Home > Khai Thị Niệm Phật
Trích Dẫn Vô Lượng Thọ Kinh Luận Của Thiên Thân Bồ Tát
Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân tu Ngũ Niệm Môn, thực hành thành tựu thì rốt ráo được sanh về cõi nước An Dưỡng, gặp đức A Di Ðà Phật.

1. Một là Lễ Bái Môn: Thân nghiệp lễ bái A Di Ðà Như Lai để sanh về cõi ấy.

2. Hai là Tán Thán Môn: Khẩu nghiệp khen ngợi, xưng danh hiệu đức Phật ấy như quang minh trí tướng của đức Phật ấy, như danh nghĩa của đức Phật ấy, vì muốn được như thật tu hành tương ứng vậy.

3- Ba là Tác Nguyện Môn: Tâm thường phát nguyện, nhất tâm chuyên niệm, rốt ráo sanh về cõi nước An Lạc, vì muốn được như thật tu hành Xa Ma Tha vậy.

4- Bốn là Quán Sát Môn: Trí huệ quán sát, chánh niệm quán sát cõi ấy, vì muốn như thật tu hành Tỳ Bát Xá Na vậy. Quán Sát gồm có ba: Một là quán sát công đức trang nghiêm của cõi ấy, hai là quán sát công đức trang nghiêm của A Di Ðà Phật, ba là quán sát công đức trang nghiêm của các vị Bồ Tát cõi ấy.

5- Năm là Hồi Hướng Môn: Chẳng bỏ hết thảy chúng sanh khổ não, tâm thường phát nguyện, lấy hồi hướng làm đầu, vì được thành tựu tâm đại bi vậy.

Nhận định:

Bồ Tát dựa trên Vô Lượng Thọ Kinh để viết Nguyện Sanh Kệ Luận. Hễ ai thấy nghe đều nguyện vãng sanh, nên còn có tên là Vãng Sanh Luận. Cùng với kinh A Di Ðà, kinh Vô Lượng Thọ và Quán Kinh, luận này hợp thành Tịnh Tông Tam Kinh Nhất Luận. Ðại sư Ðàm Loan chú giải như sau:

- Danh hiệu Vô Ngại Quang Như Lai ấy là tướng trí huệ, phá được vô minh của hết thảy chúng sanh, thỏa mãn chí nguyện của hết thảy chúng sanh. Nhưng nếu có ai xưng danh, ức niệm mà vô minh vẫn còn, chẳng được thỏa mãn chí nguyện, là do chẳng tu hành như thật, do chẳng tương ứng với danh nghĩa, nghĩa là: Chẳng biết Như Lai là thân Thật Tướng. Có ba điều chẳng tương ứng:

- Một là tín tâm chẳng thuần, vì hoặc còn, hoặc mất.

- Hai là tín tâm bất nhất, vì không quyết định.

- Ba là tín tâm chẳng liên tục, vì các niệm khác xen vào.

Ba câu này lần lượt lập thành lẫn nhau: Do tín tâm chẳng thuần, nên tâm không quyết định. Do không quyết định, nên niệm chẳng liên tục. Cũng có thể bảo là vì niệm chẳng liên tục, nên chẳng được quyết định; vì chẳng được quyết định, nên tâm chẳng thuần. Không có những điều ấy thì gọi là như thật tu hành tương ứng.

Hồi hướng có hai điều:

1. Một là vãng tướng: Đem công đức của chính mình hồi thí hết thảy chúng sanh, nguyện cùng vãng sanh cõi Phật An Lạc của A Di Ðà Như Lai.

2. Hai là hoàn tướng: Ðã sanh trong cõi ấy rồi, được thành tựu sức phương tiện Xa Ma Tha, Tỳ Bát Xá Na, trở vào rừng rậm sanh tử, giáo hóa hết thảy chúng sanh cùng hướng đến Phật đạo.

Dù Vãng hay Hoàn, đều là cứu vớt chúng sanh vượt qua biển sanh tử, cho nên bảo Hồi Hướng làm đầu, vì được thành tựu tâm Ðại Bi vậy!

Bản chú giải này lâu ngày đã thất lạc. Ðến cuối đời Thanh, cư sĩ Dương Nhân Sơn mới tìm lại được ở Nhật Bản, khắc bản lưu hành trong đời. Ấn Quang đại sư đem in vào cuối cuốn Thập Yếu. Ðiều này cho thấy: Trong khóa lễ sáng tối, cần phải lễ Phật, tán thán, phát nguyện, hồi hướng. Chỉ có mỗi Quán Sát Môn thuộc về Quán Tưởng Niệm Phật, kẻ trì danh chẳng cần phải kiêm tu.