Home > Khai Thị Niệm Phật
Trích Dẫn Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa Của Cư Sĩ Giang Vị Nông
Mao Dịch Viên | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch


Một pháp niệm Phật là phương tiện rất tiện lợi để dứt trừ vọng niệm. Không để cho nghĩ nhớ gì khác mà niệm Phật, cũng là sự thay đổi niệm mà thôi. Xem ra, niệm Phật còn gần gũi hơn quán tưởng, niệm Phật tức là Tịnh niệm, hay đổi một niệm thanh tịnh để trị những niệm cấu nhiễm trước nay, đồng thời khiến cho nhất tâm niệm, là dùng niệm thuần nhất để trị những niệm tạp loạn trước nay. Vả lại, Phật là giác, mỗi niệm là Phật thì mỗi niệm là giác. Giác là giác ngộ bản tánh vô niệm, cho nên nói “gần gũi hơn”. Chỉ cần siêng năng thành khẩn nhất tâm, liền có thể đạt đến chỗ niệm mà vô niệm. Nên biết, mục đích của việc niệm Phật là phải về nơi vô niệm, tức là về Chân như, thế thì không nói đoạn mà tự đoạn, không mong chứng mà tự chứng. Phương tiện ấy có gì sánh bằng!

Công phu niệm Phật tuy chưa đạt đến niệm mà vô niệm, nhưng có thể hạnh nguyện chân thật thiết tha, nhờ sức bi nguyện của Phật Di đà cũng được tiếp dẫn vãng sinh, liền đồng với bậc A bệ bạt trí, nghĩa là không thối chuyển, tức địa vị Sơ trụ. Như tu pháp khác phải trải qua kiếp số dài xa, nay một đời làm được nên gọi là phương tiện trong phương tiện. Song, hạnh nguyện chân thật thiết tha, cần phải nhất tâm ở nơi việc niệm Phật cầu vãng sinh, mới có thể chân thật thiết tha. Nếu một mặt niệm Phật, một mặt lại khởi tư tưởng trần cấu thì hạnh nguyện không chân thật thiết tha. Cho nên, người niệm Phật ở nơi việc đoạn một tầng vọng niệm, dù không dễ làm được nhưng đối với hai câu: “Không nên trụ sắc sinh tâm. Không nên trụ nơi thinh, hương, vị, xúc, pháp mà sinh tâm”, quyết phải làm được. Nếu không thì nguyện chẳng tha thiết, hạnh chẳng chân thật, sao có thể được Phật tiếp dẫn? Khi tập khí trần cấu nặng nề, hoàn toàn không tương ưng với hai chữ thanh tịnh, Phật cũng chẳng biết làm sao! 

Nên biết khởi niệm là vọng, tâm niệm niệm Phật cũng là vọng, chẳng phải chơn. Tại sao? Vì tánh Chân như vốn vô niệm. Chỉ do phàm phu ý niệm ô nhiễm không dừng, bất đắc dĩ mới mượn Tịnh niệm niệm Phật trị những ý niệm ô nhiễm trụ chấp vào trần cảnh. Bởi lẽ tâm niệm niệm Phật tuy chẳng phải Bản thể Chân như, nhưng lại là diệu dụng tiến đến Chân như. Tại sao? Chân như là tâm thanh tịnh, niệm Phật là niệm thanh tịnh, cùng là thanh tịnh nên được tương ưng. Cho nên, tâm niệm niệm Phật, niệm niệm không dừng có thể đạt đến vô niệm, vì thế gọi là phương tiện thù thắng. Thế giới Cực Lạc cũng là tướng huyễn hóa, nhưng không thể không nguyện vãng sinh, vì cái huyễn hóa tịnh không đồng với cái huyễn hóa nhiễm. Tại sao? Vì cõi thanh tịnh vốn do tâm thanh tịnh hiển hiện, gọi là tâm tịnh thì cõi tịnh.

Nên biết Phật A di đà đến tiếp dẫn, ban đầu chưa từng đến, vãng sinh Tây Phương cũng chưa từng đi. Tuy chưa từng đi nào ngại thị hiện đến, thị hiện đi. Tại sao? Vì không đến không đi là lý thể, có đến có đi là sự tướng. Lý Sự xưa nay không hai, tánh tướng cần phải viên dung. Cho nên, mặc dù không đến không đi, vẫn chẳng ngại có đến có đi; mặc dù có đến có đi, kỳ thật không có đến đi. Điều quan trọng nhất, tức là đến đi phải ở nơi không đến không đi mà thể hội, không đến không đi phải ở nơi đến đi mà thầm nhận. Đó là bí quyết niệm Phật cầu vãng sinh, được bí quyết này chắc chắn vãng sinh thấy Phật. Ai bảo rằng, người tu Tịnh độ không cần học Bát nhã, lại nghi Bát nhã làm trở ngại Tịnh độ?