Home > Khai Thị Niệm Phật
Miệng Tuy Niệm Phật, Song Lòng Không Nhiễm Đạo!
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Ấn Quang từ lúc mới xuất gia liền tin pháp môn Tịnh độ, nhưng vì nghiệp chướng che lấp, trong hai mươi năm nay, ngày luống qua ngày. Nghĩ những thẹn khi tự thấy miệng tuy niệm Phật, song lòng không nhiễm đạo! Gần đây, nhờ ơn Pháp sư khuyên nhắc, xin thề không dám để phụ tấm lòng chiếu cố, xót thương. Chỉ khổ nỗi hôn trầm, tán loạn thay nhau đánh đổ, đạo lực không thêm được chút nào, lối cũ vẫn còn nguyên dấu cũ. Cho nên mỗi ngày tôi xem hơn mười tờ tịnh điển, mong nương theo ngôn hạnh sáng suốt của người xưa để phát lòng thẳng tấn.

Pháp môn Bảo Vương Tùy Tức, tôi thử dùng thì thấy vọng niệm không còn sôi nổi như lúc trước, tưởng rằng lâu ngày chắc cũng có lúc được nhìn cảnh mây tạnh trời trong. Tôi tra trong Lạc Bang Văn Loại và Thánh Hiền Lục đều thấy có chép đoạn này, bỗng chợt hiểu phép Thập Niệm mượn hơi nhiếp tâm của Ngài Từ Vân là căn cứ ở nơi đây. Và, trong bộ Liên Tông Bảo Giám cũng có nói đến nữa. Như thế đủ thấy người xưa liệu biết cơ nghi đời Mạt pháp, nếu phi phương pháp này chắc khó nỗi gia công, nên đã dự lập ra trước. Nhưng cổ nhơn ít ai đem môn Bảo Vương Tùy Tức để giáo hóa, vì thuở trước căn tánh người còn sáng lẹ, một khi phát lòng quả quyết, tự được nhất tâm. Đời nay, người chướng nặng căn độn như tôi, e đến chết cũng không được cảnh giới không loạn. Vì thế, tôi không dám giấu sự dở riêng của mình, mong thỉnh ý nơi bậc cao minh; vậy có nên thực hành cùng chăng, xin nhờ chỉ rõ? Tôi lại nghĩ: phép này nhiếp cả Ngũ Đình Tâm Quán, nếu có thể theo hơi thở mà niệm, tức là gồm đủ hai môn: Sổ Tức và Niệm Phật. Nếu nhiếp tâm niệm Phật thì lòng tham nhiễm lần lần dứt tuyệt, sân hận không còn lẫy lừng, khi hôn trầm tán loạn đã lui, trí huệ liền hiện mà phá luôn cả si mê nữa. Pháp môn nhiếp sáu căn của đức Thế Chí, theo ngu ý thì những người niệm Phật lơ là hiện thời, dường như chẳng nên dùng, vì nếu không lần chuỗi ghi số, họ sẽ trở thành biếng trễ. Khác hơn thế, những ai quyết tâm niệm Phật, nếu bỏ phép này, nhất định khó thành Tam muội.

Pháp sư nương bản nguyện lợi sanh, tự mình tuy không dùng, nhưng cũng nên vì người thí nghiệm, để dạy kẻ hậu lai. Phép nhiếp sáu căn với bậc lợi cơ, trong một hai thất, quyết sẽ được không loạn. Dù cho hạng ngu kém như tôi, nếu cố gia công hoặc tám năm hay mười năm, tưởng may ra có thể được nhất tâm.



Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Long Thư Tịnh Độ, Vương Nhựt Hưu | Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Việt Dịch
4.    Pháp Môn Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Trí Thủ
5.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Ngũ Kinh, Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
10.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
12.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
13.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
14.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
15.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
16.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
17.    Tuyển Tập Khuyến Tu Tịnh Độ, Nguyễn Long