Home > Giảng Kinh > Phat-Thuyet-Nhan-Vuong-Ho-Quoc-Bat-Nha-Ba-La-Mat-Kinh-Giang-Nghia

Phật Thuyết Nhân Vương Hộ Quốc Bát
Nhã Ba La Mật Kinh Giảng Nghĩa

Lời Trần Tình


Tháng Tám năm 2022, thành hội Phật giáo Sài Gòn tổ chức Hộ Quốc Nhân Vương Thủy Lục Phổ Độ Đại Trai Thắng Hội đạo tràng tại Việt Nam Quốc Tự với ý nghĩa “đại lễ Hộ Quốc Nhân Vương Phổ Độ Đại Trai Thắng Hội Đạo Tràng là cơ hội để tất cả đạo tràng ngồi lại dưới bóng từ bi của Phật, lắng lòng thanh tịnh, thắp sáng hiện hữu, chuyển tải đến pháp giới, tác động đến những người chẳng may bị qua đời trong đại dịch Covid-19” như hòa thượng thượng Lệ hạ Trang đã nói. Đúng như tên gọi, bản kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Đa (bản dịch của ngài Bất Không) được dùng làm bản kinh chánh yếu để tụng niệm trong pháp hội ấy. Một đạo hữu sau khi tham dự đại lễ trực tuyến, đã yêu cầu mạt nhân tìm dịch một bản chú giải nào tương đối đơn giản, dễ hiểu để làm cơ sở ban đầu hòng tìm hiểu bản kinh này. Tự thẹn chính mình học vấn nông cạn, nhất là các kinh thuộc hệ thống Bát Nhã càng khó chuyển ngữ sao cho gãy gọn, không bí hiểm, mà cũng không rườm rà, cũng như rất dễ diễn giải sai lạc ý của chư Tổ, mạt nhân viện cớ từ chối nhiều lượt, nhưng vị ấy vẫn khăng khăng yêu cầu. Vị đó lại nói “anh cứ dịch đi, dù có sai lệch thì vẫn diễn đạt được phần nào ý nghĩa của kinh điển. Đúng như kinh Niết Bàn có dạy, sữa dù pha mười phần nước, đem nấu cháo vẫn phảng phất có vị sữa. Biết đâu do anh dịch mà sau này sẽ có vị thạc đức nào thương xót, dịch lại cho hoàn thiện. Nếu cứ ngần ngừ mãi, rốt cuộc cũng không có ai dịch. Trước khi có cuộc lễ ấy, tôi không hề biết có một bản kinh hay như vậy”.

Riêng đối với mạt nhân, lần đầu biết đến kinh này là vào năm 1982 khi đang tập tễnh tìm đọc các bản kinh Phật. Thuở đó, kinh sách khan hiếm, đa số là tìm mượn từ những người quen có kinh sách Phật giáo được in trước năm 1975. Người cho mượn thường sợ kẻ mượn lấy mất, nên thường chỉ cho mượn một hai tuần rồi đòi lại ngay. Đó là lần duy nhất mạt nhân đọc bản kinh ấy, chỉ nhớ văn từ trong bản dịch kinh đó gãy gọn, trong sáng, nhưng chẳng nhớ rõ nội dung cho lắm, mà cũng chẳng nhớ dịch từ bản tiếng Hán nào, và do vị đại đức nào đã dịch. Sau này, cũng không có dịp tìm lại được bản kinh đó. Nay được nhiều lần yêu cầu chuyển ngữ, phải chăng đây cũng là một thiện duyên để chính mình đọc lại và học tập nghiêm túc bản kinh này?

Tìm trong Đại Tạng, chú giải bản kinh này khá nhiều. Đại lược có thể kể các bản chú giải như sau:

- Nhân Vương Kinh Sớ (sáu quyển) do ngài Cát Tạng soạn vào đời Tùy.

- Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Kinh Sớ (năm quyển), do ngài Trí Khải giảng, môn nhân là Quán Đảnh ghi lại.

- Nhân Vương Kinh Hợp Sớ (ba quyển) cũng do ngài Trí Khải giảng, Quán Đảnh ghi lại.

- Nhân Vương Kinh Sớ, do ngài Lương Bí soạn vào đời Đường.

- Nhân Vương Kinh Sớ do ngài Viên Trắc soạn.

- Nhân Vương Kinh Sớ Pháp Hành Sao do ngài Ngộ Vinh soạn vào đời Đường.

- Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Kinh Sớ Thần Bảo Ký, do ngài Thiện Nguyệt soạn vào đời Tống.

- Chú Nhân Vương Kinh Sớ Khoa do ngài Tịnh Nguyên soạn vào đời Tống.

- Nhân Vương Kinh Khoa Sớ Khoa Văn do ngài Chân Quý soạn vào đời Minh.

- Nhân Vương Kinh Sớ Huyền Đàm cũng do ngài Chân Quý soạn.

- Nhân Vương Kinh Khoa Sớ cũng do ngài Chân Quý soạn.

Tiếc rằng các bản chú giải ấy quá cao sâu, mạt nhân chẳng dám đoan chắc chính mình có thể hiểu đúng văn tự để chuyển ngữ, hoặc có bộ như Nhân Vương Kinh Khoa Sớ Khoa Văn hoàn toàn chỉ là chia kinh thành từng đoạn, đặt tiểu đề cho mỗi đoạn, chẳng giảng giải gì cả, hoặc như bộ Nhân Vương Kinh Sớ Huyền Đàm chỉ thảo luận những ý nghĩa chánh yếu, không giải thích kinh văn. Trước những khó khăn đó, mạt nhân rất ngần ngại, nên cứ viện cớ khất lần. Tìm thử các bản giảng giải của các pháp sư đương đại trên Internet thì có lẽ do không biết cách tìm, ngoại trừ bản giảng nghĩa của lão pháp sư Viên Anh (dựa theo bản dịch tiếng Hán của ngài Cưu Ma La Thập), mạt nhân chưa tìm được bản giảng giải nào khác. Đọc thử bản giảng nghĩa của lão pháp sư Viên Anh, nhận thấy lời Ngài giảng ngắn gọn, đơn sơ, chắc là mình thử chuyển ngữ thì cũng chẳng đến nỗi nhức tai, gai mắt người đọc, không đến nỗi hoàn toàn xuyên tạc tấm lòng hoằng pháp thương đời của lão pháp sư. Vì thế, mạt nhân gắng gượng dò theo từng dòng, chuyển ngữ sang tiếng Việt cho xong trách nhiệm, mong sao giúp ích phần nào cho vị đạo hữu ấy. Còn nếu như do chính mình ngu si, dốt nát, không chuyển tải đúng ý, lại còn ngạo ngược trở thành xuyên tạc ý Tổ, ý thầy, chỉ xin Tam Bảo xót thương, từ bi cứu độ khiến cho con chẳng đến nỗi đọa lạc trong ba ác đạo.

Cuối Đông năm Nhâm Dần (2022), si ám đệ tử Như Hòa kính trình.