Niệm Phật Với Tứ Chánh Cần
Thượng Tọa Thích Phổ Huân

 Tứ Chánh Cần là bốn phương pháp siêng năng bỏ ác, làm lành đúng theo chánh pháp. Bốn pháp ấy là:
 
- Siêng năng ngăn chặn điều xấu ác chưa phát sanh
 - Siêng năng dứt trừ điều xấu ác đã phát sanh
 - Siêng năng làm phát sanh những điều tốt chưa phát sanh
 - Siêng năng tiếp tục làm phát sanh các điều lành đã phát sanh
   
a) Niệm Phật ngăn chặn điều xấu ác chưa phát sanh
 
Tâm ý con người hằng ngày trong đời sống thường hay bị vọng động, vì luôn phải đối diện mọi lo toan, mưu cầu cho cái sống. Từ cái lo lắng này, chúng ta đã ít nhiều chứng kiến hay kinh nghiệm bản thân qua những phiền não trong đời. Tác ý phiền não đó, len lỏi vào trong tâm tư, tư tưởng tạo thành một hòm chứa đầy toan tính, lo liệu. Tuy nhiên cũng có ý niệm tốt lẫn lộn trong ý niệm xấu. Dữ kiện rối ren đó chỉ chờ thời cơ hay được phép, tức thời sẽ bộc phát. Do vậy càng chứa nhiều toan tính trong đầu, sự bộc phát càng có dịp nhảy xô ra. Nhưng chứa đựng nhiều tư tưởng, ý nghĩ đẹp lành thì tốt, ngược lại nguy hiểm vô cùng.
 
Chúng ta hay nghĩ rằng, đây chỉ là một ý niệm xấu thoáng dấy lên đầu, có chi mà lo sợ! Điều này không đơn giản như vậy. Vì nếu để ý niệm kia nằm mãi trong đầu thì một lúc nào đó chắc chắn sẽ bộc phát và biến thành hành động.
 
Nhìn xem trong cuộc sống, chẳng có gì xảy ra mà tự nhiên cả. Mọi việc đều có thời có lúc, có nguyên nhân. Chẳng hạn nhà văn sĩ muốn viết một tác phẩm, trước hết nhà văn phải bắt đầu có manh nha, nhen nhúm trong đầu những hình ảnh mình cố đặt ra. Rồi cố nuôi giữ mãi cho đến khi chín muồi để bày tỏ lên trang giấy .
 
Như thế ở điều đầu tiên trong bốn phép Chánh Cần chúng ta phải cố gắng làm sao ngăn chặn những ý niệm xấu ác vừa mới tượng hình trong đầu hay điều sai lầm tội lỗi nào mà trước đây ta chưa bao giờ phạm, lại cố gắng diệt trừ ngay khi nó vừa chớm nở.
 
Với người thực hành pháp niệm Phật, thì danh hiệu Phật là phương tiện ngăn chặn ý tưởng bất thiện. Cố làm sao câu niệm Phật tuôn chảy mãi như nước trong nguồn không đứt đoạn, như vậy mảng đá xấu ác sẽ bị xoáy mòn, không có cơ hội tồn tại.
 
Ta cũng nên hiểu quan niệm ác theo căn bản đạo Phật không chỉ là hành động đánh đập giết chóc... mà ác chính ngay ở ba độc Tham, Sân, Si. Từ ba độc này tạo ra nghiệp tội.
 
Một lời nói, một sự im lặng cũng có thể là thiện và cũng có thể là ác. Nói lời đâm thọc, chỉ trích khiến người phải đau khổ dẫn đến quyên sinh. Im lặng không phản ứng, thông cảm, chia xẻ như trách cứ, trút hết nỗi thống khổ lên đầu người cũng đưa đến sự bứt tử, chết oan... Do đây việc ác cũng có thể xảy ra từ một hành động xem rất thường như vừa kể. Thế nên dùng câu Phật hiệu để chế ngự ba độc, thanh lọc tư tưởng diệt đi xấu ác đang ngấm ngầm nẩy sinh trong ta.
 
b) Niệm Phật dứt trừ điều xấu ác đã phát sanh
 
Đã là người ai cũng có lỗi, và ít nhiều hơn một lần gây ra phiền hà, đau khổ cho người hay chính mình. Nhưng con người quý nhất ở việc biết sám hối, biết hổ thẹn để chuộc lại lỗi lầm. Có sám hối, biết hổ thẹn, chúng ta mới dễ chịu, nhẹ nhàng thân tâm khi đã tự nhận tội lỗi của mình. Kinh Tâm Địa Quán nói "Nếu như pháp mà sám hối thì tất cả phiền não thảy đều tiêu trừ. Cũng như lửa kiếp làm hoại thế gian, thiêu đốt núi Tu-Di luôn biển cả. Sám hối có thể thiêu đốt rừng phiền não. Sám hối có thể vãng sanh về cõi thánh. Sám hối có thể được vui tứ thiền. Sám hối là mưa bảo châu ma-ni. Sám hối có thể sống lâu như kim-cang. Sám hối có thể vào được cung điện thường lạc. Sám hối có thể ra khỏi ngục tam giới. Sám hối có thể làm hoa Bồ Đề nở. Sám hối có thể được gương tròn lớn của Phật. Sám hối có thể đến chổ bảo thành (31)."
 
Riêng nói về người không biết sám hối, ăn năn sẽ phải đau khổ mãi vì không ai thông cảm, thương hại. Cũng như chính bản thân sẽ bị dày vò, dằn vặt đến cả cuộc đời.
 
Hổ thẹn cũng vậy, biết hổ thẹn chúng ta không dám tái phạm những lỗi lầm đã tạo ra. Kinh Di Giáo, Phật dạy "Người có hổ thẹn thì có thiện pháp, nếu người không biết hổ thẹn cùng với những loài cầm thú không khác chút nào vậy."
 
Như thế việc ta hiểu rằng, khi đã lỡ tạo ra những sai lầm thì ta phải tự cố gắng sám hối, hứa lấy sẽ không tái phạm nữa. Và một khi tư tưởng có móng lên việc xấu ác ta liền biết ngay đây là việc sai ta đã phạm rồi, nay không dám tạo tác nữa. Thêm một điều giúp ta ngăn chặn và dứt trừ được việc xấu ác là nên suy tìm nguyên nhân, đưa ra hậu quả sẽ xảy ra nếu ta hành động. Vậy trong lúc suy niệm, phán xét chắc chắn có thể kịp thời phá được ý tưởng xấu kia.
 
Cũng như pháp đầu của Tứ Chánh Cần, dùng danh hiệu Phật để ngăn chặn, tiêu diệt ý tưởng sai lầm, đang chóm nở trong đầu, thì ở pháp thứ hai này ta vẫn duy trì danh hiệu Phật để gội rửa và sám hối những ác nghiệp đã lỡ gây ra trong quá khứ và hiện tại.
 
c) Niệm Phật để làm phát sanh những điều tốt chưa phát sanh
 
Trong hai pháp đầu, chúng ta cố gắng ngăn ngừa và dứt trừ, ngược lại ở pháp này và pháp cuối, ta lại gắng làm phát sanh, tạo cho việc này sẽ tiếp tục vậy mãi. Điều gắng làm phát sanh hẳn phải là điều thiện, pháp lành.
 
Như ta biết tư tưởng có xấu, có tốt chúng được huân tập mãi trong đầu. Vậy nếu được thanh lọc, chọn lựa để tích trữ, ứng dụng thì đây là việc đáng làm khi chọn điều hay ý đẹp. Có cố gắng sáng tạo những hình ảnh đẹp, hình ảnh lành hợp với Phật pháp; nuôi dưỡng ý niệm thiện lành như thế, thì cơ hội phát sinh thể hiện ra bên ngoài sẽ dễ dàng đối với chúng ta.
 
Người mà có được ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh hẳn là người luôn nuôi dưỡng và sáng tạo những thiện niệm trong tâm tư. Do đó có thể hiểu rằng làm phát sinh thiện niệm là tự làm cho ba nghiệp mình được an lành trước nhất. Tiếp theo từ sự an lạc đó, ý niệm thiện lại càng tăng thêm.
 
Với việc niệm Phật lúc này, là động cơ giúp ta phát triển điều lành một cách tích cực hơn. Bởi vì khi niệm Phật có nghĩa là niệm ý tưởng lành. Một câu Phật khởi lên một điều lành được hun đúc. Nhiều câu Phật phát sanh, nhiều niệm lành sanh khởi, và cứ như vậy điều lành sẽ được thể hiện qua tâm niệm Phật giống như tâm nghĩ thế nào thì hành động như thế đó.
 
d) Niệm Phật để luôn tiếp tục làm phát sanh những điều lành đã phát sanh
 
Có lẽ không có ai tự hào rằng tôi đã làm quá nhiều việc tốt lành, và đời tôi không có chi là xấu ác. Nếu người nào được như vậy bằng sự thật thì người đó phải là Thánh nhân. Nhưng thật ra các vị Thánh nhân cũng vẫn thấy việc làm lành hướng thượng cũa các Ngài vẫn chưa đủ. Như vậy so với chúng ta những phàm nhân, chậm lụt đâu lẽ nào dám ngưng việc làm lành hướng thượng, hay tự cho mình đã làm đủ rồi! Nhìn ngược về quá khứ, chúng ta đã từng nghe nói các vị Thánh nhân, đức trọng luôn luôn tinh tấn siêng năng cho đến cuối cuộc đời. Trong Luật Sa Di có nhắc Ngài Hiếp tôn giả cả một đời không đặt lưng dính chiếu. Ở Ấn Độ có Thánh Gandhi hy sinh trọn đời làm việc của ông cho lý tuởng hòa bình, bất bạo động. Ngọn đuốc tràn đầy từ bi, trí tuệ của Hoà Thượng Thích Quảng Đức phải chăng đã đến từ sự đại tinh tấn, hằng nuôi dưỡng dòng thiện niệm, và còn biết bao vị cao tăng ẩn danh cho đến khi lặng lẽ viên tịch ở một nơi nào đó mà không ai hay biết.
 
Do vậy ở pháp cuối trong bốn pháp Chánh Cần này, Phật dạy chúng ta phải cố gắng phát triển mãi những ý niệm thiện, và chính nhờ sự gia công luôn luôn này, những ác niệm không có chỗ đứng trong đầu của ta; cũng như việc làm lành mới được viên mãn. Và người thực hành công phu niệm Phật sẽ làm luân lưu mãi dòng nước thiện niệm bằng danh hiệu Phật chảy mãi đến cuối cuộc đời trong niềm an lạc hạnh phúc.
 
Trích từ: Hương Thơm Niệm Phật
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
2 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
3 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Niệm Phật Chỉ Nam, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
5 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
6 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
7 Niệm Phật Thành Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
8 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
9 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
10 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
11 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
12 Niệm Phật Thập Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
13 Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư, Hòa Thượng Thích Minh Quang Tải Về
14 Niệm Phật Dẫn Đi Khỏi Luân Hồi, Mạt Nhân Đạo Quang Tải Về
15 Niệm Phật Pháp Yếu, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về

Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết
Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn

Tứ Chánh Cần
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Tứ Như Ý Túc
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Niệm Phật Với Tứ Niệm Xứ
Thượng Tọa Thích Phổ Huân

Trì Danh Niệm Phật Có Mười Phương Pháp
Hòa Thượng Thích Hồng Đạo

Tứ Nhiếp Pháp
Hòa Thượng Thích Tịnh Không