Home > Kinh Điển > A-Di-Da-Kinh-So-Sao-Dien-Nghia-Quyen-8

Tập 217


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm ba mươi mốt:

(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh xuất sanh nhất thiết pháp, thị thiện căn nghĩa. Tự tánh phú hữu nhất thiết pháp, thị phước đức nghĩa.

()稱理,則自性出生一切法,是善根義;自性富有一切法,是福德義。

(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh sanh ra hết thảy các pháp là ý nghĩa của thiện căn, tự tánh phong phú hết thảy các pháp là ý nghĩa của phước đức).

Trong đoạn văn thuộc phần trước, đối với đoạn kinh văn “bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc” (chẳng thể do ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy), Liên Trì đại sư đã nói thiện căn là gì, phước đức là gì, “nhiều thiện căn, nhiều phước đức” là gì, Ngài đã giải thích rất cặn kẽ. Ở đây, trong đoạn này, lời chỉ dạy của Ngài mang tính cách hướng dẫn tiêu quy tự tánh, cũng chính là “tâm đắc tu học” như người thế gian chúng ta thường nói. Trong Phật pháp, [tâm đắc ấy] được gọi là “tiêu quy tự tánh”.

(Diễn) Tự tánh xuất sanh nhất thiết pháp, thị thiện căn nghĩa giả, Căn hữu xuất sanh nghĩa.

()自性出生一切法,是善根義者,根有出生義。

(Diễn: Tự tánh xuất sanh hết thảy các pháp là ý nghĩa của thiện căn. “Căn” lại có nghĩa là “xuất sanh”).

Kinh nói Căn (根) thì Căn có nghĩa là căn bản. Thực vật có gốc, có rễ, thì nó có thể đơm hoa, kết trái. Vì thế, Căn có ý nghĩa sanh trưởng. Ở đây nói “Căn có nghĩa là xuất sanh” tức là nói theo ý nghĩa “sanh trưởng”.

(Diễn) Kim tứ thánh lục phàm, sắc tâm y chánh, tùng tự tánh sanh.

()今四聖六凡,色心依正,從自性生。

(Diễn: Nay tứ thánh, lục phàm, sắc, tâm, y báo, chánh báo đều sanh từ tự tánh).

“Tứ thánh, lục phàm” là nói tới mười pháp giới. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do đâu mà có? Thực tại là tìm đến căn bản thật sự, nó cũng chính là “bản thể của vạn hữu trong vũ trụ” như triết học đã nói. “Thánh” là thánh nhân, “tứ thánh” (四聖) là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, và Phật. “Lục phàm” (六凡) là nói tới lục đạo. Mười pháp giới đều được bao gồm trọn vẹn [trong từ ngữ “tứ thánh lục phàm”]. Chánh báo là như vậy, y báo cũng chẳng ra ngoài lệ ấy. Y báo là hoàn cảnh sống của chúng ta, núi, sông, đại địa, cho đến hư không, đều là hoàn cảnh sống của chúng ta, những thứ ấy do đâu mà có? Từ trong tự tánh biến hiện. Do vậy, điều được mong cầu trong Phật pháp chính là cầu minh tâm kiến tánh. Tâm tánh là cái mà mỗi chúng sanh đều trọn đủ viên mãn, thường nói là “tại thánh chẳng tăng, nơi phàm chẳng giảm”. Tự tánh của lũ phàm phu chúng ta xác thực là chẳng bị giảm thiểu chút nào; tự tánh của chư Phật cũng chẳng thể nhiều hơn chúng ta chút nào! Nói theo tự tánh, hoàn toàn là bình đẳng: Thể bình đẳng, tướng bình đẳng, tác dụng bình đẳng, chẳng có gì bất bình đẳng. Tuy bình đẳng, trong ấy có mê hay ngộ sai khác. Trừ mê và ngộ ra, chẳng có gì khác nhau. Vì chư Phật, Bồ Tát cũng ở trong mười pháp giới, phàm phu chúng ta cho đến các loài ngọ ngoạy, bay, bò, ngạ quỷ, địa ngục, vẫn sống trong mười pháp giới. Đã ngộ thì sẽ tự tại, vui sướng; hễ mê bèn tạo nghiệp chịu báo, vấn đề xuất hiện từ mê hay ngộ. Giáo học Phật pháp nhằm dạy chúng ta phá mê khai ngộ. Mê chính là cái nhân của hết thảy phiền não, khổ nạn; ngộ là cái nhân của hết thảy vui sướng. Chỉ cần phá mê khai ngộ bèn lìa khổ được vui. “Lìa khổ được vui” là nói về quả báo; phá mê khai ngộ là nói đến nhân duyên, phải thực hiện từ nhân duyên. Vì vậy, chúng ta biết chân tướng sự thật là [hết thảy các pháp] sanh từ tự tánh.

Chư Phật, Bồ Tát đã ngộ, ngộ gì vậy? Ngộ tự tánh. Hết thảy phàm phu mê thì cũng là mê tự tánh. Trong tự tánh, chẳng có mê hay ngộ; mê hay ngộ do con người! Chúng ta phải Hỏi: “Mê là như thế nào? Chư Phật, Bồ Tát ngộ như thế nào?” Đó là điều then chốt. Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy chúng ta: “Hết thảy chúng sanh đều do vọng tưởng, chấp trước, mà chẳng thể chứng đắc”. Vọng tưởng, chấp trước là mê. Chư Phật, Bồ Tát chẳng có vọng tưởng, mà cũng chẳng có chấp trước. Đại Thừa Khởi Tín Luận nói: “Một niệm bất giác, bèn có vô minh”. Kinh Lăng Nghiêm đã giảng rất rõ về hiện tượng mê: “Một niệm bất giác”. Do vậy có thể biết, một niệm bất giác còn có trước vô minh. Do một niệm bất giác, nên mới thành vô minh. Do vô minh, nên mới sanh ra ba tế tướng. Từ ba tế tướng mới biến hiện sáu thô tướng. Tam tế và lục thô mới diễn biến thành y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do vậy mà có. Nếu nay chúng ta truy cứu: Cớ sao có một niệm bất giác? Nói thật ra, bất giác là “có” một niệm. Hễ có một niệm thì gọi là bất giác. Nói kiểu này rất minh bạch, trong chân tâm bản tánh quyết định chẳng có một niệm. Quý vị khởi một niệm là bất giác, bèn mê. Chúng ta từ sáng đến tối niệm này nối tiếp niệm kia, chẳng biết là có bao nhiêu vọng niệm? [Muốn] ngưng dứt niệm cũng chẳng thể ngưng được, chuyện này rất rắc rối! Vì sao biến thành nông nỗi này? Ấy là vì một niệm bất giác trong quá khứ cho đến nay đã dưỡng thành thói quen. Nếu nói khó nghe hơn thì là đã “dưỡng thành thói quen dấy vọng tưởng”. Do vậy, vọng tưởng vĩnh viễn có muốn ngưng dứt cũng chẳng thể ngưng được, rắc rối xuất hiện từ chỗ này!

Đức Phật dạy: Nếu quý vị muốn khôi phục bản lai diện mục,

muốn thật sự triệt để giác ngộ, ắt phải đoạn sạch vọng niệm. Trong các vọng niệm, vọng niệm vi tế nhất được gọi là Vô Minh, vọng niệm thô hơn một chút bèn gọi là Trần Sa, lại thô hơn chút nữa, bèn gọi là Kiến Tư phiền não. Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não, và Vô Minh phiền não được gọi chung là “vọng niệm”, còn gọi là “vọng tưởng”. Vọng tưởng dấy lên, từ vi tế nhất dần dần cho đến cái thô nhất. Nay đức Phật dạy chúng ta muốn đoạn vọng niệm thì chỉ có thể [dốc sức đoạn trừ] từ cái thô nhất, [rồi đến] cái ít thô hơn, [kế đó là cái] vi tế rồi đến cái vi tế nhất. Đoạn trừ như vậy đó. Giống như chúng ta mặc quần áo: Mặc lớp quần áo thứ nhất ở bên trong, lại mặc lớp khác ra ngoài; khi cởi thì cũng phải cởi từ lớp ngoài cùng, cởi từng lớp một cho đến lớp trong cùng, chẳng thể cởi ngay từ lớp bên trong. Có cùng một đạo lý!

Do đó, trước hết là phải đoạn Kiến Tư phiền não. Nếu chư vị chẳng đổ công dốc sức nơi đây, niệm kinh sẽ là niệm uổng công, niệm Phật cũng chẳng thể vãng sanh, cũng chẳng thu được hiệu quả. Trong vô lượng vô biên pháp môn của Phật pháp, các phương pháp và đường lối là để làm gì? Nhằm giúp chúng ta đoạn phiền não, phá trừ vọng tưởng và chấp trước. Bởi lẽ, Kiến Tư phiền não là thô nhất, đoạn được Kiến phiền não, sẽ chứng quả Tu Đà Hoàn trong Tiểu Thừa. Do quý vị đã phá phiền não, nên dự vào dòng Thánh. Quả Tu Đà Hoàn, nói thông thường theo Giáo Hạ, sẽ là Vị Bất Thoái. Tuy chẳng ra khỏi tam giới, nhưng từ nay trở đi, người ấy quyết định chẳng đọa trong ba đường ác, hạn mực thấp nhất sẽ là nhân đạo, qua lại trong cõi trời hay chốn nhân gian. Kiến phiền não là gì? Tư phiền não là gì? Nói theo kiểu hiện thời, Kiến (見) là kiến giải. Quý vị có cách nhìn sai, đã thấy sai bét. Đó gọi là Kiến Hoặc. Tư Hoặc (思惑) là [sai lầm nơi] tư tưởng, quý vị đã suy nghĩ sai bét. Do vậy có thể biết, đã đoạn Kiến Tư phiền não, đối với vũ trụ và nhân sinh, quý vị sẽ có cách nhìn và cách nghĩ rất chánh xác, chẳng sai lầm. Đoạn Tư Hoặc bèn chứng quả A La Hán. Trong pháp môn Niệm Phật, đoạn sạch Kiến Hoặc bèn chứng Sự nhất tâm bất loạn, đó là hạ phẩm. Nếu đoạn Tư Hoặc, phẩm vị bèn cao, chứng thượng phẩm Sự nhất tâm bất loạn.

Nếu chúng ta chia Sự nhất tâm thành ba phẩm thượng, trung, hạ; Tiểu Thừa Tu Đà Hoàn là hạ phẩm, Tiểu Thừa Nhị Quả và Tam Quả là trung phẩm, Tứ Quả A La Hán là thượng phẩm. Nhưng pháp môn [Niệm Phật] này hết sức đặc thù, xét theo phương diện đoạn chứng, tức là xét theo tầng cấp đoạn phiền não, sẽ giống như người Tiểu Thừa, nhưng xét theo thiện căn, phước đức, trí huệ và đức năng thì hàng Tiểu Thừa chẳng mong hít bụi kịp! Chẳng thể sánh bằng được! Vì lẽ đó, pháp môn này thù thắng, vượt trỗi hàng Nhị Thừa quá nhiều. Nếu tiến hơn bước nữa, Trần Sa phiền não cũng đoạn hết, lại phá một phẩm vô minh, chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn. Lý nhất tâm cũng có ba phẩm thượng, trung, hạ. Hạ phẩm là Sơ Trụ Bồ Tát, thượng phẩm là Đẳng Giác Bồ Tát. Kinh Hoa Nghiêm nói bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, còn nói theo Tịnh Độ sẽ đều là [những vị đã] chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn. Do vậy có thể biết, bất luận là Sự nhất tâm hay Lý nhất tâm, đối với người thật sự chứng đắc, công phu của mỗi người cạn hay sâu vẫn khác nhau! Nói theo Đại Thừa Phật pháp, Lý nhất tâm có bốn mươi mốt tầng cấp, thứ tự cạn hay sâu khác biệt. Lý nhất tâm là như thế, mà Sự nhất tâm cũng chẳng phải là ngoại lệ. Do vậy có thể biết, chúng ta nói “công phu thành phiến” tức là chưa thể phá một phẩm phiền não. Thật sự đắc nhất tâm, tối thiểu là đoạn hết Kiến Hoặc, [tức là đoạn hết] tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới, mới thật sự thuộc về Sự nhất tâm bất loạn.

Chúng ta biết chân tướng sự thật này, phải nghiêm túc tự kiểm điểm bản thân: Chúng ta niệm Phật, niệm kinh, tu hành, cớ sao công phu chẳng đắc lực? Phải tìm cho ra nguyên nhân ấy. Chuyện này giống như chữa bệnh, tìm cho ra nguyên nhân gây bệnh, sau đó mới có thể cắt thuốc đúng theo chứng bệnh, mới có thể đạt công hiệu! Chúng ta xem Cao Tăng Truyện, hoặc xem Cư Sĩ Truyện trong Đại Tạng Kinh, [sẽ thấy] xưa kia, tại gia, xuất gia, nam chúng, nữ chúng tu hành, người căn tánh nhạy bén, dăm ba năm bèn khai ngộ, cũng có người chứng quả. Người căn tánh kém hơn đôi chút thì mười năm hay tám năm cũng có thành tựu. Vì sao chúng ta tu suốt đời mà chẳng thể thành tựu? Nguyên nhân ở chỗ nào? Tìm ra nguyên nhân ấy chẳng khó! Tuyệt đại đa số người tu hành chúng ta trong hiện thời nhắm đến mục đích là cầu phước báo nhân thiên, cầu điều này. Cổ nhân tu hành nhằm mục đích đoạn Kiến Tư phiền não, họ có mục đích khác hẳn! Cùng niệm Phật như nhau, nhưng họ niệm Phật nhằm niệm cho hết vọng tưởng, chấp trước, hoặc chế ngự chúng, mục đích của người ta là ở chỗ này! Nay chúng ta niệm Phật, mong mỏi sẽ được Phật, Bồ Tát phù hộ chúng ta thăng quan phát tài, khác hẳn! Vì vậy, thành tựu của chúng ta chẳng bằng cổ nhân.

Niệm Phật, Bồ Tát có thể thật sự thăng quan phát tài hay chăng? Nếu thật sự linh như vậy, cứ niệm Phật, Bồ Tát sẽ thăng quan phát tài, quý vị còn phải đến trường học hành để làm gì nữa? Chẳng cần thiết! Còn phải làm lụng vất vả để làm gì? Niệm Phật, Bồ Tát bèn có thể phát tài, quý vị còn phải đi làm vất vả chi nữa? Do đó, phải hiểu: Bất quá chỉ là một chút an ủi về mặt tinh thần mà thôi! Giống như chích thuốc tê vậy, hễ tan thuốc rồi thì có hữu dụng gì hay không? Một tí tác dụng cũng chẳng có! Nhưng những điều đức Phật đã dạy trong kinh đều là lời thật, đức Phật chẳng nói dối. “Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng”. Đáng tiếc là chúng ta nghe câu này chỉ hiểu bề ngoài, chẳng lãnh hội nội dung chân thật. “Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng” thì cách cầu như thế nào? Vì sao có cầu ắt ứng? Vì tự tánh có thể sanh ra vạn pháp, cho nên cầu nơi cửa Phật là cầu ở nơi đâu? Cầu từ ngay trong tự tánh. Chẳng phải là cầu từ bên ngoài, cầu từ bên ngoài sẽ chẳng đạt được. Quý vị cầu nơi Phật, Bồ Tát, Phật bên ngoài, tượng Phật, Bồ Tát bằng đất nặn, gỗ khắc, bản thân [những tượng ấy] khó thể giữ vững, làm sao có thể phù hộ quý vị cho được? Phải cầu từ trong tự tánh, sẽ đích xác là “có cầu ắt ứng”, chẳng phải là giả! Vì thế, cổ nhân tu hành thật sự đổ công dốc sức nơi tự tánh, còn người học Phật chúng ta trong hiện thời chuyên môn đổ công dốc sức bề ngoài, dụng công nơi hình thức, chẳng hướng đến tự tánh để cầu. Đấy là nguyên nhân căn bản.

Trong các buổi giảng, tôi thường kính khuyên các đồng tu, nhất định phải hiểu rõ chân tướng sự thật này, phải trừ sạch chướng ngại trên đường Bồ Đề. Đối với chướng ngại, chúng tôi không nói tới chướng ngại vi tế. Vì sao? Chúng ta chẳng làm được. Chúng tôi nói những thứ trước mắt, những thứ nặng nề, thô thiển nhất! Trong là phải đoạn phiền não, ngoài là chẳng bị dụ dỗ, mê hoặc, công phu của chúng ta mới có thể đắc lực. Phiền não bên trong gọi là Tam Độc, [kể cả mạn và nghi sẽ là] tham, sân, si, mạn, nghi. Tham, sân, si là Tam Độc, phải trừ khử những thứ ấy. Dụ dỗ, mê hoặc bên ngoài lớn nhất là tài, sắc, danh, lợi. Tài, sắc, danh, lợi là tứ đại ma vương. Hằng ngày quý vị ở trong lòng bàn tay của ma vương, trốn chẳng khỏi lòng bàn tay của hắn, há còn có thành tựu gì nữa ư? Quý vị làm sao có thể thoát khỏi lục đạo luân hồi? Làm sao có thể vãng sanh cho được? Do đó, ngàn muôn phần phải ghi nhớ: Ngoài là chẳng bị dụ dỗ, mê hoặc, trong là phải diệt trừ tham, sân, si; sau đấy mới khôi phục tự tánh, tự tánh có thể sanh ra vạn pháp.

Thù thắng nhất trong vạn pháp, đó cũng là điều chúng ta hằng ngày mong cầu, có thể sanh trí huệ, có thể sanh thiện căn, có thể sanh phước đức, đấy đều là những điều chúng ta mong cầu. Những điều ấy đều phải cầu từ cái tâm thanh tịnh thì mới có thể cầu được. Lìa khỏi tâm thanh tịnh, quý vị ngẫm xem, tâm độc địa dường ấy, những thứ do nó sanh ra toàn là có chất độc, lẽ đâu có thể sanh ra những thứ tốt lành cho được? Những thứ được sanh ra là Thập Ác, Ngũ Nghịch, sanh ra những thứ đó. Nếu dẹp trừ Tam Độc, sẽ sanh ra Thập Thiện, khác hẳn!

(Diễn) Dĩ tùng Lý cụ khởi Sự tạo cố.

()以從理具起事造故。

(Diễn: Vì từ Lý sẵn đủ mà dấy lên sự tạo tác nơi Sự).

“Lý” (理) là lý luận, phàm hết thảy mọi sự đều nương theo Lý mà sanh. Rời lìa đạo lý, chẳng thể nào có sự tướng. Mỗi sự tướng đều có một đạo lý tồn tại [trong ấy]. Khoa học hiện thời nói “vật lý”, [tức là]: Hễ là vật thì vật chất luôn có đạo lý, luôn có một cái Lý. Nhưng các nhà Vật Lý Học trên thế giới hiện thời nghiên cứu lý của hết thảy các vật, chỉ là nghiên cứu hời hợt bề ngoài, chỉ thấy tầng bên ngoài, chứ họ vẫn chưa phát hiện cái lý tinh vi, sâu xa thật sự! Bất quá chúng ta nhìn vào sự thành tựu của họ, cũng chẳng thể không bội phục, họ cũng có thành tựu khá khả quan, nhưng vẫn chưa thể tìm được căn bản thật sự. Nếu họ tìm được căn bản thật sự, họ sẽ thành Phật, thành Bồ Tát, sẽ khác hẳn, sẽ mới có thể thật sự giải quyết vấn đề.

(Diễn) Tự tánh phú hữu nhất thiết pháp, thị phước đức giả. Phước đức hữu phú hữu nghĩa. Kim tứ thánh, lục phàm, y, chánh, sắc, tâm, tự tánh bổn cụ, dĩ bỉ Sự tạo do Lý cụ cố.

()自性富有一切法,是福德者,福德有富有義,今四聖六凡,依正色心,自性本具,以彼事造由理具故。

(Diễn: “Tự tánh giàu có hết thảy các pháp là phước đức”: Phước đức có ý nghĩa “giàu có”. Nay tứ thánh, lục phàm, y báo, chánh báo, sắc, tâm, tự tánh vốn trọn đủ, tạo tác nơi mặt Sự là do Lý sẵn trọn đủ vậy).

Hai cách nói đều cùng diễn tả một đạo lý. Một là nói theo phương diện “có thể sanh” (năng sanh), nên gọi là thiện căn. Một đằng là nói theo phương diện “vốn sẵn trọn đủ” (bổn lai cụ túc).

Câu cuối cùng hay lắm. Cuối cùng, Ngài trích dẫn hai câu nói từ trong Lục Tổ Đàn Kinh.

(Sao) Hà kỳ tự tánh, năng sanh vạn pháp; hà kỳ tự tánh, bổn tự cụ túc.

()何期自性,能生萬法;何期自性,本自具足。

(Sao: Nào ngờ tự tánh có thể sanh ra vạn pháp, nào ngờ tự tánh vốn tự trọn đủ).

Lục Tổ đại sư nói như vậy. Ý nghĩa “có thể sanh” chính là ý nghĩa thiện căn. Ý nghĩa “trọn đủ” là ý nghĩa phước đức. Tự tánh chẳng có gì không trọn đủ. Trí huệ trọn đủ, đức năng trọn đủ, tài nghệ trọn đủ. Lại thưa cùng quý vị, các thứ thọ dụng vật chất cũng trọn đủ. Mọi người cầu tài, tài cũng trọn đủ, chẳng có gì không trọn đủ. Nếu quý vị tu từ nơi tự tánh, chẳng có gì không trọn đủ! Thứ gì cũng đều trọn đủ. Vì sao? Hết thảy vật chất đều do tự tánh biến hiện, tự tánh là bản thể của vạn pháp. Vì vậy, từ nơi tâm tánh mà nói đến thiện căn và phước đức. Do vậy có thể biết, thiện căn và phước đức của mỗi người chúng ta chẳng hai, chẳng khác với chư Phật, quyết định chẳng thể nói “chính mình chẳng có thiện căn, chẳng có phước đức”. Chúng ta tuy có, [không những có mà còn] bình đẳng, chẳng hai với đức Phật, vấn đề hiện thời là thiện căn và phước đức của chúng ta chẳng thấu lộ, tuy có mà chẳng khởi tác dụng! Trong kinh luận, đức Phật đã dạy: Chúng ta tuy trọn đủ Tánh Đức, nhưng khuyết thiếu Tu Đức. Ắt cần phải dùng Tu Đức để hiển lộ, khiến cho Tánh Đức khai hiển thì chúng ta sẽ có thể thọ dụng. “Tu” là tu chỉnh, sửa chữa, sửa đổi hết thảy những chỗ trái nghịch Tánh Đức, khiến cho tư tưởng, kiến giải, và hành vi của chúng ta đều có thể tương ứng với Tánh Đức; như thế thì Tánh Đức sẽ dần dần có thể khai hiển.

Tu Đức có tiêu chuẩn hay không? Chẳng có tiêu chuẩn. Chúng ta tu theo cách nào? Có tiêu chuẩn! Kinh luận của đức Phật là tiêu chuẩn tốt nhất. Trong hết thảy các kinh, nhất là kinh này và kinh Vô Lượng Thọ, tức là Tiểu Bổn và Đại Bổn, kinh Vô Lượng Thọ là Đại Bổn, kinh A Di Đà là Tiểu Bổn. Đại Bổn và Tiểu Bổn là tiêu chuẩn thù thắng nhất trong Phật pháp. Nương theo tiêu chuẩn ấy để tu, quyết định thành tựu trong một đời. Cách tu như thế nào? [Điều ấy sẽ được trình bày] trong khoa tiếp theo.

Nhị, thị chánh hạnh.

二、示正行。

(Hai, nêu bày chánh hạnh).

Dạy chúng ta phương pháp tu hành, chương này hết sức quan trọng. Đoạn lớn này giảng về cách tu hành; phần trước giảng về trợ hạnh, nay bèn giảng về chánh hạnh. Chánh hạnh là nhân, trợ hạnh là duyên. Trước hết, ắt phải hội đủ các điều kiện tu hành, [tức là] thiện căn, phước đức, nhân duyên. “Chẳng thể do chút thiện căn, phước đức, nhân duyên” [mà được sanh về cõi ấy], những điều kiện này quý vị đều hội đủ, bèn có thể bắt đầu tu. Tu chứng chẳng dễ dàng! Chúng ta chẳng hội đủ điều kiện tu hành, mà đã toan bắt đầu thực hiện, tu kiểu nào cũng đều chẳng đạt được kết quả chi hết, công phu dự bị chưa được thực hiện tốt đẹp mà! Những điều đã nói trong phần trước toàn là công phu dự bị, nay nói đến chánh hạnh. Chúng ta hãy xem kinh văn:

(Kinh) Xá Lợi Phất! Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu, nhược nhất nhật, nhược nhị nhật, nhược tam nhật, nhược tứ nhật, nhược ngũ nhật, nhược lục nhật, nhược thất nhật, nhất tâm bất loạn.

()舍利弗。若有善男子。善女人。聞說阿彌陀佛。執持名號。若一日。若二日。若三日。若四日。若五日。若六日。若七日。一心不亂。

(Kinh: Xá Lợi Phất. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, nghe nói A Di Đà Phật, bèn chấp trì danh hiệu hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, nhất tâm bất loạn).

Đoạn kinh văn này dạy chúng ta cách tu hành, [nói đến] chánh hạnh. Chánh hạnh là gì? “Chấp trì danh hiệu”, danh hiệu là “A Di Đà Phật”. Liên Trì đại sư niệm Phật bèn niệm bốn chữ, chỉ niệm A Di Đà Phật, không niệm Nam mô. Ngài dạy kẻ khác niệm Phật niệm sáu chữ, Nam mô A Di Đà Phật. Người khác hỏi Ngài “do lý do nào?”, Ngài bảo: “Ta quyết định cầu sanh Tịnh Độ trong một đời này, cho nên chẳng cần tới những lời lẽ khách sáo!” Nam mô là từ ngữ khách sáo! Chẳng cần phải khách sáo, niệm ngay A Di Đà Phật. Vì kinh nói “chấp trì danh hiệu”, “danh hiệu” là bốn chữ A Di Đà Phật. Vì sao dạy người khác niệm sáu chữ? Họ chẳng mong vãng sanh thế giới Cực Lạc, thêm vào chữ Nam mô, khách sáo một chút. Nam mô có nghĩa là Quy Y, [nam mô A Di Đà Phật] là “quy y A Di Đà Phật”. Nam mô còn có nghĩa là Cung Kính, mang ý nghĩa lễ kính. Lễ kính A Di Đà Phật, kết thiện duyên với A Di Đà Phật. Đời này chẳng thể vãng sanh, đợi tới nhiều đời, nhiều kiếp sau, cũng có lẽ [chờ tới khi] duyên ấy đã chín muồi, lại dùng cái nhân ấy để làm chánh nhân vãng sanh.

(Sớ) Thừa thượng “đa thiện, đa phước, nãi sanh bỉ quốc”.

()承上多善多福,乃生彼國。

(Sớ: Nối tiếp ý “nhiều thiện, nhiều phước thì mới sanh về cõi ấy” trong phần trước).

Trong phần trên đã nói “nhiều thiện căn, nhiều phước đức”, đó là duyên. Hội đủ những điều kiện ấy thì mới có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.

(Sớ) Nhi thiện căn nan thực, phước đức nan tu, huống phục vân đa, lũy kiếp cù lao, mạc chi năng biện, như Bảo Tích thập tâm, Hoa Nghiêm thập nguyện đẳng.

()而善根難植,福德難修,況復云多,累劫劬勞,莫之能辦,如寶積十心,華嚴十願等。

(Sớ: Nhưng thiện căn khó gieo, phước đức khó tu, huống lại còn là nhiều! Trải bao kiếp nhọc nhằn mà chẳng thể làm được, như mười tâm trong kinh Bảo Tích, mười nguyện trong kinh Hoa Nghiêm v.v…).

Nói lên thiện căn và phước đức xác thực là khó tu.

(Sớ) Kim hữu nhất pháp, trực tiệp giản dị, tức vi đa thiện, đa phước, cố hiển trì danh công đức thù thắng.

()今有一法,直捷簡易,即為多善多福,故顯持名功德殊勝。

(Sớ: Nay có một pháp thẳng chóng, đơn giản, dễ dàng để đạt được nhiều thiện, nhiều phước, tỏ rõ pháp trì danh có công đức thù thắng).

Hiện thời có một phương pháp để tu nhiều thiện căn, nhiều phước đức rất dễ dàng. Pháp dễ dàng là như thế nào? Niệm A Di Đà Phật, thiện căn và phước đức của quý vị thảy đều đầy đủ. Nếu chẳng niệm A Di Đà Phật, tu thiện căn và phước đức hết sức khó khăn, tỏ rõ công đức thù thắng chẳng thể nghĩ bàn của câu Phật hiệu. Nói thật thà, câu Phật hiệu này tuy rất dễ niệm, [chỉ là] “Nam mô A Di Đà Phật”, có mấy ai chịu niệm? Không chịu niệm! Người thật sự chịu niệm câu Phật hiệu sẽ như kinh Vô Lượng Thọ đã nói: Nhất định là từ đời quá khứ trong vô lượng kiếp cho tới nay, thiện căn do người ấy tu tập, tích lũy nay đã chín muồi, tức là: Thiện căn và phước đức đã chín muồi, nay lại được mười phương chư Phật Như Lai âm thầm gia trì, che chở, đó là nhân duyên. Mười phương hết thảy chư Phật Như Lai gia trì, nhiều nhân duyên đấy nhé! Do trong đời quá khứ có nhiều thiện căn, nhiều phước đức, người ấy mới nghe một câu A Di Đà Phật bèn sanh tâm hoan hỷ, khăng khăng một mực thật thà niệm mãi, chẳng phải là chuyện đơn giản! Vì thế, phàm là người niệm Phật vãng sanh, tuyệt đối chẳng phải là tu trong một đời, mà là đã tu tập, tích lũy nhiều đời, nhiều kiếp, tới đời này chín muồi.

(Sao) Thiện căn nan thực giả, như tiền Thân Tử phát Đại Thừa tâm, nhân Bà la môn khất nhãn thoái thất đẳng.

()善根難植者,如前身子發大乘心,因婆羅門乞眼退失等。

(Sao: “Thiện căn khó gieo”: Như trước kia, ngài Thân Tử phát tâm Đại Thừa, do bị Bà la môn xin mắt mà thoái thất v.v…).

Thân Tử là tôn giả Xá Lợi Phất, [câu chuyện của Ngài] nói rõ: Tu hành chẳng dễ dàng! Tôn giả Xá Lợi Phất thị hiện làm một vị Tăng Tiểu Thừa. Ngài nghe Đại Thừa Phật pháp bèn hết sức hâm mộ, phát tâm muốn học theo Bồ Tát, muốn hành Bồ Tát đạo. Bồ Tát đạo là “có thể bỏ điều khó bỏ”, Ngài phát tâm bằng lòng bố thí, bằng lòng thí xả. Khi ấy, người cõi trời biến hóa đến khảo nghiệm Ngài, biến thành một người mắc bệnh, bệnh tình rất đáng thương, khóc lóc trên đường. Ngài Xá Lợi Phất gặp kẻ ấy, bèn nói: “Ngươi gặp khó khăn gì? Ta hành Bồ Tát đạo, có thể giúp đỡ ngươi”. Người bệnh ấy nghe nói, rất hoan hỷ, thưa: “Nay tôi đang mắc bệnh nặng, tuy có thuốc, nhưng chẳng có thứ để dẫn thuốc”. Tôn giả Hỏi: “Ngươi cần vật dẫn thuốc như thế nào?” Người ấy nói: “Phải dùng một con mắt của người đã chứng quả A La Hán để dẫn thuốc”. Tôn giả nói: “Ta đã chứng A La Hán, ta sẽ thí xả một con mắt cho ngươi”. Ngài liền móc một con mắt ra cho. Sau khi [tôn giả] móc xong, kẻ ấy nói: “Sai rồi! Ta cần con mắt trái, ông móc con mắt phải”. Ngài Xá Lợi Phất nói: “Sao ngươi không nói sớm? Ngươi nói sớm thì ta còn giữ được một con mắt, nay thì đến nỗi cả hai con mắt đều chẳng còn”. Do muốn hành Bồ Tát đạo, bất đắc dĩ, lại móc con mắt kia ra cho kẻ ấy. Bệnh nhân ngửi rồi nói: “Mùi vị rất khó ngửi, chẳng thể dùng làm đồ dẫn thuốc được, thôi đi!” Vứt đi, chẳng cần nữa! Ngài Xá Lợi Phất nghe vậy, rất tức giận: “Thôi đi! Ta vẫn hành Tiểu Thừa, chẳng hành Bồ Tát đạo”. Câu chuyện là như thế, vì bị xin mắt mà ngã lòng, vẫn là làm A La Hán hay hơn, chẳng làm Bồ Tát nữa! Chuyện này nói rõ tu tập, tích lũy thiện căn khó khăn, thật sự chẳng dễ dàng! Đây gọi là “nội tài bố thí”. Nay chúng ta vật ngoài thân còn chưa buông xuống được, còn có thể dùng nội tài bố thí được ư? Quý vị hãy nghĩ thử xem, há dễ dàng ư? Chẳng phải là chuyện đơn giản! Nói thì rất dễ nghe, xác thực là chẳng dễ gì thực hiện!

vị nhất định phải biết, đức hạnh của chính mình chưa thật sự kiến lập thì phát tâm luôn luôn là chẳng chân thật. Ngỡ chính mình đã phát đại tâm, thật ra là “lộ thủy đạo tâm” (露水道心: Đạo tâm mong manh như sương sớm), gặp phải cảnh duyên [trái nghịch] bèn lui mất. Nếu còn xen tạp tiếng tăm, lợi dưỡng, sẽ chẳng phải là thiện tâm, mà là ác tâm. Đấy chẳng phải là hoằng pháp lợi sanh, mà là buôn bán Như Lai, mượn chiêu bài nhà Phật để cầu tiếng tăm, lợi dưỡng, coi Phật pháp như công cụ để cầu danh lợi, tội nghiệp hết sức to lớn, quả báo chắc chắn là trong tam đồ. Quý vị bèn hiểu: Tu hành thật sự không dễ dàng. Bởi lẽ, tu hành trong hiện tại, nói thật thà, người xuất gia chẳng bằng kẻ tại gia. Người tại gia dùng Phật pháp để đạt danh lợi còn ít, chẳng dễ dàng cho lắm! Hàng xuất gia dùng Phật pháp làm công cụ cầu danh lợi dễ dàng, cũng đông lắm! Thời cổ, người ta xuất gia bèn thật sự tu hành, họ vì liễu sanh tử, thoát tam giới. Người thời nay có quan niệm khác hẳn! Sanh tử là chuyện lớn, vô thường nhanh chóng, nếu kẻ xuất gia chẳng giữ bổn phận, còn muốn làm những thứ ngoài bổn phận, lầm lẫn đặc biệt to tát, cớ gì cứ phải xuất gia?

Học Phật phải học theo những chuyện thuộc về bổn phận trong Phật pháp. Khổng lão phu tử nói: “Quân tử vụ bổn, bổn lập nhi đạo sanh” (Người quân tử chú trọng cái gốc, sau khi gốc đã lập, đạo bèn sanh). Bổn phận của người xuất gia là tu hành, trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh, đó là căn bản của người xuất gia. Từ xưa tới nay, Phật môn chưa từng lập Phật Học Viện. Hiện thời có rất nhiều Phật Học Viện mà chẳng xuất hiện nhân tài! Xưa kia, chẳng lập Phật Học Viện, nhân tài liên tục xuất hiện! Nhân tài chẳng xuất thân từ Phật Học Viện, mà xuất hiện ra sao? Do họ ngộ được cái gốc bèn xuất hiện. Bản thân họ tu hành là “trước đoạn phiền não, sau học pháp môn”. Cổ đức bồi dưỡng nhân tài sử dụng phương thức khác với chúng ta trong hiện thời. Nhân tài do thầy chọn lựa từ học trò. Cách chỉ dạy phổ biến là dạy quý vị hãy đoạn phiền não. Nghiêm túc đoạn phiền não, đã đoạn có hiệu quả kha khá, thầy sẽ chọn kẻ ấy ra và bảo: “Ngươi có thể học pháp môn”. [Đối với kẻ] phiền não tập khí còn rất nặng, [thầy sẽ răn dạy]: “Nay ngươi còn chưa thể học. Vì sao? Chẳng phải là pháp khí!” Chẳng phải là thầy có lòng thiên vị!

Trong Phật môn thường có một tỷ dụ: Ở đây, thầy có đề hồ, đó là một món ngon nhất được luyện từ sữa, [thầy bảo]: “Nay ta cho các con, các con phải mang đồ đến đựng”. Tôi đem bát đến đựng, trước kia bát ấy đựng thuốc độc, thầy thấy cái bát ấy chẳng sạch, chẳng cho: “Hãy rửa đi! Rửa sạch thuốc độc thì thầy mới cho con”. Vì sao? Trong bát có chất độc, đựng đề hồ trong bát, đề hồ liền biến thành thuốc độc. Quý vị có hiểu ý nghĩa này hay không? Ý nghĩa rất sâu! Chẳng gột sạch sẽ Tam Độc phiền não trong tâm mà quý vị học Phật pháp, Phật pháp đều biến thành độc tố. Độc tố gì vậy? Sở Tri Chướng. Trong bộ Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao, khi giảng về tựa đề kinh, Thanh Lương đại sư đã nói: “Chẳng đoạn phiền não mà tu học pháp môn, cái đạt được sẽ là tà tri tà kiến”. Cớ sao là tà tri tà kiến? Trong tâm quý vị có tham, sân, si. Tham, sân, si biến Phật pháp thành tà tri tà kiến. Sau khi dẹp trừ tham, sân, si, Phật pháp sẽ là chánh tri, chánh kiến, Phật tri, Phật kiến. Quý vị bèn hiểu đoạn phiền não có tầm mức trọng yếu dường ấy! Chẳng đoạn phiền não, chẳng có tư cách học pháp môn.

Tứ Hoằng Thệ Nguyện có thứ tự, trước hết bảo quý vị hãy phát tâm. Sau khi đã phát tâm bèn tu hành; phát tâm là phát nguyện, nguyện để hướng dẫn, giống như kẻ dẫn đường. Phát ra nguyện ấy “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, đồng tâm đồng nguyện với Phật. Nếu muốn độ chúng sanh thì thực hiện từ nơi đâu? Trước hết là phải đoạn phiền não. “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Sau khi đã đoạn phiền não rồi mới học pháp môn, sẽ chẳng sai! Người hiện thời học Phật chắc chắn là chưa đoạn phiền não, đã ngay lập tức toan học pháp môn. Càng học nhiều pháp môn, càng kiêu căng, ngã mạn, tham, sân, si tăng trưởng giống hệt [như sự tăng trưởng tri kiến về] pháp môn. Thanh Lương đại sư nói chẳng sai tí nào. Vì sao? Kẻ ấy chẳng có bản lãnh trong Phật pháp thì còn tạo nghiệp ít; đã hiểu đôi chút Phật pháp bèn tạo nghiệp to đùng. Nói

cách khác, trong tương lai, người ấy đọa địa ngục cũng sâu!

Chúng ta học Phật phải lấy cổ đại đức làm gương, chớ nên nhìn theo người hiện thời. Thấy người hiện thời học như thế nào, chúng ta học theo họ, họ vào địa ngục, ta cũng theo họ đọa địa ngục. Đó là ngu si! Học theo cổ nhân sẽ chẳng sai. Thật sự phát tâm muốn tiếp nối huệ mạng của Phật, hoằng pháp lợi sanh, nhất định phải thực hiện từ đoạn phiền não, phải xa lìa phiền não (tức là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước). Đoạn càng sạch càng hay, quyết định chớ nên tăng trưởng. Những thứ này mỗi năm một ít hơn, mỗi tháng một ít hơn, tức là quý vị công phu đắc lực. Tuyệt đối chẳng phải là quý vị nghiên cứu kinh luận mỗi ngày một nhiều hơn, giảng diễn ngày càng hay hơn. Đó là giả, là gạt người, chẳng thật! “Thật” là phiền não tập khí mỗi ngày một giảm thiểu, trí huệ và đức năng ngày càng tăng trưởng. Bồ Tát có Ngũ Đức và Lục Hòa. Lục Hòa là Lục Hòa Kính, Ngũ Đức là như trong Nho gia, các môn đệ đã tán thán Khổng lão phu tử là “ôn, lương, cung, kiệm, nhượng”, đó là Ngũ Đức! [Tức là tán thán Khổng Tử có các phẩm đức] ôn hậu (溫厚: ôn hòa, đôn hậu), thiện lương, khiêm cung (謙恭: khiêm hư, cung kính), nhường nhịn, tiết kiệm, đấy là các đức của Bồ Tát. Chúng ta phải thực hiện từ chỗ này, phải nghiêm túc tu học từ chỗ này.

(Sao) Phước đức nan tu giả.

()福德難修者。

(Sao: Phước đức khó tu).

Thiện căn chẳng dễ dàng, khó tu. Phước đức cũng chẳng dễ dàng.

(Sao) Như Niết Bàn tam thập tứ kinh vân.

()如涅槃三十四經云。

(Sao: Như kinh Niết Bàn, quyển ba mươi tư có nói).

Kinh Niết Bàn, quyển ba mươi bốn…

(Sao) Ngũ phẩm tâm tu Thập Thiện, vị hạ, trung, thượng, thượng trung, thượng thượng, các thập thiện nhi thành ngũ thập, thỉ tu, chung tu, phương thành bách phước.

()五品心修十善 ,謂下 、中、上、上中、上上,各

十善而成五十,始修終修,方成百福。

(Sao: Cái tâm tu Thập Thiện chia thành năm phẩm, tức là hạ, trung, thượng, thượng trung, thượng thượng. Mỗi điều trong Thập Thiện [ứng hợp với năm tâm ấy] bèn thành năm mươi, [năm mươi điều ấy lại ứng với] tu lúc ban đầu và tu lúc rốt cục nên mới trở thành trăm phước).

Hiện thời Tết đến, chúng ta đều chúc kẻ khác trăm phước. Trăm phước do đâu mà có? Trăm phước phát xuất từ Phật pháp. Do đâu mà có trăm phước, kinh Niết Bàn đã nói rất rõ ràng.

(Sao) Tắc phước chi bất dị tu, minh hỹ.

()則福之不易修明矣。

(Sao: Rõ ràng là phước chẳng dễ tu!)

Tu phước cũng khó! Nhưng chỗ tinh yếu của phước đức là Thập Thiện, tức là quý vị đã dùng cái tâm như thế nào để tu Thập Thiện? Tâm chia thành năm bậc: Thượng thượng, thượng trung, thượng, trung, hạ. Quý vị dùng tâm loại nào để tu Thập Thiện Nghiệp Đạo? Chúng ta là tâm gì, phải hiểu điều này. Tâm thanh tịnh hoàn toàn nhằm lợi ích chúng sanh, đó là thượng thượng tâm. Theo Liễu Phàm Tứ Huấn, cư sĩ Viên Liễu Phàm cầu công danh phú quý cho chính mình, nên tu Thập Thiện, đó là hạ tâm. Vì thế, phước cũng chẳng phải là dễ tu! Thoạt đầu, cư sĩ Liễu Phàm phát tâm làm ba ngàn chuyện lành, mười năm mới làm viên mãn, quý vị thấy khó lắm! Sau khi đã viên mãn, lại phát tâm làm ba ngàn việc thiện, ba năm mới làm viên mãn. Phải có cái tâm thường hằng, phải có nghị lực, phải nghiêm túc đoạn ác tu thiện.

“Bảo Tích thập tâm” (Mười tâm theo kinh Bảo Tích): Câu này nhằm giải thích “huống phục vân đa” (huống hồ nói là “nhiều”). Thiện căn và phước đức khó tu, kinh lại còn nói là “nhiều”! Ít là không được rồi! “Lũy kiếp cù lao, mạc chi năng biện” (Nhọc nhằn trải bao kiếp, chẳng thể thực hiện). Câu này là thật, tu chẳng thành công! Trong đời này, chúng ta thấy người thật sự tiếp nhận A Di Đà Phật, niệm Phật vãng sanh, đó là do thiện căn và phước đức đã tu tập, tích lũy từ vô lượng kiếp, “lũy kiếp” hãy còn quá ít! Nhìn từ kinh Vô Lượng Thọ, kinh nói vương tử A Xà Thế và năm trăm đại trưởng giả trong đời quá khứ trụ Bồ Tát đạo, cúng dường bốn trăm ức Phật. [Cúng dường] bốn trăm ức Phật là [tu tập trong] bao nhiêu kiếp? Thiện căn như vậy, vẫn chẳng thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Thiện căn và phước đức của họ như vậy chưa đáng coi là nhiều! Vì từ kinh ấy, chúng ta đã thấy rất minh bạch: Họ nghe đức Phật giảng kinh Vô Lượng Thọ, nghe rất hoan hỷ, tâm dấy lên ý niệm “trong tương lai, ta thành Phật, sẽ giống như A Di Đà Phật”, chẳng dấy khởi ý niệm “ta quyết định cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới”. Có thể thấy là họ dấy lên ý niệm trong tương lai thành Phật thì phải giống như A Di Đà Phật, chứ đời này chẳng vãng sanh, chẳng thể vãng sanh. Điều này chứng tỏ thiện căn và phước đức của họ vẫn chưa đủ nhiều, khó quá!

Nay chúng ta nghe kinh này, có thể tiếp nhận Phật hiệu, khăng khăng một mực y theo pháp này để tu học, hết thảy đều có thể bỏ sạch, buông xuống, [tức là] thiện căn và phước đức do chúng ta tu tập và tích lũy trong quá khứ đã vượt trỗi họ quá nhiều, họ chẳng thể sánh bằng chúng ta! Từ kinh ấy, chúng ta thấy: Tôn giả A Nan thấy A Di Đà Phật, liền phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Từ kinh Vô Lượng Thọ ta thấy, ngài A Nan cầu vãng sanh, nhóm vương tử A Xà Thế chẳng cầu vãng sanh. Ở đây, kinh dạy: “Chẳng thể do chút thiện căn, phước đức, nhân duyên để được sanh về cõi ấy”. Đúng là chẳng dễ! Quý vị gộp chung những kinh luận ấy để xem, sẽ liễu giải chân tướng sự thật.

(Sao) Bảo Tích thập tâm giả. Nhất, ư chúng sanh khởi đại từ, vô tổn hại tâm. Nhị, ư chúng sanh khởi đại bi, vô bức não tâm. Tam, ư Phật pháp, bất tích thân mạng, nhạo thủ hộ tâm. Nãi chí thập, ư chư Phật, xả ly chư tướng, khởi tùy niệm tâm. Cụ thử thập tâm, vãng sanh Tịnh Độ.

()寶積十心者。一、於眾生起大慈,無損害心。二、於眾生起大悲,無逼惱心。三、於佛法不惜身命,樂守護心。乃至十,於諸佛捨離諸相,起隨念心。具此十心,往生淨土。

(Sao: “Mười tâm theo kinh Bảo Tích”: Một là dấy lòng đại từ đối với chúng sanh, chẳng có tâm tổn hại. Hai là dấy lòng đại bi đối với chúng sanh, chẳng có tâm bức não. Ba là đối với Phật pháp, chẳng tiếc thân mạng, tâm thích bảo vệ, gìn giữ. Cho đến cái tâm thứ mười là đối với chư Phật, xả lìa các tướng, khởi tâm tùy niệm. Trọn đủ mười tâm ấy, bèn vãng sanh Tịnh Độ).

Đây là những điều được nói trong kinh Đại Bảo Tích. Tuy chẳng trích lục hoàn toàn mười điều, nhưng bốn điều này cũng khá trọng yếu. Chúng ta xem chú giải:

(Diễn) Khởi đại từ, vô tổn hại tâm giả, vị ư pháp giới chúng sanh, dữ tự tánh chúng sanh, hàm dục dữ Vô Thượng Bồ Đề Giác pháp lạc, Vô Thượng Niết Bàn tịch tĩnh lạc, thị vô tổn hại tâm.

()起大慈無損害心者,謂於法界眾生,與自性眾生,咸欲與無上菩提覺法樂,無上涅槃寂靜樂,是無損害心。

(Diễn: “Dấy lòng đại từ, chẳng có tâm tổn hại” nghĩa là đối với chúng sanh trong pháp giới và tự tánh chúng sanh, đều muốn cho họ được hưởng pháp lạc giác ngộ nơi Vô Thượng Bồ Đề và niềm vui tịch tĩnh nơi Vô Thượng Niết Bàn. Đấy là chẳng có tâm tổn hại).

Tiêu chuẩn này khá cao. “Pháp giới chúng sanh” là hết thảy chúng sanh. “Tự tánh chúng sanh” là nói chính mình. Nói theo cách hiện thời, sẽ là đối với người khác và đối với chính mình, nói theo kiểu này. Đối với người khác phải từ bi, đối với chính mình cũng chớ nên gây tổn thương. Kẻ ngu si hằng ngày hại chính mình. Hằng ngày hại chính mình như thế nào? Quý vị tăng trưởng vô minh là hại chính mình, tăng trưởng tà kiến là hại chính mình, tăng trưởng tham, sân, si là hại chính mình. [Nói cách khác], hằng ngày hại tự tánh chúng sanh, có lỗi với chính mình! Mỗi ngày giác ngộ, mỗi ngày ta bớt mê hoặc, điên đảo, giác ngộ nhiều hơn, đó là dấy lòng đại từ đối với tự tánh chúng sanh. Như vậy thì mới chẳng có lỗi với chính mình. Tâm chính mình mỗi ngày một thanh tịnh hơn, diệt tham lạc, lìa khổ, ban vui. Tâm chúng ta có phải là ngày càng thanh tịnh hơn hay không? Trí huệ của chúng ta có phải là ngày càng tăng trưởng hơn không? Nếu đúng là như thế, thì là dấy lòng đại từ đối với tự tánh chúng sanh, chẳng có tâm tổn hại. Trước hết là có thể độ chính mình; sau đấy, giúp đỡ người khác, tự lợi, lợi tha, lại giúp pháp giới chúng sanh lìa khổ được vui, phá mê khai ngộ. Đó là hạnh tu tập của Bồ Tát, chẳng phải là hạnh tu của phàm phu. Do vậy biết: Thiện căn khó gieo, phước đức khó tu!

(Diễn) Khởi đại bi vô bức não tâm giả, vị ư hữu tình thế gian cập Ngũ Ấm thế gian, giai dục bạt cảnh giới bức bách chi khổ, phiền

não triền phược chi khổ, thị vô bức não tâm.

()起大悲無逼惱心者,謂於有情世間及五陰世間,皆欲拔境界逼迫之苦、煩惱纏縛之苦,是無逼惱心。

(Diễn: “Dấy lòng đại bi, chẳng có tâm bức não” nghĩa là đối với hữu tình thế gian và Ngũ Ấm thế gian, đều muốn dẹp trừ nỗi khổ bị cảnh giới bức bách, nỗi khổ phiền não trói buộc. Đó là “tâm chẳng bức não”).

“Hữu tình thế gian” là pháp giới chúng sanh, “Ngũ Ấm thế gian” là tự tánh chúng sanh. Bản thân chúng ta có phiền não, vướng mắc, lo âu, pháp giới chúng sanh cũng có. Cùng một đạo lý như vậy, trước hết là phải dẹp trừ nỗi khổ của chính mình, sau đấy mới có thể giúp đỡ người khác lìa khổ được vui. Nói thật ra, [cả hai điều] đều khó, bất luận tu học pháp môn nào, đạt tới mục đích này đều chẳng dễ dàng. Kinh văn nói đến cuối cùng bèn kết quy Tịnh Độ, pháp môn này chẳng khó, ai nấy đều có thể làm được. Tuy nói là chẳng khó, cũng đừng nên nghĩ nó quá dễ dàng, chẳng khó. [Nói dễ dàng] là vì so sánh với các pháp môn khác, nó chẳng khó khăn như trong các pháp môn khác. “Không dễ dàng” tùy thuộc quý vị đã thật sự giác ngộ hay chưa! Nếu thật sự giác ngộ, sẽ dễ dàng. Thật sự giác ngộ, bèn hiểu sanh tử là chuyện lớn, vô thường nhanh chóng. Chúng ta ở trong thế gian này, cổ nhân sánh ví “thạch hỏa, điển quang” (石火電光: tia lửa xẹt ra do đá đập vào nhau, ánh sáng của tia chớp). “Điển” (電) là tia chớp. “Mạng người vô thường”, thật sự giác ngộ, mười năm hay hai mươi năm đúng là khảy ngón tay một cái đã trôi qua. Người từ lứa tuổi trung niên trở đi, nghĩ lại thuở trẻ trung, giống như mới ngày hôm qua, thời gian trôi qua quá nhanh! Từ nay về sau còn có được thời gian dài như thế hay chăng? Chẳng có. Dẫu có thời gian dài ngần ấy, cũng là sát na đã qua, quý vị nghĩ đến đây, đáng sợ thay! Một hơi thở ra chẳng hít vào được nữa, làm thế nào đây? Những chúng sanh trong thế gian làm chuyện gì? Sanh tử luân hồi! Phật pháp nói “sanh tử bì lao” (生死疲勞: sanh tử nhọc nhằn), sanh rồi tử, tử rồi sanh, từ vô thỉ kiếp tới nay sanh sanh tử tử, luôn làm chuyện này, đúng là đáng thương, đáng xót! Thật sự giác ngộ chân tướng sự thật này, phát tâm dũng mãnh, từ nay trở đi, ta chẳng muốn luân hồi sanh tử nữa, quý vị gặp gỡ pháp môn này sẽ thấy là dễ dàng, nhất định thành tựu trong một đời này.

Người thế gian đừng nói là chưa học Phật, [ngay cả] những đồng tu đã học Phật, có thể nói đại đa số là “sống say, chết mộng!” Có mấy ai từ trong sanh tử luân hồi mà giác ngộ, thức tỉnh? Quá ít! Trong một vạn người học Phật, kẻ suốt ngày từ sáng đến tối “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”, thật sự tỉnh thức, tôi thấy có được dăm ba người là đã ghê gớm lắm rồi! Đúng là rất thưa thớt, rất ít thấy! Tuy niệm Phật, vẫn ở trong mộng, vẫn đang nằm mộng, vẫn đang mê hoặc, điên đảo, làm sao có thể thành tựu cho được? Vẫn tiếp tục ngày ngày sanh tử luân hồi chẳng ngừng! Đấy là tổn hại chính mình, tổn hại chúng sanh, chính là ngu si trong Tam Độc, hoàn toàn chẳng liễu giải chân tướng sự thật, mà cũng chẳng nhận thức Phật pháp.

(Diễn) Bất tích thân mạng nhạo thủ hộ giả, ước Lý, tắc bị Tu Đức nhi viên Tánh Đức. Ước Sự, tắc cầu bán kệ nhi xả toàn thân. Tự lợi, tắc như Thiện Tài bất tỵ hỏa khanh; lợi tha, tắc như Bất Khinh cam thọ đả trịch.

()不惜身命樂守護者,約理則備修德而圓性德,約事則求半偈而捨全身,自利則如善財不避火坑,利他則如不輕甘受打擲。

(Diễn: “Chẳng tiếc thân mạng, thích bảo vệ, gìn giữ”: Xét theo Lý, sẽ là đầy đủ Tu Đức bèn viên mãn Tánh Đức. Xét theo Sự, sẽ là vì cầu nửa bài kệ mà xả toàn thân. Tự lợi thì như Thiện Tài chẳng tránh hố lửa, lợi tha thì như Thường Bất Khinh cam chịu bị đánh đập).

Thật sự nhận thức Phật pháp, thật sự hiểu rõ Phật pháp thì người ấy mới chịu phát tâm hộ trì, hộ pháp chẳng tiếc thân mạng. Vì sao người ấy làm như vậy? Hiểu Phật pháp thật sự quý báu, không chỉ là độ chính mình, mà có thể độ hết thảy chúng sanh. Trên thế gian hiện thời, chúng ta nói sự nghiệp gì có giá trị nhất? Hộ trì Phật pháp có giá trị nhất. Đấy là công đức và lợi ích chân thật, những thứ khác đều là giả, chết rồi sẽ chẳng mang theo được. “Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân” (Muôn thứ chẳng mang được, chỉ có nghiệp theo thân), công đức hộ trì Phật pháp có thể đem theo được. Vì thế, nó là chuyện có giá trị nhất, có ý nghĩa nhất.

Nói theo lý luận, “bị Tu Đức nhi viên Tánh Đức” (đầy đủ Tu Đức bèn viên mãn Tánh Đức), đây là thật sự hộ pháp. Nói cách khác, chúng ta nói theo niệm Phật thì niệm đến nhất tâm bất loạn mới là “hộ pháp”. Niệm đạt đến Lý nhất tâm, sẽ minh tâm kiến tánh. Chẳng có công phu cao như thế, niệm Phật đạt đến Sự nhất tâm, hoặc niệm đến mức công phu thành phiến, sẽ quyết định vãng sanh Tịnh Độ, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, hạ hạ phẩm vãng sanh cũng là thật sự hộ trì Phật pháp. Phật pháp ở đây là Phật pháp của chính mình, Phật pháp của chính mình cũng là Phật pháp của pháp giới chúng sanh. Quý vị vãng sanh thành Phật, sau khi thành Phật, tất nhiên sẽ phổ độ chúng sanh. Do đó, chính mình đã thành tựu, nhất định là có thể thành tựu người khác. Đó là từ Tu Đức mà viên mãn Tánh Đức; đấy là hộ pháp.

Nói theo sự tướng, “tắc cầu bán kệ nhi xả toàn thân” (vì cầu nửa bài kệ mà bỏ toàn thân). Đây là chuyện xảy ra khi Thích Ca Mâu Ni Phật còn đang tu nhân. Thời Ngài cầu học, Phật pháp khó được nghe, rất khó khăn! Đế Thích Thiên (tức chúa trời Đao Lợi) biến hóa thành một La Sát đến thử thách Ngài. Thấy người tu hành bèn đến khảo nghiệm, bảo: “Ta là quỷ La Sát, bụng rất đói. Ta có Phật pháp, nhưng ta phải ăn no trước đã rồi mới nói cho ngươi được”. Ngài Hỏi: “Ông ăn gì vậy?” Quỷ Đáp: “Ta ăn thịt người”. Tiên nhân nói: “Chỉ cần ông chịu thuyết pháp cho tôi, tôi bằng lòng đem thân thể này cúng dường ông”. La Sát nói cho Ngài bốn câu kệ, nói thật ra, đối với bốn câu kệ, quỷ chỉ nói hai câu, Ngài có thể chẳng tiếc thân mạng cầu pháp. Đó là nói theo Sự, thật sự hành Bồ Tát đạo!

Nay chúng ta cầu pháp, nói thật ra, có được Phật pháp dễ dàng hơn thuở ấy nhiều lắm; hiện thời, kỹ thuật ấn loát phát triển, có được kinh điển chẳng khó khăn chút nào. Vì có được quá dễ dàng, đâm ra đánh mất tấm lòng cung kính và tôn trọng. Hiện thời tại Đài Loan, Đại Tạng Kinh bị tùy tiện bỏ lăn, bỏ lóc, chẳng có ai quý trọng. Trái lại, ở Đại Lục [tình hình] khác hẳn! Ở Đại Lục, kinh điển hết sức khó có. Chúng tôi đưa [Đại Tạng Kinh] sang Đại Lục, người đến nghênh tiếp đều quỳ mọp dưới đất, mỗi người đầu đội một cuốn, đảnh đới (頂戴: đội trên đầu), cung kính dường ấy. Chúng ta thấy vậy, trong tâm có cảm tưởng gì? Chúng ta tùy tiện bỏ lăn, bỏ lóc. Họ hết sức khó có được, cho nên có lòng cung kính, tôn trọng như vậy, chính là có phước! Bất luận họ có cơ hội đọc hay không, tâm cung kính ấy chính là gieo phước. Xưa kia, có được kinh luận chẳng dễ dàng, tâm thái cung kính và tôn trọng [của cổ nhân] khác hẳn tâm thái của chúng ta trong hiện thời.

“Tự lợi, tắc như Thiện Tài bất tỵ hỏa khanh” (Tự lợi thì như Thiện Tài chẳng tránh hầm lửa): Thiện Tài tới tham phỏng Bà la môn Thắng Nhiệt. [Bà la môn bảo]: “Ngươi muốn cầu pháp, hãy nhảy vào hầm lửa”. Thiện Tài đồng tử vì cầu pháp, đành phải nghe lời, nhảy xuống hầm lửa. Kết quả là hầm lửa ấy rất mát mẻ, rất tự tại, Ngài trọn chẳng bị thương tổn. vị đọc kinh Hoa Nghiêm có thể thấy chuyện này.

“Lợi tha, tắc như Thường Bất Khinh Bồ Tát” (Lợi lạc người khác thì như Thường Bất Khinh Bồ Tát). Kinh Pháp Hoa có nói: Thường Bất Khinh Bồ Tát thấy bất cứ ai cũng đều đảnh lễ, vái lạy, chẳng dám coi thường bất cứ chúng sanh nào! Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật, chẳng dám khinh mạn một người nào.

Đây là nói đối với Phật pháp, chẳng tiếc thân mạng để thủ hộ, nêu lên mấy trường hợp đều là nói đến người thuở trước. Nay chúng ta phải biết thủ hộ như thế nào? Đối với ý nghĩa chân thật trong [từ ngữ] “thủ hộ” (守護), nghĩa thứ nhất là “y giáo tu hành”, bắt đầu làm từ chỗ này, sau đấy cùng nhau tu học: Tu học Phật pháp, hoằng dương Phật pháp, lợi ích chúng sanh, đó là “thủ hộ”. Đồng tu tại gia có trách nhiệm này, các đồng tu xuất gia lại còn phải gánh vác cái được gọi là “gia nghiệp của Như Lai”. Sự nghiệp của Phật là gì? Là hoằng pháp lợi sanh. Vì thế, đạo tràng danh phù hợp sự thật, đạo tràng ấy có đạo! Đạo gì vậy? Đạo thành Phật. Đạo tràng ấy xác thực có “đạo thành Phật”, mới đáng gọi là đạo tràng. Nay chúng ta có tràng mà chẳng có đạo. Không chỉ là nói hộ pháp [chẳng được], mà ngay cả pháp, pháp cũng chẳng có! Chẳng có pháp, hộ gì đây? Cũng chẳng thể nói đến chuyện hộ được. Điều này đáng để cho chúng ta phản tỉnh sâu xa!

Đạo chẳng ở trong kinh điển, đạo ở trong tâm tánh, trong hành vi sinh hoạt, đạo ở nơi ấy. Đạo là xử sự, đãi người, tiếp vật trong cuộc sống hằng ngày, thường nói là “người có thể hoằng đạo, chẳng phải là đạo có thể hoằng người”. Chữ Đạo trong câu trên đây là nói tới kinh điển, phải nương vào lý luận, giáo huấn và cảnh giới trong kinh điển để thực hiện. Có như vậy thì mới có thể hoằng dương rạng rỡ Phật pháp, lợi ích chúng sanh. Nay chúng ta in rất nhiều kinh, đem kinh điển tặng cho kẻ khác, người ta đọc cũng không hiểu, dẫu đọc mấy lượt cảm thấy [kinh điển] hay quá, họ cũng chẳng thể làm, vậy thì có tác dụng gì? Do đó, chúng ta in rất nhiều kinh điển, đưa đến khắp nơi trên thế giới, tôi lại còn phải tới những nơi đó biểu diễn, còn phải giảng giải. Chẳng giảng giải, họ sẽ không hiểu.

Dịp Tết âm lịch này, ngày mồng Bảy, tôi phải sang Tân Gia Ba để giảng A Di Đà Kinh Yếu Giải. Không giảng cho họ, họ chẳng hiểu, chẳng biết tu như thế nào! Đi khắp nơi giảng giải, khiến cho các kinh điển đã gởi đi có thể dấy lên đôi chút tác dụng. Vì vậy, các đồng tu phải phát tâm, nhất là những người trẻ tuổi, phải nghiêm túc, phải nỗ lực sốt sắng tu hành, thành tựu đức hạnh, sau đó là thành tựu học vấn của chính mình. Đấy mới là “nhạo thủ hộ tâm”. Vì pháp quên mình, chẳng tiếc thân mạng, nỗi khổ nào cũng đều bằng lòng hứng chịu, đấy mới là tự lợi lợi tha thật sự. Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi giảng tới chỗ này.

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị