Home > Khai Thị Phật Học
Nguyện Thứ Bảy Thỉnh Phật Trụ Thế
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


Chánh kinh:

Phục thứ, thiện nam tử! Ngôn thỉnh Phật trụ thế giả: Sở hữu tận pháp giới, hư không giới, thập phương tam thế, nhất thiết Phật sát, cực vi trần số chư Phật Như Lai, tương dục thị hiện bát Niết Bàn giả, cập chư Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, hữu học, vô học, nãi chí nhất thiết chư thiện tri thức, ngã tất khuyến thỉnh mạc nhập Niết Bàn, kinh ư nhất thiết Phật sát cực vi trần số kiếp, vị dục lợi lạc nhất thiết chúng sanh. Như thị hư không giới tận, chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, ngã thử khuyến thỉnh vô hữu cùng tận. Niệm niệm tương tục, vô hữu gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp vô hữu bì yểm.

(Lại này thiện nam tử! Nói mời đức Phật ở lại đời là chư Phật Như Lai mười phương ba đời nhiều như số cực vi trần trong hết thảy cõi Phật tận pháp giới hư không giới sắp thị hiện[38] nhập Niết Bàn, và các Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, hữu học, vô học, cho đến hết thảy thiện tri thức, tôi đều khuyên mời chớ vào Niết Bàn, mà hãy ở lại đời trong số kiếp nhiều như số cực vi trần trong hết thảy cõi Phật vì muốn lợi lạc hết thảy chúng sanh. Như thế hư không giới tận, chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, sự khuyến thỉnh này của tôi chẳng có cùng tận, niệm niệm tiếp nối không có gián đoạn, thân ngữ ý nghiệp chẳng hề chán mệt).

Phàm phu rốt cuộc vẫn là phàm phu, nghe giảng kinh thuyết pháp tựa hồ có thâu hoạch, có giác ngộ, nhưng đôi ba ngày sau bèn quên tuốt luốt. Nghe kinh một lần mà khai ngộ tựa hồ chẳng có ai, chỉ có mình Lục Tổ Huệ Năng mà thôi. Chân chánh ngộ nhập là một chuyện khó, nên cần phải thường mời thiện tri thức ở luôn nơi này, ngày ngày giảng kinh thuyết pháp giáo hóa chúng ta, chúng ta ngày ngày được Phật pháp huân tập, thời gian lâu sau sẽ vô hình trung giác ngộ.

Phật pháp thường trụ thế gian thì người thế gian bèn có phước báo. Phật pháp chẳng thường trụ thế gian, người thế gian gặp nhiều tai nạn. Thiên tai, tai nạn tự nhiên thuộc về y báo, y báo chuyển theo chánh báo, cũng là do tâm con người chiêu cảm. Bởi thế, người có phước báo sống nơi phước địa. Chúng ta muốn tu phước hành thiện nhưng rốt cục việc gì là phước, chuyện gì là thiện thường chưa thể phân biệt được. Thiện và phước tầng lớp khác nhau, phạm vi của chúng rộng hay hẹp chỉ có Phật, Bồ Tát mới có thể thấu hiểu triệt để chân tướng sự thật. Bởi thế, quý Ngài có năng lực trí huệ dạy chúng ta, chúng ta mới có thể thật sự biết đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, thế giới này mới hòa bình, nhân dân mới thật sự yên vui.

Thỉnh chuyển pháp luân và thỉnh Phật trụ thế nhìn thì đơn giản, nhưng trên thực tế lại chẳng dễ dàng. Vào thời đại Lương Võ Đế và sư Bảo Chí Công có câu chuyện như sau: Ở Tứ Xuyên có một vị cao tăng thật sự đắc đạo, tên là Bảo Hương thiền sư. Ngài ở Tứ Xuyên rất nhiều năm, dùng đủ mọi pháp phương tiện khuyên người đoạn ác tu thiện. Phong tục xứ ấy mỗi khi gặp dịp tế lễ phải sát sanh; mỗi năm pháp sư khổ công khuyên họ đừng tạo sát nghiệp, chẳng ai thèm nghe, trái lại còn cười nhạo Ngài. Pháp sư khó chịu vô cùng. Có một năm, có một vị cư sĩ lên kinh thành bái kiến ngài Bảo Chí Công, Bảo Chí Công là hóa thân của Quán Âm Bồ Tát. Lương Hoàng Sám do ngài Bảo Chí Công soạn. Bảo Chí Công hỏi vị cư sĩ Tứ Xuyên ấy:

- Hương Tứ Xuyên quý hay không?

Vị cư sĩ đáp:

- Hương Tứ Xuyên rất rẻ.

Ý ngài Bảo Chí Công hỏi Bảo Hương thiền sư quý hay không quý, có nghĩa là mọi người có tôn trọng, quý mến ông ta hay không? Ông cư sĩ nghe hỏi, tưởng Ngài hỏi hương để đốt của tỉnh Tứ Xuyên có quý hay không, bèn đáp hương xứ đó rất rẻ. Bảo Chí Công nói:

- Đã rẻ thì sao không đi đi?

Ông cư sĩ nghe không hiểu lời ngài Chí Công. Mấy hôm sau, ông ta trở về Tứ Xuyên, gặp Bảo Hương thiền sư. Thiền sư hỏi ông ta:

- Bảo Chí Công nói những gì?

Cư sĩ đáp:

- Ngài nói hương của tỉnh Tứ Xuyên ta quý hay không, tôi đáp rất rẻ. Bảo Chí Công nói: “Đã rẻ thì sao không đi đi?” Tôi nghe không hiểu gì cả!

Bảo Hương nghe nói vậy, gật đầu. Mấy hôm sau, lại có pháp hội tế lễ. Mọi người vẫn giết nhiều bò dê để cúng tế như cũ. Ngày hôm ấy, Bảo Hương chẳng giống như khi trước, Ngài đào một cái hố rất to, to như cái ao ở cổng chùa, đổ đầy nước. Ngài cũng tham dự pháp hội tế lễ, cũng theo họ ăn cá, ăn thịt. Trước đây Ngài khuyên người khác chớ sát sanh, nay lại theo họ ăn cá ăn thịt, mọi người vô cùng ngạc nhiên. Ăn uống xong, Thiền Sư đến bên cái hố, há miệng, những con cá Ngài ăn vào đều sống lại, được Ngài mửa ra bơi lội trong nước. Những con gà vịt Ngài ăn vào đều sống lại hết. Thần thông vừa hiện, mọi người sững sờ. Mửa hết xong, Ngài bèn đứng vãng sanh. Bậc cao tăng đắc đạo hoằng pháp lợi sanh ở địa phương này, chúng ta chẳng tôn trọng, Ngài đi mất rồi!

Câu chuyện này cảnh tỉnh chúng ta: Thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật tại thế, phải dùng phương pháp nào đây? Trọn chẳng phải vì tiền bạc, hưởng thọ, giả danh. Đem chùa miếu to cúng dường pháp sư để giữ Ngài ở lại được chăng? Chẳng giữ được! Dùng danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần giữ chẳng được! Chỉ có một phương pháp giữ lại được là dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh tiếp nhận sự dạy răn của pháp sư, y giáo phụng hành. Thỉnh pháp sư đến hoằng pháp lợi sanh, giáo hóa chúng sanh một phương thì lại càng phải nỗ lực tinh tấn bội phần, tu hành đúng như lời dạy. Có được cái tâm như thế, cái nguyện như thế, hành trì như thế nhất định có cảm ứng, sẽ cầu được bậc hữu tu hữu chứng ở lại địa phương ấy.

Mười đại nguyện vương tuy có mười điều, nhưng trên thực tế, Phổ Hiền đại nguyện chỉ có bảy điều, bảy điều đã giảng viên mãn. Ba điều sau đều là nói về hồi hướng. Thông thường trong hồi hướng kệ, thường nói đến hồi hướng Bồ Đề, hồi hướng Phật đạo, hồi hướng chúng sanh.

[38] Thị hiện: Thị là làm cho người khác thấy, Hiện là bày ra. Thị hiện là biến hiện, hóa hiện, làm theo một cách nào đó cho người khác thấy.