Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Noi-Ve-Nhan-Qua-Va-Chuyen-Canh-Gioi
a. Nói về nhân quả:

Sự nghiệp làm ăn của cư sĩ họ Thôi ở vùng Ðông Bắc rất thành công, lúc kinh tế suy thoái mà tiền tài vẫn tiếp tục tăng trưởng không ngừng, rất nhiều người chẳng hiểu được nhân tố này.  Nếu khế nhập kinh tạng đôi chút thì sẽ hiểu rõ, hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng vượt ra ngoài định luật nhân quả.  Nhà Phật nói: ‘pháp duyên sanh’, chẳng những thập pháp giới đều là pháp do nhân duyên sanh, Phật pháp cũng là pháp do nhân duyên sanh.  Thế nên kinh Kim Cang nói: ‘Pháp còn phải xả, hà huống là phi pháp’, ngay cả Phật pháp cũng chẳng được chấp trước.  Phàm những pháp do nhân duyên sanh đều chẳng có tự tánh, đúng là ‘Thể ngay lúc đó là không, trọn chẳng thể được[43], đây là chân tướng sự thật.

‘Vạn pháp đều không, nhân quả chẳng không’, tại sao nhân quả chẳng không?  Hãy lấy thí dụ trái đào, hột đào là nhân, hột đào trồng dưới đất sẽ lớn thành cây đào, lúc đó hột đào mất đi rồi; cây đào lớn lên lại kết quả thành trái đào, đây là nhân quả tuần hoàn.  Thế nên ‘nhân quả chẳng không’ là nói nhân quả tương tục - tiếp nối chẳng không, chuyển biến chẳng không.  Phật, Bồ Tát dạy hết thảy chúng sanh là vì muốn chúng ta hiểu đạo lý này, nắm chắc chân tướng sự thật thì sẽ được đại tự tại.  Trong kinh thường nói: ‘cảnh chuyển theo tâm’.  Kinh Lăng Nghiêm nói: ‘Nếu chuyển được cảnh thì cũng đồng như Như Lai’.  Phật, Bồ Tát hiểu nhân quả chuyển biến chẳng không, tiếp nối chẳng không, vả lại vận dụng hết sức khéo léo nên các ngài có thể chuyển biến cảnh giới, chẳng bị cảnh giới chuyển, đây chính là việc chúng ta phải học.

Người hiện nay cứ mê mẩn chạy theo tiền tài, bạn tranh tôi đoạt, làm cho thiên hạ đại loạn.  Tranh đoạt thiệt có thể kiếm được tiền tài hay chăng?  Không thể nào!  Chỉ có đau khổ thêm mà thôi, Phật pháp nói đó là tạo nghiệp.  Giết người thì phạm giới sát sanh, đoạt lấy tài vật của người khác là phạm tội ăn cắp, cứ tạo ra những ác nghiệp giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, thì làm sao đem lại quả báo tốt lành cho được?  Người thế gian ngu si nên tạo ra tội nghiệp cực nặng.  Phật dạy chúng ta giàu sang là do bố thí tài vật mà ra, tiền tài của cư sĩ họ Thôi cũng là do bố thí tài vật mà có được.  Ðời quá khứ tu bố thí tài vật thì đời này sẽ được giàu sang, được giàu sang mà còn tu bố thí tài vật tiếp tục thì tiền tài sẽ đến ào ạt.  Cho dù trong thời gian kinh tế suy thoái, tiền tài vẫn không ngừng tăng thêm, chuyện này chứng minh cho lời Phật dạy chẳng sai.

Bố thí pháp được thông minh trí huệ, tôi có thể chứng minh cho mọi người.  Lúc còn trẻ tôi chẳng phải là người thông minh, ngày nay đối với Phật pháp và thế pháp chỉ cần tiếp xúc thì tôi liền hiểu rõ, đây là quả báo có được do ngày nào cũng tu bố thí pháp trong suốt bốn mươi mấy năm học Phật.

Bố thí vô úy thì được khỏe mạnh sống lâu.  Bố thí vô úy là gì?  Ăn chay tức là bố thí vô úy, đây là vun trồng tâm từ bi và tâm thương yêu.  Năm hai mươi sáu tuổi tôi bắt đầu học Phật, nửa năm sau bắt đầu ăn chay trường cho đến bây giờ.  Hồi đó người coi bói nói tôi đoản mạng, tôi rất tin và nghĩ là tôi chẳng có lý do gì để sống lâu.  Tư tưởng và hành vi của tôi hồi còn trẻ rất giống với ông Viên Liễu Phàm, khuyết điểm của ông ta tôi đều có đủ, ưu điểm của ổng tôi chẳng có, tôi chẳng bằng ổng, chẳng có phước lớn như ổng.  Thế nên nhất định phải biết bố thí là nhân, giàu sang, trí huệ, khỏe mạnh sống lâu là quả báo.

Nói thực ra khỏe mạnh sống lâu chẳng cần thuốc men, tẩm bổ.  Người thế gian cho rằng bảo dưỡng sức khỏe bằng thuốc men có thể làm cho một người được khỏe mạnh sống lâu, đây là mê hoặc điên đảo, nếu thiệt có hiệu quả thì định luật nhân quả chẳng phải đã bị lật đổ rồi sao?  Ðáng sống lâu thì dù chẳng chú trọng dinh dưỡng vẫn sống lâu; đáng đoản mạng cho dù mỗi ngày đều tẩm bổ thì vẫn đoản mạng, đây mới là chân lý.

Nói đến đoàn thể thì Cư Sĩ Lâm Tân Gia Ba và Tịnh Tông Học Hội phát khởi việc xây dựng Làng Di Ðà, xây Phật Học Viện cần phải có thật nhiều tiền bạc, trong tình trạng kinh tế hiện nay quyên góp tiền bạc vô cùng khó khăn.  Tại sao đoàn thể này trong thời gian rất ngắn có thể tích tụ lại một số tiền tương đối khả quan?  Ðó là bố thí chẳng phải vì mình, vì hết thảy chúng sanh, vì xã hội an định hòa bình, vì Phật pháp an trụ lâu dài trong thế gian, tâm chánh hạnh chánh, phát tâm chân thành xây dựng đạo tràng thì có sẽ cảm ứng.  Cũng giống như kinh Lăng Nghiêm có nói: ‘phát ý viên thành’, khi vừa phát chân tâm liền viên mãn công đức, cảm ứng liền hiện tiền.

b. Chuyển cảnh giới:

Người học Phật tuy nghe thuyết pháp như vậy nhưng vẫn chẳng tin tưởng, vẫn chạy theo vọng tưởng chấp trước của mình nên cảnh giới trước sau gì cũng chẳng chuyển nổi; nếu có thể tin tưởng lời dạy của đức Phật, y giáo phụng hành thì tự nhiên sẽ có thể chuyển cảnh giới.  Chuyển được thù thắng nhất là chuyển phàm thành thánh, đây là ‘đại đạo’; chuyển bần cùng thành phú quý trong Phật pháp thuộc về ‘tiểu đạo’, việc này quá dễ.  Chuyển ngũ trược ác thế thành quốc độ thanh thái thì chẳng dễ dàng; chuyển Sa Bà thành Cực Lạc càng khó hơn!  Dù cho khó khăn nhưng vẫn có thể làm được thì chuyện dễ làm chẳng cần bàn tới.  Cho nên mục đích của việc học Phật là nhằm lìa khổ được vui, nếu chúng ta chẳng thể chuyển cảnh giới thì vĩnh viễn phải chịu khổ, chịu nạn.

Có chẳng ít bạn đồng tu tu học rất gian khổ, càng khổ hơn lúc chưa học Phật trước kia, nguyên nhân là vì họ chẳng hiểu lý luận của việc tu học, tu chẳng đúng như lý, chẳng đúng như pháp.  Tu học Phật pháp tức là chuyển biến cảnh giới, làm thế nào biến bần cùng thành phú quý, chuyển hỗn loạn thành an định, nếu chẳng hiểu đạo lý và phương pháp thì chẳng thể chuyển được.  Nếu biết được đạo lý, biết phương pháp, tu học đúng như lý như pháp thì tự nhiên sẽ chuyển biến cảnh giới được.  Phật pháp thường nói: ‘chuyển phiền não thành Bồ Ðề, chuyển sanh tử thành Niết Bàn’, chúng ta ứng dụng trong đời sống, không có một cảnh giới nào chẳng thể chuyển được.  Nguyên tắc chung, đạo lý lớn lao này chính là y báo, chánh báo trang nghiêm ‘duy tâm sở hiện, duy thức sở biến’.

Phật cũng nói: ‘Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh’, cho nên tâm phải tưởng đến chuyện thiện, đừng tưởng chuyện ác.  Thiện là như thế nào? Ác ra làm sao?  Lợi ích chúng sanh, lợi ích xã hội là thiện; lợi ích cho chính mình, gia đình mình, đoàn thể nhỏ của mình là ác.  Tại sao vậy?  Niệm niệm đều vì mình và cái vòng tròn vây quanh mình, đó là phân biệt chấp trước, đã biến Nhất Chân pháp giới vốn có thành thập pháp giới, biến thành lục đạo luân hồi, biến thành tình hình hiện nay.  Chúng ta muốn thoát ra ngoài cảnh khốn khổ này thì chỉ có thể giải quyết nơi tâm lượng.  Nếu chẳng nghĩ tưởng cho mình, gia đình mình, và chẳng tưởng cho cái đoàn thể nho nhỏ của mình thì chấp trước sẽ bị phá tan.  Niệm niệm đều vì hư không pháp giới hết thảy chúng sanh thì phân biệt sẽ bị phá trừ.  Khi hết chấp trước thì lục đạo sẽ chẳng còn nữa; hết phân biệt thì thập pháp giới sẽ chẳng còn nữa, sẽ khôi phục lại Nhất Chân pháp giới.  Nhất Chân pháp giới là vũ trụ sanh thái tự nhiên; sanh thái tự nhiên tốt đẹp nhất.  Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước phá hoại sanh thái tự nhiên.  Ðến lúc phân biệt và chấp trước vô cùng nghiêm trọng thì hoàn cảnh sanh thái của địa cầu chúng ta sẽ bị phá hoại, cho nên khí hậu toàn thế giới sẽ chẳng bình thường, chúng sanh đều chẳng có cảm giác an toàn.  Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là căn nguyên của việc phá hoại sanh thái tự nhiên.  Chỉ có Phật pháp Ðại thừa giải thích việc này rõ ràng, thấu triệt.

Các tầng lớp lãnh đạo trong chánh phủ Úc Châu đang tìm kiếm phương pháp làm cho xã hội an định, hòa mục nhân quần.  Làm thế nào dung hòa các chủng tộc khác nhau, văn hóa khác nhau, tôn giáo tín ngưỡng khác nhau thành một thể, làm cho những người cư trú ở Úc Châu tôn trọng, quan hoài, và hợp tác lẫn nhau, tạo nên xã hội phồn vinh, nhân sanh hạnh phúc.  Cách suy nghĩ và mục tiêu này tức là truy tìm sự hòa hợp của đa nguyên văn hóa, hy vọng đạt đến xã hội an định, thế giới hòa bình, người người tôn trọng lẫn nhau.

Người ta ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm, nếu chúng ta có thể nhìn ưu điểm của người ta thì trong thế gian này ai cũng là người tốt; nếu chỉ nhìn khuyết điểm thì ngay cả Phật, Bồ Tát cũng chẳng phải là người tốt, thế nên tốt xấu đều tại nơi một niệm.  Ngẫu Ích đại sư nói: ‘Cảnh duyên chẳng có tốt xấu, tốt xấu ở tại tâm’.  Hiểu được nguyên lý nguyên tắc này thì có thể chuyển cảnh giới.  Chư Phật, Bồ Tát, chư thiên, thiện thần hiểu được đạo lý này cho nên cảnh giới của họ càng chuyển càng tốt thêm.  Phàm phu chẳng hiểu đạo lý này, chuyên nhìn khuyết điểm của người khác, chuyên nói xấu người khác cho nên cảnh giới càng chuyển càng xấu, đời sống càng ngày càng khổ.  Chúng ta đọc kinh Phật nên biết được những chân tướng sự thật này, quan sát kỹ càng hoàn cảnh của chúng ta mới biết câu nào của Phật nói đều là chân lý, câu nào cũng là lời chân thật.  Chỉ cần chúng ta hết lòng nỗ lực tu học thì nhất định có thể sáng tạo tương lai tốt đẹp.

_____________________

[43] (đương thể tức không, liễu bất khả đắc)
 
Trích từ: Học Vi Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Luân Hồi Và Nhân Quả
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Nhân Qủa
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Phước Huệ Nhân Quả
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nhân Quả
Hòa Thượng Thích Tịnh Không