* Niệm Phật cần phải có lòng tin chân thật:
a. Một là tin rằng tâm, Phật, chúng sanh, cả ba thứ không sai biệt. Ta là Phật chưa thành, Phật Di Ðà là vị Phật đã thành, giác tánh vô nhị. Ta tuy hôn mê, điên đảo, sai lầm, nhưng giác tánh chẳng hề mất. Ta tuy luân chuyển bao kiếp, nhưng giác tánh chưa hề động. Vì thế mới nói: “Ðừng khinh kẻ chưa ngộ, nhất niệm hồi quang sẽ cùng chứng đắc cái ta sẵn có”.
b. Kế đến, cần phải tin rằng ta là Lý Tánh Phật, Danh Tự Phật; Di Ðà là Cứu Cánh Phật, tánh tuy không hai, nhưng địa vị sai khác một trời, một vực!
Nếu chẳng chuyên niệm đức Phật kia để cầu sanh về cõi Ngài, ắt sẽ bị lưu chuyển theo nghiệp, chịu khổ vô lượng. Nói cách khác, Pháp Thân lưu chuyển trong năm đường chẳng được gọi là Phật, mà gọi là chúng sanh!
c. Ba là cần phải tin ta tuy chướng sâu nghiệp nặng, ở trong “khổ thành” (tòa thành khổ sở) đã lâu, nhưng là chúng sanh ở trong tâm của đức Di Ðà; Di Ðà tuy là vạn đức trang nghiêm ở xa ngoài mười vạn ức cõi, nhưng vẫn là đức Phật trong tâm ta.
Tâm, tánh đã là vô nhị thì tự nhiên cảm ứng đạo giao, tâm khổ thiết của ta ắt cảm, tâm từ bi của Phật ắt ứng, như nam châm hút sắt, chẳng còn ngờ chi. Ðầy đủ những lòng tin chân thật như vậy, dù một mảy thiện, một phước nhỏ như hạt bụi đều có thể đem hồi hướng về Tây Phương, trang nghiêm Tịnh Ðộ. Huống hồ là trì trai, giữ giới, phóng sanh, bố thí, đọc tụng Ðại Thừa, cúng dường Tam Bảo, các thứ hạnh lành lại chẳng đủ để làm tư lương Tịnh Ðộ hay sao?
Chỉ vì lòng tin chẳng chân thật, nên bị chìm trong hữu lậu. Vì thế, ngày nay tu hành chẳng có thuật trọng yếu nào khác cả; chỉ cốt sao trong mười hai thời, thêm vào ba thứ lòng tin chân thật ấy, chẳng cần phải thay đổi hết thảy điều gì ta đang tu tập cả.
* Nếu luôn luôn lo nghĩ sự nghiệp Sa Bà, một ngày nóng, mười ngày lạnh, tâm chẳng chuyên dốc, lúc gặp ngũ dục thì như keo, như sơn, gặp phải nghịch cảnh bèn kết oán, ôm hận. Ðến lúc mạng chung sẽ ngả theo chỗ mình coi trọng, vì Tịnh nhân nhỏ yếu nên khó thoát khỏi chốn khổ. Ðấy chỉ là do chẳng thể bỏ xuống những cái mình coi trọng. Ai nấy nên đau đáu nghĩ đến Sa Bà hiểm ác, sớm cầu xuất ly. Bò lê trong lục đạo, tiêu dao nơi chín phẩm, [hai đường] lợi hại [khác xa nhau] một trời một vực. Hãy nên tu tập nỗ lực, mạnh mẽ tỉnh ngộ!
Ắt nên sanh lòng chán, ưa lớn lao, bỏ uế, lấy tịnh; tin rằng sự lấy bỏ này và sự chẳng lấy bỏ vốn chẳng khác gì nhau. Ðừng chuộng hư danh, đừng chấp Không Kiến, chớ để kẻ học Thiền có danh phận nhưng chỉ chứng đắc tam muội nơi cửa miệng khiến ta lầm loạn. Chớ cầu sự linh nghiệm ngay trong sớm tối, vọng cầu ngoài tâm có Phật đến đón, khiến cho ma sự dấy động. Luôn lấy Niệm Phật làm Chánh Hạnh, siêng tu các điều thiện làm Trợ Hạnh.
Lại còn quyết ý mài giũa tham, sân, si, khiến cho chỗ nặng biến thành chỗ nhẹ, chỗ sống chín dần, tịnh niệm nối tiếp, nguyện hạnh hỗ trợ nhau thì tự nhiên trăm ngàn phần ổn thỏa, thích đáng vậy!
* Kính khuyên các bạn: Cần phải có đủ nguyện chân thật, phát tâm ưa chán, coi tam giới như lao ngục, coi nhà, vườn như gông cùm, coi thanh sắc như chất độc của loài chim Trầm, coi danh lợi như dây cương, ống khóa, coi mấy mươi năm thời vận cùng quẫn hay hanh thông như giấc mộng đêm qua, coi một kỳ thọ báo trong cõi Sa Bà như ngụ trong quán trọ, vừa hết đêm đã rời đi. Chỉ lấy việc trở về nhà làm trách nhiệm. Như ý cũng được, bất đắc ý cũng xong, chẳng bỏ lỡ tấc bóng, nhất tâm niệm Phật. Nếu thật sự có thể làm được như thế mà chẳng sanh về Tịnh Ðộ thì chư Phật đều thành nói dối. Xin hãy cùng gắng lên!
* Bảy ngày trì danh quý ở chỗ Nhất Tâm Bất Loạn, không gián đoạn, không xen tạp, chứ chẳng phải là niệm nhanh, niệm nhiều là hay! Chỉ nên chẳng rề rà, chẳng gấp gáp, trì danh nghiêm mật khiến cho câu Phật hiệu phân minh vằng vặc trong tâm. Mặc áo, ăn cơm, đi, đứng, nằm, ngồi; một câu hồng danh miên mật chẳng đoạn, giống như thở ra, hít vào. Chẳng được tán loạn, nhưng cũng chẳng để chìm mất. Trì danh như thế, đáng gọi là đạt nhất tâm tinh tấn về mặt Sự!
* Hiện thời, Tịnh nghiệp học nhân suốt ngày niệm Phật, sám hối tội lỗi, phát nguyện, mà Tây phương vẫn cách xa là do chưa thể giữ sao cho ngoài chuyện vãng sanh, không còn nghĩ tới chuyện gì khác, chưa nhổ được gốc ái, để dây tình còn lôi kéo vậy! Nếu có thể coi chuyện ân ái cõi Sa Bà như nhai sáp; chẳng quản bận, rảnh, động, tịnh, khổ, sướng, buồn, vui, cứ dựa vào một câu Phật hiệu giống hệt như dựa vào núi Tu Di thì hết thảy cảnh duyên chẳng thể lay động nổi.
Nếu lúc nào biết chính mình đang mệt mỏi, lười biếng, hoặc là tập khí hiện tiền, hãy nên mạnh mẽ phát khởi một niệm như tuốt thanh trường kiếm Ỷ Thiên khiến cho ma quân không chỗ ẩn trốn, cũng như hỏa lò rực lửa khiến cho vô thỉ tình thức tiêu tan chẳng sót! Người ấy tuy đang ở trong chốn Ngũ Trược mà thân đã nghiễm nhiên ngồi trong cõi Liên Hoa, nào còn phải đợi đức Di Ðà xòe tay, đức Quán Âm khuyên mời, mới tin là mình đã vãng sanh!
Nhận định:
Trì danh chẳng cốt niệm nhanh, niệm nhiều là hay, nhưng chẳng nên [nại cớ đó để] tà tà, lơi là. Cổ đức trì danh ngày đêm tới một vạn biến, há chẳng phải là niệm nhanh, niệm nhiều đó sao? Câu “chớ cầu chóng có linh nghiệm, đừng vọng cầu ngoài tâm có Phật đến đón, khiến cho ma sự dấy động” nhằm dạy riêng người tu quán tưởng. Nếu gặp phải ma sự, hãy nên đề khởi chánh niệm, thầm trì Phật hiệu, vì tà chẳng thắng nổi chánh, nên ma sự ắt tiêu diệt, chẳng cần phải lo sợ.