự tại (ngã), thương xót (từ bi), hy sanh (xả), chân thật (chân), vui đẹp (mỹ), tốt lành (thiện). Tất cả những đức tánh ấy đều hoàn toàn, trọn vẹn, tròn đầy (viên mãn), không một mảy may khiếm khuyết, tức là đều cao, rộng, sâu đến mức tuyệt đổi, đến mức “Không[4]”.

Chúng sanh, vạn vật, vì quên những đức tánh rộng lớn tuyệt đối nói trên của Bản Thể, Chân Tâm mình nên mới sống một đời sống mê lầm, xấu xa, nhỏ hẹp và tù hãm nên mới quay cuồng mãi mãi trong vòng Nhân –Quả, Luân hồi và đau khổ.

Đức Phật Thích ca và chư Phật đã tu tập trong nhiều đời, nhiều kiếp để làm cho những đức tánh nói trên, nó vẫn ẩn nấp trong mỗi người, mỗi vật, rực rỡ hiện hiện đầy đủ trong thân tâm Phật.

Chư Phật là hiện thân của những đức tánh ấy. Nói một cách khác, chư Phật đã thể nhập tức là đã nhập một với Bản thể của vũ trụ. Vì vậy nên còn gọi Bản thể là Phật tánh (Tánh Phật). Phật tánh tức là Thật Tánh (Tánh Thật) hoặc Tự tánh (tánh sẵn có tự nhiên) của vạn vật vậy.

Khi nào con người làm cho hiển hiện đầy đủ và hoàn toàn trong thân tâm mình những đức tánh của chư Phật, khi ấy con người sẽ ngang hàng với Phật, tức là sẽ thành Phật như chư Phật, không sai, không khác.

Khi ấy con người sẽ thể nhập với Bản Thể, với Chân Không. Con người sẽ sung sướng hoàn toàn vì không mê lầm, đau khổ, không sinh tử luân hồi nữa. Ấy là cảnh yên vui, vắng lặng của Niết Bàn, mà chữ phạn Nirvana có nghĩa là: không sinh không diệt.

Vậy cảnh Niết Bàn tức là cảnh không sinh không diệt, thường còn của Chân Không, cảnh đầy đủ hạnh phúc chân thật của Bản Thể muôn loài muôn vật.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là ông Thầy chỉ đường cho chúng sanh tu tập để đi tới Niết Bàn, sống với Chân Không, với cái TA THẬT, nghĩa là để chúng sanh quay đầu trở lại sống với Phật Tánh, Thật Tánh của mình và để thành Phật.

[1] Trong Phật học gọi dòng sống đó là Tạng thức hoặc A Lại Da Thức
[2] Thân ngũ uẩn hay ngũ ấm: ngũ là năm, uẩn là chứa nhóm, ấm là che lấp. Thân này chứa nhóm tật, bệnh, già, chết, si mê, phiền não; Nó che lấy chân lý, làm cho con người không nhận rõ được Tâm thật, Tánh thật của mình.
[3] Chứ không phải như người ta thường hiểu lầm là: Khi thấy chó sắp cắn mình thì không có đá để mà ném; đến khi có đá để mà ném thì lại không có chó
[4] Vì t hế mà không thể dùng giác quan cùng trí óc tầm thường để nhận xét và bàn luận Chân Không, Niết Bàn được. Trên đây chỉ là tạm dùng lời nói để tả cái gì không thể tả, vẽ hình cái gì không có hình.
Trích từ: Đường Vào Ánh Sáng Đạo Phật
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Các Tông Phái Đạo Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
2 Đường Vào Ánh Sáng Đạo Phật, Cư Sĩ Tịnh Mặc Tải Về
3 Ánh Sáng Chân Tâm, Viet Nalanda Foundation Tải Về

Ba Khổ - Tám Khổ
Cư Sĩ Phương Luân

Nói Về Nhân Quả Và Chuyển Cảnh Giới
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Phước Huệ Nhân Quả
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nhân Quả
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nói Về Nhân Quả
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Lý Luận Và Sự Thật Của Nhân Quả
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Vạn Pháp Là Tướng Tiếp Nối Của Nhân Quả
Hòa Thượng Thích Tịnh Không