Home > Khai Thị Phật Học
Cơ Tâm
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Thời nay máy móc trợ lực con người rất nhiều, lẽ ra chúng ta phải nhàn nhã hơn và ít căng thẳng hơn, thế nhưng sự thật ngược lại, càng máy móc con người càng bận rộn. Tinh thần của Đạo giáo (Taoist) từ thuở xa xưa đến nay mới chứng minh được, qua câu chuyện sau. Tử Cống một cao đồ của Khổng tử, trên đường đi ngang qua cánh đồng, thấy một ông lão làm ruộng xách nước tưới ruộng rất là vất vả. Tử Cống bền lại bầy cho ông lão cách dẫn thủy nhập điền bằng máy móc vận chuyển nước. Ông lão nghe xong, lạnh nhạt nói, tưởng cái gì chứ thứ này tôi biết nhưng không dùng. Tử Cống hỏi tại sao? Ông lão đáp, người dùng cơ khí quen dần, thì cơ tâm từ từ thành tựu, một khi cơ tâm rồi thì tâm này không còn thiên nhiên nữa, mà bị cơ khí hóa nên thực là nguy hại khi tính tự nhiên lìa tâm ra đi và chỉ còn máy móc ở nơi tâm.

Lời nói này xưa lắm rồi mà giờ mới có thể chứng thực, con người vì bị cơ khí hóa thân tâm, nên xa lìa thiên nhiên, gần với cơ khí, mà thiên nhiên mới chính là nguồn đạo. Như Lão tử nói "Thiên trường địa cửu, thiên địa chi sở dĩ năng trường thả cửu giả, dĩ kì bất tự sinh, cố năng trường sinh , có nghĩa trời đất vĩnh cửu không diệt, là do vì trời đất không tự sinh mình, cho nên trường sinh. Không tự sinh (dĩ kì bất tự sinh) tức không tìm cách sinh tồn cho bản thân, mà cứ thuận với tự nhiên, bốn mùa đến đi, không thương không ghét, nên chẳng vui buồn với sự đến đi của bốn mùa, bốn mùa cứ đến và cứ đi, trời đất không hề dao động, mùa hè đến thì trời nóng, mùa đông tới thì trời lạnh, nhưng trời đất không vì nóng lạnh mà khổ lạc, tắng ái, thủ xả, cứ thuận kì tự nhiên, không vì thích theo ý mình, mà muốn thay đổi bốn mùa, để thành tạo tác hữu vi, từ đó sinh ra đủ mọi vấn đề. Nếu chúng ta tinh tế suy nghĩ thì sẽ nhận ra ngay, những vấn đề ta đương mệt mỏi đối phó là do tự ta muốn sự vật theo ý ta mà ra tay hành động, những hành động này mới đưa đến mọi vấn đề rắc rối hiện tại mà lẽ ra nó không hiện hữu. Thí dụ dễ hiểu nhất là Bush suy nghĩ chiếm Iraq sẽ có lợi, nên phát động chiến tranh, và do vậy hậu quả của sự nghĩ lợi đó là cả một trời bất lợi, nếu cứ thuận tự nhiên thì lại khỏe hơn nhiều, không phải hy sinh cả ngàn lính Mỹ và cả trăm ngàn dân Iraq, chưa kể hậu quả đau khổ của những người mất thân nhân, chỉ một niệm tham dục đẩy bao nhiêu người vào chốn đau thương tang tóc, mà rồi Bush chịu quả nhức đầu hiện tại, tiến thối lưỡng nan, và phải đền mạng cho vô số những nạn nhân hiện tại này trong tương lai, thực là cái giá phải trả quá đắt so với cái lợi, khác nào lấy ngọc làm đạn dùng ná bắn chim sẻ. Lão tử thấy trước hậu quả của những kẻ muốn tự sinh, nên vì vậy mới nói tiếp, thị cố thánh nhân, hậu kì thân nhi thân tiên, ngoại kì thân nhi thân tồn, có nghĩa vì thế thánh nhân để ta đằng sau, thiên hạ đằng trước, lo cái lo của thiên hạ trước, nhờ vậy mà thánh nhân lại được đứng trước trong thiên hạ, thánh nhân dĩ kì bất tự sinh, không tạo tác hữu vi, không theo ý riêng mà chỉ thuận với tự nhiên, mà nhờ vậy thánh nhân được trường tồn. Bạch vân Thủ đoan thiền sư nói kệ "Cơ lai yếu ngật phạn, hàn đáo tức thiêm y, khốn thời thân cước thùy, nhiệt xứ ái phong xuy" (đói thì ăn, lạnh thì mặc áo, mệt thì ngủ, nóng thì hóng gío) ý tứ cũng như dĩ kì bất tự sinh.

Như vậy có thể nói cơ khí làm tâm tự nhiên của con người xưa kia biến thành cơ tâm, tâm tự nhiên mộc mạc hợp với sự tịch tĩnh vô vi của lẽ đạo. Cơ tâm hợp với ngũ dục, cằn cỗi tham vọng gia tăng vì chỉ muốn tự sinh, muốn theo ý mình nên dục vọng càng nhiều và càng mau chán, vì dục sản sinh hằng ngày, nên dục mới loại bỏ dục cũ, do đó mà tình cảm, giải trí, dục lạc nào cũng không thỏa mãn được cơ tâm. Điều này ta thấy xẩy ra đầy dẫy ở các nước phát triển công nghệ, có nền khoa học kỹ thuật cao, những nước gọi là kém tiến bộ về khoa kĩ thì tương đối đầu óc chất phát, đời sống vẫn còn biết chung biết thủy là gì, không như dân tiên tiến hãnh diện với sự buông lung phóng túng, với tâm hồn trống rỗng. Vấn đề càng đa dục càng hay thay đổi dục, tức thay đổi ý muốn nên sự tu hành định tâm trở nên thiên nan vạn nan, do chủng tử dục dẫn đến tâm ý thay đổi luôn luôn, còn gọi là tâm viên ý mã. Vì vậy hôm nay thích tu (cái thích này vẫn là một thứ dục nhất thời), mai thích chơi bời (cũng là thứ dục khác). Cho nên tu là vấn đề nhận ra những thứ dục do vọng sinh này để lìa vọng quy chân, vọng lìa thì dục mất, bấy giờ mới được gọi là tu, còn như tu như chúng ta đang tưởng vẫn là tu trong vọng nên mai này mốt nọ, không chuyên nhất được, tu này vẫn thuộc một trong vô lượng dục ở ta, vì vậy tu hành bao lâu đi nữa cũng không biết vọng hay chân là gì. Nên tu có hai thứ là tu vọng hay tu chân. Tu vọng là phàm phu, càng tu càng vọng, ngộ nhận hầu hết chính pháp, tu chân là chư vị tổ sư, cao tăng thạc đức, nhờ tu nên giải Như lai chân thật nghĩa.

Tóm lại người xưa nhờ tâm tự nhiên nên gần đạo hơn thời nay cơ tâm, như vậy khi tu hành bất luận là xưa hay nay, một kinh hay nhiều kinh, một pháp hay nhiều pháp, chỉ cần tư duy quán sát thấu đáo mọi nhân quả của các pháp, thì thấy được sự thật, đừng quên sự thật chân thật là sự thật duy nhất, không hề có hai sự thật, nếu có hai tất chẳng là sự thật, sự thật này gọi là chân lý hay nhất chân.