Uống Nước Rửa Ruột
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Một người nọ bụng dưới có bệnh, thầy thuốc chỉ bầy « anh nên dùng thuốc đổ từ hậu môn vào bụng sẽ hết bệnh », người này khi chuẩn bị thuốc và dụng cụ đổ thuốc, chẳng chờ thầy thuốc đến, uống hết thuốc vào bụng, khiến bụng sình trương, đau đớn vô cùng, cơ hồ sắp chết, thầy thuốc đến nơi liền hỏi vì sao, người này đáp « tôi uống hết thuốc vào bụng nên giờ chỉ muốn chết ». Thầy thuốc nghe xong liền mắng « anh là người ngu si, chẳng hiểu cách thức dùng thuốc ». Bấy giờ cho uống thuốc nôn hết ra ngoài mới hết bệnh.
 
Người ngu cũng vậy, muốn tu học các phương pháp thiền quán, khi nên quán bất tịnh, thì quán sổ tức, lúc cần quán sổ tức lại quán 6 giới, điên đảo không trúng chỗ, không có căn bản, bị những thứ này làm khốn đốn, lãng phí thân mạng, không theo lời dậy của minh sư, dùng thiền pháp một cách điên đảo, khác gì người ngu này.
 
Lời Bình:

Phàm có thân tâm tất có khổ, không có nỗi khổ nào nằm ngoài thân tâm. Lại chẳng có thân tâm nào ở ngoài ngã, vì vậy hễ có ngã tất có thân tâm, có thân tâm tất có khổ, như thế có ngã ắt có khổ, và hết thẩy mọi khổ đều từ ngã sinh.
 
Do chúng sinh vọng nhận tứ đại là tướng tự thân, sáu trần duyên ảnh là tướng tự tâm, cho đó là ngã (kinh Viên Giác), từ đó khởi ái dục sinh ngã chấp, thành ngã ái như kinh Viên Giác dậy « ái dục vi nhân, ái mạng vi quả ». Do ái mạng nên sinh thuận nghịch, khổ lạc, đắc thất, tạo tác mọi vọng nghiệp. Ngã đã từ vọng sinh, nên mọi tạo tác của ngã đều là vọng nghiệp. Vọng tất nhiên không thật, do đó hết thẩy các tư tưởng hành động của ngã nhằm đến cứu cánh hạnh phúc đều chỉ là vọng không thật. Khổ công tạo dựng chung cục không đạt được thật quả, đó là gốc khổ chung của chúng sinh. Tất cả sự nghiệp xây dựng đều không thật chỉ tựa như cơn mộng huyễn, chung cục trong cái mộng huyễn đó chỉ có vọng là sự thật.
 
Tuy nhiên cái thật duy nhất là vọng đó nhờ vào một niệm ngã ái mà thành có thật, nếu không ngã ái tất không có vọng. Hễ đã có ngã tất là có vọng, hễ đã có vọng tự nhiên có ngã. Ngã và vọng bất ly và tương tức, mọi cử chỉ động niệm của ngã đều hư vọng. Vọng có cảnh giới của vọng, do ngã vọng sinh thành bại, đắc thất, nên cảnh giới có khổ có lạc, từ địa ngục cho đến cõi thiên. Mọi cảnh giới này đều từ vọng sinh, lại nương vọng mà duy trì, nhờ vọng mà hiện hữu, giống như người rơi vào giấc mộng, chợt thấy mộng cảnh, mộng nhân, và mộng ngã, khi ấy mộng tâm chấp mộng cảnh cho là thật, dựa vào niệm chấp đó mộng thành cảnh thật che lấp mất thật cảnh, Thiền tông tam tổ Tăng xán gọi đó là tâm bệnh « vĩ thuận tương tranh thị vi tâm bệnh », bởi lẽ phàm có ta, người và cảnh giới tất có thuận nghịch tương tranh. Hay nói cách khác hễ khởi niệm được thua thắng bại đều là bệnh tâm.
 
Đức Phật thị hiện nơi đời không ngoài một đại sự nhân duyên duy nhất, đó là « khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến ». Chấp ngã là thật, nhận vọng làm chân là chúng sinh tri kiến, do tri kiến này mà vọng thành thật che lấp mất chân thật, như mộng cảnh che khuất mất thật cảnh. Thấy ngã là vọng, biết vọng hiểu chân là Phật tri kiến, do tri kiến này diệt tận căn nhà lửa tam giới của vọng ngã, tự ngộ nhập cảnh giới chân thật của chư Phật.
 
Cảnh giới của chúng sinh tri kiến là vọng hoặc sinh ra ngũ thú, tam giới. Cảnh giới của Phật tri kiến là chân thật không có khổ lạc của tam giới lục đạo. Chúng sinh tri kiến tức ngã kiến vọng tác biết bao nghiệp thiện ác do ái dục và ái mạng, rồi tùy theo các nghiệp này chiêu cảm lưu chuyển luân hồi vào các cảnh giới trong ba cõi. Phật tri kiến diệt trừ ngã kiến, tức diệt hết các nghiệp thiện ác của ái dục và ái mạng, chấm dứt lưu chuyển, không còn vọng động, trở lại cảnh giới chân thật xưa nay vốn vô vi bất động.
 
Chúng sinh do ngã kiến mà khổ lạc trăm bề, hết khổ tới lạc, hết lạc lại khổ, khổ lạc đầy khổ não và âu lo. Từ một niệm nhận thức ra phần nào « nhân sinh thị khổ », các chúng sinh này muốn thoát khổ, quy y Tam bảo cầu đạo giải thoát, được thiện tri thức chữa bệnh khổ bằng chính pháp của chư Phật. Chính pháp phải là pháp giải thoát, giải thoát lại không ngoài Phật tri kiến. Phật tri kiến có 2 công dụng là trí huệ và từ bi. Nếu tri kiến nào thiếu 2 tác dụng này đều thuộc vào chúng sinh tri kiến.
 
Thiện tri thức dùng chính pháp làm thuốc chữa bịnh ngã chấp của chúng sinh tri kiến, nhưng chúng sinh lại dùng chính pháp làm công cụ gây lợi ích cho bản thân, làm ái dục và ái mạng thêm tăng trưởng.
 
Tín đồ tại gia tụng kinh lễ Phật chỉ nhằm vào mục đích cầu ngũ dục cho bản thân và gia đình. Người xuất gia thì dùng sự thờ Phật để tạo dựng tài sản và danh văn lợi dưỡng cho bản thân. Nói chung cả 2 hạng xuất gia và tại gia đều sử dụng thuốc sai cách, thay vì dùng thuốc chính pháp để diệt ái dục và ái mạng thì dùng để tăng trưởng hai thứ ái trên, nên càng tu hành càng tăng trưởng ngã ái, càng lún sâu vào vọng nghiệp, luân hồi khổ vẫn không sao giải quyết, mà thuốc thì bị dùng hư cả, khiến tăng thêm tội nghiệp, như kẻ dùng thuốc sai cách vừa thêm khổ vừa mất thuốc, đệ tử Phật nếu dùng chúng sinh tri kiến tu tập cũng vậy, đã không giải thoát lại chồng thêm tội, cần phải ói mửa trở ra các thứ tu tập mê muội đó bằng thuốc sám hối hồi đầu.

Nói chung người tu học phải hiểu biết nhận thức về bệnh và cách dùng thuốc gọi chung là phương tiện huệ và phương tiện pháp. Biết dùng thuốc như thế nào mới trị được bệnh. Nếu có phương tiện huệ thì mọi phương tiện thậm chí cho đến độc tố cũng thành thuốc, ngược lại mọi phương tiện cho đến cả thuốc cũng trở thành độc.
 
Thuốc và mọi pháp luôn có 2 mặt, nếu dùng đúng phương tiện thì diệt được bệnh, nếu dùng sai cách, sai phương tiện, không những không trừ được bệnh mà còn sinh thêm bệnh, vì vậy Như Lai tuyên thuyết « đại thừa pháp là bát cam lồ và cũng là chén thuốc độc ».
 
Phật pháp không dùng để phụng sự cho ngã được ngũ dục, trái lại Phật pháp được dùng để diệt trừ ngã bằng tinh thần lợi sinh « đương nguyện chúng sinh ». Phật pháp là phương cách chuyển thức thành trí, chuyển chúng sinh tri kiến thành Phật tri kiến. Khi một chúng sinh được khai thị Phật tri kiến ắt chúng sinh này sẽ phát bồ đề tâm « đương nguyện chúng sinh ». Càng phát tâm quảng đại càng ngộ nhập Phật tri kiến. Sau khi được khai thị thế nào là Phật tri kiến lập tức nhận ra diện mạo hư ngụy của chúng sinh tri kiến, đồng thời thấy lại chân diện mục xưa nay. Do vậy tức thời phát tâm bồ đề đương nguyện chúng sinh, vì đây là con đường duy nhất để ngộ nhập Phật tri kiến, và làm ta biến căn nhà lửa muôn thuở cùng với vọng ngã.
 
Chúng sinh mê muội không có phương tiện huệ, nên thay vì dùng Phật pháp diệt ngã, phát tâm vì chúng sinh, chúng sinh sử dụng Phật pháp vào việc tăng trưởng ngũ dục cho ngã. Chính vậy thuốc lại làm cho tăng bệnh, như kẻ ngu uống thuốc rửa ruột. Thuốc là phương tiện để cứu, giờ cũng thành phương tiện gia bệnh, vì thế những kẻ không hiểu biết phương tiện đó thực chẳng còn thuốc cứu.
 
Thế nên chỉ y lời thiện tri thức thực hành, phát quảng đại đạo tâm từ nay cho đến khi ngộ nhập Phật tri kiến, không bao giờ thối thất, mới diệt được bệnh khổ, và biết thế nào là phương tiện pháp, thành tựu phương tiện huệ, nhờ vậy mọi phương tiện đều thành thuốc, thậm chí đến bệnh cũng là thuốc hay, đạt đến trình độ này tất diệt tận mọi bệnh. Ví bằng ngược lại chỉ dùng chính pháp vào việc si mê, phụng sự cho ngã, thì bệnh khổ đã không hết mà còn thêm một bệnh trầm trọng là bệnh lợi dụng chính pháp để mưu lợi dưỡng. Chẳng khác nào kẻ uống thuốc rửa ruột, vừa không hết bệnh vừa thêm bệnh nguy kịch.
 
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Trảm Đầu Lạc Đà
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Thợ Cầy Mê Công Chúa
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Vắt Sữa Lừa Đực
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ