* Một câu Phật danh trọn đủ các thần lực chẳng thể nghĩ bàn, trị được hết thảy tâm bệnh phiền não. Mỗi khi nghịch cảnh xảy tới, tâm sanh phiền não, hãy liền kinh hành niệm Phật, cứ bốn bước là một câu Phật hiệu, giáp vòng như thế. Niệm được mấy vòng, sẽ dần dần thấy cõi lòng thanh lương, nhiệt não tự biến mất. Có lúc lắm việc tâm bị khuấy động, đêm đã khuya vẫn chẳng ngủ được thì cũng nên chuyên xưng Phật hiệu, chừng khoảng chốc lát thân tâm an định sẽ ngủ được, không có các mộng tưởng.
Lúc đang chép kinh thì mỗi một nét bút là một câu Phật hiệu, tinh thần chẳng tán loạn, vọng niệm chẳng khởi, viết lâu cũng chẳng thấy khổ sở. Nếu thật sự tin được một pháp Niệm Phật này, chuyên tâm xưng niệm chẳng hề gián đoạn, niệm đến mức tâm không, cảnh lặng, phiền não sẽ không có cách nào phát sanh được!
* Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nhiếp tâm là Giới”, Niệm Phật chính là pháp để nhiếp tâm vì lấy chánh niệm của việc niệm Phật để ngưng dứt các vọng niệm vin nắm. Nếu như dùng cái tâm thường vin nắm các duyên sắc trần để chuyên niệm A Di Ðà Phật, tịnh niệm tiếp nối, sẽ tự chẳng bị sắc trần xoay chuyển, nhiếp quy chánh niệm niệm Phật. Các duyên vin nắm theo thanh trần, hương trần v.v… đối với mỗi duyên đều giống như thế sẽ chẳng đến nỗi tự mình phá giới, làm ác!
Niệm Phật đến mức niệm nào cũng tương ứng với Phật, lẽ đương nhiên các niệm chẳng khởi, liền có thể thanh tịnh ý nghiệp, tự nhiên đầy đủ các giới. Hai nghiệp thân, khẩu cũng đều do ý nghiệp phát khởi. Ý nghiệp chẳng nghĩ đến giết, trộm, dâm, chẳng tưởng đến nói dối, nói thêu dệt, nói ác, nói đôi chiều thì thân nghiệp và khẩu nghiệp chẳng phạm giới. Vì thế, Niệm Phật là pháp môn thanh tịnh các nghiệp; một câu danh hiệu Phật thanh tịnh cả ba nghiệp. Ðiều này chứng tỏ một cách rõ ràng rằng Niệm Phật có đủ cả Giới Học.
Nhận định:
Niệm Phật thanh tịnh được cả ba nghiệp, trị hết thảy tâm bệnh phiền não. Xin hãy nhiếp tâm chuyên niệm, niệm đến mức tâm không cảnh lặng; phiền não, nghiệp chướng sẽ tự nhiên tiêu trừ.