Đạo Phật Không Còn Gì Cao Hơn   (Vô Thượng)
Cư Sĩ Tịnh Mặc

Các đức Như Lai thấy hết thảy chúng sinh trong pháp giới đều đầy đủ trí tuệ, đức tướng Như Lai, vì ngu si, mê hoặc nên không tự biết.
Ta nay sẽ dạy con đường thành Đạo khiến người dứt sạch các món vọng tưởng, chấp trước, tự chứng được trí tuệ rộng lớn của Như Lai, bằng bậc với chư Phật, không sai, không khác”. KINH HOA NGHIÊM

1. Đạo Phật là Đạo của Lý trí sáng suốt và thực tế. Đạo Phật là Đạo giác mê, ngộ thật, làm thức tỉnh con người, dạy người phương pháp dùng trí tuệ để phá tan tối tăm, mê lầm, trông thấy ánh sáng của sự thật, của Chân lý.

Bởi vậy trong giáo lý của đạo Phật, lý trí con người được tu tập đến mực sáng sủa và sắc bén cùng cực.

Ngay khi mới vào Đạo, người Phật tử đã phải dùng lý trí để thách thức lòng tin của mình.

Trái hẳn với các tôn giáo khác, Phật giáo dạy những Phật tử phải suy xét kỹ càng trước khi tin, không được mê tín, không được tin tưởng mù quáng.

Trong kinh Kalama, đức Phật Thích ca dạy: “Đừng tin tưởng một điều gì chỉ vì nghe thấy đồn. Đừng tin tưởng một điều gì chỉ là vì tập tục cổ truyền, dẫu rằng tập tục ấy đã trải qua đời này sang đời khác.”

“Đừng tin một điều gì vì cớ điều ấy đã được nhiều người nhắc đi, nhắc lại.”

“Đừng tin tưởng điều gì, dù là bút tích của thánh nhân để lại. Đừng tin tưởng điều gì chỉ vì thói quen từ lâu đã làm cho ta nhận điều ấy là sự thật.”

“Đừng tin tưởng điều gì do trí tưởng tượng của ta đã tạo ra mà nghĩ là do một vị Thần linh khai thị, chỉ giáo cho ta.”

“Đừng tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vin vào một uy tín của các bậc phụ huynh hoặc các thầy dạy.”

“Chỉ những điều gì mà chính các ngươi đã thực nghiệm kỹ càng và suy xét sâu xa thấy đúng với Sự thật; chỉ những điều gì đem lại hạnh phúc cho ngươi và cho tất cả những người khác; chỉ những điều ấy các ngươi mới hãy tin nhận mà thôi. Rồi các ngươi sẽ cố gắng ăn ở, hành động cho thật đúng với những điều ấy.”

Xem như thế, chính đối với đức Phật, Ngài cũng không buộc người Phật tử phải tin ngài một cách mù quáng.

Đức Phật Thích Ca đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần với các đệ tử: “Các ngươi hãy coi ta như kẻ hướng dẫn các ngươi trên đường tu học.”

Và còn dạy rằng: “Tin ta mà không hiểu ta ấy là bài báng ta.”

Đối với người Phật tử, các kinh điển của nhà Phật không có tính cách độc đoán và bí hiểm như những tín điều trong các Đạo khác.

Kinh điển của nhà Phật chỉ là những lời giảng dạy của một người như chúng ta, nhưng đã giác ngộ hoàn toàn. Người ấy đem những từng trải, hiểu biết và kết quả tu tập được và diễn giảng cho chúng ta nghe để tự suy nghĩ.

Khi nào chúng ta đã suy nghĩ kỹ rồi, đã bắt đầu thí nghiệm chút ít rồi và đã nhận thấy những điều giảng dạy ấy đúng với Lẽ thật vừa lợi ích cho ta, vừa lợi ích cho người khác, lúc ấy chúng ta sẽ tin và mới tin được.

Lòng tin bấy giờ mới thật là lòng tin sáng suốt và đức tin ấy mới là đức tin chân chánh, vững bền.

Như chúng ta đã biết, Phật giáo làm nẩy nở lý trí con người đến cùng cực, nhưng cũng dạy con người dùng lý trí ấy vào những việc thực tế, không để mất thời giờ vào những suy luận siêu hình viển vông, không ích lợi gì cho đời sống.

Đức Phật Thích Ca dạy: “Này các tỳ kheo, các ngươi đừng thắc mắc về vấn đề thế giới này là hữu hạn hay vô hạn, hữu cùng hay vô cùng. Dù thế giới này là hữu hạn hay vô hạn, hữu cùng hay vô cùng, điều mà chúng ta nhận xét là thật có trong đời vẫn là những khổ đau, sinh, lão, bệnh, tử”.

Đức Phật còn nhắc đi nhắc lại: “Ta chỉ đem lại cho đời có một phương thuốc là phương thuốc chữa bệnh đau khổ mà thôi.”

Bởi vậy người Phật tử phải dùng lý trí sáng suốt và tự do vào công việc cốt yếu là chữa bệnh đau khổ và tạo hạnh phúc chân thật, vĩnh viễn.

Những vấn đề siêu hình về vũ trụ không cần thiết, không quan hệ. Nó không đem đến một giải quyết thiết thực cho đời sống đau khổ, mà trái lại còn gây thêm những thắc mắc đảo điên vô ích.

Đức Phật Thích Ca đã đi sâu vào rừng Chân lý. Nhưng Ngài chỉ lựa chọn một số ít Chân lý căn bản, có lợi cho sự giải thoát để đem giảng dạy.

Một hôm Đức Thế Tôn đi từ một khu rừng trở về tịnh xá, trong tay cầm một nắm là cây. Ngài giơ nắm tay hỏi các đệ tử: “Này các tỳ kheo, lá trong rừng nhiều hay lá trong tay ta nhiều”?

Một đệ tử cung kính đáp: “Bạch đức Thế Tôn, lá trong rừng nhiều, còn lá trong tay Ngài ít.”

“Cũng như thế, các đệ tử! Những gì ta biết thì vô tận vô biên như lá trong rừng, tuy vậy, những điều ta đem dạy các ngươi thì rất ít, như nắm lá trong tay. Những điều này có lợi ích thiết thực cho sự giải thoát, diệt khổ của các ngươi.”

2. Đạo Phật là đạo đại bình đẳng.

Người Phật tử siêng năng tu tập nhân lành, thuần thục làm những hạnh vị tha, chắc chắn sẽ thành Phật, chắc chắn sẽ chứng Niết Bàn, Luật Nhân quả là một định luật không bao giờ sai.

Chư Phật trước kia là người như chúng ta, nhưng vì đã sớm biết suy nghĩ đúng Chân lý và tinh tấn tu hành, làm những hạnh lớn cứu độ chúng sinh nên sớm thành Phật. Nhân loại chúng ta hiện nay chỉ vì chưa biết tỉnh ngộ và tu tập, nên bị nhiều mê lầm trói buộc. Khi nào dứt bỏ được hết xiềng xích mê lầm ấy thì chúng ta sẽ thành Phật như chư Phật.

Không một Đạo nào nâng giá trị con người lên bậc cao quí cùng tột như vậy! Không một Đạo nào dắt dẫn con người lên địa vị ngang hàng với Đấng Tôn thờ như thế.[1]

Con người, vũ trụ, vạn vật, theo Phật Giáo, chỉ là những hiện tượng tạm thời của một Bản thể mà Bản thể sáng suốt ấy vẫn có không biết từ bao giờ và cũng không bao giờ mất (vô thủy vô chung).

Những hiện tượng, trong đó có con người, đều do nhiều nhân duyên tạm hợp với nhau mà thành, rồi cũng vì nhiều nhân duyên khác mà tan rã và luân hồi, hoặc trở về an trụ nơi Bản thể bất sinh bất diệt.

Phật dạy: “Hết thảy các pháp trong thế gian chỉ có nhân quả, chứ không do một người nào làm ra.”

Chư Phật là những người đầy đủ nhân duyên tốt lành để nhập một với Bản thể. Chúng ta và tất cả chúng sinh khác đều có thể tu tập để rồi cũng sẽ đầy đủ nhân duyên trở về sống yên vui trong Bản thể trong sạch, sáng suốt như các đức Phật.

Quan niệm bình đẳng của Đạo Phật là bình đẳng tận gốc, tận trong ruột, tận nơi Bản thể duy nhất của tất cả muôn loài, muôn vật.

Nó khác quan niệm bình đẳng của thế gian. Bình đẳng này là do nơi phân biệt giữa các loài, các giống, các vật, các tầng lớp trong xã hội mà tạo nên. Bình đẳng này giả tạo và hạn cuộc vì phải cố ý nâng người này lên và hạ người kia xuống, nghĩa là phải san phẳng, để tạm thời lập một cái gọi là “Bình đẳng”. Người phương Tây nói rằng “có đồng đẳng mới bình đẳng”.

Trong cái mà người ta vốn gọi là Bình đẳng ấy đã hàm chứa sự cách biệt, sự phân chia, đã ngụ ý một bất bình đẳng và đã gây ra hoặc đã duy trì sự bất bình đẳng rồi.

“Nếu tự tâm không bình đẳng thì dù bên ngoài có giảng nói bình đẳng đến đâu, tham cầu bình đẳng đến đâu, cũng không bao giờ ra khỏi phạm vi của cái bất bình đẳng.” (Thích Chỉnh Túc: Tinh thần bình đẳng của Đạo Phật).

Chỉ khi nào quan niệm được muôn vật đều đồng một Bản thể, đồng một tánh (Phật tánh) thì rồi mới quan niệm được muôn vật đều y như nhau và đều có giá trị bằng nhau, chẳng cần phải thêm bớt, san phẳng, mới tạo ra được Bình đẳng.

Luận “Đại Thừa Khởi Tín” tóm tắt ý nghĩa bình đẳng của đạo Phật như sau: “Tất cả các sự vật từ ngàn xưa, đem lại lìa tướng như lời nói, lìa tướng do chữ nghĩa, lìa tướng do sự hiểu biết phàm phu gán cho nó, thì tất cả tuyệt đối bình đẳng, không hề biến đổi, không thể phá hoại, đều chỉ có một tâm (Chân Tâm) nên gọi là Chân Như (Thật y như).”

3. Đạo Phật là đạo đại từ bi.

Vì đạo Phật quan niệm muôn loài, muôn vật bình đẳng như nhau nên lòng từ bi của chư Phật bao trùm đều khắp muôn loài, muôn vật, không phân biệt giống nòi, mầu sắc, cao hèn, đẹp xấu, bẩn sạch…

Chúng sinh đau khổ nhiều vô lượng thì từ bi của Phật rộng vô biên. Từ bi của chư Phật và Bồ Tát không khác nào ánh sáng mặt trời, đâu đâu cũng đồng đều soi tỏ.

Từ là cho vui, Bi là thương xót. Chư Phật và chư Bồ Tát thương xót chúng sinh đau khổ nên cứu độ cho họ khỏi đau và ban vui cho họ.

Cái vui đây không phải là cái vui tầm thường nhất thời của thế gian mà thôi, mà còn là cái vui chân thật, vĩnh viễn, cái vui giải thoát khỏi ngục tù của ngu tối và đau khổ, luân hồi nữa.

Vì thế Từ bi của đạo Phật khác xa với Bác ái.

Bác ái là yêu thương rộng rãi, nhưng bác ái chỉ chú trọng đến đau khổ trong đời kiếp này mà thôi.

Từ bi của chư Phật (và Phật tử) không những chú trọng đến quả khổ đời này mà còn chú trọng cả đến nhân khổ nữa, nghĩa là đến những quả khổ trong đời tương lai, đến đau khổ của luân hồi. Nhân khổ có diệt hết thì các đau khổ trong những đời sau mới hết

Xem vậy, Bác Ái như sông ngòi, mà Từ bi như bể Đại Dương khó bề so sánh.

Vả chăng, với Bác Ái, tâm trí còn bị ràng buộc bởi phân biệt, còn nhận biết người có lòng yêu và kẻ được cứu giúp. Đức Từ bi không hề phân biệt. Muôn loài, muôn vật đều cùng một bản thể, mà chư Phật và Bồ Tát đã nhập một với Bản thể nên bất cứ một vật nào đau, chư Phật và Bồ Tát cũng đều cảm ứng, cũng đều đau thương như chính Phật và Bồ Tát đau vậy.

Bởi thế, người Phật tử bắt đầu có lòng Bác Ái, rồi tu tập dần dần đến đức Từ Bi cao cả vô biên của Phật và Bồ Tát.

4. Đạo Phật là Đạo đại dũng.

Để thực hiện đức Từ bi rộng lớn, Giáo lý Đạo Phật tu tập cho người Phật tử một đức dũng cảm vô biên.

Đức Phật Thích Ca dạy: “Ba cõi thế gian (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) như nhà lửa”.

Chúng sinh quằn quại, đang bị thiêu đốt trong những ngọn lửa thù giận, oán ghét, tham lam, mê tối…Chư Phật và Bồ Tát luôn luôn ra vào trong nhà lửa ấy để cứu độ chúng sinh.

Chư Phật và Bồ Tát đã tu tập như thế nào để ra vào trong nhà lửa?

Trước khi cứu người phải cứu mình đã. Mình không bị cháy, không bị những ngọn lửa tham, sân, si thiêu đốt, thì rồi mới có thể ra vào tự do trong lửa để giải thoát người khác được.

Bởi thế, công việc đầu tiên mà chư Phật và Bồ Tát đã làm và Phật tử phải tập làm, là chiến thắng mình, phá tan thù oán đốt cháy thân tâm. Ai cũng biết chiến công ấy là một chiến công khó khăn, phải cần đến một lòng dũng cảm sắt đá, lớn lao, mới thực hiện được.

Đức Phật dạy: “Chiến thắng một vạn quân không bằng tự thắng mình. Tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất.”

Người Phật tử, khi phát nguyện quy y đã bắt đầu làm khởi lòng dũng cảm ấy.

Rồi tinh tấn tu tập, đức dũng cảm dần dần tăng đến mức cao siêu. Người Phật tử không còn thấy trở lực, nguy hiểm nào nữa và sẽ đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác, ra vào trong nhà lửa mà không sợ hãi, vì đã có trên mình một áo giáp nhiệm mầu để tránh những ngọn lửa đang thiêu đốt chung quanh.

5. Đạo Phật là Đạo tích cực hoạt động.

Vì Đạo Phật không những tập cho con người làm hiển hiện những đức tính sáng suốt, bình đẳng, từ bi, dũng cảm, tinh tấn…mà còn luyện cho những đức tính ấy nẩy nở đến cùng tột, nên Đạo Phật là một đạo tích cực hoạt động.

Người Phật tử từ lúc bắt đầu vào Đạo đã phải hoạt động ngay, hoạt động nhiều, để mở mang trí tuệ, chiến thắng tham, sân, si. Và Phật tử phải tập chiến đấu với hoàn cảnh, xông pha trong xã hội để cứu giúp người khác.

Theo gương chư Phật và Bồ Tát, Phật tử không sống riêng cho mình, không giác ngộ và giải thoát riêng mình, mà còn phải sống và giác ngộ, giải thoát cho kẻ khác.

Đời của Phật tử là một đời hoạt động không ngừng, đi từ chiến công này đến chiến công khác, đem lòng từ bi và bình đẳng gieo rắc nhân lành khắp mọi nơi, dưới mọi hình thức.

Kinh Phật dạy: “Trong hoạt động của người Phật tử, không một việc lành nào là không làm, không một vật gì mà không cứu độ” (Phật sự môn trung bất xả nhất pháp).

Để việc cứu độ ấy được đắc lực và rộng khắp, Đức Phật dạy người Phật tử phải học và thực hành năm món sáng suốt (ngũ minh), tức là năm điều khiện cần thiết cho sự tự giác ngộ giác tha. Năm món ấy là:
  1. Nội minh: học hiểu sáng suốt giáo lý của đức Phật.
  2. Nhân minh: diễn giảng rành mạch, sáng suốt giáo lý nói trên.
  3. Công xảo minh: tập cho khéo léo hoặc hiểu biết rõ ràng những công
  4. Y phương minh: hiểu và dùng sáng suốt các phương thuốc chữa bệnh về tâm và thân.
  5. Thanh minh: nghe hiểu, thông suốt tiếng nói của mọi người, mọi loài.
Người Phật tử phải sáng suốt bấy nhiêu thứ để hoạt động, giúp đỡ được thiết thực và rộng khắp.

Những người chưa vào Đạo Phật, hoặc chưa hiểu Đạo Phật, thường nghĩ rất sai lầm, tưởng rằng Đạo Phật là một Đạo chán đời, làm cho con người trốn trách nhiệm với xã hội và hèn yếu đối với thân tâm mình.

Nghĩ như thế thật là trái ngược với giáo lý nhà Phật.

Không phải vì Đạo Phật vạch rõ cho con người biết bộ mặt giả tạm của đời là những hiện tượng sinh tử, phiền não, đau khổ mà Đạo Phật thành một Đạo chán đời.

Đạo Phật là một Đạo rất yêu đời nhưng yêu cái đời sống thật, yêu cái bộ mặt thật (Bản lai diện mục) đẹp đẽ, trong sạch, yên vui của đời.

Vì yêu bộ mặt thật của đời nên mới sinh ra lòng yêu người, yêu tất cả mọi người bình đẳng, yêu tất cả mọi loài không phân biệt.

Lòng yêu bao la rộng khắp, trùm bọc hết thảy chúng sinh, vì chúng sinh, dưới những hình tướng sai biệt, đều cùng có một bộ mặt thật, đẹp đẽ, sáng sủa, rộng lớn như nhau, tuy rằng bộ mặt ấy hiện nay còn bị nhơ bụi phủ đầy.

Đời sống của Đức Phật Thích Ca là hiện thân hoàn toàn của lòng yêu đời.

Vì yêu đời và yêu chúng sinh đau khổ nên đức Phật mới bỏ cha mẹ, vợ, con, ngôi báu, cung điện…để tu tập, tìm phương thuốc chữa khổ cho đời.

Vì yêu đời và yêu chúng sinh nên trong gần nửa thế kỷ, đức Phật đã xông pha, lăn lộn khắp đó đây, trong mọi tầng lớp xã hội, để giảng dạy cho mọi người tìm ra và nhận thấy bộ mặt thật của đời mà sống. Bộ mặt ấy là Bản thể, Thật tánh, Niết bàn.

Nhưng cũng như sóng không thể lìa nước mà có, Bản thể, Thật tánh, Niết bàn không thể lìa đời, lìa người và vạn vật mà có. Cho nên người Phật tử không lúc nào là không sống tích cực với mình và với đời; với mình để tu sửa mình, giác ngộ mình; với đời để thức tỉnh người, cứu độ người.

Có thức tỉnh mình hoàn toàn và có cứu độ người đầy đủ mới có thể đạt tới Niết Bàn.

Biết rõ như thế, chúng ta sẽ hiểu được một khía cạnh và một phần nào câu kinh thâm thúy mới đọc tưởng như đầy mâu thuẫn: “Niết Bàn tức là sinh tử, sinh tử tức là Niết Bàn”.

Lúc mê thì là sinh tử, khi ngộ thì là Niết Bàn, hai cảnh sinh tử và Niết Bàn không phải là hai nơi xa cách mà chỉ là một chỗ. Pháp nhiệm mầu của Đạo Phật là dạy cho con người biết cách chuyển mê thành ngộ, biến cải cảnh sinh tử đau khổ của thế gian thành cảnh an lạc, Niết Bàn của chư Phật[2].

Và chúng ta cũng sẽ thấy đoạn sau đây trong kinh Phạm Võng là một trả lời rõ rệt cho những kẻ tưởng rằng Đạo Phật làm cho con người ghét đời và xa lánh xã hội:

“…Kẻ ngu si hư không mà muốn đi trốn thì dù bỏ hư không mà chạy cũng không thể nào thoát được hư không. Kẻ đi tìm hư không, dù có chạy khắp Đông, Tây, Nam, Bắc cũng không tìm thấy hư không. Nhưng kẻ ấy chỉ biết cái Danh (tên) của hư không mà không biết được cái Thực của hư không.

Nay có kẻ muốn tìm Niết Bàn, thường qua lại trong Niết Bàn mà không biết đó là Niết Bàn, chỉ thấy toàn sinh tử, phiền não. Kẻ ấy chỉ biết cái Danh (tên) của Niết Bàn mà không biết cái Thực của Niết Bàn”.

Vậy ta đừng lầm rằng giải thoát là lìa bỏ hoặc chán ghét cõi đời hiện tại. Giải thoát chính là sống hoạt động, yên vui, sung sướng, tự do hoàn toàn ngay trong đời hiện tại, trước khi từ bỏ xác thân vô thường này để nhập Niết Bàn và rồi lại sẽ từ Niết Bàn mà ứng hóa ra khắp mọi nơi để tiếp tục hoạt động cứu độ chúng sanh vô tận.

Chư Phật và Bồ Tát đã sống và đang sống cái đời sống ấy. Phật tử chúng ta tu tập để cùng sống cái đời sống của chư Phật và Bồ Tát[3].

6. Đạo Phật là Đạo đại tự do.

Một điểm đặc biệt nữa của Đạo Phật là quan niệm cao sâu cùng cực về đức tính Tự do của con người.

Cũng như những đức tính Sáng suốt, Từ bi, Bình đẳng, Dũng cảm đã nói trên, đức tính Tự Do của Phật tử rộng rãi bao la không bờ bến.

Sự tự do ấy chẳng ai cho ta, chẳng luật pháp nào tạo nên và cũng chẳng luật pháp nào có thể bảo vệ. Nó vẫn có trong thâm tâm của ta và của mọi loài, mọi vật. Nhưng chúng ta chưa biết sử dụng nó, chưa biết làm cho nó hiển hiện ra, cho nên chúng ta cảm thấy luôn luôn thiếu tự do và khổ sở trong một đời sống chật hẹp.

Giáo lý của đức Phật dạy con người phương pháp làm hiển hiện đức tính Tự do rộng lớn ấy.

Như chúng ta đã biết, bắt đầu vào Đạo, người Phật tử đã phải tự mình dùng trí tuệ mà tự do suy nghĩ, tự do xét đoán không tin mù quáng, không sợ sệt một thần quyền, không nghe theo một thế lực nào ngoài tâm trí sáng suốt của mình.

Nhờ trí tuệ tự do mà người Phật tử diệt trừ được ngu si, mê tối nó giam hãm con người. Nhờ trí tuệ tự do mà người Phật tử phá tan được những xiềng xích tham, giận, oán, ghét, nó trói buộc và sai khiến thân tâm.

Thân tâm được giải phóng và tự do nên người Phật tử mới làm được những hành động tự do, đúng với Chân lý, lợi ích cho mình và cho mọi người, mọi vật.

Những hành động sáng suốt, đẹp đẽ ấy là những nhân lành để sinh ra quả tốt trong kiếp này và những kiếp sau.

Như thế, người Phật tử hoàn toàn tự do tạo ra đời sống hạnh phúc chân thật của mình và cũng hoàn toàn tự do giúp các người khác, vật khác, tạo đời sống hạnh phúc chân thật của họ. Sự thông cảm giữa người Phật tử và các người khác, vật khác, không có gì ngăn trở, chướng ngại vì đều cùng là một Phật tánh, đều cùng là một Chân tâm, Bản thể.

Bởi vậy, Tự do của Đạo Phật khác xa với Tự do của thế gian vẫn quan niệm.

Tự do của thế gian không giải phóng con người thoát khỏi ngục tù đen tối của tham, giận, si mê.

Nó còn tạo thêm chung quanh cái tự do ấy những bức thành kiên cố để ngăn cản sự xâm nhập của người khác và vật khác.

Đấy là những tự do cá nhân, nó làm cách biệt và đối lập người này với người khác, nó giam hãm con người trong một khung cảnh nhỏ nhen, một khu vực chật hẹp. Nó lại là nguyên nhân cho những cuộc xung đột, những oán giận, thù ghét và đau khổ khi nào bị xâm phạm. Tự do ấy chỉ là một tự do tương đối, làm ngòi cho sự mất tự do.

Chỉ có Tự do mà Phật quan niệm và dạy cho chúng sinh phương pháp đạt tới mới là Tự do hoàn toàn và tuyệt đối.

Đó là Tự do thật, Tự do giải thoát con người cả thân lẫn tâm, Tự do làm cho con người sống hòa đồng, yên vui với toàn thể vạn vật trong vũ trụ.

Xem như trên, Đạo Phật nâng nhân vị con người, với tất cả những đức tính tốt đẹp, lên đến mức cao vời tuyệt đối.

Thật quả Đạo Phật không còn gì cao hơn.

[1] Phật dạy không có một vị Chủ tể nào đứng ngoại hoặc ở trên vũ trụ để tạo ra vũ trụ và tự cầm quyền cai trị, thưởng phạt.
[2] Xin nhớ lại, để làm tài liệu suy nghĩ, hai thí dụ đã nói trong đoạn giảng về Lý Vô Ngã và Lý Chân Không (Chương nhất): cuộn dây tưởng là con rắn, hòn đá tưởng là con chó.
[3] Nếu Đức Phật chỉ giảng dạy cho chúng ta hai Đế: Khổ Đế và Tập Đế mà thôi thì Đạo Phật quả là bi quan và chán đời. Nhưng khi đã chỉ rõ cảnh khổ và nguyên nhân sinh ra đau khổ rồi,
Đức Phật còn chỉ cho ta một cảnh sung sướng hoàn toàn (cảnh Diệt; cảnh Niết Bàn) và dạy ta phương pháp (Đạo) để đi đến cảnh ây. Bởi vậy Đạo Phật là một Đạo lạc quan vô cùng, yêu đời vô cùng và cũng hoạt động vô cùng.
Trích từ: Đường Vào Ánh Sáng Đạo Phật
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Học Phật Hành Nghi, Sa Môn Thích Minh Thông Tải Về
2 Học Phật Quần Nghi, Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Tải Về