Hôm nay tôi rất vui mừng có duyên nói chuyện với quý vị, nhưng vì thời gian quá ngắn ngủi chỉ có thể chọn ra đôi lời quan trọng để nói mà thôi.
* Tin sâu nhân quả, tu nhiều âm đức.
Căn bệnh lớn nhất của con người hiện thời là “không tin nhân quả báo ứng”, bất luận là pháp thế gian hay pháp xuất thế gian đều chẳng lìa nhân quả, nay tôi sẽ dùng câu này để mở đầu buổi nói chuyện.
Sự của nhân quả rất phức tạp. Lý của nhân quả sâu thẳm khó hiểu; quy nạp lại bèn chia ra nhiều loại khác nhau: thiện, ác, vô ký, hữu lậu, vô lậu. Lúc tạo thì có khi thiện chuyển thành ác, có khi ác biến thành thiện, có rất nhiều sự thay đổi khác nhau, rất khó nói, nên chỉ nêu ra những sự việc liên quan mật thiết nhưng tương đối dễ hiểu, đó là “đạo đức”.
Đạo là gì? Đạo là những gì có thể đem lại lợi ích cho đại chúng, đem lại từ bi, trí huệ cho người khác. Đức là gì? Sau khi thực hành, có thể đạt được những lợi ích. Đức lại chia thành dương đức và âm đức. Dương đức [là những đức] hiện ra rõ ràng, thuộc hữu lậu, [chẳng hạn như] làm việc thiện mà mong người khác biết, mong được danh thơm tiếng tốt hay phước báo. Còn âm đức ẩn kín, thuộc về vô lậu, làm việc thiện không mong người khác biết, tuy không vì danh, vì lợi, vẫn được phước báo. Ngược lại, việc ác cũng chia ra dương ác và âm ác. Dương ác là những điều ác hiện rõ ràng, ai cũng biết; âm ác ví dụ như tâm ác độc hại người, quả báo là trong tương lai sẽ đọa tam đồ, chúng ta phải nên cẩn thận. Nhân quả báo ứng tuyệt đối chẳng hư giả. Chúng ta tới chùa, chùa là đạo tràng, nếu không có đạo đức, thì là đạo gì? Do đó đừng nên tạo ác, phải tu âm đức, nếu có thể tu âm đức thì quả báo ẩn kín hay rõ rệt đều có đủ.
* Noi theo Thánh Ngôn Lượng để tu trì.
Kế đó, hãy nói về việc học Phật. Trong Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, tổ sư chia thành mười tông phái, sau đó lại chia thành pháp môn phổ thông và pháp môn đặc biệt. Tu theo pháp môn phổ thông muốn giải thoát sanh tử, tu thành quả vị Phật phải trải qua ba A Tăng Kỳ kiếp. Pháp môn đặc biệt thì ngay trong đời này có thể thoát khỏi tam giới, thoát khỏi luân hồi, thành tựu trong đời này. Ngoài lợi ích to lớn như vậy lại còn bao trùm khắp ba căn. Kẻ hiểu được là phải triệt ngộ ý nghĩa của Tam Tạng mười hai bộ kinh, nhưng nếu hiểu không được, dẫu là người ngu nhất cũng tu được. Tu như thế nào? Chỉ chấp trì một câu A Di Đà Phật là được! Câu danh hiệu A Di Đà Phật này, vừa dạy liền biết niệm, vô cùng dễ dàng! Cứ nhất tâm trì niệm bèn liền được đức Phật tiếp dẫn, liễu thoát sanh tử, sanh về Cực Lạc, vô cùng thẳng tắt! Đó là pháp môn đặc biệt, cũng gọi là pháp môn Tịnh Độ. Lý này chỉ có Phật và Phật mới có thể biết trọn vẹn, từ Đẳng Giác trở xuống đều chẳng hiểu trọn hết.
Nghiên cứu Phật học cần phải biết về Tam Lượng[11]: Hiện Lượng, Tỷ Lượng, Thánh Ngôn Lượng. Lượng nghĩa là thước tấc. Chẳng biết dài hay ngắn thì phải dùng thước tấc để đo lường, thước tấc là tiêu chuẩn. Tam Lượng là tiêu chuẩn. Thánh Ngôn Lượng là những lời dạy của thánh nhân, chân thật chẳng hư dối có thể dùng làm tiêu chuẩn cho người tu hành. Pháp môn Tịnh Độ chỉ có đức Phật mới hiểu trọn, chúng ta cứ noi theo Thánh Ngôn Lượng sẽ khỏi phạm sai lầm. Đạo sư ở thế giới chúng ta, đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy chúng ta chấp trì danh hiệu A Di Đà Phật, chúng ta hãy nghe theo, chấp trì danh hiệu, đó là Phật tử chân chánh, tin tưởng Thánh Ngôn Lượng.
* Miệng niệm tai nghe, một trăm lẻ tám chẳng loạn.
Đã tin vào Thánh Ngôn Lượng và trì danh hiệu A Di Đà Phật; công phu trì danh có sâu hay cạn, giống như trường học có tiểu học, trung học, đại học, trình độ cao thấp khác nhau. Niệm Phật tầng thứ nhất là “miệng niệm tai nghe”, mức độ này cũng như tiểu học. Kế đó là “tâm niệm, tâm nghe”, mức độ này cũng như trung học. Cuối cùng là “thần niệm, thần nghe”, [thần ở đây nghĩa là tâm thanh tịnh; hoặc nói chính xác là dùng tánh Nghe nơi tự tánh để nghe câu niệm. Cái tâm nói ở mức độ thứ hai thấp hơn vì cái tâm ấy còn là tâm thức, tức vọng tâm chưa phải chân tâm] mức này cũng như đại học. Trình độ của chúng ta chỉ là tiểu học mà thôi, có thể miệng niệm rõ ràng rành rẽ, tai nghe rõ ràng, rành rẽ, công phu niệm tới mức thuần thục, trong tâm chỉ có Phật, chẳng bị ngoại cảnh làm rối loạn, đó chính là nhất tâm bất loạn được nói trong kinh Di Đà.
Chúng ta tự hỏi lòng mình có ai niệm tới mức nhất tâm bất loạn hay chưa? Niệm Phật tới mức “tâm niệm, tâm nghe” chính là cảnh giới “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” của Đại Thế Chí Bồ Tát, càng không dễ gì đạt được. Còn mức độ “thần niệm, thần nghe” chính là Thật Tướng Niệm Phật, đạt đến mức “niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”. “Chiếu mà thường tịch, tịch mà thường chiếu”, rốt cuộc chẳng có ai hiểu được.
Chư vị đừng coi thường câu “miệng niệm, tai nghe” này, miệng niệm rõ ràng, tai nghe rành rẽ, sẽ chánh niệm phân minh, có thể đắc nhất tâm. Chư vị có thể hạ thủ công phu từ chỗ này, luyện tập một tháng không gián đoạn thì sẽ đạt được lợi ích to lớn.
Những điều nói trên đều là phương pháp niệm Phật, còn số lượng nhiều hay ít, ở đây, tôi nhắc lại một bài kệ của cổ đức để mọi người tham khảo:
Niệm Phật bất tất cầu đa niệm
Đản niệm bách bát tâm bất loạn
Kỳ trung nhược hữu nhất niệm sai
Trạo chuyển châu đầu giai bất toán
(Niệm Phật chẳng cầu phải niệm nhiều
Chỉ niệm trăm tám tâm chẳng loạn
Trong đó nếu có một niệm sai
Lần chuỗi niệm lại, trước không tính)
Đừng chê một trăm lẻ tám ít quá, nhất tâm niệm Phật thì một trăm lẻ tám cũng bằng ba mươi sáu vạn ức mười một vạn chín ngàn năm trăm tiếng (Nhận định: Xin tham khảo Long Thư Tịnh Độ Văn, cuốn bốn, phần Pháp Môn Tu Trì số sáu). Lời tôi nói đều y theo kinh điển và lời của Tổ Sư, chư vị hãy nên chuyên cần luyện tập niệm Phật nhất tâm. Kính chúc quang thọ vô lượng.