Home > Khai Thị Niệm Phật
Luận Về Trung Ấm
Cư Sĩ Lý Viên Tịnh | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


* Trung Ấm tức là thần thức, chẳng phải là thần thức biến thành Trung Ấm, thế tục gọi là “linh hồn”. Những thuyết “Trung Ấm cứ bảy ngày lại một lần sống chết, bốn mươi chín ngày ắt sẽ đầu thai”... chẳng nên chấp nê. Trung Ấm có sống chết là do vô minh trong tâm biến hiện tướng sanh diệt, đừng ngây ngô tưởng Trung Ấm [thật sự] có sống chết như người trong thế gian. Trung Ấm thọ sanh, nhanh thì như trong khoảng khảy ngón tay liền vào tam đồ, lục đạo; chậm thì đến bốn mươi chín ngày hoặc lâu hơn bốn mươi chín ngày v.v...

Người mới chết mà có thể khiến người quen biết trông thấy vào ban ngày hay ban đêm, tiếp xúc với hoặc trò chuyện với người đó thì chẳng riêng gì Trung Ấm mới làm được như vậy, ngay cả những người đã thọ sanh trong đường thiện hay ác vẫn có thể vì người quen thuộc, thân thích khi trước mà hiện hình một phen. Đây tuy là do ý niệm của người đó biến hiện, nhưng chủ yếu là do những thần thánh trong thế gian hỗ trợ nhằm bóng gió chỉ bày: con người chết đi, thần minh (thần thức) chẳng diệt và quả báo thiện ác chẳng phải là hư huyễn vậy!

Nếu không, người dương gian chẳng biết đến việc cõi âm, mù quáng cho rằng người chết đi thân xác đã mục nát thì thần thức cũng phải phiêu tán, rồi bao người phụ họa theo khiến cho người trong khắp thế gian cùng bị hãm trong hầm sâu tà kiến “chẳng có nhân quả, chẳng có đời sau, hậu thế”, sẽ thấy người lành cũng chẳng tự nỗ lực tu đức, kẻ ác càng muốn cùng hung cực ác tạo nghiệp. Dù có lời Phật dạy mà vẫn không có cách nào để chứng minh thì ai chịu tin nhận đây?

Những chuyện hiện hình hiện bóng ấy đủ chứng tỏ lời Phật chẳng dối, quả báo phân minh, chẳng những người lành càng hướng tới điều lành, ngay cả kẻ ác cũng bị những tình lý ấy khuất phục, chẳng đến nỗi mười phần quyết liệt. Thiên địa, quỷ thần muốn cho con người hiểu rõ việc ấy nên mới có những chuyện người đã chết hiện thân trong cõi đời, người dương gian xử án cõi âm v.v... Đấy đều là vì muốn hỗ trợ Phật pháp, giúp sức phô diễn trị đạo. Lý này rất vi tế, nhưng quan hệ rất lớn. Những chuyện như vậy xưa nay chép trong sách vở rất nhiều, nhưng chưa hề nói rõ nguồn gốc của sự biến hiện đó cũng như những lợi ích liên quan.

* Trung Ấm tuy lìa thân xác, nhưng vẫn có tình kiến về thân xác giống như khi chưa chết. Đã có tình kiến về thân xác, đương nhiên [nảy sanh ý niệm] phải có cơm áo để sử dụng. Do phàm phu nghiệp chướng quá nặng, chẳng biết Ngũ Uẩn vốn là không, nên [người trong trạng thái Trung Ấm] chẳng khác gì với người sống. Nếu là bậc đủ đại trí huệ sẽ nhằm ngay lúc trút bỏ xác thân không còn phải nương tựa nữa, liền biết Ngũ Uẩn là không nên các khổ tiêu diệt, nhất chân hiển hiện, vạn đức phô bày trọn vẹn.

Tuy cảnh giới [người sống và kẻ chết] bất tất phải nhất định giống hệt nhau, nhưng nào trở ngại gì đến việc tùy tình kiến mỗi người mà có các thứ cần dùng. Ví như khi đốt quần áo giấy, người còn sống chỉ giữ ý tưởng gởi áo cho người chết, còn quần áo lớn, nhỏ, ngắn, dài làm sao vừa vặn thích hợp cho được. Nhưng do tình kiến của người sống lẫn tình kiến của người chết, quần áo sẽ vừa vặn cả. Điều này giúp ta thấy được nghĩa lý lớn lao “hết thảy các pháp tùy tâm chuyển biến”.

12. Luận về bốn cõi Tịnh Độ:

* Hai cõi Phàm Thánh Đồng Cư và Phương Tiện Hữu Dư là ước theo phàm phu đới nghiệp vãng sanh và tiểu thánh Nhị Thừa đã đoạn Kiến Tư Hoặc mà lập, chứ chẳng thể ước theo Phật mà luận. Nếu ước theo Phật mà nói thì chẳng những toàn thể bốn cõi Tịnh Độ đều là Tịch Quang, mà ngay cả đời ác ngũ trược, tam đồ ác đạo, không sự gì Phật chẳng thấy là Tịch Quang. Vì thế nói: “Tỳ Lô Giá Na ở khắp mọi nơi. Chỗ đức Phật ở gọi là Thường Tịch Quang”.

“Khắp mọi nơi là Thường Tịch Quang” thì chỉ bậc đã chứng ngộ viên mãn Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na quang minh chiếu khắp mới thọ dụng được thôi, còn mọi người khác đều mới chỉ chứng được vài phần. Từ Thập Tín trở xuống cho đến phàm phu, về Lý thì có Thường Tịch Quang Tịnh Độ, nhưng về Sự thì chẳng có. Nếu muốn hiểu rõ hãy nghiên cứu phần luận về bốn cõi Tịnh Độ trong sách Di Đà Yếu Giải; sách Phạm Võng Huyền Nghĩa cũng giảng đầy nghĩa này (Tỳ Lô Giá Na, Hán dịch là Quang Minh Biến Chiếu, hoặc Biến Nhất Thiết Xứ, chính là cực quả rốt ráo của chư Phật, là hiệu chung của những vị đã chứng viên mãn pháp thân thanh tịnh. Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na cũng thế. Như Thích Ca, Di Đà, Dược Sư, A Súc Bệ v.v... chỉ là những danh hiệu riêng của các hóa thân Phật mà thôi. Chữ Lô Xá Na, Hán dịch là Tịnh Mãn, do hết sạch Hoặc nghiệp, viên mãn trọn vẹn phước huệ nên ước theo quả báo do Trí Đức và Đoạn Đức cảm thành mà gọi như vậy).

Lại phải biết rằng Thật Báo, Tịch Quang vốn là một cõi. Ước theo quả cảm bởi xứng tánh thì gọi là Thật Báo, ước theo lý được chứng rốt ráo thì gọi là Tịch Quang. Sơ Trụ mới dự vào Thật Báo, chứng được một phần Tịch Quang. Diệu Giác mới là thượng thượng Thật Báo, rốt ráo Tịch Quang. Như vậy từ Sơ Trụ cho đến Đẳng Giác đều chỉ chứng được vài phần hai cõi này, đối với cực quả Diệu Giác thì hai cõi ấy đều là rốt ráo.

Nói đến Thật Báo là chỉ ước về phần chứng, nói đến Tịch Quang là chỉ ước về cứu cánh. Tịch Quang vô tướng, Thật Báo có đủ cả vi trần số chẳng thể nghĩ bàn Hoa Tạng thế giới hải vi diệu trang nghiêm. Ví như hư không vốn chẳng phải là các tướng, nhưng hết thảy các tướng đều do hư không mà phát hiện. Lại như gương báu rỗng sáng, trong suốt, trọn chẳng có một vật gì, nhưng hễ Hồ đến Hồ liền hiện bóng, Hán đến Hán liền hiện bóng. Thật Báo và Tịch Quang tuy một mà hai, tuy hai mà một. Vì muốn cho người dễ hiểu nên nói là hai cõi.

* Trong bốn cõi Tịnh Độ: người đới nghiệp vãng sanh sống trong Đồng Cư, người đoạn Kiến Hoặc sống trong Phương Tiện, người phá vô minh sống trong Thật Báo, người hết sạch Vô Minh trụ trong cõi Tịch Quang.

Thêm nữa, Thật Báo là ước theo quả báo cảm thành mà nói, Tịch Quang là ước theo lý tánh được chứng mà nói; chúng vốn thuộc một cõi, nhưng giảng như vậy cho người ta dễ hiểu. Vì thế, người phần chứng thuộc vào Thật Báo, người mãn chứng thuộc về Tịch Quang. Chứ thật sự trong cả hai cõi đều có đủ cả phần chứng lẫn mãn chứng. Trong Văn Sao, tôi đã từng trình bày tường tận.

Cõi Đồng Cư tuy có đủ ba cõi kia nhưng người chưa đoạn Hoặc chỉ thọ dụng được cảnh Đồng Cư. Dù là cảnh của người đới nghiệp vãng sanh nhưng chẳng thể gọi cõi đó là cõi phàm phu vì họ đều đạt được ba thứ Bất Thoái.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Luận Về Trung Ấm