Home > Khai Thị Phật Học
Bốn Quả Thanh Văn
Cư Sĩ Phương Luân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch


Các vị đệ tử Phật, nghe giáo pháp tiểu thừa bằng âm thanh(1) của phật, tỏ ngộ lí lẽ về bốn sự thật, đoạn trừ kiến tư hoặc của ba cõi, chứng nhập niết bàn, đều thuộc vào tăng Thanh văn. Tăng Thanh văn, từ địa vị phàm phu tu tập đến địa vị A lahán mới ra khỏi ba cõi. Trong khoảng thời gian đó, các ngài phải trải qua “bốn chỗ hướng tới”, phải chứng “bốn quả vị”, mới gọi là thành tựu trọn vẹn, chứ không phải chỉ một bước mà được thành công.

Những kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi làm cho tất cả chúng sinh mê loạn, điên đảo, không thể thoát khỏi vòng luân hồi, chấm dứt sinh tử. Cho nên các bậc thánh tiểu thừa cần phải đoạn trừ kiến tư hoặc. Thứ tự của quá trình đoạn kiến tư hoặc này cũng tức là thứ tự của quá trình trải qua bốn chỗ hướng tới (hướng) và chứng đắc bốn quả vị (quả).

Thứ nhất, hướng Tu đà hoàn và quả Tu đà hoàn. Tu đà hoàn dịch là Nhậplưu (vào dòng), nghĩa là bước đầu nhập vào dòng thánh; cũng dịch là Nghịch lưu (ngược dòng), nghĩa là lội ngược dòng sông sinh tử đang chảy xiết(2); lại dịch là Dự lưu (dự vào dòng), nghĩa là được dự vào dòng thánh nhân. Hành giả phải đoạn trừ 88 sử(3) kiến hoặc của ba cõi mới chứng được quả vị này. Đang khi chưa đoạn trừ hết thì tức là “hướng”; khi vừa đoạn trừ hết thì đó là “quả”.

Thứ hai, hướng Tư đà hàm và quả Tư đà hàm. Tư đà hàm dịch là Nhất lai (trở lại một lần), nghĩa là còn phải thọ sinh trở lại các cõi trời và cõi người của Dục giới, mỗi nơi một lần nữa(4). Ngoài mọi kiến hoặc của ba cõi đã dứt sạch, hành giả còn phải đoạn trừ sáu phẩm tư hoặc đầu(5) của cõi Dục mới chứng được quả vị này. Trong khi đang đoạn trừ từ phẩm một đến phẩm năm thì tức là “hướng”; khi vừa đoạn trừ hết phẩm sáu thì đó là “quả”.

Thứ ba, hướng A na hàm và quả A na hàm. A na hàm dịch là Bất lai (không lại) hay Bất hoàn (không quay trở lại), nghĩa là không quay trở lại cõi Dục nữa. Hành giả phải dứt sạch mọi kiến hoặc của ba cõi và cả chín phẩm tư hoặc của cõi Dục mới chứng được quả vị này. Đang khi đoạn trừ phẩm bảy và phẩm tám thì tức là “hướng”; khi vừa dứt sạch phẩm chín thì đó là “quả”.

Thứ tư, hướng A la hán và quả A la hán. A la hán gồm có ba nghĩa: một là “sát tặc” (giết giặc), nghĩa là giết sạch giặc phiền não; hai là “ứng cúng” (thọ cúng dường), nghĩa là đạo cao đức trọng, làm ruộng phước(6) cho thế gian, xứng đáng nhận sự cúng dường của cả trời và người; ba là “bất sinh” (không tái sinh), nghĩa là nhập niết bàn vĩnh viễn, không còn phải chịu phần đoạn sinh tử nữa. Hành giả phải dứt sạch mọi kiến hoặc của ba cõi và chín phẩm tư hoặc của cõi Dục, cùng 72 phẩm tư hoặc của tám địa cõi Sắc và cõi Vô sắc, mới chứng được quả vị này. Đang khi chưa đoạn trừ hết 72 phẩm của hai cõi trên thì tức là “hướng”; khi vừa đoạn trừ hết thì đó là “quả”.

Các hành giả tiểu thừa, khi tu đến quả vị A la hán tức là đã dứt sạch mọi kiến tư hoặc trong ba cõi, đã trải qua bốn chỗ hướng tới, chứng đắc bốn quả vị, có đủ sáu phép thần thông, ở vào địa vị vô học, việc cần làm đã làm xong (7), không còn thân đời sau, đó là bậc thánh cao tột trong hàng Thanh văn vậy.


CHÚ THÍCH

01. Kiến hoặc là những phiền não do si mê về lí, thuộc về các thứ vọng kiến, do sự phân biệt sai quấy mà sinh ra các vọng chấp như ngã kiến, biên kiến v.v... Kiến hoặc có 88 phẩm, theo tông Câu Xá của tiểu thừa; còn tông Duy Thức của đại thừa thì lập ra 112 phẩm.

02. Tư hoặc là những phiền não do si mê về sự, những tình thức mê muội tham, sân, si v.v... nhiễm trước sự vật ở thế gian mà khởi lên các vọng tưởng. Tư hoặc có 81 phẩm, tức cõi Dục là 1 địa, bốn cõi Thiền ở cõi Sắc là 4 địa, bốn cõi Không ở cõi Vô sắc là 4 địa, cộng lại là 9 địa; mỗi địa gồm 9 phẩm: vậy cả thảy là 81 phẩm.

03. Cộng 4 địa của cõi Sắc và 4 địa của cõi Vô sắc là 8 địa, hợp lại cả thảy có 72 phẩm tư hoặc.

04. Không lường được gọi là “thần”, không bị chướng ngại gọi là “thông”. Sáu phép thần thông là: thiên nhãn thông; thiên nhĩ thông; tha tâm thông; túc mạng thông; thần túc thông; lậu tận thông.

05. Trong bốn quả vị của Thanh văn thừa thì ba quả vị đầu gọi là “hữu học”, nghĩa là còn phải tinh tấn tu học; còn quả vị thứ tư (A la hán) được gọi là “vô học”, nghĩa là việc học đã viên mãn, không có gì để học nữa.

06. Đã đoạn trừ hết mọi kiến và tư hoặc của ba cõi, cho nên nói là “việc cần làm đã làm xong” (sở sự dĩ biện, hay sở tác dĩ biện). Nếu xếp hạng trong mười địa chung của ba thừa(8) thì địa vị này thuộc vào địa thứ bảy, tức Dĩ biện địa.

07. “Hậu hữu” tức là quả báo ở đời vị lai, hay nói cách khác, đó là thân tâm của đời sau. Các vị A lahán và Phật Bích chi đã tận diệt phiền não thì không còn phải thọ thân sau.


PHỤ CHÚ

(01) Giáo pháp được Phật và các vị Bồ tát nói ra thành lời, có âm thanh cho người nghe mà tu tập, gọi là “thanh giáo”. Thanh là một trong sáu cảnh, và là đối tượng của nhĩ căn. Tùy theo nhiều loại người hay chúng sinh khác nhau, thích dùng phương tiện gì để dễ tu tập, thì Phật dùng phương tiện đó để chỉ bày giáo pháp. Những phương tiện đó có thể là hình sắc (sắc cảnh – đối tượng của mắt), âm thanh (thanh cảnh – đối tượng của tai), mùi hương (hương cảnh – đối tượng của mũi), v.v... Vì vậy mà Phật có thể dùng cả sáu cảnh để làm phương tiện giáo hóa chúng sinh (lục trần thuyết pháp).

(02) Từ Hán ngữ “bạo lưu” cũng nói là “bạo hà”, nghĩa là dòng nước mạnh, như dòng sông vào mùa lụt. Trong thuật ngữ Phật học, nó được dùng để dụ cho phiền não, hay nói rõ hơn, nó là một tên khác của phiền não. Bạo lưu có sức cuốn trôi người ta, súc vật, nhà cửa; phiền não cũng vậy, có sức phá hoại, làm tiêu mất tất cả đức lành của chúng sinh.

(03) “Sử” nghĩa là sai khiến, là một tên khác của phiền não. Phiền não là những động lực thúc đẩy chúng sinh tạo nghiệp bất thiện, phải trôi lăn mãi trong luân hồi sinh tử, cho nên được gọi là “sử”. Phiền não có rất nhiều thứ, nhưng có mười thứ được coi là gốc rễ, gọi là “mười sử” (thập sử, hay thập căn bản phiền não), gồm có: 1. Tham: thấy gì vừa ý thì ham muốn, cố chiếm đoạt. 2. Sân: gặp điều không vừa ý thì oán giận, căm ghét. 3. Si: lòng dạ tối tăm, không sáng suốt, không nhận chân được sự thật. 4. Mạn: kiêu mạn, tự cao, khinh người. 5. Nghi: nghi ngờ, dụ dự. 6. Thân kiến: cái thấy sai lầm về “ngã”, cho rằng thân này là thật có, thân này là ta, những cái kia thuộc về ta. 7. Biên kiến: cái thấy cực đoan, hoặc cho rằng con người sau khi chết là mất hẳn, hoặc cho rằng con người sau khi chết sẽ về sống đời đời ở một nơi nào đó, như thiên đường hay hỏa ngục. 8. Tà kiến: cái thấy xuyên tạc, không đúng sự thật, không thấy được lí duyên sinh, luật nhân quả, cùng các tính chất vô thường, vô ngã v.v... của vạn vật, mà cho rằng có một vị thượng đế sáng tạo ra vạn vật, mọi họa phước đều do thượng đế ban phát, mọi sự việc đều do thượng đế an bài, v.v... 9. Kiến thủ kiến: khư khư ôm giữ những kiến thức sai lạc mà cứ cho là đúng, đã không cải thiện mà còn cố rao giảng rộng rãi, đôi khi còn tìm cách dụ hoặc hay ép buộc người khác phải nghe theo mình. 10. Giới cấm thủ kiến: cố chấp vào các giới cấm sai lầm, vô lí, hoặc giữ giới một cách mù quáng, không sáng suốt, không uyển chuyển, gây đau khổ cho mình và cho người. Năm loại phiền não bên trên (từ số 1 đến số 5), vì tính chất của chúng quá nặng nề, tinh vi, chồng chất từ nhiều đời trước, thân mạng vừa hình thành là đã có chúng kèm theo, rất khó đoạn trừ, cho nên thuật ngữ Phật học gọi chúng là “năm độn sử”. Năm loại phiền não bên dưới (từ số 6 đến số 10), vì tính chất của chúng nhẹ nhàng hơn, mới mắc phải trong đời hiện tại do nghe theo tà sư, tà giáo, dễ đoạn trừ hơn, cho nên thuật ngữ Phật học gọi chúng là “năm lợi sử”.

(04) Từ “nhất lai” (một lần trở lại) nên được hiểu rõ như sau: Hành giả (ở cõi người) khi đã chứng được quả Tư đà hàm, sau khi viên tịch sẽ sinh lên một cõi trời Dục giới, rồi từ đó lại phải sinh trở lại cõi người một lần nữa để tiếp tục đoạn trừ nốt ba phẩm tư hoặc sau cùng của cõi Dục, và chứng quả A na hàm. – Sau khi viên tịch (ở cõi người), vị A na hàm này sẽ sinh lên cõi Sắc (vĩnh viễn không sinh lại cõi Dục nữa) để tiếp tục tu tập cho đến khi chứng quả A la hán.

(05) Tư hoặc (hay tu hoặc) là các phiền não tham, sân, si, mạn, có từ đời vô thỉ, bào thai vừa kết tụ thì chúng đã đeo theo; sinh mạng vừa ra đời tức thì có chúng. Tư hoặc có sâu có cạn, có phần thô sơ dễ đoạn trừ, có phần vi tế khó đoạn trừ, được chia làm chín phẩm từ nhẹ nhàng nhất đến nặng nề nhất: thượng thượng, thượng trung, thượng hạ, trung thượng, trung trung, trung hạ, hạ thượng, hạ trung, hạ hạ. Sáu phẩm tư hoặc trước (từ thượng thượng đến trung hạ) là các phần dễ đoạn trừ hơn.

(06) Phước điền nghĩa là ruộng sinh ra phước đức. Người Phật tử kính thờ, cúng dường Phật Pháp Tăng; kính trọng, hiếu thuận và phụng dưỡng cha mẹ; giúp đỡ, săn sóc những người bệnh tật nghèo khổ, đều có được phước đức; cho nên Tam Bảo, cha mẹ, người nghèo khổ bệnh tật, đều là phước điền của Phật tử.

(07) “Việc cần làm đã làm xong” (sở tác dĩ biện sở sự dĩ biện) là một thuật ngữ Phật học dùng để chỉ cho các hành giả Thanh văn thừa, khi đã hoàn toàn đoạn trừ mọi kiến tư hoặc của ba cõi, đắc quả A lahán, thoát li ba cõi và chứng nhập niết bàn, vĩnh viễn không còn trở lại trong ba cõi nữa. Đó là chỗ Thanh văn thừa khác với Bồ tát thừa. Các hành giả tu tập hạnh Bồ tát đều phát nguyện đời đời cứu độ chúng sinh, nơi nào có chúng sinh là nơi đó có Bồ tát, chừng nào còn chúng sinh thì chừng đó còn có Bồ Tát. Vì vậy mà công việc của Bồ tát không bao giờ “làm xong”. Do đó, thuật ngữ trên không dùng để chỉ cho Bồ tát.

(08) Mười địa (mười giai tầng tu chứng) có nhiều loại, hoặc được lập riêng cho hàng Thanh văn (Thanhvăn thập địa), hoặc hàng Duyên giác (Duyên giác thập địa), hoặc hàng Bồ tát (Bồ tát thập địa), hay Phật thừa (Phật thập địa). Ngoài ra còn có mười địa được lập chung cho cả ba thừa (Thanh văn, Duyêngiác và Bồ tát – gọi là “Tam thừa cộng thông thập địa”), như được tác giả đề cập đến ở đây, gồm có:

1. Càn tuệ địa (trí tuệ khô khan): mới phát tâm tu hành, trí tuệ chưa phát triển nhiều, hãy còn khô cạn. Có vị giải thích rằng, “càn tuệ” là chỉ cho người bắt đầu bước vào con đường tu tập, giũ bỏ mọi tình cảm ràng buộc, để chỉ sống một cách khô khan bằng trí tuệ.

2. Tánh địa (thấy tánh): bắt đầu thấy được tánh Phật nơi tâm mình.

3. Bát nhẫn địa (an trú nơi tám sự quán ngộ): vận dụng trí tuệ quán chiếu thật tướng của vạn pháp và nhận chân được chân lí “tứ đế”, lần lượt trải qua tám trình độ: quán ngộ về khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế ở cõi Dục; quán ngộ về khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế ở cõi Sắc và cõi Vô sắc.

4. Kiến địa (thấy rõ chân lí): tâm ý tẩy sạch mọi tà kiến, bắt đầu được dự vào dòng thánh – tương đương với quả Tu đà hoàn của Thanh văn thừa.

5. Bạc địa (gần kề): diệt trừ được phần lớn các phiền não căn bản của cõi Dục, còn phải sinh trở lại cõi Dục một lần nữa để tiếp tục tu tập – tương đương với quả Tư đà hàm của Thanh văn thừa.

6. Li dục địa (rời khỏi cõi Dục): hoàn toàn dứt sạch mọi thứ phiền não căn bản của cõi Dục, vĩnh viễn không còn sinh trở lại cõi Dục nữa – tương đương với quả A na hàm của Thanh văn thừa.

7. Dĩ biện địa (đã làm xong): dứt sạch hoàn toàn mọi phiền não (kiến tư hoặc) của ba cõi, vượt thoát ba cõi, chứng được các pháp mầu nhiệm – tương đương với quả A la hán của Thanh văn thừa.

8. Bích Chi Phật địa: tự mình vận dụng trí tuệ quán chiếu “mười hai nhân duyên” mà được giác ngộ – tức là Phật Bích chi của Duyên giác thừa.

9. Bồ tát địa: phát tâm tu hạnh Bồ tát, tu tập “sáu pháp qua bờ” (lục độ), thực hành hạnh lợi tha để cứu độ chúng sinh.

10. Phật địa: hạnh tự lợi và lợi tha đã hoàn toàn đầy đủ, tuệ giác hoàn toàn viên mãn, siêu việt, trở thành đấng tôn quí nhất của thế gian: Phật đà. BÀI TẬP 1) Tăng Thanh văn là gì?

Các vị đệ tử Phật, nghe Phật thuyết pháp mà tỏ ngộ chân lí “tứ đế”, đoạn trừ mọi kiến tư hoặc của ba cõi, giải thoát khỏi ba cõi, chứng nhập niết bàn, gọi là tăng Thanh văn.

2) Kiến hoặc là gì? Tư hoặc là gì?

Kiến hoặc là những mê lầm về chân lí, những thấy biết không đúng đắn về chân tướng của vạn hữu, như cho rằng thân này là thật có (thân kiến), có một bản ngã trường tồn hoặc sau khi chết thì không còn gì cả (biên kiến), khư khư cho những kiến thức sai lạc của mình là đúng (kiến thủ kiến), v.v... Tư hoặc là những mê lầm về sự tướng, là các bẩm tính độc hại tham, sân, si, v.v... có từ vô thỉ, đeo dính theo chúng sinh, thúc đẩy chúng sinh khởi sinh bao vọng tưởng và dẫn đến tạo tác bao hành vi xấu ác trong cả ba lãnh vực thân, miệng và ý.

3) Bốn hướng và bốn quả là gì?

Bốn quả là bốn địa vị chứng đạt của các hành giả Thanh văn thừa, theo thứ tự từ thấp lên cao gồm có: Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán. Đã chứng đạt được địa vị nào thì gọi địa vị đó là QUẢ – tức là: quả Tu đà hoàn, quả Tư đàhàm, quả A na hàm và quả A la hán; còn đang tu tập để tiến đến các địa vị đó thì gọi là HƯỚNG – tức là: hướng Tu đà hoàn, hướng Tư đà hàm, hướng A na hàm và hướng A la hán.

4) Hãy nói sự đoạn hoặc khác nhau giữa Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và Ala hán.

Khi đoạn trừ hết mọi kiến hoặc của ba cõi thì hành giả chứng được quả Tu đàhoàn. Khi đoạn trừ thêm được sáu phẩm tư hoặc trước (của toàn chín phẩm) của cõi Dục thì hành giả chứng được quả Tư đà hàm. Khi đoạn trừ thêm ba phẩm sau cùng để hoàn mãn cả chín phẩm tư hoặc của cõi Dục thì hành giả chứng được quả A na hàm. Khi đã đoạn trừ sạch cả mọi kiến hoặc và tư hoặc của ba cõi thì hành giả chứng được quả A la hán.

5) Hãy giải thích các từ “hậu hữu” và “vô học”.

“Hậu hữu” nghĩa là quả báo kiếp sau, tức là mạng sống ở kiếp sau. Vì đã tạo nghiệp nhân ở kiếp trước nên phải có quả báo (tức thân tâm, hay sinh mạng) ở kiếp sau. “Vô học” nghĩa là không còn phải học. Sau khi đã trải qua một thời gian dài dày công tu học, hành giả chứng đạt quả vị A la hán, thoát khỏi ba cõi, chứng nhập niết bàn; lúc đó công phu tu học đã hoàn toàn viên mãn, không còn phải học gì nữa, nên gọi là “vô học”.



Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
4.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
5.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
10.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
12.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch