Home > Khai Thị Phật Học > Thuong-Ngoi-Chang-Nam
Thường Ngồi Chẳng Nằm
Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Ðại sư Quảng Khâm Chiếu Kính thời Dân Quốc, họ Hoàng, người huyện Huệ An, tỉnh Phước Kiến. Năm Ngài mới bốn tuổi, vì nhà nghèo nên phải bán vào nhà họ Lý ở Tấn Giang làm con nuôi.

Ngài thể chất yếu đuối, lắm bệnh, theo mẹ nuôi thờ Phật, ăn chay. Năm mười một tuổi, vì cha mẹ nuôi đều mất cả, Ngài bèn xin xuất gia tại chùa Thừa Thiên ở Tuyền Châu. Nhà chùa sai làm các việc bên ngoài như trồng rau, nhổ cỏ… Sau Ngài qua Nam Dương, đến năm ba mươi sáu tuổi mới trở về chùa Thừa Thiên chính thức thế phát. Thế phát xong, Ngài chuyên chí tu khổ hạnh, thường nằm chẳng ngồi, nhất tâm niệm Phật.

Năm bốn mươi hai tuổi, sau khi thọ Cụ Túc Giới, Ngài càng quyết chí tiềm tu, qua thạch động bên vách Bán Sơn Nham của núi Thanh Nguyên ở Tuyền Châu để tọa Thiền niệm Phật, chỉ dùng các loài khoai rừng, quả dại để đỡ lòng. Trong núi có nhiều hổ, vượn. Từ đó, khỉ, vượn đến dâng quả, mãnh hổ đến quy y, nên Ngài được xưng tặng nhã hiệu là Phục Hổ Sư (vị thầy hàng phục hổ). Sư thường nhập định, từng có lần nhập định cả mấy tháng chẳng ăn uống, chẳng động đậy.

Tháng Sáu năm Dân Quốc thứ 36 (1947), lúc đã năm mươi sáu tuổi, Ngài vượt biển đến Ðài Loan, khoét thạch động ở Quảng Minh Nham phía sau núi Tân Ðiếm thuộc Ðài Bắc để ẩn cư tiềm tu. Chỗ ấy về sau khuếch trương thành chùa Quảng Minh. Mặt sau phía bên phải động có vách đá lớn, Ngài bèn chạm khắc thành tượng Phật A Di Ðà lớn bằng đá. Phía dưới, về bên trái lại khoét thành thạch động; sau này được mở rộng thành chùa Quảng Chiếu.

Sau này, Ngài tìm được thạch động thiên nhiên ở Thổ Thành, đột nhiên có suối nước trong từ đá phun ra, mãng xà quy y. Ngài lại khuếch trương nơi ấy thành chùa Thừa Thiên, tiếp dẫn đệ tử đồng tu. Năm Dân Quốc 58 (1969), Sư khai sáng Quảng Thừa Nham ở trấn Thổ Thành.

Ðáp lời cầu thỉnh nhiều lượt của tín chúng, Sư đến các địa phương Hoa Liên, Ðài Trung, Nam Ðầu, Gia Nghĩa, Cao Hùng v.v… hoằng pháp độ chúng. Kế đó, Ngài kiến lập chùa Tường Ðức ở Thiên Tường, chùa Quảng Long ở núi Long Tỉnh v.v… thâu nạp đông đảo đồ chúng.

Ngài thường ngồi xếp bằng niệm Phật, từng nhập Định ba lần, mỗi lần ước chừng cả tuần trở lên. Hằng ngày, Sư chỉ ăn trái cây, uống nước để sống, nên lại được tặng nhã hiệu là Thủy Quả Sư. Sau cùng, Ngài hoạch định việc tạo dựng chùa Diệu Thông ở làng Lục Quy thuộc thành phố Cao Hùng, truyền thọ tam đàn thành công viên mãn. Tứ chúng đệ tử cầu giới nơi Ngài nhiều đến cả mấy ngàn. Ðệ tử quy y nhiều hơn nữa. Ngài có những tác phẩm Khai Thị Lục, Truyền Kỳ Sự Tích… được ấn hành lưu truyền trong đời.

Sư thân gầy gò nhưng thể chất mạnh khỏe, hành động mẫn tiệp. Ngày Hai Mươi Sáu tháng Chạp năm Dân Quốc bảy mươi bốn (1985), Sư cấp tốc trở về chùa Thừa Thiên. Ngày mồng Một tháng Giêng năm sau, vào lúc sáng sớm, Sư triệu tập đệ tử phụ trách các phân viện và đại chúng chùa Thừa Thiên, nhất nhất phó chúc hậu sự xong, liền trở về chùa Diệu Thông, suất lãnh đại chúng ngày đêm niệm Phật, tinh thần càng mạnh mẽ, tinh tường.

Hai giờ chiều ngày mồng Năm, Sư chợt bảo đại chúng:

- Chẳng đến cũng chẳng đi, chẳng có việc gì!

Ngài hướng về đại chúng gật đầu, mỉm cười, an tường tọa hóa, thọ chín mươi lăm tuổi. Trà tỳ, lưu lại xá lợi rất nhiều. (theo Quảng Khâm Hòa Thượng Niên Phổ và Lược Sử)

Nhận định:

Ðại Sư tuy chưa từng đọc sách, lúc nhỏ tuổi, thể chất yếu đuối lắm bệnh, theo dưỡng mẫu thờ Phật, ăn chay. Sau khi xuất gia, chuyên chí tu khổ hạnh, thường ngồi chẳng nằm, nhất tâm niệm Phật. Sau khi đến Ðài Loan, tuy Ðại Sư tiềm tu, chỉ dùng trái cây và nước lã để sống, nhưng thân nhẹ nhàng, mạnh khỏe, lại sống rất thọ. Dựng chùa, truyền giới, hoằng pháp độ chúng. Ðột nhiên, Sư suất lãnh đại chúng niệm Phật, mỉm cười, tọa hóa, ắt phải là Thượng Phẩm Thượng Sanh.