Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Khai-Thi-Phat-That-Tai-Chua-Linh-Son-Nam-Mau-Ngo-Lan-Thu-Hai

Khai Thị Phật Thất Tại Chùa Linh Sơn Năm Mậu Ngọ Lần Thứ Hai
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Tạp niệm giai thị bình tố tội,
Nhược bất tạo nghiệp niệm bất sanh,
Tùng kim thiết mạc tái tạo nghiệp
Nhất Tâm Bất Loạn tự nhiên thành

(Tạp niệm là tội ngày thường
Nghiệp như chẳng tạo, niệm đường nào sanh?
Từ nay chẳng tạo nghiệp trần
Nhất Tâm Bất Loạn quả thành tự nhiên)

Phật Thất đã đến ngày thứ năm, tôi đã nói chỉ cần chiếu theo phương pháp đã giảng trong ngày thứ nhất mà tu tập, nhìn chung ít nhiều có tiến bộ dần dần. Tính từ hôm nay chỉ còn có hai ngày nữa thôi, chúng ta chỉ cầu Nhất Tâm, không cầu gì khác.

Ða số mọi người chẳng hiểu Tâm là cái gì, học Phật chỉ cần hiểu được chữ Tâm này thì công phu mới chẳng uổng lầm. Có thể nói là mọi người tu hành nhiều năm nhưng vẫn chưa hiểu rõ chữ Tâm này, nên hôm nay tôi nói cho quý vị nghe ý nghĩa của chữ Tâm để quý vị dụng công nơi Tâm.

Tâm ở đây hoàn toàn chẳng phải là “nhục đoàn tâm” (quả tim thịt), chẳng phải là vật gì, chẳng phải là trái tim thuộc trong ngũ tạng, lục phủ. Như vậy, nói tới cùng, Tâm là gì? Từ xưa đến nay ai cũng chẳng thấy, ai cũng chẳng tìm được nó. Chỉ người chứng quả mới hiểu rõ mà thôi, hễ hiểu được Tâm thì chứng quả. Người đến giảng khai thị hôm nay cũng chỉ nói những điều tạm diễn tả Tâm để mọi người tự suy nghĩ lấy. Một khi tôi đã nói ra, mọi người nên tin tưởng. Nếu chẳng tin thì đành chẳng có cách nào. Những điều tôi sắp nói rất bình thường, nhưng rất khó thực hiện bởi nó là pháp khó tin dễ hành vậy.

Tâm chính là ý niệm của mỗi người tự phát khởi. Tâm nghĩ đến điều gì thì liền khởi ý niệm về điều đó. Nếu bảo kẻ này tâm tốt, kẻ kia tâm xấu thì cũng là nói về ý niệm của người đó. Ý niệm đó gọi là Tâm. Câu nói này, đối với người đã học Phật mấy năm thì khó mà nói là chẳng hiểu được! Tâm ấy chẳng thấy được, chẳng sờ được, nhưng tự mình chẳng lẽ không hay biết hay sao? Bởi thế, người ta tu hành chính là tu ngay nơi ý niệm này. Quý vị nên nhớ kỹ. Làm thế nào để tu nơi ý niệm?

Muốn hiểu rõ cách tu thì trước hết phải hiểu rõ ý niệm đã. Trong những ý niệm của con người, không có được một ý niệm tốt mà toàn là vọng niệm, tạp niệm. Vọng niệm không có gì là chân thực, đều là giả dối cả. Tạp niệm là ý niệm chẳng sạch sẽ, tịnh rồi lại tạp ư? Nói khái quát, ý niệm của chúng ta toàn là tạp loạn, hư vọng, toàn là chẳng đúng. Quý vị có biết trong một ngày chúng ta khởi bao nhiêu ý niệm không? Xin nói cho quý vị hay: Quý vị xem đây (cụ Lý búng ngón tay), trong khoảng thời gian búng ngón tay thật ngắn ngủi này đây, nói không sai cho lắm là quý vị có gần cả trăm mấy mươi ý niệm, nhanh như vậy đó! Mà một ngày từ sáng đến tối chẳng ngừng, nói cho quý vị hay là quý vị chẳng có ý niệm nào cầu thành Phật cả.

Quý vị nghe vậy tin hay chẳng tin? Có vị nghe tôi nói lời này liền tin ngay, ai chẳng tin lời tôi, người đó chẳng tin Phật pháp. Vì sao vậy? Lời tôi vừa nói đó đâu phải do tôi đặt ra, mà đều là những điều được nói trong kinh. Ai không tin Phật pháp thì học Phật cách nào? Làm sao thành tựu được? Học Phật phải thờ ai làm thầy? Phật chính là thầy. Làm theo đúng lời Phật dạy ắt sẽ thành công; chẳng tuân theo thì chẳng cách nào thành công được.

Từ sáng đến tối ý niệm phát khởi chẳng ngừng, nhiều như thế đó, chẳng ai nắm giữ được những ý niệm này, mà những ý niệm được phát khởi đó đều là những ý niệm xấu xa cả. Dù có ý niệm xấu như vậy nhưng có thể là chúng ta chẳng nói lời xấu, cũng như không làm điều gì xấu. Hừm! Rõ ràng trong tâm nổi lên chủ ý xấu, chẳng nói lời xấu, chẳng làm điều gì, nhưng chủ ý xấu vẫn có ảnh hưởng, nhà Phật gọi là “chủng tử”. Ðây là cách nói thí dụ, chứ chẳng phải thực sự là gieo hạt giống xuống.

Một khi ý niệm khởi lên, nó sẽ in bóng vào tâm. Hình bóng của ý niệm được in vào tâm đó gọi là “chủng tử”. Quý vị nghĩ xem, có những sự việc đã lâu năm, chợt nghĩ đến thì những điều mình nghĩ đến đó liền tái hiện. Những điều mình nghĩ đến đó chẳng hề giảm mất, chúng đều được chứa trọn trong tám thức điền, cả vạn vạn năm chẳng bị tiêu diệt mất. Dù cho mình có bận tâm hoặc chẳng quan tâm gì đến chúng, hình ảnh của chúng vẫn tồn tại trong tâm mình. Những gì mình mơ thấy trong giấc ngủ chính là những hình ảnh này. Ðến lúc chúng ta lâm chung, những hình ảnh trong tâm sẽ hiện ra ngoài, tạo thành ý niệm. Khi lâm chung vào lúc tối hậu, khi ý tưởng mình chấp vào đâu, nó sẽ dẫn mình theo đi đầu thai nơi đó, lại trở vào trong lục đạo luân hồi.

Nói là lục đạo luân hồi, nhưng thật ra chỉ có ba đường dưới. Chúng ta khởi tâm, tâm người không có, tâm trời cũng không thì đương nhiên là khởi tâm tam đồ. Tâm này phát khởi ra sao? Chúng tôi chẳng đề cập đến chuyện từng làm điều xấu, mà chỉ luận về tâm. Dạy mọi người giữ giới, mọi người không giữ, hoặc giữ giới nhưng toàn phát khởi ý niệm phạm giới. Do phạm giới, tâm này phải đọa trong tam đồ: súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ. Nếu tạo thành hành động (tạo nghiệp) thì thời gian thọ khổ dài thêm một phần, tội lớn thêm một phần. Chẳng tạo thành hành động (chỉ khởi vọng niệm, còn chưa tạo nghiệp) thì tội ít hơn một phần, thời gian thọ khổ ngắn hơn một phần. Trước hết, phải phân biệt hiểu rõ điểm này.

Học Phật tu hành, tu hành những gì? Tu hành chính là tu ý niệm này. Có người nói tôi chẳng khởi ý niệm lớn, chẳng nói gì, còn chẳng thấy mình đang giác ngộ những ý niệm của chính mình khởi lên thì còn cái gì để tu nữa đây?

Chẳng có một ai không hề khởi lên một ý niệm nào cả! Ðến ngay bậc Ðẳng Giác Bồ Tát vẫn còn khởi niệm nữa kia! “Vô niệm” chính là không vọng niệm, không tà niệm, chứ hoàn toàn chẳng phải là không có ý niệm nào! Ðiều này vị nào xem kinh nhiều cũng đã thấy rõ rồi. Nếu không có ý niệm thì trở thành gỗ, đá. Quý vị tu thành gỗ, đá để làm gì?

Chẳng qua [tu học] là để biến đổi ý niệm. Biến đổi như thế nào? “Chẳng khiến người khác khởi vọng niệm, chẳng khiến người khác tạp loạn”. Chẳng khiến người khác khởi vọng niệm nghĩa là chỉ có ý niệm thanh tịnh, trong sạch. Ðiều này trong kinh có nói đến. Ai đọc chương Ðại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông [trong kinh Lăng Nghiêm], ắt sẽ hiểu câu “tịnh niệm tiếp nối” nghĩa là khiến cho ý niệm thanh tịnh được liên tục chẳng gián đoạn. Người khác “loạn niệm tiếp nối”, ta tu hành sao cho “tịnh niệm tiếp nối”.

Thế nào là “tịnh”? Tịnh là thuần một ý niệm, không tạp loạn, chẳng có bảy thứ tình cảm: mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, sợ, chẳng có giết, dâm, trộm, chẳng có tham, sân, si. Chẳng có những điều ấy thì ý niệm thanh tịnh. Quý vị thử nghĩ xem, nếu ý niệm chẳng tạp loạn thì chẳng phải là thanh tịnh hay sao? Không kể bọn ta ra, ngay cả hàng Ðịa Thượng Bồ Tát còn chưa đạt được ý niệm thanh tịnh, nói chi là bọn ta! Chúng ta không có ý niệm thanh tịnh thì phải làm thế nào đây? Ai có thể triệt để thực hiện được điều này? Chỉ có mình đức Phật! Ý niệm của đức Phật hoàn toàn thanh tịnh. Chỗ nào mà mọi bất tịnh đã hoàn toàn trừ khử thì chỗ đó chính là thế giới trang nghiêm của Phật, tức là Tịnh Ðộ. Kinh Nhân Vương Hộ Quốc chép: “Tam Hiền, Thập Thánh còn trụ trong quả báo, chỉ mình đức Phật ngự trong Tịnh Ðộ”. Tam Hiền, Thập Thánh ý niệm còn chưa thuần thanh tịnh. Quý vị cứ lấy kinh Hộ Quốc Nhân Vương dò kỹ từng dòng sẽ thấy chỉ có mình đức Phật thanh tịnh ý niệm triệt để. Chúng ta chưa thành Phật, ngay cả La Hán còn chưa chứng, chưa đoạn được bất cứ thứ Hoặc nào, thì làm thế nào để tịnh ý niệm đây?

Trước hết, hãy hỏi quý vị một câu: Lúc quý vị ở đây niệm Phật thì chuyện niệm đó cũng là khởi ý niệm, vậy thì niệm đó là Phật hay không phải là Phật? Là Phật. Ðúng như vậy! Phật là thanh tịnh nhất, ngoại trừ Phật ra, tất cả đều chẳng thanh tịnh, đều hư giả. Niệm đó chính là A Di Ðà Phật. Phật A Di Ðà là bậc nhất trong các Ðức Phật. Niệm nằm trong tâm quý vị, tâm chính là A Di Ðà Phật. A Di Ðà Phật chính là tâm niệm của quý vị. Trừ điều này ra, không còn gì khác nữa, ắt sẽ thành công. Ngoài phương pháp này, không có phương pháp nào đơn giản hơn nữa. Bởi thế, chẳng cần vận dụng đến phương tiện nào khác nữa mà tâm tự khai ngộ. Ở đây niệm chú này, nơi kia niệm chú kia đều uổng công. Dù có nhiều phương tiện, nhưng chẳng cần phải tu phương tiện nào khác. Chẳng cần vận dụng phương tiện mà tâm tự khai ngộ chính là điều tối khẩn yếu. Quý vị tu hành như thế đó, biến ý niệm của chính mình thành Phật A Di Ðà, ngoài đức A Di Ðà Phật không còn có tâm nào khác nữa, thì gọi là Nhất Tâm.

Ðiều vừa bàn trên đây chẳng phải là chỉ dùng mấy câu bèn có thể giảng minh bạch được, mà nó cũng rất khó giảng. Tôi chỉ nói điều khẩn yếu nhưng vẫn e mọi người dù nghe rồi vẫn chưa hiểu rõ. Tôi nói câu sau đây nhiều lần: “Từ sáng đến tối, trong tâm chẳng khởi vọng tưởng, chẳng khởi tạp niệm”, làm thế nào để đạt được như vậy mới khỏi uổng công nói như thế! Trong hàng Bồ Tát chưa chứng được Thất Ðịa còn nhiều vị chưa làm được điều này.

Nếu quý vị lại hỏi người khai thị làm được điều này chăng? Tôi cũng chưa làm được! [Chắc quý vị sẽ bắt bẻ] “ông chưa làm được lại bảo tôi làm”, có hợp lý không? Chẳng hợp lý! Tôi có phương pháp: vọng niệm khởi thì tạp niệm cũng khởi. Khởi rồi thì làm sao? Kinh dạy: “Ðừng sợ niệm khởi, chỉ sợ chậm hay”. Vọng niệm khởi quý vị mặc kệ, chẳng thèm biết đến thì không được; vì là bị ma dựa, là chứa chấp giặc mà mình vẫn không hay thì chúng sẽ làm loạn trong tâm liền. Quý vị biết là có ma, có giặc thì phải phòng bị. Ðó là điều nên làm vậy!

Khi khởi ý niệm xấu, quý vị bèn không tu Tịnh Ðộ nữa hay sao? Quý vị tu Tịnh Ðộ nhưng không dùng phương pháp của Tịnh Ðộ, lại dùng phương pháp khác, há chẳng phải là phiền toái sao? Quý vị dùng ngay bốn chữ A Di Ðà Phật, vọng niệm vừa khởi, chẳng lý gì đến hết thảy, cứ A Di Ðà Phật, A Di Ðà Phật.... Vọng niệm vừa khởi liền niệm mấy mươi câu A Di Ðà Phật đè nó xuống. Ðây gọi là Chế Phục Hoặc. Ðè nén được nó thì ma đó, giặc đó chẳng nổi dậy được! Ðè nén phía dưới, những thứ bất tịnh chất chứa cũng bị đè xuống dưới thì trên mặt sẽ thanh tịnh, giống như một chén nước, nếu cát bụi bị lắng xuống dưới, phần nước bên trên sẽ trong veo. Ðấy chính là Chế Phục Hoặc!

Giống như vậy, khi lâm chung, mới vừa giao cảm thì phần trên sẽ xuất hiện trước, phần dưới chẳng xuất hiện. Phần trên là A Di Ðà Phật nên bèn được A Di Ðà Phật tiếp dẫn đi. Còn nếu như phần dưới hiện ra thì không vãng sanh được, A Di Ðà Phật cũng chẳng biết làm sao. Trên đây là nói về phương pháp “chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ chậm hay” vậy.

Chúng ta không phải là người xuất gia. Người xuất gia sống trong chùa nên không bị xã hội tạp loạn gây chướng ngại. Vì họ ít việc nên chẳng khởi tạp loạn. Chúng ta tại gia rất khó làm được vậy, toàn là lo những việc thế tục. Chẳng hạn như nói đến những vật thường thấy thuộc về thất tình, ai nấy đều tính toán tiền bạc. Hễ tính toán tiền bạc thì nghĩ: Ai phải đưa cho mình chừng đó tiền, mình trao cho ai chừng đó tiền, như vậy sẽ được mấy phân lời? Do mấy phân lời bèn suy tính cái này, hoạch định cái kia. Ðấy là tâm tham! Vậy thì phải làm sao? Hãy nghe tôi nói mấy câu: Lúc tính tiền, đừng khởi chủ ý xấu, đừng toan nghĩ cách làm thiệt hại đến người khác. Mình phải đưa tiền cho ai thì cứ đếm một, hai, ba, bốn tờ... bao nhiêu đó, đếm xong đừng chấp vào đó. Một, hai, ba, bốn chỉ là những con số để tính đếm, chẳng thiện, chẳng ác. Tính đếm xong thì thôi, buông hết xuống, xong việc rồi thôi, buông bỏ, tâm không nghĩ đến nó nữa. “Buông bỏ” rất khẩn yếu, ở đây tôi chỉ lấy việc tính tiền làm thí dụ.

Lại như tại gia tu hành, mình tu hành, người nhà không tu, ra chợ mua thịt về kêu mình thái thịt hoặc sát hại con gì đó thì mình làm sao? Lúc đó cũng đừng có căng thẳng. Nếu không bảo kẻ kia làm được thì mình đành phải làm; nhưng lúc đang làm, muôn phần chớ quên niệm A Di Ðà Phật. Thịt đó, do chúng nó không học Phật nên tạo ác nghiệp, mới bị biến thành heo, thành dê, thành thịt, bị người khác ngàn cắt, vạn xẻ. Lúc quý vị cắt xẻ, cứ mỗi nhát dao là một câu A Di Ðà Phật thì con dao ấy sẽ thành A Di Ðà Phật tiêu tội cho quý vị. Dùng cách quán tưởng ấy để biến cải tâm mình là được.

Thậm chí ở nơi nhà xí, chỗ bất tịnh, dù miệng chẳng niệm Phật nhưng tâm tưởng: “Tây Phương Cực Lạc thế giới không có việc này, không có đại tiểu tiện. Thế giới Sa Bà bẩn thỉu như vậy, chúng ta tạo các thứ tội nghiệp mới phải sinh vào đây, tâm chẳng thanh tịnh mới sống nơi chẳng sạch sẽ”. Lúc đó, giữ tấm lòng sám hối, trong lòng cầu A Di Ðà Phật sớm cho mình được ôm chân Ngài. Dù làm bất cứ việc gì cũng chẳng được quên A Di Ðà Phật, chẳng cần phải niệm ra tiếng. Trong tâm tưởng Phật để hoán chuyển cảnh giới. Ðấy chính là “ức Phật”.

Quý vị tập sao cho trong tâm chẳng hề quên Phật là được, dù gặp phải tình huống thế nào, cứ đơn giản làm theo biện pháp ấy. Tôi nói đi nói lại: Quý vị lấy trộm tiền của người khác thì là ăn cắp vặt; vừa niệm Phật vừa trộm lấy thì không còn cách nào để giảng cho quý vị được nữa. Quý vị chớ có thiếu khai ngộ như thế.

Nói tóm lại là phải giữ gìn giới luật. Phật tại thế thờ Phật làm thầy, Phật chẳng tại thế lấy Giới làm thầy. Học Phật thì chẳng được phạm giới luật. Ðã nói là chẳng được phạm giới mà còn trộm cắp vặt ư? Chẳng giữ giới luật làm sao học Phật được?

Hôm nay tôi chỉ nói như vậy, chẳng thể nói nhiều. Hoàn toàn là thường ngày trong lúc ăn uống, đứng ngồi phải luôn luyện tập, lâu ngày chầy tháng quý vị thường luôn luyện tập thì tự nhiên tạo thành thói quen nên sẽ thành công. Thời gian kết Phật Thất này chính là lúc để kiểm nghiệm công phu ở nhà của quý vị như thế nào. Ðến đây thí nghiệm xem quý vị có đắc Nhất Tâm trong vòng bảy ngày này hay không? Nếu ở nhà đã chẳng hề luyện tập thì đến đây làm sao đắc Nhất Tâm được? Làm gì dễ dàng như thế được? Quý vị phải nhớ đây là chuyện thực tế.

Thường ngày luyện tập sẽ tập thành thói quen tự nhiên. [Khi đó] chẳng cần đến chùa Linh Sơn dự Phật Thất, ở ngay ngoài đường cũng là đạo tràng vì đã quen rồi! Dù cho đến đây dự Phật Thất chẳng đạt Nhất Tâm thì cũng có được tăng thượng duyên hỗ trợ cho mình. Dù công phu của mình tệ bạc đến đâu, đến đây thấy ai nấy đều niệm Phật, dù một mình ta không niệm, nhưng lắng tai nghe thì cũng có hình bóng đức Phật in vô tâm mình. Công đức ấy chẳng phải nhỏ. Chúng ta chưa nhận thức được rằng: Dù chỉ là tăng thượng duyên cũng có đại lợi ích vậy.

Nói tóm lại, công phu hoàn toàn cậy vào sự luyện tập thường ngày, tập quen sẽ tự nhiên thành tựu, tự nhiên làm được thôi! Trong kinh Di Ðà nói các loài chim thuyết pháp, quý vị vẫn chưa thấu hiểu sao? Cho đến khi nghe gió thổi qua những cây báu cũng tự nhiên sanh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, đấy đều là tự nhiên cả. Ðã quy về tự nhiên thì tự nhiên chẳng sợ gì hết, làm bất cứ điều gì cũng là để lợi ích chúng sanh. Tâm trên vì Phật pháp, dưới vì chúng sanh thì là đã thành công rồi. Một mảy riêng tư trong tâm cũng không có. Hãy nhớ kỹ điều này!

Hơn nữa, từ ngày hôm nay trở đi, bao nhiêu tội nghiệp trước kia hãy để cho chúng bị tiêu hóa hết trong tâm đi. Làm thế nào để tiêu hóa? Chẳng tạo họa mới nữa. Chẳng tạo họa mới tức là chẳng vun bồi những chủng tử cũ. Những chủng tử ấy chẳng được tăng trưởng ra ngoài thì lâu ngày chúng sẽ tự nhiên diệt đi. “Tùy duyên tiêu cựu nghiệp” nghĩa là gặp phải sự việc bất hảo liền gắng thay đổi hoàn cảnh. Như phần trên đã nói, quý vị bắt buộc phải sát sanh không còn cách nào khác, thì quý vị nên niệm Phật thay cho chúng nó. Tâm quý vị chẳng có những việc xấu ấy, tùy theo những sự việc xấu ấy mà biến cải tâm lý. “Tùy duyên tiêu cựu nghiệp, cánh bất tạo tân ương” (tùy duyên tiêu nghiệp, chẳng tạo thêm vạ mới) như vậy thì sẽ thành công.

Tiếp đây, tôi sẽ đọc qua bài kệ một lượt cho quý vị nghe. Ai thấy được thì nhìn, không thấy thì nghe cũng vậy thôi.

“Tạp niệm giai thị bình tố tội”: Tạp niệm chính là vọng niệm khởi động. Chẳng phải là quý vị muốn như vậy, nhưng vọng niệm chính là chủng tử của tội nghiệp hiển hiện. Khi vọng niệm khuấy động bên trong thì gọi là Ma. Thường ngày, khi nào quý vị gây tạo tội nghiệp thì khi ấy vọng niệm phát khởi .

“Nhược bất tạo nghiệp niệm bất sanh”: Quý vị chẳng tạo tội nghiệp thì vọng niệm chẳng sanh. Vọng niệm chẳng sanh thì ý niệm nào khởi lên cũng là tịnh niệm, “tịnh niệm tiếp nối”.

“Tùng kim mạc thiết tái tạo nghiệp”: Từ nay, lúc nào cũng là lúc mình niệm Phật. Từ nay về sau đã chẳng tạo hết thảy nghiệp thì tại sao còn nhiều phen tổn hại chúng sanh? Ðộ chúng sanh chẳng phải là tổn hại chúng sanh. Mình tổn hại chúng sanh trong xã hội thì còn học Phật cái nỗi gì? Tạo nghiệp đều là làm hại người khác, ta chẳng nên tạo nghiệp.

“Nhất Tâm Bất Loạn tự nhiên thành”: Có vậy thì mới đắc Nhất Tâm Bất Loạn, tự nhiên thành công. Nếu còn tạo nghiệp thì đạt Nhất Tâm sao nổi!

Nói đã nhiều rồi, mỗi câu đều có đạo lý sâu xa. Trong thời gian này, mọi người nên gắng đạt Nhất Tâm Bất Loạn. Niệm Phật cầu Nhất Tâm Bất Loạn rất khẩn yếu. Tính đến mai vẫn còn hai ngày, mọi người hãy suy nghĩ những điều đó, về đến nhà cũng vẫn thực hành theo đó. Chư vị đồng tu hãy buông xuống vạn duyên, niệm mỗi một câu A Di Ðà Phật!
 
Trích từ: Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
3 Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
4 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
5 Tử Thư Tây Tạng, Cư Sĩ Nguyên Phong Tải Về
6 Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
8 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
9 Tịnh Độ Vấn Đáp, Thích Nhuận Nghi Tải Về
10 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về
11 Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm Tải Về
12 Tịnh Độ Hoặc Vấn, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
13 Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
14 Tịnh Độ Nhập Môn, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
15 Tịnh Độ Vựng Ngữ, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về