Home > Khai Thị Phật Học > Giao-Nghia-Cac-Bo-Phai
Giáo Nghĩa Các Bộ Phái
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm


Tiết mục:

I. Ba hệ thống bộ nghĩa
II. Giáo nghĩa của Đại Chúng bộ
III. Giáo nghĩa của Hữu bộ
IV. Giáo nghĩa của Độc Tử bộ

Kinh sách tham khảo: Dị Bộ Tông Luân Luận, Tông Luận Khảo, Ấn Độ Phật Giáo Sử Lược.

Đề yếu:  Tông nghĩa 20 bộ rất phiền toái, trong một bài hữu hạn, không thể ghi ra mỗi mỗi chi tiết.  Vì thế, nội dung tiết thứ nhất trong bản chương, y theo Tông Luân Khảo của ngài Huyền Trang, mà chia các phái thành ba hệ thống: Đại Chúng, Hữu bộ và Độc Tử.  Ba tiết sau nói khái lược về giáo nghĩa của ba bộ phái đại biểu nầy.  Trong đây, giáo nghĩa Hữu bộ phưởng phất như Nguyên thủy Phật giáo, nhưng lối phân tích vạn hữu tinh tế hơn Đại Chúng bộ.  Giáo nghĩa của Đại Chúng bộ thì quan niệm về Phật thân có phần khoáng đạt hơn Hữu bộ.  Còn giáo nghĩa của Độc Tử bộ lại giản ước và độc lập với thuyết Tam tụ.  Đặc điểm của Đại Chúng bộ là lối nhận xét về hữu vi pháp gần với thuyết “Ngã pháp câu không” làm cơ sở khai triển Không tông về sau.  Đặc điểm của Hữu bộ là lối phân tích các pháp một cách tinh tế, làm cơ sở cho Duy thức học của Hữu tông trong tương lai.  Riêng Độc Tử bộ được đặc thù với thuyết Bổ Đặc Già La, làm cơ sở cho lập thuyết Như Lai tạng.

Cả ba hệ thống do ba bộ làm đại biểu, tuy hình thức còn trong phạm vi Tiểu thừa, nhưng về tông nghĩa đều đã manh nha tư tưởng Đại thừa Phật giáo.

Tiết I: Ba Hệ Thống Bộ Nghĩa

Trong một thời gian không bao lâu, Phật giáo chia ra đến 20 bộ phái, như các thứ nấm mọc lên sau cơn mưa rào, người ngoài trông thấy không khỏi lấy làm lạ.  Nhưng điều ấy chẳng có chi kỳ đặc, vì các phái trên chỉ bất đồng ý kiến rồi biệt lập, không có tính cách môn đình kiên cố như các tông Thai, Thiền, Tịnh, Mật bên Trung Hoa.  Trong ấy, duy có hai bộ văn bản là sai biệt, ngoài ra các phái chi mạt chỗ lập nghĩa chỉ hơi khác nhau.  Chẳng hạn như bốn phái Pháp Thượng, Hiền Trụ, Chánh Lượng, Mật Lâm Sơn, sở dĩ được chia ra, vì lối giải thích bất đồng trên một bộ luận.  Do đó, chỉ trong thời gian hơn hai trăm năm mới phát sanh nhiều bộ như thế.

Nay xin căn cứ quyển Tông Luận Khảo của ngài Huyền Trang, nương theo nghĩa tương đồng của 20 bộ, mà chia thành ba hệ thống:

1.  Đại Chúng, Nhất Thuyết, Thuyết Xuất Thế, Kê Dẫn, Thuyết Giả, Chế Đa Sơn, Tây Sơn Trụ, Bắc Sơn Trụ, Pháp Tạng, Ẩm Quang, Hóa Địa, Đa Văn, Tuyết Sơn, thuộc về hệ thống Đại Chúng bộ.

2.  Thuyết Nhất Thế Hữu, Thượng Tọa, Đa Văn, Tuyết Sơn, Kinh Lượng, thuộc về hệ thống Nhất Thế Hữu bộ.

3.  Độc Tử, Pháp Thượng, Hiền Trụ, Chánh Lượng, Mật Lâm Sơn, thuộc về hệ thống Độc Tử bộ.

Như trên, hệ thống thứ nhất lấy Đại Chúng bộ làm đại biểu.  Hệ thống thứ hai, không lấy Thượng Tọa bộ làm đại biểu mà lấy Nhất Thế Hữu bộ, vì bộ nầy giải thích kinh văn có phần tinh tế hơn, và có tính cách bao quát những bộ tùy thuộc.  Trong hệ thống thứ nhất, thứ nhì đều liệt danh Đa Văn và Tuyết Sơn, vì tông nghĩa của hai bộ nầy kiêm thông cả Nhất Thế Hữu bộ và Đại Chúng bộ.  Hệ thống thứ ba lấy Độc Tử bộ làm đại biểu.  Trong hệ thống nầy, về sau Chánh Lượng bộ được thạnh truyền hơn cả, nên cũng có thể đem Chánh Lượng thay thế Độc Tử mà đại biểu cho ba bộ: Pháp Thượng, Hiền Trụ, Mật Lâm Sơn.

Trong Nam Hải Ký Quy Truyện, Nghĩa Tịnh pháp sư cũng có nói: “Tuy các bộ phái phát xuất không đồng nhau, nhưng sự truyền thừa ở Tây Vức đại cương chỉ có bốn”.  Theo pháp sư, bốn hệ thống là ngoài ba đại biểu trên, thêm vào Thượng Tọa bộ.  Nhưng Thượng Tọa bộ tông nghĩa kiêm thông cả Đại, Tiểu thừa, về sau lại bị canh cải, thành ra mất bản sắc.  Trên đây để Nhất Thế Hữu bộ làm đại biểu là cũng do duyên cớ đó.  Như Đồng Diệp bộ (Tàmrasàtìyà) được lưu hành ở Tích Lan chính là lưu phái thuộc Thượng Tọa bộ, nhưng sánh với tông nghĩa của căn bản Thượng Tọa bộ, có chỗ khác nhau.

Tóm lại, các bộ phái tuy nhiều, nhưng tông nghĩa đại khái không ngoài ba hệ thống trên.  Cho nên, biết được tông nghĩa của một bộ đại biểu, tức hiểu được tông nghĩa của các bộ tùy thuộc.  Tuy nhiên, thể theo dụng ý của ngài Huyền Trang, nội dung bản chương chỉ trình bày đại nghĩa các phái đương thời một cách giản yếu cho học giả dễ nhận thức, chớ không phải cố tâm sáp nhập 20 bộ vào ba hệ thống.  Vì thật ra, do sự lưu truyền và phát đạt của mỗi phái về sau, những tông nghĩa đầu tiên trong 20 bộ cũng có thay đổi, không thể xác chỉ đâu là giới hạn.

Tiết II: Giáo Nghĩa Của Đại Chúng Bộ

Giáo nghĩa của Đại Chúng bộ, đại khái có thể chia thành bốn đoạn như sau:

1.  Hữu Vi luận: Theo Đại Chúng bộ, tất cả pháp hữu vi, gọi là hiện tượng giới hay hữu vi giới, đều nương nơi nhân duyên mà sanh diệt.  Vì hiện tượng giới luôn luôn sanh diệt, nên các pháp đời quá khứ không có thật thể, bởi nó chẳng còn tồn tại.  Các pháp đời vị lai cũng không có thật thể, bởi nó hãy chưa sanh.  Duy các pháp trong một sát na của đời hiện tại là có thật thể, bởi nó đang lưu tồn.  Đây là chủ thuyết “Quá vị vô thể, hiện tại hữu thể” của bản bộ.  Đứng về phương diện triết học, chủ thuyết nầy gọi là Phê phán thật tại luận.  Quan niệm về hữu vi pháp của Đại Chúng bộ, mục đích để phá trừ tâm chấp có, tuy chưa được hoàn mỹ, nhưng cũng gần với thuyết “Ngã pháp câu không” của Đại thừa.

2.  Vô Vi luận:   Tương đối với pháp hữu vi, Đại Chúng bộ lập ra chín pháp vô vi.  Chín pháp ấy là: Trạch diệt, Phi trạch diệt, Hư không, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Duyên khởi chi tánh, Thánh đạo chi tánh.

Trạch diệt vô vi là lý tánh Niết bàn nương vào sức tuyển trạch của trí huệ, lìa sự ràng buộc của phiền não mà chứng được Phi trạch diệt vô vi là chân tánh bản lai vắng lặng, không cần sức lựa chọn của trí huệ mới hiển ngộ.  Hư không vô vi là chỉ cho hư không của lý tánh, không chướng ngại các pháp và không bị các pháp làm chướng ngại.  Không vô biên vô vi là cảnh giới trống không do hành giả chán thô chất của sắc tượng, tu không quán mà chứng được.  Thức vô biên vô vi là cảnh giới lặng lẽ không ngằn mé, chỉ có sự biến duyên của tâm thức.  Vô sở hữu vô vi là cảnh giới trống lặng bình đẳng, do hành giả chán vô biên thức tu vô ngã quán được thân chứng.  Phi phi tưởng vô vi là định cảnh thoát ly trạng thái có, không, chỉ còn tâm tưởng vi tế.  Bốn định cảnh thuộc Vô sắc giới trên đây, tuy gọi là vô vi, Vô sắc, nhưng thật ra còn có sắc chất vi tế gọi là Thức tâm (Hrdayavastu).  Vả lại Đại Chúng bộ không cho bốn định cảnh nầy là cứu cánh, mà chỉ cho là cảnh sở y tạm trong thời kỳ gia hạnh, do nhân tu mà cảm thành bốn không báo sai biệt.  Duyên khởi chi tánh vô vi là lý pháp của sự sống chết xoay vần.  Đại Chúng bộ cho rằng mười hai chi duyên khởi tuy là pháp hữu vi, nhưng thứ lớp tương sanh trước sau của nó không thay đổi.  Vì lý pháp duyên khởi nầy nhất định và tương tục không ngừng, nên họ liệt vào vô vi pháp.  Thánh đạo chi tánh vô vi là lý pháp lìa nhiễm chứng diệt của Bát thánh đạo.  Do mỗi chi trong Bát thánh đạo đều có công năng làm cho hành giả lìa sự ô nhiễm, chứng vào thể vắng lặng, nên Đại Chúng bộ liệt lý pháp nầy vào vô vi pháp.

Trong chín pháp trên đây, điểm trọng yếu nhất là Trạch diệt vô vi, vì trừ phiền não chứng Niết bàn, là mục đích của người tu đạo giải thoát.  Xét lại, quan niệm vô vi của Đại Chúng bộ, không phải chỉ có tính cách tịch tĩnh, mà gồm cả hoạt động, như Duyên khởi chi tánh chẳng hạn.  Vô vi của họ, không phải phủ nhận hiện tượng của các pháp, mà là phủ nhận tâm niệm phiền não chấp trước trên các pháp.

3.  Tâm tánh bản tịnh luận: Đại Chúng bộ chủ trương tâm tánh bản lai thanh tịnh, xa lìa tất cả phiền não mê vọng.  Duyên vì khách trần phiền não bên ngoài làm ô nhiễm, nên tâm tánh trở thành bất tịnh.  Đây là thuyết “Tâm tánh bản tịnh, khách trần ô nhiễm” của Đại Chúng bộ.

Vì tâm tánh thì bản tịnh, khách trần là phiền não, tâm và phiền não đều có từ vô thủy, khách trần thường đeo đuổi theo tâm, nên gọi là tùy phiền não.  Bởi có tùy phiền não nên tâm bị ô nhiễm, tạo ra nghiệp, khiến cho chúng sanh mãi xoay vần trong nẻo khổ.  Nếu nương vào sự tu hành để gột rửa phiền não, thì tâm trở nên trong sạch, hiển hiện được tịnh tánh sẵn có từ xưa.  Tâm là chủ, phiền não là khách, hai thứ đều đồng thời; tâm tánh thì vô thủy vô chung, phiền não thì vô thủy hữu chung.  Lập luận nầy tương tợ thuyết “Quan hệ giữa tự tánh và thần ngã” của Số luận, nhưng về nghĩa sanh diệt thì có phần khác hơn.

4.  Niết Bàn Phật thân luận: Quan niệm về Niết bàn của Đại Chúng bộ, không thấy ghi chép rõ ràng.  Nhưng về Phật thân, Đại Chúng bộ cho rằng Ðức Thích Tôn sanh ở Ấn Độ, giáo hóa nhân gian, là hóa thân chớ không phải thật thân.  Thật thân của Phật nương vào nhân hạnh nhiều kiếp mà thành, đối với không gian thì khắp tất cả chỗ, đối với thời gian thì thọ lượng vô vùng.  Oai lực của Phật cũng không biên tế, gần gũi giáo hóa chúng sanh mà không khởi phiền não, sự ứng hiện và nhập diệt đều được tùy duyên tự tại.

Đối với Đại Chúng bộ, Phật thân là vô lậu thân, là siêu việt và thường tồn tại.  Do đó, khi Phật chuyển pháp luân, trong một âm thanh có thể nói tất cả pháp, trong một sát na có thể hiểu biết hết mọi việc.  Phật thường ở trong định, không có thụy miên, chúng sanh hỏi gì, Ngài đều đáp ngay không cần phải suy nghĩ.

Trên đây là khái lược yếu nghĩa của Đại Chúng bộ.  Hữu vi luận của bộ nầy, rất gần với không quán của Ma Ha Bát Nhã.  Vô vi luận có thể làm tiền khu cho thuyết Chân như duyên khởi của Đại thừa.  Trong Tâm tánh bản tịnh luận, thuyết phiền não vô thủy hữu chung rất giống với Chân như duyên khởi luận, và cũng là nguyên nhân để dẫn dụ đến tư tưởng “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, của Đại thừa.  Niết bàn quan của Đại Chúng bộ tuy không thấy ghi chép, nhưng chúng ta có thể khái luận rằng Phật thân và Niết bàn của họ vẫn không xa nhau.  Vì thế, giáo nghĩa của bộ nầy tuy là Tiểu thừa, mà có những tư tưởng rất gần với Đại thừa.  Cho nên có thể nói, giáo nghĩa Đại thừa là từ chỗ phát triển lần lần ở giáo nghĩa của Đại Chúng bộ.

Tiết III: Giáo Nghĩa Của Hữu Bộ

Nhất Thế Hữu bộ phát xuất từ Thượng Tọa bộ.  Giáo nghĩa của Thượng Tọa bộ thuộc về Nguyên Thủy Phật giáo, gồm cả đạo lý Đại, Tiểu thừa, nhưng Đại thừa còn ở trong vòng ẩn mật.  Giáo nghĩa của Hữu bộ lại nương vào sự tiến triển của Nguyên thủy Phật giáo.  Vì vậy, khi nói về bộ nầy, ta có thể suy biết được nội dung của Thượng Tọa bộ và các chi phái cùng một hệ thống Lập thuyết của Hữu bộ được khái quát theo bốn đoạn như sau:

A.  Pháp Tạng Y Cứ:   Như trên đã nói.  Nhất Thế Hữu bộ do Tôn giả Ca Chiên Diên Ni Tử khai sáng, lấy Luận tạng làm bản vị.  Tôn giả chế tác ra bộ A Tỳ Đạt Ma Phát Trí Luận (Abhidharma jnànaprasthàna sàstra) gồm 20 quyển làm nền tảng cho Hữu bộ.  Ngoài Phát Trí Luận ra, còn sáu bộ khác được gọi Lục Túc Luận, cũng là pháp tạng y cứ của Hữu bộ.  Sáu bộ luận ấy là:

1.  A Tỳ Đạt Ma Tập Dị Môn Túc Luận (Abhidharma Sanjitiaparyàpàdá Sàstra) 20 quyển, tương truyền do ngài Xá Lợi Phất sáng tác trong khi Phật còn tại thế.

2.  A Tỳ Đạt Ma Pháp Uẩn Túc Luận (Abhidharma dhamaskandhapàda Sàstra) 12 quyển, do ngài Xá Lợi Phất tạo; theo bản Hán dịch thì do ngài Mục Kiền Liên.

3.  A Tỳ Đạt Ma Thi Thiết Túc Luận (Abhidarma prajnàtipàda Sàstra) gồm 18000 bài tụng, do ngài Mục Kiền Liên tạo; theo bản Hán dịch thì do ngài Đại Ca Chiên Diên.

4.  A Tỳ Đạt Ma Thức Thân Túc Luận (Abhidarma vijnànakàyapàda Sàstra) 16 quyển, do ngài Đề Bà Thiết Ma (Devasarman Thiên Tịch, Thiên Hộ) sáng tác khoảng sau Phật diệt độ 100 năm.

5.  A Tỳ Đạt Ma Phẩm Loại Túc Luận (Abhidarma prakaranapàda Sàstra) 18 quyển, do ngài Thế Hữu sáng tác phần đầu, Kê Tân La Hán viết phần cuối.

6.  A Tỳ Đạt Ma Giới Thân Túc Luận (Abhidharma dhàtukàyapàda Sàstra) 3 quyển, do ngài Phú Lâu Na tạo; theo Hán dịch thì do ngài Xá Lợi Phất.  (Trên đây, phần ghi chú tác giả là y theo thuyết của ngài Xứng Hữu, trong Câu Xá Thích).

Sáu bộ trên, về giáo lý, chỉ là những phần tử của Phát Trí Luận nên gọi là Lục Túc Luận.  Còn Phát Trí Luận gọi là Thân luận.  Đây là y theo nghĩa bản và mạt.  Về sau, các bậc học giả của Hữu bộ lại giải thích giáo nghĩa của Phát Trí Luận, và biên tập lại thành một bộ gọi là A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận (Abhidharmamahàvibhàsà Sàstra) gồm 200 quyển.  Trong đó có nhiều đoạn dẫn chứng từ Lục Túc Luận.

Ngài Ca Chiên Diên Ni Tử lấy Luận tạng làm bản vị, bởi có hai lý do.  Một là để đối kháng với tân thuyết của Đại Chúng bộ, phương diện khác là để đả phá hai học phái Thắng luận và Số luận của ngoại đạo, đang phục hưng lúc đương thời thường hay bài xích Phật giáo.  Vì mục đích đó, ngài chủ trương môn lý luận của Phật giáo cần phải có lập trường cho thật vững chắc để quyết thắng.  Lại, trong khi tranh biện, ngài thường lấy giáo nghĩa của Thắng luận và Số luận để dẫn chứng, nên nội dung của Hữu bộ có hình tích ảnh hưởng từ Thắng luận, cũng như giáo nghĩa Đại Chúng bộ chịu ảnh hưởng của Số luận vậy.

B.  Chúng sanh và thế giới:   Theo Nguyên thủy Phật giáo, thì năm uẩn là những yếu tố để thành lập thế giới.  Tất cả chánh báo và y báo thế gian, không ngoài hai điểm sắc, tâm trong năm uẩn.  Nhưng Hữu bộ vì chịu ảnh hưởng sự phân loại vạn hữu của phái Thắng luận, nên đem chia tất cả sự vật thành năm vị: sắc, tâm, tâm sở, tâm bất tương ưng hành và vô vi.  Năm ngôi vị nầy gồm có 75 pháp như sau:

1.  Sắc pháp: Sắc pháp có 11 thứ, là năm căn, năm cảnh và vô biểu sắc.  Năm căn là: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân.  Năm cảnh là: sắc, thanh, hương, vị, xúc.  Vô biểu sắc (Avijnaptirùpa) là những tác động của thân, khẩu, phát sanh từ tâm nghiệp lành dữ của chúng sanh.

2.  Tâm pháp:   Tâm pháp chỉ có một thứ, gọi là Tâm vương.  Tâm vương đây là chỉ cho những công dụng của tinh thần, như cảm giác, tri giác, tưởng tượng.  Nếu đem tế phân thì công dụng tinh thần nầy không ngoài sáu thức.

3.  Tâm sở pháp: Tâm sở pháp gồm có 46 thứ như: Mười đại địa pháp: thọ, tưởng, tư, xúc, dục, huệ, niệm, tác ý, thắng giải, tam ma địa.  Mười đại thiện pháp: tín, cần, hành xả, tàm, quý, vô tham, vô sân, bất hại, khinh an, bất phóng dật.  Sáu đại phiền não: si, phóng dật, giải đãi, bất tín, hôn trầm, điệu cử.  Hai đại bất thiện pháp: vô tàm, vô quý.  Mười tiểu phiền não địa pháp: phẩn, phú, xan, tật, não, hại, hận, siểm, cuống, kiêu.  Tám bất định địa pháp: hối, miên, tầm, từ, tham, sân, mạn, nghi.

4.  Tâm bất tương ưng hành pháp: Ngôi vị nầy có 14 thứ: đắc, phi đắc, chúng đồng phận, vô tưởng quả, vô tưởng định, diệt tận định, mạng căn, sanh, trụ, dị, diệt, danh thân, cú thân, văn thân.

5.  Vô vi pháp:   Vô vi pháp có ba thứ: trạch diệt vô vi, phi trạch diệt vô vi, hư không vô vi.

Bảy mươi lăm pháp thuộc năm ngôi vị trên đây là đứng về phương diện khách quan để phân loại vũ trụ vạn hữu.  Còn đứng về phương diện chủ quan thì có ba khoa là: năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới.  Ba khoa nầy không ngoài ba phần: Căn, cảnh, thức hằng làm nhân duyên cho nhau mà sanh ra các pháp, và mọi tác dụng của tinh thần.

Hữu bộ cho rằng tất cả pháp, nương vào thời gian thì phải trải qua bốn trạng thái sanh, trụ, dị, diệt; nương vào không gian phải có sự, lý, hợp, biến hóa.  Hiện tượng các pháp tuy sanh diệt biến hóa, nhưng thể tánh của nó vẫn thường tồn tại trong ba đời.  Ví như các làn sóng tuy sanh diệt biến hóa, nhưng thể tánh của nó là nước vẫn không thay đổi.  Tác dụng của thể tánh hằng hữu nầy, lúc chưa phát khởi gọi là vị lai, lúc đang diễn ra gọi là hiện tại và lúc đã qua rồi gọi là quá khứ.  Đây là thuyết “Tam thế thật hữu, pháp thể hằng hữu” của Hữu bộ.  Đứng về phương diện triết học, thuyết nầy gọi là Đa Nguyên Thật Tại Luận.

Hữu bộ tuy chia chẻ vạn hữu có phần tinh tế hơn Thượng Tọa bộ, nhưng cũng không ngoài hai điểm: sắc và tâm; hay nói cách khác là chúng sanh (tâm) và thế giới (sắc).  Theo Hữu bộ, chúng sanh nương nơi trần cảnh mà khởi phiền não; nếu quán biết các pháp đều do nhân duyên hòa hợp, sanh diệt trong sát na, thì tâm chấp trước không còn, ngã tướng phải tiêu tan.  Môn quán nầy tên: Tích sắc nhập không gọi tắt là Tích không quán.  Vì thế, tông nghĩa của Hữu bộ gọi là Ngã Không Pháp Hữu Tông.

C.  Quan Niệm Tu Hành:   Hữu bộ quan niệm rằng cuộc đời nhiều khổ, mục đích của người tu là cầu giải thoát sự khổ ấy, để đạt đến cảnh giới Niết bàn an vui.  Muốn được như thế, phải biết đời là khổ, phải trừ phiền não là cái khổ nhân, phải nương nơi đạo pháp đạt đến Niết bàn mà tu, và cuối cùng sẽ chứng vào cảnh Niết bàn an lạc.  Quan niệm tri, đoạn, tu, chứng nầy không ngoài đạo lý Tứ thánh đế.  Nếu giản ước lại, phương pháp tu hành của Hữu bộ, theo thứ lớp chia thành ba bậc:

1.  Kiến đạo (Darsana màrga):  Trước tiên, dùng sức lựa chọn của trí huệ, biết rõ lý Tứ đế, đoạn hết phần kiến hoặc.

2.  Tu đạo (Bhàvana màrga):  Tiến thêm một bậc, đem huệ lực để tu tập theo lý Tứ đế và Tam thập thất giác phần.

3.  Vô học đạo (Asàiksa màrga): Sau cùng, tất cả phiền não đều tiêu tan, chứng vào thể tánh Niết bàn, không còn chi phải học nữa.

Lại, nương vào căn tánh của người tu, Hữu bộ chia ra ba hạng thượng, trung, hạ, và sở chứng của ba hạng nầy được gọi là Tam thừa.  Hạ căn thuộc về Thanh Văn thừa; hạng nầy nương vào lời dạy của Phật, quán lý Tứ đế mà tu hành, chứng được quả A la hán.  Trung căn thuộc Độc giác thừa: hạng nầy quán mười hai nhân duyên mà tự tỏ ngộ, chứng quả Bích Chi Phật (Pratyeka Buddha).  Đây cũng gọi là Duyên Giác thừa.  Thượng căn thuộc về Bồ Tát thừa, hạng nầy y theo Lục độ tu tập trong nhiều kiếp, sau cùng đầy đủ phần tự lợi lợi tha, chứng quả Vô thượng chánh giác.

D.  Niết bàn và Phật thân:   Khi Ðức Như Lai còn tại thế, Phật thân chứng Niết bàn, sắc thân hiện tồn tại, nên không có sự luận nghị về Niết bàn và Phật thân.  Nhưng sau khi Ðức Thế Tôn diệt độ, vấn đề đó lần lần trở thành trọng đại và là mục tiêu sanh ra nhiều kiến giải không giống nhau.

Đối với vấn đề Niết bàn và Phật thân, kiến giải của Hữu bộ cũng như Nguyên thủy Phật giáo.  Về Niết bàn, bộ nầy cũng chia ra Hữu dư niết bàn.  Còn về Phật thân, thì Phật là thân người hiện thật.  Thân thể của Phật vì liên quan đến nghiệp nhân của đời trước nên thọ mạng có hạn định.  Khi nghiệp quả đã dứt, thân xác tiêu tan, Như Lai vào Vô dư niết bàn, trở về nơi tịch tĩnh.  Tự thân của Như Lai không làm điều gì ác, nhưng vì còn thể chất nên còn là sở y của suy, già, bệnh, khổ.  Và, với Hữu bộ, Phật cũng có tâm vô ký, có sự ngủ nghỉ, không phải thường ở trong định, trong một sát na không thể suốt hết mọi việc, trong một âm thanh không thể nói tất cả pháp.  Về nhân hạnh của Phật trong đời quá khứ, mục đích cốt yếu là cứu độ loài hữu tình chớ không mấy chú trọng ở sự đoạn hoặc.  Nhưng khi tiền thân của Như Lai thọ sanh trong tam giới tu hạnh Bồ Tát, phiền não do đó lần lần bị chiết phục, đến khi nhân hạnh viên mãn, nghiệp hoặc tiêu tan, được trở thành bậc Đại giác.  Đây là thuyết “Phục hoặc nhân hành” của Hữu bộ.

Như trên đã lược thuật, đạo lý của Hữu bộ phưởng phất với Thượng Tọa bộ, với Nguyên thủy Phật giáo.  Nhưng đặc biệt là giáo nghĩa của bộ nầy, về sau trở thành những tài liệu quan trọng cho môn Duy thức học trong đạo Phật.

Tiết IV: Giáo Nghĩa Của Độc Tử Bộ

1.  Pháp tạng y cứ:   Từ Nhất Thế Hữu bộ, trước tiên phát sanh ra Độc Tử Hữu bộ.  Nhưng đặc biệt, giáo nghĩa của bộ nầy lại không thuộc vào Đại Chúng bộ và Thượng Tọa bộ, mà tự nó có một hệ thống giáo nghĩa riêng.

Nguyên lúc Ðức Như Lai còn tại thế, có một người ngoại đạo tên là Độc Tử, xuất gia trong Phật pháp, quy y với Tôn giả La Hầu La, rồi từ đó đời nầy đến đời khác thầy trò truyền thọ cho nhau.  Sau Ðức Thế Tôn diệt độ 200 năm, những học đồ thuộc hệ thống của ngài Độc Tử mới biệt lập thành một phái lấy tên là Độc Tử bộ.  Luận tạng y cứ của phái nầy là bộ Pháp Tướng A Tỳ Đàm.  Bộ luận nầy nguyên là Cửu Phần Tỳ Đàm của Phật nói, Tôn giả Xá Lợi Phất căn cứ theo đó mà giải thích rộng thêm, rồi truyền lại cho ngài La Hầu La.  Tôn giả La Hầu La lúc đương thời hoằng dương thuyết nầy, và truyền lại cho ngài Độc Tử.

2.  Thuyết Bổ Đặc Già Là (Pudgala):   Giáo nghĩa đặc thù của Độc Tử bộ là Thuyết Bổ Đặc Già La.  Danh từ nầy, Trung Hoa dịch là “Ngã”; nhưng Ngã của Độc Tử bộ không đồng với Ngã của ngoại đạo, cũng không thuộc về Ngã của ngũ uẩn.  Ngã của ngoại đạo là nguyên chất của vạn hữu sinh hoạt gọi là Linh hồn hay Thần ngã; Phật giáo cho đó là lối chấp thường của Nhất thần giáo.  Ngã của ngũ uẩn là vọng nghiệp của sắc, thọ, tưởng, hành, thức, biến hóa sanh diệt vô thường.  Ngã của Độc Tử bộ thì khác; phái nầy cho rằng Bổ Đặc Già La không phải đương thể của ngũ uẩn, cũng không phải lìa ngũ uẩn mà có.  Như con người khi tạo nghiệp nhân lành dữ, sẽ phải cảm thọ quả báo về sau, Bổ Đặc Già La là mối liên quan từ đời nầy cho đến nhiều đời khác.  Nếu không có nó duy trì, thì ngũ uẩn cũng tiêu diệt không còn sự chuyển sanh ở kiếp sau.  Chẳng hạn như Phật là bậc Nhất thế trí biết tất cả mọi pháp, nếu không có Bổ Đặc Già La thì cái biết thuộc về tâm, tâm sở sanh diệt.  Nếu là tâm, tâm sở sanh diệt thì khi biết tâm không biết sắc, khi biết sắc không biết tâm.  Nhưng vì có Ngã thường trụ bất biến, nên Ðức Thế Tôn biết khắp cả sắc và tâm một cách tự tại.  Cho nên từ địa vị phàm phu cho đến khi thành Phật, Bổ Đặc Già La là một thật thể tồn tại quán thông ba đời, duy trì nghiệp nhân lành dữ, và biết khắp tất cả.

3.  Ba tụ và năm tạng:   Độc Tử bộ lại lập ra ba tụ và năm tạng.  Ba tụ là Hữu vi tụ, Vô vi tụ và Phi nhị tụ.  “Tụ” có ý nghĩa: phân loại, bộ phận.  Hữu vi tụ là phân loại thuộc các pháp hữu vi.  Vô vi tụ là bộ phận về vô vi pháp.  Phi nhị tụ là chỉ cho Bổ Đặc Già La, vì thật thể nầy không thuộc về hữu vi pháp của ngũ uẩn, cũng không thuộc về vô vi pháp của Niết bàn.

Từ ba tụ, Độc Tử bộ lại chia thành năm tạng.  Năm tạng ấy là: Quá khứ tạng, Hiện tại tạng, Vị lai tạng, Vô vi tạng, và Bất khả thuyết tạng.  Ba tạng đầu gọi là Tam thế tạng, do sự tế phân từ Hữu vi tụ.  Vô vi tạng tức là Vô vi tụ.  Còn Bất khả thuyết tạng là biệt danh của Phi nhị tụ, tức chỉ cho Bổ Đặc Già La.

Kết luận lại, giáo nghĩa của Độc Tử bộ rất giản ước, thâu gồm muôn pháp trong ba tụ.  Về đường lối tu hành, thì bộ nầy chủ trương phá sự chấp trước trên hữu vi, vô vi, mà xu hướng về Phi nhị tụ, làm hiển lộ Bất khả thuyết tạng, tức Bổ Đặc Già La.  Riêng về thuyết Bổ Đặc Già La, có thể gọi là giáo nghĩa đặc thù của phái Độc Tử, và làm cơ sở cho lập thuyết Như Lai tạng của Đại thừa Phật giáo về sau.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Giáo Nghĩa Các Bộ Phái