Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Chi-Ra-Noi-Nguy-Hiem-Trong-Neo-Luan-Hoi

* Đại trượng phu sống trong thế gian, không chuyện nào chẳng tính toán sẵn, nhưng chỉ có mỗi một chuyện sanh tử đa số đều ngược ngạo bỏ mặc không hỏi tới, mãi cho đến khi báo hết mạng tận phải theo nghiệp chịu báo, chẳng biết một niệm tâm thức này sẽ lại đi thọ sanh trong đường nào! Cõi trời người là quán trọ, tam đồ là quê nhà! Mỗi lần thọ báo trong tam đồ là trăm ngàn kiếp, trọn chẳng có dịp nào lại được sanh trong cõi trời người! Do vậy nói rằng: “Đương nhiên không thể nào không miệt mài cầu tìm pháp liễu sanh tử!” (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa cho bản in gộp chung hai sách Tịnh Độ Vấn Biện và Công Quá Cách)

* Mạng sống của con người trong thế gian chớp mắt đã qua, một hơi thở ra không hít vào được nữa, chẳng biết lại đi về đâu! Nếu chẳng hiểu chắc chắn một pháp Tịnh Độ, thật đáng sợ hãi đến cùng cực! Ông Tào Tung Kiều kể: Khi cha ông ta đi học, một bạn học là con nhà phú ông, hết sức đần độn. Thầy giáo dạy hắn, hắn còn chưa hiểu, cha ông Tào vừa nghe liền thuộc được ngay. Gã con phú ông ấy chết sớm, về sau thấy hắn đến [nhà ông Tào], rồi chợt chẳng thấy nữa; Tào Tung Kiều bèn sanh được một gái, nay đã ba mươi mốt tuổi, cực thông minh, học hành hoàn toàn chẳng phải tốn công. Thoạt đầu là con trai phú ông, [đời] sau làm cháu nội gái của người bạn học. Con người luân hồi, thật đáng sợ thay! Đây chỉ là thay đổi hình tướng nam – nữ, chứ kẻ biến đổi toàn thể thì trong mười người đã hết tám, chín. Buồn thay! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Trả lời thư cư sĩ Niệm Phật)

* Con chim Anh Vũ (két, vẹt) do gặp ngài A Nan giảng cho pháp Tứ Đế bèn sanh lòng hoan hỷ, cũng như công đức do lúc bình thường trông thấy Tăng bèn hoan hỷ, báo trước cho người nhà biết, nên được bảy lần sanh lên Lục Dục Thiên[1], rồi mới sanh trong loài người, chứng A La Hán. Do vậy, biết liễu sanh tử khó khăn, chẳng thể tính toán được năm tháng của bảy lần sanh trong Lục Dục Thiên! (Nhân gian năm mươi năm bằng một ngày đêm nơi trời Tứ Vương, cứ lên một tầng trời là tính gấp đôi lên, [chẳng hạn như] cõi trời Đao Lợi [một ngày đêm] bằng một trăm năm trong nhân gian, trời Dạ Ma bằng hai trăm năm, Đâu Suất bằng bốn trăm năm, Hóa Lạc tám trăm năm, Tha Hóa một ngàn sáu trăm năm, tuổi thọ cũng tăng gấp bội. Tứ Vương thọ năm trăm tuổi, Đao Lợi một ngàn tuổi, càng lên trên càng tăng gấp bội). Đấy là pháp Tiểu Thừa, mặc sức nhờ vào tự lực để liễu sanh tử.

Nếu sanh lòng tin phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì không có ai chẳng trong đời này liền được sanh về Tây Phương. Sanh về Tây Phương thì sanh tử đã xong. Hãy nên phát tâm khẩn thiết! Pháp môn Niệm Phật này quả thật là đạo trọng yếu vô thượng đại từ bi của đức Phật nhằm phổ độ hết thảy chúng sanh khiến cho họ là những kẻ không có sức liễu sanh tử sẽ có thể mau chóng liễu sanh tử ngay trong đời này. (Hoằng Hóa Nguyệt San số thứ năm – Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Diệp Sính Thần)

* Con người sống trong thế gian nguy hiểm muôn vẻ, một hơi thở ra không hít vào được, chẳng biết sẽ lại có hình dạng như thế nào. Ông đã đầu thai vào loài người, may là tâm địa sáng suốt, một niềm hiếu thuận, nhân từ, khôi phục được bản thể. Nếu như mê muội, sẽ khó quay về! Phải biết: Đây vẫn còn là tin tức tốt lành nhất, nếu đầu thai vào dị loại thì càng nguy hiểm hơn! Do vậy, biết rằng: Chúng sanh trong lục đạo đều không có giống nhau hay khác biệt, đều theo nghiệp thọ báo, không sanh ở chỗ nào nhất định. Ông đã trải qua nạn ấy, tâm hãy nên quyết định cầu sanh Tây Phương, ngõ hầu do cơn nguy hiểm này sẽ vĩnh viễn hưởng yên vui. Tịnh Độ Thập Yếu, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Triệt Ngộ Ngữ Lục đã thỉnh được. Lại còn các sách đã in gần đây đóng thành sáu gói gởi đi, mong hãy xem xét, thâu nhận. Chuyện ăn chay là do chẳng biết con người và súc vật luân hồi, sanh ra lẫn nhau, giết hại lẫn nhau, lầm lẫn cho rằng con người nên ăn chúng nó, chúng nó [sanh ra là] để cho con người ăn. Đến khi đầu thai vào loài ấy mới biết những suy tính trước kia là sai lầm. Ông đã trải qua một phen nguy hiểm ấy, cố nhiên hãy nên gắng sức tu học, ăn chay. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Trần Huệ Hòa – 2 )

* Một hơi thở ra không hít vào được sẽ lại bị luân hồi trong sáu nẻo thì khổ chẳng thể nào tưởng tượng được! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa sách Sức Chung Tân Lương)

* Nghe nói [các hạ] muốn đến Kê Túc[2], trộm nghĩ không cần phải đi xa, chỉ cần chọn chỗ có thể an thân, tùy duyên niệm Phật là được rồi! Đi đến núi Kê Túc, nếu theo đường biển sẽ rất tốn tiền; nếu theo đường bộ sẽ khổ sở chẳng thể nói nổi! Sao bằng lật ngã cột phan ngay trước cửa[3], tùy thời tùy xứ gặp gỡ tôn giả Ca Diếp chẳng hay hơn ư? Tiếc cho tinh thần có hạn, lo liệu sự nghiệp cuối cùng [của một đời người] là chuyện khẩn yếu bậc nhất của người cao tuổi vậy! (Hoằng Hóa Nguyệt San số thứ hai – Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 1, Thư gởi cư sĩ Cao Hạc Niên – 2).

* Đã không sanh về Tây Phương được thì đời sau chắc chắn có si phước để hưởng, do hưởng phước sẽ tạo nghiệp, chắc chắn khi một hơi thở ra không hít vào được nữa sẽ đọa lạc trong tam đồ vì ác nghiệp ngăn lấp vậy! Tâm thức chẳng rõ, dẫu có một vị Phật sống đến cứu bà cũng chẳng cứu được, há chẳng đáng thương đáng xót lắm ư? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Pháp ngữ dạy nữ cư sĩ Châu Dư Chí Liên)
________________
[1] Lục Dục Thiên, hiểu theo nghĩa rộng là sáu tầng trời trong cõi Dục từ Tứ Vương Thiên cho đến Tha Hóa Tự Tại Thiên (tức Tứ Thiên Vương Thiên, Đao Lợi, Dạ Ma, Đâu Suất, Hóa Lạc và Tha Hóa Tự Tại). Hiểu theo nghĩa hẹp, Lục Dục Thiên chỉ là tầng trời Tha Hóa Tự Tại (Paranirmita-vaśa-vartin). Cõi trời này còn được dịch là Tha Hóa Tự Chuyển Thiên, Tha Hóa Lạc Thiên, Tha Ứng Thanh Thiên, Ba La Ni Mật Thiên, do Tự Tại Thiên Vương (Vaśavartti-devarāja) làm chúa tể. Trong Dục giới, cõi trời này tự tại khoái lạc nhất, do có thể thụ hưởng những sự khoái lạc do người khác biến hóa ra.

[2] Núi Kê Túc (Kukkutapāda-giri) còn dịch là Kê Cước, Tôn Túc, Lang Túc, Lang Tích, là một ngọn núi thuộc nước Ma Kiệt Đà, cách Già Da (Gayā) hơn 25 km về phía Đông Bắc là nơi ngài Ma Ha Ca Diếp nhập diệt. Đại Đường Tây Vực Ký quyển chín đã mô tả: “Núi cao chót vót, hang sâu thăm thẳm không đáy, cây to phủ kín hang núi… Sau này, tôn giả Ca Diếp Ba nhập diệt nơi ấy nên [người ta] không dám gọi thẳng tên núi mà gọi là Tôn Túc”. Do tại huyện Bảo Xuyên tỉnh Vân Nam cũng có một hòn núi mang tên Kê Túc nên Phật giáo Trung Hoa đã đồng nhất núi này với núi Kê Túc tại Ấn Độ, và nơi ấy cũng được coi là đạo tràng ứng hóa của ngài Ma Ha Ca Diếp.

[3] Đây là một công án Thiền (được đánh số 22) trong bộ Vô Môn Quan với nhan đề Ca Diếp Sát Can (Cột phan của Ca Diếp). Theo đó, ngài A Nan hỏi tôn giả Ca Diếp: “Ngoài y ca-sa vàng truyền lại cho ngài, đức Thế Tôn còn để lại vật gì nữa hay không?” Ngài Ca Diếp liền gọi: “A Nan!” A Nan thưa: “Dạ!”, ngài Ca Diếp bảo: “Lật đổ cái cột phan trước cửa đi” (Đảo khước môn tiền sát can). Theo ngu ý, ở đây Tổ Ấn Quang khuyên ông Cao Hạc Niên hãy lắng lòng tu tập, lãnh hội lời dạy của tổ Ca Diếp thì chẳng khác gì ngày ngày gặp gỡ Ca Diếp tôn giả, hơn là bôn ba đến núi Kê Túc.

Trích từ: Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Tục Biên
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao (Tăng Quảng Chánh Biên), Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
5 Ấn Quang Đại Sư Khai Thị Tại Pháp Hội Hộ Quốc Tức Tai Ở Thượng Hải, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Bảo Thân Tiết Dục Pháp Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Ấn Quang Pháp Sư Gia Đình Giáo Dục Pháp Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về

Luân Hồi Nghiệp Báo
Hòa Thượng Thích Đức Thắng

Luân Hồi
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Luân Hồi Và Nhân Quả
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Sống Trong Ba Cõi Chịu Luân Hồi Sáu Đường
Đại Lão Hòa Thượng Hư Vân