Trong luận Niệm Phật Bảo Vương Tam Muội có thuyết minh về Thập Bất Cầu Hạnh, nghĩa là mười hạnh không cầu, để phá mười điều chướng ngại lớn. Mười điều chướng ngại này gồm nhiếp tất cả chướng ngại. Cho nên nếu nắm vững mười hạnh không cầu đây, thì tất cả chướng ngại đều phải tiêu tan. Mười hạnh ấy là:
1. Thân không cầu không bịnh. Thân không đau bịnh thì tham dục dễ sanh. Tham dục sanh thì phá giới thối đạo.
2. Cuộc đời không cầu không hoạn nạn. Đời không hoạn nạn, thì kiêu xa dễ khởi. Khi lòng kiêu mạn xa hoa khởi lên, sẽ khinh dễ đè lấn tất cả mọi người.
3. Tu tâm không cầu không chướng ngại, tâm không chướng ngại thì sự học sẽ vượt bậc. Học vượt bậc tất có lỗi chưa được cho là mình đã được, đã thông suốt.
4. Lập hạnh không cầu không bị ma chướng. Hạnh không ma chướng thì sức thệ nguyện không bền chắc. Nguyện không bền chắc sẽ có lỗi chưa chứng cho là mình đã chứng.
5. Mưu sự không cầu dễ thành tựu. Sự dễ thành tựu thì sanh niệm khinh lờn. Niệm khinh lờn sanh, tất mang lỗi tự đắc cho rằng mình đủ đức hạnh tài năng.
6. Giao hảo không cầu mình được lợi ích. Mình được ích lợi thì hư mất đạo nghĩa. Đạo nghĩa hư mất, tất chỉ thấy lỗi của người.
7. Đối với người không cầu được sự thuận thảo. Người thuận thảo thì mình dễ tự kiêu. Và lòng đã kiêu căn, tất chỉ thấy phần phải của mình.
8. Làm ơn không cầu báo đáp. Cầu báo đáp thì lòng có chỗ tính toan. Đã có tính toan tất sẽ ham lợi khoe danh.
9. Thấy lợi không cầu mình được phần. Cầu được phần thì lòng si nổi động. Khi lòng si nổi dậy, tất sẽ bị mối lợi nhơ làm tiêu hủy thanh danh.
10. Bị oan ức không cầu biện minh. Cầu biện minh thì lòng nhơn ngã còn chưa dứt. Tâm nhơn ngã thị phi chưa dứt, tất mối oán hận sẽ từ đó nảy sanh ra nhiều.
Suy qua các điểm trên, ta thấy cuộc đời đầy nỗi chướng ngại, mà có thể khái quát lại trong 10 điều:
1. Thân đau bịnh
2. Gặp hoạn nạn
3. Sự tu học bị ngăn trở
4. Khi lập hạnh ma chướng phá
5. Mưu sự thất bại
6. Bạn bè phản phúc lãnh đạm
7. Nhiều kẻ chống đối
8. Làm ơn mắc oán
9. Người mưu chiếm lợi danh
10. Chịu nỗi oan ức
Trong mười điều này, luận Bảo Vương Tam Muội đã dùng mười hạnh không cầu để phá trừ. Thế thì trong phước có họa, trong họa có phước, trong thông có ngại, trong ngại có thông. Vì hiểu lẽ này nên các bậc tu hành khi xưa đã dùng "sự chướng ngại làm duyên tiến đạo." Tiên đức có bảo: "Vô nhơn kiến xúc, đạo quả nan thành!" Câu này có nghĩa: "Nếu không bị người làm xúc não, tất đạo quả của mình khó thành tựu." Bởi sự khinh hủy chưởi mắng, giá họa vu oan, và mọi chướng ngại khác là "cái mức để đo lường đạo lực của người tu." Nếu gặp những chướng duyên đó mà vẫn nhẫn nại an nhiên được, tất chứng tỏ người ấy đã tu tiến đến mức khá cao. Bằng chẳng thế, làm sao đo lường được mức tu tiến của mình? Thật ra không phải người tu mong cầu sự chướng ngại, mà vì đường đạo đầy nỗi bất trắc khó khăn, nên cần luôn luôn cảnh giác đặt mình trước mọi nỗi chướng duyên, để khi lâm cảnh vẫn an nhiên không rối động. Diệu Hiệp đại sư bảo: "Mười hạnh trên, duy người trí huệ hùng tâm mới áp dụng nổi. Nếu biết xét soi giác ngộ, giữ vững mười điều này, thì tuy vào cảnh giới ma không bị ma làm thối chuyển. Dù cho ở trong cảnh sắc thinh, danh lợi, thương ghét, thị phi, thạnh suy, đắc thất... vẫn được an nhiên."
Cho nên nếu không biết, thì tất cả sự tốt đẹp thuận lợi có thể thành duyên chướng đạo. Như xét thấu tất cả bịnh khổ cùng ma chướng đều giả dối không căn, tất nó cũng không làm chi được. Đối với mười điều trên, lối xử dụng của bậc trí lực là:
1. Lấy bịnh khổ làm thuốc hay.
2. Lấy hoạn nạn làm giải thoát.
3. Lấy chướng ngại làm tiêu dao.
4. Lấy các ma làm bạn pháp.
5. Lấy việc khó làm an vui.
6. Lấy bạn xấu làm giúp đỡ.
7. Lấy kẻ nghịch làm vườn hoa.
8. Lấy sự quên việc thi ân như quên bỏ chiếc dép rách.
9. Lấy thanh đạm làm giàu sang.
10. Lấy sự oan ức làm duyên tiến đạo.
Xem đây suy rõ sự hay dở, đắc thất vẫn tùy tâm. Thế nên, người mới tu rất sợ chướng duyên, bậc tu lâu có khi lại muốn thử đương đầu với chướng cảnh. Xin thuật ra đây một đôi chuyện để làm tỷ lệ:
Thuở xưa, ngài Thần Quang sau khi đắc pháp với tổ Đạt Ma, liền khuất thân đi làm mướn, như bửa củi, giã gạo hoặc gác cửa cho người. Có kẻ đến hỏi: "Ngài là bậc kế truyền Tổ vị, sao lại thấp mình đi làm những việc tầm thường như thế?" Ngài đáp: "Ta muốn hàng phục cái tâm của ta, chẳng phải chỗ ông biết!"
Lại một vị tiên là Lưu Trường Sanh sau khi luyện đơn thành, xuất thần bay lên chỗ bà Diêu Trì Kim Mẫu, thấy chư tiên nữ dung sắc cực kỳ xinh đẹp khó tả, khó họa, ông liền động tâm. Kim Mẫu quở rằng: "Ngươi tuy thành đạo, mà niệm sắc ái chưa tiêu, làm sao xứng đáng liệt vào hàng tiên phẩm?" Trường Sanh hổ thẹn, trở xuống cõi nhân gian, dùng phép điểm đá hóa vàng, vào chỗ lầu xanh mướn năm bảy cô dâm nữ đẹp nhất, cùng nhau chung sống. Trong hai năm trời ông nằm gần các cô dâm nữ lõa thể để luyện trừ niệm sắc dục. Khi xét thấy mình tâm đã bất động, ông bảo các cô ấy làm bánh, rồi để bánh trên bụng vận lửa đơn điền nướng chín, đem đãi các cô, nói đạo khai ngộ cho, xong mới cỡi mây bay đi.
Để so sánh về các hạnh tu, xin kể tiếp thêm vài chuyện:
- Một sư cô nọ muốn dứt trừ lỗi lầm, nguyện kiết thất và tịnh khẩu trong ba tháng. Buổi chiều kia, cô đang ngồi bên cửa sổ, lần chuỗi niệm Phật. Có ông đạo trông thấy liền nói chuyện với người bạn, bảo cô nhiều nghiệp, nhiều tánh xấu. Cô nghe nóng giận đỏ mặt, nhưng vẫn làm thinh tiếp tục niệm Phật. Giây lát ông đạo bảo: "Tôi rình thấy cô này lấy một ông ở bên hàng xóm." Cô giận quá, nhịn không được nói lớn tiếng lên: "Huynh nói tôi lấy ai phải xác nhận lại, chớ tôi không chịu bỏ qua vụ này đâu?" Ông đạo cả cười đáp: "Đó là tôi cố ý thử cô mà thôi. Cô đã nguyện tịnh khẩu sao lại còn nói chuyện? Vả lại tịnh khẩu là cốt để tịnh tâm, mà cô tịnh tâm không được, thì tịnh khẩu có ích gì?" Sư cô ấy nghe xong chợt tỉnh ngộ, hổ thẹn làm thinh.
- Một độ nọ bút giả về Phật Học Viện Huệ Nghiêm, gặp ngài tọa chủ chùa Thuyền Lâm. Trong khi đàm đạo ngài thuật chuyện rằng: "Trước kia ở ngoài Trung có một vị sư tu thiền khá công phu, mỗi lần có thể ngồi lâu đến sáu bảy giờ. Có lẽ muốn dứt trừ nhiễm duyên, sư thường lẩn tránh người nữ, thậm chí cô nào đến viếng chùa rồi về, ông cũng xách nước quét rửa chỗ ngồi của cô ấy. Thời gian sau, sư đến ở trọ chùa Thập Tháp tại Bình Định. Một buổi sáng, đang khi tọa thiền trong liêu, sư bỗng la lên rồi chạy ra ngoài. Hòa thượng Thập Tháp hỏi lý do, sư đáp: "Tôi đang tham thiền bỗng thấy một người nữ xinh đẹp đến ôm cổ." Nói xong, chiều lại sư mệt mỏi nằm bịnh, gọi hòa thượng Thập Tháp vào bảo: "Ngài phải làm sao cưới gấp cho tôi một cô vợ, bằng không bắt đầu từ chiều nay tôi sẽ tuyệt thực cho đến chết?" Cụ Thập Tháp cho gọi một bà Phật tử tín cẩn đến bàn luận, bà ấy bảo: "Để con về gọi đứa tớ gái của con, bảo nó giả vờ chịu đỡ để dẫn dụ sư ăn uống cho mạnh rồi sẽ hay." Sáng hôm sau, hòa thượng đưa cô tớ gái vào và bảo: "Tôi đã bàn định xong, có cô này ưng chịu làm vợ của Ngài đây." Sư nghe nói mở mắt ra nhìn, nắm tay cô tớ gái vuốt ve một hồi rồi tắt hơi."
Trong hai đoạn trên, ta thấy sư cô nọ muốn phá phiền não, song chỉ theo hình thức mà thôi. Còn ngài Thần Quang biết tất cả phiền não đều không, và cội gốc do nơi tâm chấp ngã, nên mới giả làm kẻ thấp hèn chịu người sai mắng, để xem tâm nhơn ngã thị phi còn động chăng đặng dứt trừ. Và Lưu Trường Sanh muốn diệt niệm sắc ái, dám dõng mãnh đi ngay đến chỗ nữ sắc mà quán phá. Vị sư kia bởi chưa hiểu sắc là không, quá kiêng sợ nữ sắc, trong tâm còn chấp ngại hình thức, kết cuộc lại bị loại sắc ma làm hại. Nhớ lại hồi năm 1960 có các Phật tử đem tờ báo Tiếng Chuông đến, chỉ hình nhà sư Nhật Bản bắt tay một kỷ nữ lõa thể, chỉ còn mặc chiếc quần nhỏ, và phê bình là lối tu tân thời trái với đạo lý. Bút giả đã giải thích: "Chớ hiểu lầm, đó là lối nghiệm tâm của các thiền sư Nhật Bản, để xem mình đối với nữ sắc còn động chăng? Nếu chưa được như như bất động, họ sẽ trở về tu lại. Vị sư này cũng đã thiền định đến mức khá cao rồi, mới dám làm như thế."
Để kết luận, bậc trí lực chẳng những không ngại chướng duyên, mà còn mượn chướng duyên để tu tiến. Các vị ấy không còn chấp nê hình thức, vì hình thức chỉ là phương tiện mà nội tâm mới là cứu cánh.