Home > Khai Thị Phật Học
Tín Nguyện Hạnh
Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc | Hòa Thượng Thích Tuệ Nhuận, Việt Dịch


TÍN

1. Thế nào là tin ở mình?

Người tu học mà tin ở mình là: tin ở cái tâm tính của mình (1), nó chỉ hiện ra trong một loáng (một niệm). Tâm tính của mình đây chẳng phải là trái tim thịt đâu, chẳng phải là những cái bóng trần duyên mình tưởng tượng thấy hiện ra ở trong khối óc, trái tim đâu. Tâm tính của mình đây: về thời gian, nó không có lúc nào là kiếp trước của nó, không có lúc nào là kiếp sau của nó; về không gian, nó không có chỗ nào là bến bờ của nó. Lúc nào cũng có nó, chỗ nào cũng có nó, nó tràn đầy khắp cả vũ trụ, khắp không gian vô biên, khắp thời gian vô tận. Tâm tính của mình, suốt ngày nó theo mọi trần duyên, suốt ngày nó chẳng hề biến đổi.

Cả quãng hư không mênh mông bát ngát khắp mười phương và bao nhiêu thế giới nhiều như vi trần đang quay cuồng ở trong đó, đều là những vật bị tạo ra ở trong tâm tính của mình trong một niệm hiện ra đây. Mặc dầu mình tối tăm điên đảo, mê hoặc, không nhận rõ được tâm tính của mình nó bao la rộng lớn như thế, nhưng nếu mình chịu hồi tâm trong một niệm (một loáng) thì quyết định là mình sẽ được sinh vào cái thế giới Cực Lạc, là cái thế giới vốn sẵn có đủ ở trong tâm tính của mình, không còn nghi ngờ gì nữa.

Tin như thế gọi là Tin ở mình (tức là tin ở cái tâm tính chân thực của mình, trong nó có sẵn mầm nhân để tạo ra thế giới Cực Lạc).

2. Thế nào là tin ở người?

Người tu học tin ở người, là tin Phật Thích Ca không nói dối, tin Phật A Di Ðà không nguyện xuông, tin chư Phật ở sáu phương có tướng lưỡi rộng dài, quyết không nói hai lời. Phải thuận theo lời dạy bảo chân thực của chư Phật, quyết chí cầu sinh sang Cực Lạc, không còn nghi hoặc nữa.

Tin như thế gọi là tin ở người (tức là mình tin lời dạy bảo của người).

3. Thế nào là tin ở nhân?

Người tu học tin ở nhân là tin rất sâu rằng: Kẻ niệm Phật mà tâm tán loạn cũng còn tạo ra được hạt giống để thành Phật mai sau, huống chi là người niệm Phật nhất tâm bất loạn thì sao lại chẳng được sinh sang Tịnh Ðộ.

Tin như thế gọi là tin ở nhân (vì mình tin cái tiếng niệm Phật ấy tức là cái nhân thành Phật).

4. Thế nào là tin ở quả?

Người tu học tin ở quả là tin rất sâu rằng: Các vị thượng thiện nhân đang tụ hội ở cõi Tịnh Ðộ kia, đều là những người đã theo phép Niệm Phật Tam Muội mà đã được sinh sang đấy, giống như người trồng nhân dưa đã được quả dưa, trồng nhân đậu đã được quả đậu. Cũng giống như bóng phải theo hình, vang phải theo tiếng, quyết không hư hỏng chút nào.

Tin như thế gọi là tin ở Quả (vì mình tin sự kết quả của những người đã được sinh kia).

5. Thế nào là tin ở sự thật?

Người tu học tin ở sự thật là tin rất sâu rằng: Cái tâm tính của mình tuy nó chỉ hiện ra trong một niệm (một loáng), mà thực ra nó rộng lớn vô cùng, chẳng biết đến đâu là hết được; thế thì những thế giới khắp mười phương xuất hiện ở trong tâm tính mình cũng chẳng biết bao nhiêu là hết được. Vậy thời thế giới Cực Lạc ở cách đây mười vạn ức Phật độ là một thế giới có thực, rất thanh tịnh trang nghiêm, chứ chẳng phải thế giới tưởng tượng ở trong bài ngụ ngôn của Trang Tử.

Tin như thế gọi là tin ở sự thực (vì mình tin cảnh giới Tịnh Ðộ là một sự thực có).

6. Thế nào là tin ở lý?

Người tu học tin ở lý là tin rất sâu rằng: Mười vạn ức Phật độ tuy là nhiều lắm, xa lắm; mà thực ra nó chỉ ở trong tâm tính của ta hiện ra trong một niệm đây. Nó không thể ở ra ngoài tâm tính của ta được, bởi vì tâm tính của ta không có đâu là ngoài để cho nó ở. Vả lại tin rất sâu rằng: Ở Tây Phương, Tịnh Ðộ của thế giới Cực Lạc với tịnh thân của vị Giáo Chủ và của các bạn (2) đều giống như những cái bóng hiện ra ở trong cái gương tâm tính của ta đây hiện ra trong một niệm.

Hoàn toàn những sự ấy tức là lý, hoàn toàn những vọng ấy tức là chân, hoàn toàn phần tu ấy tức là phần tính, hoàn toàn phần người khác ấy tức là phần mình; bởi vì tâm tính của mình tràn đầy khắp cả. Tâm tính của Phật cũng tràn đầy khắp cả. Tâm tính của hết thảy chúng sinh cũng tràn đầy khắp cả. Thí dụ như nghìn ngọn đèn cùng ở trong một căn nhà, ánh sáng của đèn nào cũng tràn đầy khắp cả nhà; ánh sáng này, ánh sáng khác nó giao chập vào với nhau chẳng hề chướng ngại gì cả. Tin sâu như thế gọi là tin ở Chính Lý (vì mình tin toàn thể cái khối Nhất Chân Pháp Giới ấy là chính lý). 

NGUYỆN

Người tu học đã có sáu sức mạnh tin như thế rồi thì hiểu rằng: Cõi Sa Bà ô uế này là do tâm tính mình ô uế đã tạo ra nó, lý ưng mình phải chán bỏ nó ra; cõi Cực Lạc trong sạch kia là do tâm tính mình trong sạch tạo ra nó, lý ưng mình vui cầu lấy nó (sự thật này tức là lý thật).

Mình đã chán ô uế thì nên bỏ, mà đã nên bỏ thì phải bỏ cho thật rốt ráo, không còn phải bỏ đi, bỏ lại nữa. Mình đã thích trong sạch thì nên lấy, mà đã lấy thì cũng lấy cho kỳ rốt ráo, không còn phải lấy đi lấy lại nữa. Sách Diệu Tông nói: “Người nào đã bỏ hết rồi, đã lấy hết rồi tức là người không còn phải bỏ, phải lấy gì nữa. Nếu ai chẳng làm cho trọn hết cái việc lấy và bỏ, mà đã vội nói rằng tôi chẳng lấy, chẳng bỏ gì cả, thế là người chỉ nói lý xuông, mà chẳng chịu làm cho xong phận sự. Phần Sự đã bỏ chẳng chịu làm cho xong thì phần Lý cũng chẳng bao giờ được trọn vẹn”.

Nếu mình đã hiểu thấu được (và tin chắc được) hoàn toàn Sự ấy tức là Lý ấy, thời mình chí nguyện lấy sự này tức là đúng lý mà lấy, và mình chí nguyện bỏ sự kia, cũng là đúng lý mà bỏ; một khi bỏ, một khi lấy chỉ là bỏ Pháp Giới này lấy Pháp Giới kia đấy thôi. Và đều đúng lý cả.

Cho nên sau khi đã có tâm Tín rồi, thì phải phát nguyện cho rõ ràng (chí nguyện bỏ hay là chí nguyện lấy).

HÀNH

Bây giờ nói đến Hành là người chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn, tức là người niệm danh hiệu Phật để cho tâm mình đậu vào một chỗ, chẳng bị rối loạn.

Niệm danh hiệu Phật là niệm công đức Phật (đã tin sâu như thế thì cứ tin, đừng suy nghĩ nữa mà hỏng việc). Công đức của Phật chẳng khá nghĩ, chẳng khá bàn cho nên danh hiệu của Phật cũng chẳng khá nghĩ, chẳng khá bàn (vì trí tuệ mình thấp kém quá, nghĩ bàn sao được mà nghĩ bàn!) Danh hiệu của Phật và công đức của Phật đều chẳng khá nghĩ bàn, cho nên người niệm danh hiệu Phật mà tâm tán loạn cũng đã tạo được hạt giống thành Phật mai sau và người niệm Phật nhất tâm bất loạn sẽ được lên ngay ngôi Bồ Tát Bất Thoái.

Các kinh nói về phép tu Tịnh Ðộ rất nhiều, có nghìn vạn phép khác nhau, như là những phép ngồi quán tưởng Phật, phép ngồi quán tượng và các phép: lễ bái, cúng dường, ngũ hối, lục niệm v.v… Trong các phép ấy, tu được một phép nào cũng được sinh về Tịnh Ðộ.

Duy chỉ có một phép Trì Danh là phép niệm Phật này là thu được hết mọi hạng người, ai tu cũng được. Và ai bắt tay vào tu cũng thấy rất dễ. Cho nên không ai hỏi mà đức Thích Ca tự nói ra kinh này, Ngài đặc biệt hướng vào ông Xá Lợi Phất, là người đại trí tuệ, mà nói cho nghe. Ðủ biết phép này là một phép Liễu Nghĩa Vô Thượng (3) rút ra ở trong các phương tiện liễu nghĩa đệ nhất, và là một phép tối cao viên đốn (4) rút ra ở trong các phép Viên Ðốn. Cho nên nói rằng: “Ngọc minh châu bỏ vào nước đục, nước đục tất phải trong. Danh hiệu Phật gieo vào cái tâm rối loạn, tâm rối loạn tất phải thành Phật”.

Cái tâm Tín và Nguyện với cái việc Trì Danh ở kinh này là cái mầm nhân chân thực của đạo Nhất Thừa (5), tức là bốn cõi Tịnh Ðộ. Gây được nhân thời quả tất phải theo nhân mà mọc ra. Cho nên dùng cái tâm Tín và Nguyện với cái việc Trì Danh làm tôn chỉ chính đáng của bộ kinh này.

Còn tướng trạng của bốn cõi Tịnh Ðộ, ở bộ Diệu Tông Sao và kinh Phạm Võng Huyền Nghĩa đã nói rất tường tận, ở đây không thể nói hết được. Xuống dưới này, ở chỗ thích nghĩa Y Báo và Chính Báo, tôi sẽ nói lược thêm.
______________________

(1) Người tu học đừng có hững hờ, chểnh mảng, phải hết lòng đặt mình vào với cái tâm tính chân thực này, và phải gắng hết sức diệt cho hết cái tâm nghĩ ngợi lăng xăng nó luôn đến luôn luôn, làm rối loạn và bưng bít mất tâm chân thực không cho hiện ra. 

(2) Chữ “bạn” đây là bạn lữ: tất cả người trong đoàn thể tôn thờ một đức Giáo Chủ.

(3) Liễu nghĩa vô thượng là nghĩa rốt ráo cao hơn hết.

(4) Tối cực viên đốn là đầy đủ mau chóng cực điểm.

(5) Nhất Thừa tức là Phật Thừa, là phép tu duy nhất thành Phật, khác với những phép tu Nhị Thừa, Tam Thừa, Ðại Thừa và Tiểu Thừa.
Trích từ: A Di Ðà Kinh Yếu Giải


Kinh Sách Liên Quan

 
1.    A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 1, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
2.    A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 2, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
3.    A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 3, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
4.    A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 4, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
5.    A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 5, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
6.    A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 6, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
7.    A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 7, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
8.    A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 8, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
9.    A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 9, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
10.    A Di Đà Kinh Yếu Giải, Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc | Hòa Thượng Thích Tuệ Nhuận, Việt Dịch
11.    A Di Đà Phật Thánh Điển, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
12.    A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, Pháp Sư Thích Cổ Đức | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
13.    Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Yếu Giải, Cư Sĩ Như Hòa
14.    Kinh Phật Thuyết A Di Ðà Lược Giải, Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
15.    Phật Thuyết A Di Đà Kinh Hợp Giải, Cư Sĩ Như Hòa
16.    Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
17.    Tự Điển Pháp Tướng Tông, Vu Lăng Ba | Lê Hồng Sơn, Việt Dịch