Home > Khai Thị Niệm Phật > Trich-Yeu-Phap-Vung-Cua-Dai-Su-Tu-Chau-Pho-Hai-Thoi-Dan-Quoc
Trích Yếu Pháp Vựng Của Đại Sư Từ Châu Phổ Hải Thời Dân Quốc
Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


* Đức Phật có đại trí, biết cơ, biết căn. Chết lòng niệm Phật thì trong bảy ngày là không có ai chẳng đạt Nhất Tâm Bất Loạn. Chẳng chịu chết lòng niệm Phật, sẽ chẳng thể thành tựu được. Tâm vốn hoạt bát, linh thông sao lại bảo là “chết?” Là vì đem cái tâm nghĩ tưởng tình cảm con người, ân ái, thị phi, danh lợi đổi lấy tâm niệm Phật. Cổ nhân từng bảo:

“Ðánh cho chết vọng tưởng,

Cứu được Pháp Thân sống”.

Ví như kẻ làm giặc, cái tâm làm giặc đã chết rồi, một dạ làm người đàng hoàng. Nếu tâm thật sự chết rồi thì còn ai niệm Phật? Mong muốn niệm đến mức Nhất Tâm Bất Loạn thì lại phải nhất tâm bất loạn mà niệm.

* Niệm Phật cần phải dụng công thiết thực, niệm đến mức không có năng niệm lẫn sở niệm, cũng không có thân, tâm, thế giới, niệm chính là vô niệm. Tạp niệm một phen khởi lên liền thành chướng ngại. Há có phải là sáng niệm dăm câu, tối niệm vài câu, là có thể niệm thành tựu hay sao? Sự niệm Phật đó phải giống như chổi sắt quét sạch hết thảy tạp niệm.

Tạp niệm dẫu nhiều, chẳng ngoài tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, sắc, thanh, hương, vị, xúc v.v… Dùng chổi sắt quét thô niệm xong, bèn quét tế niệm. Dù chẳng thể quét sạch hết trong một lúc, nhưng cũng giảm ít, lo quét sao cho hết thì mới thấy thái bình. Cần phải tự mình xét nghiệm minh bạch coi chính mình niệm Phật mà đã có thể hay chưa thể quét sạch ân ái trói chằng, lôi kéo. Nếu quét chưa hết, hãy nên sanh lòng hổ thẹn to lớn. Ðấy là nói: Tin phải chân thật, nguyện phải thiết tha, hạnh phải là thật hạnh thì mới đúng là dụng công chân thật.

Nhận định:

Chữ “chết” trong câu “chết lòng niệm Phật” (tử tâm niệm Phật) tuyệt diệu nhất. Vọng tâm tài, sắc, danh, ăn uống v.v… chưa chết thì làm sao đạt được nhất tâm bất loạn đây?

Từ Ngữ Phật Học Trong: Trích Yếu Pháp Vựng Của Đại Sư Từ Châu Phổ Hải Thời Dân Quốc