Dùng Dao Khoét Miệng
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Người nọ về bên nhà vợ chơi, gặp lúc đang gĩa gạo, anh này bèn ăn cắp gạo ngậm đầy miệng, khi người vợ đến trò chuyện, người chồng ngậm đầy gạo nên không đáp, lại không dám nhổ ra vì sợ mất mặt, nên làm vẻ trầm ngâm, người vợ sờ miệng chồng cho là miệng bị sưng, nên nói với cha “chồng con vừa về đây đã bị sưng miệng, không nói chuyện được”. Người cha vội gọi thầy thuốc đến trị bệnh. Thầy thuốc nói “bệnh này rất nặng, phải dùng dao khoét, mới chữa trị được”, và rồi thầy thuốc lập tức dùng dao khoét miệng gạo liền đổ ra, bấy giờ mới vỡ lẽ mọi sự.
 

Thế gian cũng vậy, làm mọi tà hạnh, phạm giới bất tịnh, che dấu không sám hối, đọa tam ác đạo, như người ngu này vì chút hổ thẹn, không dám nhổ gạo ra, nên phải chịu dao khoét, mới phơi bầy tội lỗi.
 
Lời Bình :

Bản ngã của chúng sinh là đầu mối gây ra mọi nghiệp nhân,  các câu chuyện ngu “vợ chồng tranh bánh” hay “hại mình hại người” đều do bản ngã mà phát khởi ngu si. Câu chuyện này nêu lên một thứ ngu si phiền não khác của bản ngã là phú (che đậy). Phú cùng với phẫn, hận, não, tật, san, cuống, siểm, hại, kiêu…thuộc về 20 món tùy phiền não. Sở dĩ gọi là tùy phiền não bởi các pháp này từ căn bản phiền não khởi, dẫn đến các tư duy và hành động ngu si nên chịu quả phiền não.
 
Bản ngã thường có tính che đậy (phú), vì vốn có tính kiêu (kiêu cũng thuộc về tùy phiền não), nên luôn sợ “ mất mặt ”, tuy sợ mất mặt nhưng lại thích làm các nghiệp mất mặt như tật (ganh ghét), san (bỏn xẻn), cuống (dối gạt), hại…Tạo tác các nghiệp mất mặt đều do vì tham sân si là những thứ căn bản phiền não, tạo rồi tất phải che đậy. Che đậy không được thì sinh phẫn, hận, cuống, hại…Chung cục từ ác nghiệp dẫn đến nghiệp ác, quả là từ nơi tối tăm về miền tăm tối. Từ một ác hành sinh ra bao ác hành, từ một phiền não dẫn đến muôn vàn phiền não. Hành nghiệp như vậy gọi là ngu si.
 
Phàm phu cũng giống như người ngậm gạo trong câu chuyện này, thường vì tham dục làm chuyện mờ ám, lại sợ xấu hổ, nên tạo dựng nên những hoàn cảnh hay lời lẽ giả dối hầu che đậy, một khi phàm phu phải che đậy tất nhiên tự biết việc mình làm là không tốt, nên lo âu phiền não, sợ bị phanh phui, song do nơi có tật giật mình, nên tự dối thiên hạ một cách không tự nhiên, khiến tha nhân thắc mắc tìm hiểu, như người vợ gọi thầy thuốc đến khám bệnh cho chồng, do đó toàn bộ những dối trá đều bị phơi bầy, khi dó phàm phu thường không biết hổ thẹn hối cải, lại sinh phẫn hận, dùng ác tâm hại người, mà không tự biết rằng phàm làm việc gì cần phải che đậy tất nhiên là mờ ám, khi bị phanh phui thì nên nhận lỗi, nhưng ngu nhân thường đã không nhận lỗi lại còn tìm cách chống chế bằng mọi hành động, khiến phiền não gia tăng phiền não. Vì vậy đức Phật thường khen người biết ăn năn hối cải, như trong kinh Bát Niết Bàn đức Phật dậy “Trí giả hữu nhị, nhất giả bất tạo chư ác, nhị giả tác dĩ sám hối ” (Người trí có hai hạng, hạng thứ nhất không tạo các ác, hạng thứ hai tạo rồi biết sám hối).
 
Do khi biết sám hối tức biết tội cấu, nhờ vậy ác nghiệp được dừng lại, nếu kẻ ác không biết sám hối tất sinh sân khuể tiếp tục biện minh tác ác, hoặc giả ôm lòng thù hận, nghĩ cách hại người, nghiệp ác do đó lan tràn, từ một ác nhỏ năng thành ác lớn, như biết sám hối thì từ ác nhỏ trở thành đoạn ác. Vì vậy đức Thế Tôn dậy tiếp “ Tuy tiên tác ác, hậu năng phát lồ, sám dĩ tàm quý, cánh bất cảm tác. Do như trược thủy, trí chi minh châu, dĩ châu uy lực, thủy tức vi thanh, như yên vân trừ, nguyệt tắc thanh minh, tác ác năng hối, diệc phục như thị ” (tuy trước làm ác nhưng sau biết nhận lỗi, sám hối ăn năn, không dám tái phạm. Tựa như để minh châu trong nước đục, nhờ lực minh châu nước trở thành trong. Lại như mây khói tan, ánh trăng  hiển bầy, làm ác biết hối cải cũng tựa như vậy).
 
Người ngu vì bản ngã nên sợ mất mặt hơn sợ ác nghiệp và khổ quả, cũng bởi do ngu si vô trí, nên không thấy quả báo tương lai, chỉ thấy cái xấu hổ nhất thời, nên thường không ăn năn cải quá. Họ không nhận chân được hành động dám nhận lỗi và hối cải là tư cách cao thượng của người thiện lương. Tỏ bầy tư cách cao thượng không phải là việc đáng xấu hổ, điều đáng hổ thẹn nhất là làm lỗi mà còn chối leo lẻo và sân hận, bởi đó là việc làm biểu lộ một tư cách thấp hèn.
 
Kẻ ngu thường chạy tội bằng che đậy, mà không biết che đậy cũng là một tội, nên làm tội để che tội, tội càng thêm lớn, chỉ có “ chạy tội ” bằng cách nhận lỗi sửa đổi, tội mới được chặn đứng và tiêu trừ. Để khuyến cáo những kẻ ngu si đó, đức Thế Tôn nói kệ “giả sử kinh bách kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ” (dù trải qua trăm kiếp, chỗ tác nghiệp không mất, khi nhân duyên hội đủ, tự chịu mọi quả báo).
 
Do vậy người tu học Phật không nên học theo anh chồng ngậm gạo trong câu chuyện này, để rồi phải chịu nhiều hậu quả tai hại còn hơn bị khoét miệng như trong câu chuyện này.
 
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Năm Trăm Bánh Hoan Hỷ
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Chỉ Học Bằng Miệng
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Vợ Chồng Tranh Bánh
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Hại Mình Hại Người
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ