TRƯỚC KHI VÀO CHUYỆN
 
Ðức Phật thuyết pháp, tùy theo trường hợp, có nhiều ý nghĩa xâu xa, phải tinh tế mới nhận rõ được. Ðại khái Ngài có bốn cách thuyết pháp:

1. Thế giới tất đàn.
2. Vị nhân tất đàn.
3. Ðối trị tất đàn.
4. Ðệ nhứt nghĩa tất đàn.
 
Tất đàn là biến thí, nghĩa là cho chung cho khắp, tức là Ngài cung ứng công cộng, cho khắp tất cả. 
Thế giới tất đàn, là lối thuyết pháp tùy thuận quan niệm phổ thông thế gian, mà mọi người đang sùng thượng. 
Vị nhân tất đàn, là lối thuyết pháp tùy căn cơ, trình độ của người vấn đạo. 
Ðối trị tất đàn là lối thuyết pháp đúng theo chân lý, là lẽ nhiệm mầu cao siêu nhất, không đồng với ba lối thuyết pháp trên. 
Về vấn đề vũ trụ, nhân sinh, đức Phật đã từng nói đến chương trình thuyết pháp của Ngài. 
Nay xin biên soạn sơ lược để cống hiến các độc giả, hầu giúp thêm một ít nghĩa thú về vấn đề này.

1. THẾ GIỚI THÀNH HOẠI VÀ CHƯ PHẬT RA ÐỜI
 
Ngày nay khoa học đã phát minh mỗi hành tinh là một thế giới phải trải qua bốn thời kỳ: Thành, trụ, hoại, không. Thời gian này gọi là một đại kiếp. Thành: là thời kỳ thế giới thành lập, thế giới tồn tại, và vạn vật phát sinh. Hoại là thời kỳ thế giới tan vỡ, tiêu hủy. Và không: là thời kỳ thế giới tan mất, trống không. Mỗi thời kỳ nói trên, là một trung kiếp. Thời kỳ thành, trải qua 20 lần tăng và giảm. Thời kỳ trụ, hoại, không cũng thế. Tăng là tăng thọ, nghĩa là cứ 100 năm tăng một tuổi, tăng dần lên đến khi con người thọ 84.000 tuổi, tột bực giảm là giảm thọ, nghĩa là cứ một trăm năm giảm1 tuổi; từ 84.000 tuổi giảm dần xuống đến khi con người chỉ còn 10 tuổi, là tột bực, tức là lúc đó, khoảng 4,5 tuổi con người đã biết lấy vợ gã chồng, và đến 9, 10 tuổi đã già chết. Mỗi thời kỳ tăng, giảm như vậy gọi là một tiểu kiếp.
 
Hiện nay là thời kỳ trụ, tiểu kiếp thứ 9, vào lúc giảm kiếp.
 
Tám tiểu kiếp trước, không có Phật ra đời. Tiểu kiếp này thứ 9 có bốn đức Phật ra đời:
 
Ðầu tiểu kiếp, con người thọ 84.000 tuổi, mỗi 100 năm giảm thọ 1 tuổi; giảm dần xuống khi con người còn thọ 60.000 tuổi, thì đức Phật Câu Lưu Tôn ra đời. giảm xuống 4 vạn tuổi (40.000), thì đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni ra đời; giảm xuống 2 vạn tuổi thì đức Phật Ca Diếp ra đời; giảm xuống còn 100 tuồi thì Ðức Phật Thích Ca ra đời cách đây 2503 năm. Vậy con người chúng ta đời nay thọ chỉ còn 74, 75 tuổi.
 
Hết tiểu kiếp thứ 9 này, qua tiểu kiếp thứ 10, khi con người giảm thọ còn 80.000 tuổi, thì đức Phật Di Lặc ra đời, Sau đức Phật Di Lặc, sang tiểu kiếp thứ 11,12, 13, 14 không có đức Phật nào ra đời. Tiểu kiếp thứ 15, có 994 đức Phật ra đời. Kiếp thứ 16, 17, 18, 19 không có đức Phật nào ra đời. Sang tiểu kiếp thứ 20, đức Phật Lâu Chí ra đời. Sau khi Ngài nhập Niết bàn là hết thời kỳ trụ, qua đời kỳ hoại, bấy giờ xuất hiện 7 mặt trời, thiêu hủy thế giới thành tro bụi, và đốt tiêu đến cõi trời Tam Thiền…
 
2. SỰ DUY TRÌ VÀ AN LẬP THẾ GIỚI
 
Ta thử nhắm mắt và thử tưởng tượng một khoảng trống không vô biên…Phật gọi là hư không vô biên. Trong khoảng trống không vô biên ấy, phát lên một luồn gió mạnh, quay cuồng, gọi là phong luân. Nhờ sức gió thổi mạnh, đỡ một lớp nước bao hàm thế giới, gọi là thủy luân. Qua tầng thủy luân, có một lớp vàng, gọi là kim luân, qua tầng kim luân thì tới địa luân, tức là đất.
 
Thế giới này rộng lớn bao la, trung tâm điểm có một trái núi lớn gọi là Tu Di, cao 84000 do tuần; quanh núi có một con sông bao bọc gọi là sông Diêm phù. Về phía nam núi, có một cây to lớn gọi là cây Diêm phù. Dưới gốc cây này có một đống vàng lớn phản chiếu ánh sáng lên mặt trăng, làm cho mặt trăng có sắc vàng và khí mát. Ngoài con sông Diêm phù, về phía nam núi Tu Di, có một châu lớn gọi là Nam Thiệm bộ châu (quả đất hay thế giới chúng ta ở là châu này), có hai châu nhỏ ở hai bên. Phía Bắc núi Tu di, có một châu lớn gọi là Bắc câu lư châu (Cu lô), có hai châu nhỏ hai bên. Phía Ðông trái núi, có một châu lớn gọi là Ðông thắng thần châu, có hai châu nhỏ hai bên. Phía Tây núi, có một châu lớn gọi là Tây ngưu hóa châu, cũng có hai châu nhỏ hai bên. Tổng số bốn phương có bốn châu lớn và tám châu nhỏ.
 
Ngoài những châu này có một lớp nước mặn bao bọc gọi là hàm thủy hải; qua tầng nước mặn, có một tầng nước lạt bao quanh gọi là Ðạm thủy hải; qua tầng đạm thủy, có một tầng nước thơm bao bọc, gọi là hương thủy hải; qua tầng hương thủy hải, có bảy lớp núi vàng bao quanh, gọi là thất trùng kim sơn; qua thất trùng kim sơn, lại có bảy tầng núi sắt bao bọc, gọi là thất trùng thiết vi sơn.
 
Lưng chừng núi Tu di, có bốn cõi trời gọi là Tứ Thiên Vương, do vị tỳ sa môn thiên vương làm chúa tể, kiêm thống trị quỷ thần trong bốn châu thiên hạ. Từ cõi trời này trở lên không phải dùng mặt trời, mặt trăng làm ngày đêm, mà chỉ dùng hoa sen nở, cụp làm định hạn. Một ngày ở đấy tính ra là 50 năm ở cõi ta.
 
Trên đỉnh núi Tu di, có một cõi trời gọi là Ðạo lợi, do bốn vị Ðế thích làm vua trung ương; bốn phương, mỗi phương lại có tám cõi trời, nhân thành ba mươi hai cõi , cộng với cõi trung ương thành ba mươi ba cõi, nên cõi trời này cũng gọi là Tam thập tam thiên. Ở đây cũng dùng hoa sen nở cụp làm ngày đêm, và lâu gấp hai cõi trời Tứ thiên vương.
 
Trên cõi này là không gian, không có dính dấp gì đến quả đất.
 
Cách xa gấp hai lần từ cõi ta đến cõi trời Ðao lợi, có một cõi trời gọi là Dạ ma thiên; ngày lâu gấp hai cõi trời Ðao lợi, và cũng dùng hoa sen nở cụp làm hạn định. Cao gấp hai lần từ Ðao lợi lên Dạ ma, lại có một cõi trời gọi là Ðâu suất đà thiên; ngày lâu gấp hai cõi trời Dạ ma, và cũng lấy hoa sen nở cụp làm hạn định. Cao gấp hai từ Dạ ma lên đâu suất, lại có một cõi trời gọi là Hóa lạc thiên; ngày lâu gấp hai cõi trời Ðâu suất, cũng dùng hoa sen nở cụp làm hạn định. Cao gấp hai từ Ðâu suất lên Hóa lạc, lại có một cõi trời gọi là Tha hóa tự tại thiên; ngày lâu gấp hai cõi trời Hóa lạc, và cũng lấy hoa sen nở cụp làm hạn định.
 
Từ cõi này trở xuống đến bốn châu (trong ấy có cõi đất ta bà là Nam thiệm bộ châu), Phật gọi là dục giới, gồm có: Trời, người, a tu la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục gọi là lục đạo hay lục thú. Sở dĩ gọi dục giới vì chúng sinh trong những cõi này đều có dục: thực dục, dâm dục và thùy dục (ăn uống, dâm dục, ngủ nghỉ).
 
Trên đỉnh cõi dục, tức là trên cõi trời Tha hóa tự tại, có một cõi trời gọi là Sơ thiền thiên. Cõi này phân làm ba cõi cao thấp. Trên sơ thiền thiên, lại có cõi Nhị thiền thiên. Cõi này cũng phân làm ba cõi cahhho thấp. Trên cõi Nhị thiền thiên lại có Tam thiền thiên. Cõi này cũng phân làm ba cõi cao thấp. Trên Tam thiền thiên là Tứ thiền thiên. Cõi này phân làm chín cõi cao thấp. Cộng chung bốn cõi có mười tám cõi. Những cõi trời này gọi là sắc giới. Sắc là sắc chất, xinh xắn, đẹp đẽ: chúng sinh những cõi này, sắc thân xinh đẹp hơn cõi dục. Ở đây, không phân nam nữ và không còn tình dục như Dục giới.
 
Từ cõi Tứ thiền thiên, Sắc giới, trở lên lại có bốn cõi trời nữa, gọi là Tứ không thiên, tức là: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ (Nói tắt là phi tưởng xứ). Bốn cõi trời này không có hình sắc, hay hình sắc vi tế khó nhận biết được; đời sống ở đây thiên về tâm thức nhiều hơn, nên gọi là Vô sắc giới.
 
Nói tóm lại, thế giới này gồm có ba cõi: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Quả đất hay thế giới chúng ta ở đây chỉ là một châu, trong thế giới Phật nói, là một hạt bụi trong vi trần thế giới, bị chi phối bởi định luật thành, trụ, hoại, không, lưu chuyển không bao giờ ngừng…
 
3. TỨ SINH, LỤC ÐẠO, VÀ LOÀI NGƯỜI LÚC BAN ÐẦU

Tất cả chúng sinh trong tam giới Dục, sắc, Vô sắc, Phật chia ra làm bốn loài: 1.Loài sinh bằng thai, gọi là thai sinh. 2. Loài sinh bằng trứng gọi là noãn sinh. 3. Loài sinh nơi ẩm ướt, gọi là thấp sinh. 4. Loài sinh biến hóa, gọi là hóa sinh.
 
Loài sinh bằng thai là do tình ái, như loài người, trâu bò v.v… 
Loài sinh bằng trứng là do tư tưởng, như gà, vịt v.v… 
Loài sinh nơi ẩm ướt là do sự hợp cảm, như giun, trùng v.v… 
Loài sinh biến hóa là do ly ứng, như cỏ mục hóa đôm đốm, chuột đồng hóa chim cun cút v.v… 
Trong sự sinh ra phải đủ hai điều kiện: Nhân, duyên. 
Nhân, tức là nghiệp nhân, giống nghiệp đã tạo từ trước. Như làm lành, thành nghiệp nhân trời, người v. v… thì sẽ sinh cảnh giới trời, người. 
Duyên, là trợ duyên, những cái giúp cho nhân phát hiện. Như người đi đầu thai phải có cha mẹ, và bẩm thụ di thể của cha mẹ mà thành thai nhân.
 
Trong bốn loài sinh trên, phân ra có lục đạo là: trời, người, a tu la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục.
 
Trời, là chỉ chung các cõi trời: cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc. 
Người, là nhân loại nói rộng, nhân vật ở các châu khác. 
A tu la, là một loại thần, tiêu biểu cho tất cả quỷ thần. 
Súc sinh, là cầm thú nói rộng ra là động vật. 
Ngạ quỷ, là loài ma quỷ đói khát khổ sở.
 
 Ðịa ngục, là những chúng sinh bị đọa lạc trong các cảnh khổ não, nhứt là trong Thiết vi sơn.
 
Chúng sinh ở trong sáu đạo này, luân hồi bất định, có phúc thì thăng, hết phúc thì đọa; đương đọa nếu phát thiện tâm thì được thăng lên… cứ thế.
Thăng, đọa, thăng, sinh, tử, tử, sinh xoay quanh không ngừng, như bánh xe lăn, gọi là lục đạo luân hồi.
 
Nói về nhân loại, loài người thì mới phát hiện trên mặt đất, chưa biết làm nhà cửa, chỉ ở dưới gốc cây, ăn váng đất… qua thời kỳ ăn váng đất đến ăn nho, qua thời kỳ ăn nho thì ăn lúa tám cánh (lúa ngạnh).
 
Lúc đầu, lấy ngày nào ăn ngày đó, sau đó người sinh tâm lười biếng, lấy để dành ăn lần khác, rồi khởi lòng tham nhiều hơn, tiến đến chổ lấy rất nhiều, tích trữ để dùng lâu ngày. Vì lòng tham ấy, người cũng tranh lấy để riêng. Từ đó lúa không mọc nữa, và con người phải tự đi cày cấy mới có để sinh sống.
 
Nếu ai chịu lo cày cấy làm ăn, thì chẳng nói làm chi, ác nghiệt, có kẻ lại sinh tâm xấu, không chịu cày cấy, lại đi ăn trộm của người, vì thế mới sinh ra lắm chuyện. Ðể đối phó tai nạn này, người bấy giờ họp nhau lại bầu một người làm đầu, để cai trị, phân xử, và đặt những người canh gác, tuần phòng. Ðó là mở đầu đi đến chế độ bộ lạc, quận, huyện, quan, vua sau này…
 
4. ÐỊA DIỆN ẢNH HƯỞNG 4 CHÂU VÀ TÍNH TÌNH CHÚNG SANH TRONG TỨ THIÊN HẠ

 
Ðoạn trước đã nói về bốn châu: Ðông thắng thần châu, Nam thiệm bộ châu, Tây ngưu hóa châu, Bắc câu lư châu. Muốn biết tính tình chúng sanh trong bốn châu ấy thế nào, ta phải tìm hiểu địa diện hình tượng của những châu ấy, vì theo lời Phật dạy, chúng sinh trong mỗi châu phải chịu ảnh hưởng trực tiếp hình tượng của châu mình ở. Chúng sinh nói đây chú trọng về nhân vật hơn các loài khác, vì nhân vật bao giờ cũng chiếm phần ưu tiên hơn các sinh vật khác.
 
Châu đông thắng thần hình tròn, nên chúng sinh ở châu này mặt hình tròn, không như những châu khác. Con người ở đây về tinh thần, học hiểu, kém người châu Nam thiệm bộ nhiều lắm, nhưng tuổi thọ của họ thì nhiều hơn, nghĩa là 250 tuổi trở xuống.
 
Châu Nam thiệm bộ cũng gọi là Nam diêm phù đề, trên rộng dười hẹp và nhọn. Chúng sinh ở đây vì ảnh hưởng hình tượng của châu nên tráng rộng và cằm nhọn (tức là con người chúng ta). Người Nam thiệm bộ giàu tinh thần, nhiều trí nhớ, và thông minh. Về tuổi thọ thì có tăng, giảm không chừng.
 
Châu Tây ngưu hóa hình bán nguyệt. Chịu ảnh hưởng hình tượng của châu, nên người châu này mặt hình bàn nguyệt. Cũng như châu Ðông, người châu Tây tinh thần, trí nhớ và sự học hiểu kém người châu Nam nhiều. Tuổi thọ cũng 250 trở xuống như người châu Ðông.
 
Châu Bắc câu lư hình vuông; người ở châu này mặt vuông như hình tượng châu họ; tinh thần kém các châu khác, nhưng tuổi thọ nhứt định 1000 năm tuổi.
 
Trong bốn châu nói trên, các đức Phật thường giáng sinh ở châu Nam, mà không bao giờ giáng sinh ở các châu khác. Sở dĩ như thế, vì châu Nam có nhiều đặc điểm như đã nói trên.
 
Về sự truyền bá của Phật giáo, thì châu Nam là chổ Phật giáo xuất phát; châu Ðông, châu Tây chịu ảnh hưởng Phật hóa, riêng châu Bắc không biết Phật pháp là gì, dù là biết họ cũng thiếu lòng tín ngưỡng và thực hành theo. Ðó là một tai nạn lớn lao của người châu Bắc, nên trong Phật giáo liệt họ vào một nạn trong tám nạn…
 
5. VÀI NÉT VỀ ÐỜI SỐNG Ở BẮC CÂU LƯ CHÂU


Con người ở đời có trải qua các sự khổ, có quan niệm về sự khổ, mới tìm đường thoát khổ. Ở Bắc câu lư châu, đời sống con người không thấy khổ, không quan niệm được khổ. Họ sống một cách an nhiên, vô tư, không phải làm ăn mệt nhọc, không phải tạo tác ruộng nhà, không phải trồng tỉa buôn bán… các hàng cây là những cung điện của họ. Khi đói, họ đến một gốc cây, dưới gốc cây sẵn có một cái vạc, muốn ăn thì bứt quả bỏ vào vạc, tự nhiên có ánh bạch quang chiếu lên làm cho sôi nước nấu chín món ăn. Ăn xong đi tắm; tắm xong vứt áo cũ lên cây; hái quả bửa ra lấy áo mới mặc. Cứ như thế, mỗi lần tắm lại vứt đi một bộ quần áo. Khi đi đại tiện, tự nhiên đất nứt thành hố, đi xong đất ấp lại và mọc lên một bông sen đỏ. Tất cả những thứ cần dùng, đều do cây sinh ra hết. Có một điều lạ nữa, là khi một đôi trai gái bằng lòng nhau, đưa nhau đến một gốc cây, cây ấy tự nhiên rũ xuống, biến thành tiên động, và đôi uyên ương sẽ sống với nhau trong đó. Nếu họ là anh em, thì cây sẽ không rũ xuống, và họ sẽ tránh nhau. Tại dưới gốc cây, đôi nam nữ sống chung, qua 7 ngày thì sinh con. Ðứa bé sinh ra cha mẹ khỏi phải nuôi, đem để ở ngã ba đường, người qua lại cho nó mút ngón tay, ở ngón tay của mỗi người nuôi sống đứa bé. Qua 7 ngày sau đứa bé lớn như mọi người khác. Rồi cứ nam đi với nam, nữ đi với nữ, không lấy chồng vợ lập gia đình chi hết. Ðến khi chết, lại có một cái tiện là có một loài chim tha đem để xa, không cần phải chôn cất gì cả.
 
Ðời sống như vậy, kể cũng khoẻ, không phải chật vật, tranh đấu như đời sống ở ta. Nhưng họ không quan niệm được sự khổ, không biết tìm đường thoát khổ, không tín ngưỡng và thực hành Phật pháp, thì một ngày kia, khi phúc báo hết sẽ bị đọa lạc, trầm luân. Vũ trụ bao la, không gian mờ mịt, chẳng biết bánh xe luân hồi sẽ lăn và đưa họ đến nơi vô định nào!?

Trích từ: Phật Giáo Sơ Lược
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ Tải Về
2 Phật Giáo Và Cuộc Sống, Thượng Tọa Thích Hạnh Bình Tải Về
3 Phật Giáo Và Vũ Trụ Quan, Cư Sĩ Lê Huy Trứ MSEE Tải Về
4 Phật Giáo Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Trí Chơn Tải Về
5 Nhận Thức Phật Giáo, Cư Sĩ Vọng Tây Tải Về
6 Phật Giáo, Trần Trọng Kim Tải Về
7 Phật Giáo Chánh Tín, Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Tải Về
8 Phật Giáo Khái Luận, Thượng Tọa Thích Mật Thể Tải Về
9 Phật Giáo Là Gi?, Thích Tâm An Tải Về
10 Phật Giáo Yếu Lược Song Ngữ, Hòa Thượng Thích Trí Chơn Tải Về
11 Khái Niệm Tánh Không Phật Giáo, Hoang Phong Tải Về
12 Sống và Chết Theo Quan Niệm Của Phật Giáo, Hòa Thượng Thích Như Điển Tải Về
13 Phật Giáo Việt Nam, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
14 Toàn Tập Giải Thích Các Thủ Ấn Phật Giáo, Nguyễn Tuệ Chân Tải Về
15 Phật Giáo Nhân Gian Của Pháp Môn Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Tịnh Không Tải Về

Đức Thích Tôn Sau Khi Thành Đạo
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Giáo Nghĩa Các Bộ Phái
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Tiểu Thừa Và Đại Thừa
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm