Phật Học Vấn Đáp


Xin hỏi con nên lựa chọn đạo tràng như pháp như thế nào?
Thỉnh thoảng con nghe có người bàn luận đạo tràng nào đó, cư sĩ nào đó không như pháp. Mà những cư sĩ, đạo tràng đó thường là trong lúc lão Pháp sư giảng kinh có tán thán là đạo tràng thù thắng, là Đại đức Bồ tát. Xin hỏi con nên lựa chọn đạo tràng như pháp như thế nào?

8/12/2022 12:01:59 PM

Lựa chọn đạo tràng không phải là chọn ở bên ngoài, nếu chọn ở bên ngoài thì chẳng tìm được đạo tràng nào. Lựa chọn ở đâu? Là từ trong tâm thanh tịnh của mình mà chọn, nơi nào cũng là đạo tràng như pháp, không có đạo tràng không như pháp. Bạn thấy có người bàn luận, bạn có tham gia bàn luận không? Đạo tràng những năm Thích ca Mâu ni Phật còn tại thế, nói lời thành thật, cũng không phải là đạo tràng thập toàn thập mỹ. Vì sao vậy? Tín chúng của Ngài rất nhiều, rất nhiều thì rất tạp, cho nên rồng rắn hỗn tạp, trong đó có rất nhiều người làm việc không như pháp là Tỳ kheo xuất gia, họ thực sự là đệ tử của Thích ca Mâu ni Phật. Bạn xem “Lục quần Tỳ kheo” mà trong kinh nói. Những người này đều là Tỳ kheo không nghe lời, nghe giảng kinh giáo của Thích ca Mâu ni Phật rồi mà còn cố tình làm trái, cố tình không tuân thủ, tác oai tác quái khắp nơi, dẫn đầu chính là Đề bà đạt đa. Mà Đề bà đạt đa là anh họ của Thích ca Mâu ni Phật, cùng chung ông nội. Những người đó cũng là Bồ tát mà chúng ta không biết.

Cho nên chúng ta tiếp nhận giáo dục, có hai dạng người dạy dỗ chúng ta, hai dạng này đều là thầy ta. Khổng Tử nói “Ba người cùng đi ắt có thầy ta”, ba người này có một người thiện, một người ác, một người là chính mình, đây gọi là ba người cùng đi. Người thiện là thầy ta, những chỗ tốt của họ chúng ta phải học theo họ. Người bất thiện cũng là thầy ta, họ cố tình làm ra những điều bất thiện đó để chúng ta phản tỉnh, nhìn xem ta có hành vi bất thiện này không? Nếu ta có thì nhanh chóng sửa lại, nếu không có thì khích lệ, đừng phạm lỗi lầm đó giống như họ, họ cũng là thầy ta. Cho nên, nếu bạn là người thiện thì bạn thấy người trong thiên hạ đều là người thiện; nếu bạn thấy người này bất thiện, người kia bất thiện, quay đầu nghĩ lại đó là chính mình bất thiện chứ không phải họ bất thiện, phải hiểu đạo lý này.

Bạn xem Kinh Hoa Nghiêm mà chúng ta hiện nay đang giảng, mấy ngày gần đây vừa đúng lúc giảng đến. Đại sư Thanh Lương nói: “Thuận nghịch đều là thuận”, chính là đạo lý này. Thuận chính là thiện, nghịch chính là bất thiện, nghĩa là thiện và bất thiện cũng là thiện, không có bất thiện, hoàn toàn xem ở chính mình. Trong Kinh Lăng nghiêm, Phật nói: “Nếu có thể chuyển cảnh, ắt đồng với Như Lai”, chính là bạn có thể chuyển được cảnh giới hay không? Bạn có thể chuyển được thì gọi là biết tu hành, gọi là khéo học, khéo tu. Bạn không chuyển được thì bạn bị đào thải mất rồi. Hết thảy cảnh duyên đều là tăng thượng duyên tu học của chúng ta.

Phật ở trong kinh nói rằng, chúng ta tu hành một ngày ở nơi này bằng tu học một trăm năm ở thế giới Tây Phương Cực Lạc; chính là tu hành ở thế giới Tây Phương Cực Lạc một trăm năm không bằng ở đây tu một ngày, bạn nói xem hoàn cảnh ở nơi này có tốt không? Vì sao vậy? Thế giới Tây Phương Cực Lạc vô cùng ổn định, mặc dù ở đó không thoái chuyển nhưng ở đó tiến rất chậm. Thế giới này là tiến nhanh thoái nhanh, biến động rất lớn, nếu có tiến thì vượt rất nhiều so với thế giới Cực Lạc; nếu không vượt qua được thì rơi xuống rất sâu, sẽ rơi xuống A tì địa ngục. Đây là lên nhanh xuống nhanh, có chỗ tốt của nó. Nếu bạn có thể không sợ thì ở nơi này thật sự thù thắng hơn thế giới Cực Lạc, nhất định phải biết đạo lý này.

Thế giới này có lên nhanh, nhưng rơi xuống nhanh thì rất nhiều. Rơi xuống đến tam đồ, rơi xuống đến địa ngục, vẫn là tu hành. Ở trong tam đồ thì tu cái gì? Tu sám hối, bạn phải sửa lại cho đúng tư tưởng sai lầm, quan niệm sai lầm, hành vi sai lầm, vừa sửa đúng thì liền xuất ly. Phật cho chúng ta một ví dụ, nghiệp nhân vô cùng phức tạp, Phật đưa ra ví dụ rất đơn giản để cho chúng ta dễ nhớ. Nhân đọa địa ngục là sân khuể, bạn ở trong địa ngục chịu khổ, biết địa ngục là do tâm sân khuể của ta biến hiện ra, ta từ nay về sau không nổi giận nữa, không sân khuể nữa thì địa ngục không còn nữa, bạn liền thoát khỏi địa ngục. Cõi ngạ quỷ là tâm tham, tâm keo kiệt, bạn ở trong đó chịu thống khổ đó, suy nghĩ mình từ nay về sau không khởi tâm tham nữa. Hễ buông xuống tâm tham thì cõi ngạ quỷ không còn nữa, liền thoát khỏi cõi ngạ quỷ. Cõi súc sanh là ngu si. Bạn nói xem nơi đó có phải nơi tốt không? Nếu không có những nơi này, tham sân si của bạn đến đâu để đoạn? Ác đạo là giúp bạn đoạn phiền não, thiện đạo là giúp bạn nâng thiện căn.

Chúng ta đến lục đạo, biết ở trong lục đạo đều là đang học tập. Học tập, ở trong Phật pháp nói chính là tu hành, sửa cho đúng những hành vi sai lầm của chúng ta. Sau đó bạn liền hiểu, Phật ở trong kinh nói làm thế nào chúng ta có được thân người? Là do trong đời quá khứ mình tu được ngũ giới thập thiện. Vậy bạn sẽ biết bạn đến cõi người để học cái gì? Chính là học ngũ giới thập thiện. Tu viên mãn ngũ giới thập thiện thì bạn sẽ được thăng cấp. Giống như đi học vậy, nếu năm học này ta học tốt thì hết năm sẽ được lên lớp, chính là đạo lý này. Nếu trong đời này tu không tốt ngũ giới thập thiện thì sẽ ở lại lớp; ở lại lớp, đời sau bạn vẫn là đầu thai đến cõi người, vẫn đi học, là sự việc như vậy. Nếu học kém quá, tạo rất nhiều tội nghiệp thì bạn lại đến tam đồ, ở tam đồ là tu sám hối, phải thấu rõ đạo lý này. Sanh lên trời, đến cõi trời dục giới, trong cõi trời dục giới là tu cái gì? Phải đoạn dục; phải tu thượng phẩm thập thiện, phải tu tứ vô lượng tâm, từ bi hỉ xả, dần dần, trời có 28 tầng trời, lại từng tầng từng tầng một mà nâng lên.

Hiện nay ngay cả rất nhiều học giả phương Tây đều hiểu, đều biết rằng con người đến thế gian này là có mục đích. Là mục đích gì? Đến để học tập. Họ nói có hai dạng người đến thế giới này, một dạng là đến để học tập, một dạng là đến để công tác, cách nói này không khác so với Phật pháp nói. Phật pháp nói, một dạng người là Phật Bồ tát ứng hóa đến để độ chúng sanh, đó là họ đến để công tác; một dạng người khác, chân thật là đến để tu hành, đến tu hành để nâng cao chính mình, đây chính là đến để học tập. Cho nên, học tập không ngừng nghỉ, đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn vẫn đang học tập, trong cõi nào cũng là đang học tập, đạo lý này với chân tướng sự thật không thể không hiểu. Nếu bạn biết thì mọi lúc mọi nơi đều là cảnh giới để chuyển đổi chính mình, giúp chính mình nâng cao lên trên.

Nếu chúng ta nghe lời người khác nói thì sẽ hoài nghi. Khi Thích ca Mâu ni Phật còn tại thế, việc đặt điều gây rối rất nhiều, cũng có rất nhiều người nghe rồi thì thoái tâm, không học Phật nữa. Huống chi thế gian hiện nay! Làm việc tốt khó, khó không gì bằng, làm người tốt khó. Cho nên, chúng ta hiểu rõ thiện hay bất thiện thật sự là ở chính mình, chẳng liên quan gì đến người bên ngoài, cũng chẳng dính dáng gì đến cảnh giới bên ngoài. Miễn là bạn có thể như như bất động, tuân thủ giáo huấn của Phật Bồ tát, y giáo phụng hành thì chính mình chắc chắn có thành tựu.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Luận        Thập Niệm        Bồ Tát       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật