Phật Học Vấn Đáp


Đi kinh hành ba hoặc bảy vòng tượng trưng cho ý nghĩa gì?
Kính bạch thầy, thường thì sau giờ thọ trai trong những khóa tu cũng như ngày thọ Bát đều có đi kinh hành, có thầy nói đi kinh hành đúng ra là phải đi ba vòng hoặc bảy vòng. Tại sao phải đi đúng theo con số như thế? Và con số 3 và số 7 tượng trưng cho ý nghĩa gì? Kính mong thầy giải đáp cho chúng con hiểu.

8/1/2022 7:41:35 AM

Trong nhà Phật có nêu ra nhiều pháp môn tu. Hành giả tự chọn cho mình một pháp môn tu thích hợp. Thích hợp với sở thích và căn cơ trình độ của mình. Tuy nhiên, dù hành giả tu bất cứ pháp môn nào mục đích nhắm tới cũng là để được giác ngộ và giải thoát. Kinh hành niệm Phật cũng là một pháp môn tu. Thông thường, người tu theo pháp môn Tịnh Độ, thì sau giờ thọ trai của những khóa tu đặc biệt, hay những ngày thọ bát tại chùa, chư Tăng, Ni và Phật tử thường hay đi kinh hành niệm Phật ở điện Phật. Việc đi kinh hành nầy không phải tự ý trong chùa bày ra như vậy. Mà nó có một truyền thống lâu đời bắt nguồn từ thời đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế.

Tụng đọc Kinh Pháp Hoa, chúng ta thấy sau khi Phật thọ trai xong, Ngài thường đi kinh hành dưới cội cây. Tuy nhiên, cách đi kinh hành của Đức Phật có khác hơn chúng ta. Bởi Phật đi kinh hành trong sự lặng lẽ để quán chiếu tư duy sâu sắc về con người và vạn hữu vũ trụ, Ngài không có niệm Phật thành tiếng như chúng ta (vì Ngài là Phật còn niệm Phật nào nữa). Còn ngày nay chúng ta đi kinh hành phải niệm Phật thành tiếng. Việc đi kinh hành nầy, theo tôi, thì nó có ba điều lợi ích:

Thứ nhứt, là để tiêu hóa những thức ăn mà mình vừa mới thọ thực. Đây cũng là điều rất phù hợp với phương pháp vệ sinh trong việc giữ gìn sức khỏe. Bởi mới ăn no mà đi nằm nghỉ liền thì khó tiêu hóa và cũng dễ sanh ra bệnh hoạn.

Thứ hai, vừa đi vừa niệm Phật, hành giả sẽ được tiêu nghiệp sanh phước. Đó cũng là một phương cách dễ nhiếp tâm và được nhiều công đức lợi lạc.

Thứ ba, chúng ta đi từng bước chân vững chắc và miệng thì xưng danh hiệu Phật, một bề tưởng nhớ đến Phật không tưởng nhớ đến việc gì khác, nhờ đó mà chúng ta có được năng lượng chánh niệm và đem năng lượng chánh niệm nầy để hồi hướng cho pháp giới chúng sanh đều được hưởng chung lợi lạc thật là hữu ích.

Bất cứ việc làm nào nếu chúng ta thật hành đúng pháp thì việc làm đó chắc chắn là sẽ mang lại cho chúng ta nhiều điều hữu ích lợi lạc. Phương pháp đi kinh hành mới nhìn vào chúng ta thấy rất đơn giản, nhưng kỳ thật thì cũng hết sức quan trọng. Bởi lẽ khi đi không phải chúng ta đi nghêu ngao cho có lệ, hoặc vừa đi vừa tính toán nghĩ suy chuyện bao đồng thế gian, đi như thế thì chỉ có cái xác đi mà không có cái hồn. Nghĩa là chúng ta đi trong thất niệm, thân và tâm không hợp nhứt. Chúng ta phải đi và niệm Phật như thế nào cho tâm ta được an lạc và phát sanh trí tuệ. Đi như thế mới đúng pháp. Khi đi, chúng ta nên lưu ý mọi người phải giữ khoảng cách bước chân đều nhau. Không được đi cận kề nhau quá và cũng đừng để khoảng cách xa nhau.

Chúng ta giữ sao cứ một câu hiệu Phật A Di Đà gồm có bốn bước chân. Điều nầy mỗi hành giả cần phải được thực tập hướng dẫn đi cho đúng. Khi mọi người đi dúng rồi, thì sẽ rất nhịp nhàng và không còn cảm thấy bỡ ngỡ ngượng ngập nữa. Bước đầu chúng ta đi cảm thấy hơi khó khăn, vì chúng ta quen đi theo những bước chân ngoài đời. Đi trong vội vã và hấp tấp. Đi trong tính toán lo âu và sợ hãi. Đi đâu cũng muốn đi vội, đi nhanh, đi cho mau tới. Ngày xưa đức Thế Tôn đi từng bước chân thanh thoát, nhẹ nhàng, Ngài đi trong sự vững chãi và thảnh thơi. Không phải đi trong sự nặng nề uể oải như chúng ta. Nếu chúng ta đi nhanh đùn cục hoặc đi quá chậm tạo thành khoảng cách xa nhau rồi bấy giờ ta lại đi nhanh như chạy cho kịp, thế là vừa mất oai nghi mà cũng vừa mất luôn chánh niệm. Đi kinh hành niệm Phật cũng là một pháp tu rất lợi lạc nên chúng ta cần phải thực tập cho kỹ. Đi như thế, nhìn vào mất đi vẻ thẩm mỹ trang nghiêm. Người đi sau nhìn người đi trước và đi cho ngay hàng thẳng lối không được cong quẹo. Đó là chúng tôi nói sơ về phương cách lợi ích của việc đi kinh hành niệm Phật.

Còn Phật tử hỏi, tại sao phải đi ba vòng hoặc bảy vòng?  Xin thưa, đây cũng chỉ là một con số tượng trưng thôi. Theo trong quyển Sa Di Luật Giải do Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ dịch, ở phần "Oai Nghi" nói về "Vào Chùa Am" có đoạn nói: "Phàm cung kính nhiễu tháp mấy vòng đều có chỗ tiêu biểu cả. Như "ba vòng" tiêu biểu cúng dường "Tam Bảo", trừ "ba độc" sạch "ba nghiệp", dứt ba đường ác đặng gặp "Tam Bảo". "Bảy vòng" trừ "tội thất chi" đặng bảy phần "Bồ Đề" v.v..." Trên đây nói nhiễu tháp cũng giống như đi kinh hành vậy. Nói trừ "Ba Độc" tức là trừ ba món "Tham, Sân, Si". Ba thứ nầy sở dĩ nói là độc, bởi chính nó là nguyên động lực thúc đẩy chúng sanh tạo nghiệp ác mà phải chịu nổi trôi thọ khổ trong tam đồ lục đạo. Trừ sạch ba thứ nầy thì chúng sanh sẽ hết khổ sanh tử. Còn đi bảy vòng là trừ được thất chi tội. Thất chi nghĩa là ba tội của thân: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, bốn tội của miệng: nói dối, nói lời trau chuốt, nói hai lưỡi đâm thọc, và nói lời hung ác trù rủa chửi mắng. Nói đặng bảy phần Bồ đề hay còn gọi là bảy thứ Giác chi: "Trạch pháp, tinh tấn, khinh an, hỷ, niệm, định, xả". Trạch pháp: dùng trí huệ để lựa chọn chân pháp, xả bỏ pháp hư ngụy. Tinh tấn: không lười biếng đối với việc tu hành chánh pháp. Khinh an: cảm thấy thân tâm cảm khoái an ổn. Hỷ: tâm vui mừng vì được chánh pháp. Niệm: trong tâm sáng suốt, thường nhớ thiền định và trí huệ. Định: nhập thiền định, tâm không tán loạn. Xả: tâm không thiên lệch, không chấp trước, giữ sự bình đẳng.

Xin nhắc lại, đây chỉ là những con số nêu ra tượng trưng mà thôi. Chớ không phải chỉ đi có ba vòng hay bảy vòng mà trừ hết các tội lỗi như thế. Bởi vì trong khi chúng ta đi mà nhiếp tâm niệm Phật thì ngay lúc đó thân và miệng của chúng ta đâu có tạo tội. Như vậy, thì chúng ta cũng đã trừ được những tội lỗi do thân và miệng gây ra trong lúc chúng ta đi kinh hành niệm Phật vậy.

Kính chúc Phật tử luôn tinh tấn tu hành để được tiêu tội sanh phước và chóng viên thành Phật quả.

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái


Thẻ
Thập Niệm       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật