Người ngu kia đầu trọc bóng không một sợi tóc, bị người dùng lê liên tiếp đập lên đầu người ngu, cho đến khi vỡ đầu mà người ngu không biết né tránh hay chạy trốn, người đi đường thấy vậy liền nói, sao không chạy trốn mà đứng chịu bị đánh, đến chảy máu đầu. Người ngu đáp, đứa ngu kia không trí huệ, ỷ mạnh thấy đầu trọc không tóc ngỡ là đá, nên đập cho đến đầu tôi phải đổ máu. Người kia liền nói, anh mới ngu sao nói gã kia ngu, nếu không ngu đã không để cho nó đập tới bể đầu mà không biết tránh.
Tỳ kheo cũng vậy, không biết tu tín giới văn huệ, chỉ chỉnh đốn oai nghi, để chiêu lợi dưỡng, giống như người ngu kia, bị đập đầu mà không biết né tránh, để đến gây thương tích, mà ngược lại cho người kia là ngu, tỳ kheo này cũng y như người ngu kia vậy.
Lời Bình:
Câu chuyện trên cho thấy thế nhân hay chủ quan, chỉ thấy cái ngu của người mà không thấy cái ngu của mình, do không thấy cái ngu của mình nên năng sinh ra hai điều ngu là giống như gã trọc không biết tránh né, vì chỉ nghĩ thiên hạ ngu mà không nghĩ ra cái ngu của mình, và chủ quan không bao giờ cho mình là ngu mà chỉ cho thiên hạ mới ngu, như gã này tưởng thiên hạ ngu, nghĩ đầu trọc là đá.
Tỳ kheo tu hành vì ham lợi dưỡng, nên chỉ lo hình thức bề ngoài để cầu lợi dưỡng, vì thế gian vô minh chỉ thấy bên ngoài mà không thấy nội tâm, nên người tu không chấn chỉnh nội tâm bằng tín giới văn huệ, mà để nội tâm bị tham sân si chi phối chạy theo danh văn lợi dưỡng, bề ngoài thì hiện tướng oai nghi, bên trong thì thực vô đạo đức và mất oai nghi, nên chỉ là phường trộm Phật hình nghi để gạt người hòng cầu lợi dưỡng, vì vậy nên không phải là bậc ứng cúng, vì chỉ lo bề ngoài để trục lợi mà không tu tập giới định huệ hầu đãi ngộ lại thí chủ bằng huệ giải thoát, thế nên chỉ mong lợi mình mà không tưởng đến lợi người là tà tâm tu hành, tà tâm lợi dụng niềm tin của chúng sinh nơi Phật pháp mà trục lợi, dối Phật gạt chúng sinh, vừa nợ Phật pháp vừa vay chúng sinh, phải trả nợ này nơi tương lai, nhưng vì tham dục nên quáng mắt không thấy như vậy, chỉ thấy có lợi trước mắt, nên an nhiên trụ trong cảnh này mà không biết là cái hại sẽ xảy ra để né tránh, đã vậy lại cho là ta khôn nên hưởng lợi, còn thiên hạ ngu nên tưởng ta là bực ứng cúng thi nhau cung phụng, nào dè mọi sự lợi dưỡng đó như quả lê sẽ đưa đến nạn vỡ đầu nơi vị lai.
Tỳ kheo khi độ sinh cần phải quan sát bài học này, vì nếu khi phát tâm độ người sẽ bị nhiều chướng duyên bởi căn tính dục của những người đó mê chấp cực kì, nhất định không giác ngộ, khi đó tỳ kheo sẽ sinh tâm chán ghét mà cho những kẻ kia là ngu si đáng chết, và như vậy tì kheo cũng bị những cái ngu của họ làm bị thương nhức não, chẳng khác gì gã trọc bị đập đầu, bị kẻ ngu làm phiền cũng là một cái ngu, nên khi độ sinh bồ tát cần quán nhân duyên của chúng sinh, và biết các pháp tính tướng bổn lai không tịch, độ sinh trong tinh thần không tịch, không coi sự tướng thành bại, như ý hay không như ý là chỗ đắc thất, vì đắc thất đều không tịch, nên sự độ hóa chúng sinh không bị các pháp lay động, cho dù độ thành hay bại, cũng chỉ là ngoại duyên hư huyễn, và không để những thứ hư huyễn ngoại duyên làm mê muội biến tâm bất động không tịch, thành tâm phiền não động loạn.
Tu hành để chứng cứu cánh không tịch, nên mọi niệm và hành đều cần tương ưng với không tịch, không coi trọng thủ xả đắc thất, nên không lợi dưỡng. Từ không tịch bất động thị hiện các pháp độ sinh dẫn dắt chúng sinh đến cứu cánh không tịch, nên mọi pháp hóa độ đều là không tịch, không thấy có pháp độ, người đắc độ, như đức
Phật nói trong kinh Kim cương, độ nhất thiết chúng sinh mà thật không có chúng sinh diệt độ.