Home > Khai Thị Niệm Phật
Chung Quanh Vấn Ðề Vãng Sanh
Hòa Thượng Thích Trí Thủ


Tiết Thứ 1. Không Sanh Về Tịnh Độ Tất Phải Đọa Ác Đạo

Trong mười phương, số thế giới tuy nhiều vô tận, nhưng xét về phương diện tịnh uế thì chỉ có thể chia làm hai loại mà thôi: Một là Tịnh Ðộ của chư Phật, hai là tam giới (uế độ) của chúng sanh; không sanh về bên nọ tất phải sanh về bên kia. Sanh về Tịnh Ðộ tức là thoát ly sanh tử, sanh trong tam giới tức là còn sống chết luân hồi.

Người đời, nếu chỉ làm việc thiện thế gian hoặc chỉ tin phép ngũ giới, thập thiện mà không niệm Phật, tức là chưa kết duyên với Phật. Đã cùng với Phật vô duyên thì chủng tử thanh tịnh vô lậu xuất thế gian sẵn có trong đệ bát thức không có trợ duyên để phát sanh; nếu chủng tử thanh tịnh không phát sanh thì dù cho có tu điều thiện nhiều đến đâu cũng chỉ sanh về cõi trời là cùng, chứ tuyệt đối không sanh về cõi Phật được. Ở cõi trời, phước báu tuy nhiều, nhưng vẫn có hạn và sai khác nhau, nên cuối cùng sẽ có ngày phước hết, báo cùng, thọ mạng tất phải chấm dứt, để rồi tùy nghiệp mới mà thác sanh qua cõi khác, quanh quẩn trong tam giới. Sự thác sanh hoàn toàn tùy thuộc các nghiệp nhơn, thiện hay ác, đã từng gây thêm trong thời gian sanh ở cõi trời ấy. Nếu nghiệp nhơn ấy là thượng phẩm thập thiện thì vẫn sẽ sanh ở cõi trời; nếu trung phẩm thập thiện thì sanh về cõi người; nếu là hạ phẩm thập thiện thì sanh về cõi A tu la; nếu là thượng phẩm thập ác thì đọa vào địa ngục, nếu là trung phẩm thập ác thì đọa vào ngạ quỷ; nếu là hạ phẩm thập ác thì đọa vào bàng sanh.

Chỉ vì các chủng tử thiện, ác trong sáu đường đều là những chủng tử hữu lậu, có công năng hỗ trợ cho nhau thuần thục, nên đều có tánh chất luân hồi. Vì thế mà chúng sanh cứ mãi luẩn quẩn vô ra trong tam giới, lên xuống trong sáu đường không bao giờ ngừng nghỉ. Lại thêm, tư tưởng và hành động của hết thảy trong sáu đường đều xuất phát bởi khởi điểm thân kiến, ngã chấp, cho nên dữ nhiều lành ít và do đó, thiện nghiệp ít thua ác nghiệp. Kết quả là số chúng sanh sanh vào ba đường dữ nhiều hơn số chúng sanh sanh vào ba đường thiện, thời gian ở trong ba đường dữ cũng lâu hơn. Vì lẽ ấy, Phật dạy: "Chúng sanh lấy ba đường dữ làm cố hương".

Bởi các lẽ trên, ta có thể kết luận một cách quả quyết rằng: Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên là phải niệm Phật. Đó là một sự thật tất nhiên không thể phủ nhận.

Tiết Thứ 2. Tông Tịnh Độ Là Thuyền Từ Duy Nhất Của Thời Mạt Pháp

Trong thời kỳ Chánh Pháp (thời kỳ đức Phật mới nhập diệt), chúng sanh nhờ phước đức dày mà nghiệp chướng nhẹ, cho nên bất cứ tu theo pháp môn nào cũng đều được thành tựu. Bước qua thời kỳ Tượng Pháp (thời kỳ cách Phật niết bàn 1. năm), vì cách Phật hơi xa, nhơn tâm lần lần đi xuống, tư lự lần lần phức tạp thêm, trong mười người tu hành may ra được năm, ba người thành tựu. Đến ngày nay, gặp buổi mạt pháp, nhân tâm càng suy đốn thêm, tư lự càng nhiễu tạp hơn và phong tục thì đồi bại đến cực điểm. Nhơn tâm như thế, hoàn cảnh như thế, người phát tâm tu hành chân chính đã là hãn hữu rồi, nói chi đến việc đắc đạo chứng quả nữa! Lại thêm, pháp môn nào cũng đòi hỏi sự cố gắng của tư lự quá nhiều, nên kết quả thu lượm được lại càng hẹp nhỏ!

Muốn chống đỡ với những khó khăn chướng ngại của thời mạt pháp không còn có pháp môn nào hơn pháp môn Niệm Phật. pháp môn này tự nó đã đơn giản dễ theo, ngoài ra nó lại dồn được cả hai sức: tự, tha, để hỗ trợ cho nhau nên dễ thành tựu. Trong kinh Đại Tập dạy: "Đời mạt pháp, trong số ức triệu người tu hành, chưa có được một người đắc đạo; duy chỉ có nương vào pháp môn niệm Phật mới được độ thoát sanh tử". Vì thế nên biết, sau khi các tông phái khác suy tàn, duy chỉ có một Tông Tịnh Ðộ là còn tồn tại để nối dài pháp vận, cứu độ chúng sanh mà thôi; các Tông khác như Thiền tông, Giáo tông, Luật tông v.v... đều phụ thuộc làm trợ duyên cho Tông Tịnh Ðộ, chứ không có thể đơn độc tồn tại riêng được.

Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật đã dạy: "Trong đời vị lai, khi kinh đạo diệt hết ta dùng lòng từ bi, đặc biệt lưu lại kinh nầy tồn tại trong một trăm năm, chúng sanh nào gặp được kinh nầy, đều có thể được độ thoát như ý sở nguyện".

Nên nhớ rằng cuối đời mạt pháp, sau khi kinh đạo diệt hết, do lòng từ bi của đức Phật đặc biệt lưu lại một pháp môn mà thôi, ấy là pháp môn Tịnh Ðộ. Nhờ sự đặc biệt ấy, đạo pháp sẽ kéo dài thêm một trăm năm nữa để độ cho hết những chúng sanh còn chút nhơn duyên với Phật. Với một trí huệ sâu xa vi diệu như Ngài, vì sao Ngài không lưu lại pháp môn khác mà chỉ riêng lưu pháp môn Tịnh Ðộ?

Vì Ngài biết rằng với chúng sanh cuối đời mạt pháp chỉ có một pháp môn ấy là có thể độ thoát sanh tử mà thôi. Xem thế đủ biết pháp môn Tịnh Ðộ là pháp môn thích ứng bậc nhất cho đời nầy và về sau. Đó là con thuyền Từ duy nhất đưa chúng sanh lên bờ giải thoát cho đời mạt pháp nầy vậy.

Tiết Thứ 3. Chưa Đoạn Trừ Hết Hoặc Nghiệp Mà Vẫn Được Dự Vào Hàng Thánh

Tất cả chúng sanh sở dĩ bị đọa vào con đường sanh tử luân hồi là vì hoặc nghiệp (nghiệp mê lầm) gây nên từ đời vô thỉ. Hoặc nghiệp cũng tức là vô minh gồm có căn bản vô minh và chi mạt vô minh. Chính hai thứ vô minh ấy xua đuổi chúng sanh vào trong ba cõi và quanh quẩn mãi trong sáu đường, khiến chịu không biết bao nhiêu là khổ sở. Vì vô minh có công năng xô đẩy chúng sanh trôi nổi mãi, nên gọi là lưu chuyển môn (cửa lưu chuyển).

Căn cứ vào lẽ thường tu hành thì trước hết cần phải đoạn hoặc (dứt mê lầm) mới chứng đuợc chơn lý. Nếu chỉ mới phá được một phần vô minh tức là chỉ mới chứng được một phần Pháp Thân. Chứng được một phần Pháp Thân thì gọi là hoàn diệt môn (cửa đưa về đạo Tịch Diệt). Từ khi bắt đầu tu tập đoạn hoặc cho đến khi rốt ráo chứng được chơn lý, trong giai đoạn trung gian ấy, hành giả cần phải có con mắt trạch pháp tinh vi, có trình độ trí huệ minh xác, mới tránh khỏi lầm lẫn. Hơn nữa, phải trải qua ba A tăng kỳ kiếp (vô số kiếp) rồi sau đó mới chứng được Vô Thượng Chánh Giác. Cho dù chỉ cần chứng quả A La Hán thôi, cũng cần phải vận hết tự lực của mình để phá trừ hết 112 phẩm kiến hoặc (mê lầm về kiến thức) và 81 phẩm tư hoặc (mê lầm về tư tưởng) ở trong ba cõi nầy, rồi mới thành tựu được công phu tu chứng. Xem đó thì biết những bước khó khăn mà hành giả phải trải qua lớn lao biết là dường nào!

Trái lại, với pháp môn Tịnh Ðộ thì không cần kể sanh tiền hành động như thế nào, miễn có chuyên tâm niệm Phật là nhất định vãng sanh. Khi đã được vãng sanh, tức thời bước lên địa vị bất thoái. Như vậy là chưa đoạn hoặc nghiệp mà đã được dự vào hàng Thánh. Sau khi vãng sanh rồi, nhờ hoàn cảnh thuận tiện, tự nhiên nghiệp chướng tiêu trừ, trí huệ phát triển, công quả thành tựu viên mãn một cách dễ dàng, khác nào như thả một bè gỗ từ trên dòng nước; bè gỗ tự nhiên trôi xuôi về biển, không cần phải phí nhiều công sức. Được như vậy là nhờ tha lực hỗ trợ một cách rất đắc lực vậy. Đặc điểm ấy của pháp môn Tịnh Ðộ, ai là bậc trí giả đều có thể nhận rõ ràng và y cứ mà thực hành chín chắn, khỏi phải giới thiệu dông dài.

Tiết Thứ 4 Học Phật, Niệm Phật Không Phải Là Yếm Thế, Tiêu Cực

Có lắm người muốn học Phật, niệm Phật mà trong lòng lại ngại dư luận gán cho là tiêu cực, yếm thế hoặc mê tín dị đoan. Họ lầm nghĩ rằng việc tu niệm là việc dành riêng cho ông già bà lão gần đất xa trời; còn đối với những người như họ là phải có những việc khác tích cực hơn, trí thức hơn. Vì vậy, mặc dầu trong lòng họ vẫn thầm mong muốn, nhưng khi ra giữa công chúng, họ không dám công khai lễ Phật, niệm Phật. Thật là một điều sai lầm tai hại!

Đạo Phật là một tôn giáo, nhưng đó cũng là một triết học rất cao thâm vi diệu. Đã là học giả thì cần nghiên cứu môn triết học nầy, và khi đã nghiên cứu rồi, lại còn phải đem ra thực hành. Vì Phật học là một môn học gồm đủ cả lý lẫn sự, phần lý cốt để hướng dẫn cho phần sự và phần sự cốt để làm sáng tỏ thêm phần lý, lý và sự vốn dung thông nhau, nên nếu thật hành được sự thì có thể đạt được cảnh giới tối cao thâm và càng viên mãn hóa phần lý vi diệu. Phật học khác với các môn triết lý thế gian là tại chỗ đó và cũng chính điều đó mà Phật học khác với các tôn giáo khác: Lý do nào có sự ấy và sự nào có lý nấy, lý thì đều có thể thật hành được, sự thì đều có thể lý giải được. Vì vậy, tùy từng sở cầu, ai muốn riêng nghiên cứu về phần lý giải cũng được, mà ai muốn y lý thực hành để cho sáng tỏ hơn thì cũng lại càng tốt. Sở nguyện nào cũng đều trọn thỏa mãn được cả. Nói một cách đơn giản hơn là từ những sự lý thiển cận áp dụng hằng ngày đến những cảnh giới thâm diệu siêu tuyệt, không một điều gì mà Phật học không giải quyết một cách viên mãn.

Một môn học vấn cao thâm như thế mà có kẻ nông nổi cho là mê tín hay tiêu cực v.v... thì thật là không khác gì người mù phê bình tranh đẹp, dương cặp mắt... đui lên chẳng thấy gì cả mà cũng nói càn! Không hiểu một chút gì về Phật pháp, chưa từng vô tư tham cứu Phật pháp, chỉ mới thấy một khía cạnh bên ngoài là sự niệm Phật của ông già bà lão mà đã vội cho là mê tín, là thiển cận v.v... đó là hành vi nông nổi của hạng môn ngoại hán (người đứng ngoài cửa). Hạng người như thế thật ra cũng chưa đáng trách lắm. Có đáng trách chăng là như tín đồ Phật giáo chúng ta, vì thiếu duyên không tìm hiểu cho thấu đáo, khiến cho có những tư tưởng lệch lạc như họ!

Chúng ta nên hiểu rằng, pháp môn Niệm Phật không riêng gì ông già bà cả tu theo mà ngay đến các đức Đại Bồ Tát, như các Ngài Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân v.v... và các nhà đại văn hào cư sĩ như Bạch Cư Dị, Văn Ngạn Bác, Vương Nhật Hưu v.v... cũng đã từng áp dụng có hiệu quả. Như thế, pháp môn Niệm Phật là một pháp môn rất phổ thông từ hạng phàm phu cho đến các đấng Thánh hiền, từ hàng cùng đinh tục tử cho đến các bậc văn nhân học giả. Một phép tu rộng rãi thích hợp cho từ dưới phàm phu lên trên Thánh giả, bao trùm hết các giáo, thâu nhiếp cả mười Tông, tại sao lại không dám tuyên dương cho mọi người đều biết, lại còn sợ dư luận châm biếm? Âu cũng chỉ là những kẻ nhấp nhem để rồi bắt chước mù theo.

Hạng mù kia làm sao hiểu được cách thờ cúng của người Phật tử, bất luận là đốt hương, lễ bái, niệm kinh, tụng sám cho đến tuyên dương Phật hiệu, nhất nhất đều bao hàm một tác dụng vô cùng sâu xa nhiệm mầu ở trong đó. Hằng ngày hành trì như trên là cốt muợn cảnh giới thanh tịnh, vận dụng tâm niệm thanh tịnh để gột tẩy hoặc nghiệp ô nhiễm chất chứa vô thỉ kiếp đến nay trong tâm và đang hiện ra ngoài thân, đồng thời cũng để vun xới cho hột giống thanh tịnh xuất thế mỗi ngày một tăng trưởng. Vì thế tôi dám khuyên các bậc thiện trí thức Phật tử trong khi làm Phật sự, không những không nên sợ dư luận mà đồng thời lại còn phải tinh tấn khuyến khích mọi người làm theo. Phật dạy: "Nhơn thân nan đắc, Phật pháp nan văn" (Thân người khó được, Phật pháp khó gặp). Nay đã được làm thân người mà lại được gặp Phật pháp, nếu chẳng cố công học hỏi thì nào có khác gì người nghèo được đến non vàng mà lại đành cam phận khó và chịu bỏ về không, há chẳng uổng lắm sao!

Tiết Thứ 5. Tán Tâm Niệm Phật Vẫn Có Công Hiệu

Miệng niệm Phật, tâm chuyên nhất tưởng nghĩ đến Phật gọi là định tâm niệm Phật. Miệng niệm Phật, tâm không tưởng nghĩ đến Phật mà lại suy nghĩ vẩn vơ gọi là “tán tâm niệm Phật”. Tán tâm niệm Phật so với định tâm niệm Phật, công hiệu hai bên vốn cách nhau rất xa. Vì thế, xưa nay các bậc đại đức đều khuyên hành giả định tâm niệm Phật, chứ không bao giờ khuyên tán tâm niệm Phật. Nhưng, sự thật thì nhất cử nhất động gì bên ngoài đều ảnh hưởng đến nội tâm nên dù là tán tâm niệm Phật, sự niệm Phật ấy không phải hoàn toàn vô công hiệu. Vả lại, trong khi miệng ta niệm lục tự Di Đà, đó há không phải là phát xuất tự trong tâm ta mà ra hay sao? Cho nên, trong khi miệng ta niệm, bắt đầu là sáu chữ ấy phải từ ý muốn do trong tâm ta phát ra, thứ lại, khi sáu chữ đã phát thành tiếng, âm thanh phát ra nhứt định phải trở lui huân tập tâm ta; như thế không thể nói rằng nó hoàn toàn không có hiệu lực, chẳng qua công hiệu của nó so với công hiệu của định tâm niệm Phật có kém thua mà thôi. Chỉ vì công hiệu kém thua nên Cổ Đức không đề xướng, kỳ thực sức hàm ẩn và công hiệu của nó không thể tuyệt đối vô công.

Người xưa có bài kệ rằng:

"Di Đà nhất cú pháp trung vương,

Tạp niệm phân vân giả bất phương,

Vạn lý phù vân già xích nhật,

Nhơn gian xứ xứ hữu dư quang".

Tạm dịch là:

"Di Đà sáu chữ lớn lao thay,

Tạp niệm lăng nhăng chẳng ngại bày,

Muôn dặm mây mờ che mặt nhựt,

Nhơn gian ánh sáng vẫn còn đây."

Bài kệ nói rất xác đáng. Tịnh chủng (chủng tử thanh tịnh) ở trong đệ bát thức, một khi đã thuần thục, trở ra huân tập đệ lục ý thức phát sanh tịnh niệm; rồi đệ lục ý thức lại dắt dẫn năm thức trước (từ nhãn thức đến thân thức) sanh khởi hiện hạnh. Nhưng khi đi ngang qua ý thức, có lúc bị trần cấu ô nhiễm quá dày, sóng lòng bị kích động quá mạnh đến nỗi lấn át tịnh niệm. Ý thức tuy tán loạn nhưng tịnh niệm vẫn liên tục phát khởi và vẫn xuyên qua được, khác nào ánh sáng mặt trời xuyên qua đám mây dày đặc; tuy mây che phủ cùng khắp, nhưng ở giữa nhơn gian vẫn còn có chỗ lập loè ánh sáng, chứ không tối hẳn như ban đêm. Mây mù chưa tan, song ánh sáng lập lòe kia của mặt trời vẫn có công dụng.

Riêng kinh nghiệm bản thân, bình nhật lắm lúc tôi cũng gặp phải tán niệm quấy rối. Gặp phải trường hợp như thế, tôi vẫn cứ niệm, không cần kể tánh chất tạp niệm ấy là như thế nào, miễn giữ cho niệm niệm đừng xen hở; niệm một lúc lâu rồi tự nhiên lần hồi tỉnh định trở lại, không cần phải dụng tâm điều nhiếp, lâu ngày định niệm trở nên thuần thục. Vì thế, cận lai, bất cứ ngày đêm, lúc nào tôi cũng niệm Phật, không cần nghĩ đến tán tâm hay định tâm.

Người xưa trong bốn uy nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, không lúc nào là không niệm. Nếu bảo rằng phải định tâm mới nên niệm Phật, thì trong lúc đi đường vấp ngã hoặc khi mặc áo, viết chữ v.v... làm sao thành tựu được sự niệm Phật? Vì thế cho nên biết rằng tán tâm niệm Phật vẫn có lợi.

Chủ trương như trên đây, không có nghĩa rằng tôi nhất thiết cổ xúy cho sự tán tâm niệm Phật. Cố nhiên nếu định tâm niệm Phật được thì rất quý, nhưng rủi có bị tán tâm cũng đừng lo ngại. Lý do thứ nhất là: Dù định tâm hay tán tâm, đã có niệm Phật tức nhiên có chủng tử sanh hiện hạnh và ngược lại hiện hạnh ấy sẽ huân tập trở lại đệ bát thức tạo thành chủng tử; đằng nào cũng vẫn có sanh khởi và huân tập cả, chẳng qua sức huân tập của tán tâm thì không mạnh bằng sức huân tập của định tâm mà thôi. Lý do thứ hai là: Dù bị tán tâm, cũng cứ nên niệm và phải niệm cho chuyên thì tự nhiên tán tâm sẽ được chuyển thành định tâm. Vì hai lý do ấy nên ở đây vẫn tùy hỷ sự tán tâm niệm Phật vậy.

Tiết Thứ 6. Chữ Y (Đọc Là: A) Nếu Tồn Tại, Các Chữ Khác Tồn Tại

Trong khi niệm Lục Tự Di Đà: "Nam Mô A Di Đà Phật", nếu hành giả sợ tâm niệm mình rong ruổi lăng nhăng thời có thể thực hành theo phương pháp "Thập niệm" như đã nói ở chương IV, tiết 2 để đối trị lại. Mỗi khi miệng niệm xong mười hiệu Phật thì tay lần một hột; như vậy, một đằng vừa phải nhớ số, tâm lực tập trung hết vào đó, tự nhiên vọng niệm không thể nào sanh khởi.

Nếu phương pháp thập niệm ấy lại cũng không theo được thì trong mỗi câu niệm chỉ nên nhớ tưởng riêng một chữ A cho rõ ràng, chớ để xao lãng. Miệng niệm, tâm tưởng nhớ, thì các chữ kế tiếp cũng nhớ được. Điều cốt yếu là hành giả phải làm thế nào khiến được tâm tư tập trung duy nhất rồi thì dễ đi đến cảnh "nhất tâm bất loạn", chứng được niệm Phật tam muội và chắc chắn vãng sanh.

Tiết Thứ 7. Năm Tháng Không Chờ Đợi, Đừng Nên Hẹn Lại Ngày Mai

Trên con đường tu hành, việc niệm Phật là một việc vừa cần thiết, vừa cấp bách. Hễ gặp dịp tu là tu liền, gặp dịp niệm được là niệm ngay, chớ nên chần chờ để cho thời gian luống trôi qua một cách vô ích.

Phật dạy mạng người ở trong một hơi thở, thở ra mà không thở vào nữa là đời tàn! Bất luận lúc nào, giờ phút nào, con người cũng có thể chết được, không một ai có đủ tài năng bảo đảm đời sống vững chắc lâu dài. Thế gian có câu ca rằng: "Đời người khác thể bóng câu, sớm còn tối mất biết đâu mà lường".

Sự thật đơn giản và phũ phàng ấy, từ Thánh nhân cho đến thế tục, không ai là không xác nhận. Sinh hữu hạn, tử vô kỳ, cho nên muốn kịp thời đối phó với cái chết bất thần, ta không nên để lỡ một thời gian nào trôi qua mà không tu niệm. Bất cứ lúc nào tu được, niệm được thì phải gấp rút và tinh tấn hành trì; có thế lúc lâm chung mới tránh khỏi cảnh hoang mang tay quàng chân rối, lúng túng chẳng biết về đâu!

Có một số thường nghĩ sai lầm rằng tay chân còn tráng kiện, đời sống còn dài, việc tu niệm xin để gác lại, đợi khi nào già yếu sẽ bắt đầu hạ thủ công phu cũng không muộn gì. Trong sự tu niệm bằng cách sắp đặt tính toán như trên thường hay đưa đến hỏng việc.

Ngày xưa, có người đến nhà bạn là Trương tổ Lưu khuyên niệm Phật. Trương nghe theo, nhưng xin khất lại một ngày khác vì có ba việc chưa làm xong: một là cha mẹ đang còn cần phải lo phụng dưỡng, hai là con cái chưa dựng gả xong, ba là việc nhà chưa thu xếp gọn. Trương hẹn khi nào làm xong ba việc ấy, sẽ hạ thủ công phu, nhất tâm niệm Phật. Sau khi cáo ra về được vài ba tháng, người kia trở lui thăm với chủ ý khiến ông bạn đừng nên chần chờ nữa, nhưng than ôi! Khi đến mới biết rằng bạn đã là người thiên cổ! Bèn ngậm ngùi than thở và làm một bài thơ điếu rằng:

"Ngô hữu danh vi Trương tổ Lưu,

Khuyến y niệm Phật thuyết tam điều,

Khước hận Diêm công vô phân hiểu,

Tam điều vị liễu tiện lai câu."

Tạm dịch là:

"Ông bạn tôi tên Trương tổ Lưu,

Tôi khuyên niệm Phật hẹn ba điều,

Diêm vương ác hại không thèm hiểu,

Ba việc chưa xong vội bắt liều."

Người đời dù quyền cao chức trọng đến đâu, vẫn không thể bảo đảm cho tương lai đời mình một cách chắc chắn được. Trường hợp như Trương tổ Lưu trên đây không phải là hiếm, vì thế nếu đã có chí tu hành thì tâm phải cho quyết và phải biết lợi dụng thời gian mới khỏi để ân hận về sau. Vậy, lúc nào tu được là nên tu liền, phút nào niệm được là phải niệm ngay.

Tiết Thứ 8. Tác Dụng Của Pháp Môn Niệm Phật Gồm Thâu Hết Tác Dụng Các Tông: Thiền, Luật, Giáo Và Mật

a So Với Thiền.

Phép Niệm Phật, khi chưa đạt được Nhất Tâm Bất Loạn, so với phép tu Thiền Ðịnh hai bên khác nhau rất xa:

Buổi sơ phát tâm, với phép tu thiền định, hành giả không có tâm ưa, chán, thủ, xả; với phép tu niệm Phật, hành giả lại phải ưa thủ cảnh giới Cực Lạcvà mong xả cảnh Sa bà. Với phép tu thiền định, tâm không được trú trước vào cảnh giới, nếu còn trước tức là sai lạc; với phép tu niệm Phật, tâm lấy cảnh làm đối tượng, tâm năng duyên và cảnh sở duyên phải rõ ràng. Với phép tu thiền định, tâm phải xa lìa pháp chấp; với phép tu niệm Phật, hành giả cần phải lợi dụng pháp chấp. Với phép tu thiền định, hành giả phải thể nhận được pháp tánh thân ngay trong thế gian nầy; với phép tu niệm Phật, hành giả khởi tưởng sẽ chết ở thế gian nầy và sẽ sanh về thế giới bên kia.

Vì các lý do trên, Thiền tông và niệm Phật có chỗ bất đồng.

Nhưng khi niệm Phật đã đến chỗ nhất tâm bất loạn, nghĩa là đã đắc định rồi, thì lại là việc khác. Đạt được cảnh giới tam muội, tức thời hư không tan rã, đại địa lấp bằng, hiện tiền một niệm dung hợp được với Pháp Thân chư Phật trong mười phương như trăm ngàn ngọn đèn cùng dung hợp ánh sáng và cùng chiếu chung trong một căn nhà, không tan mất không lẫn lộn. Lúc ấy, ý thức phân biệt ly khai. Cảnh giới nầy so với cảnh giới chân như tam muội của Thiền tông không hai không khác. Xem thế thì đủ biết rằng Tịnh Ðộ tức là Thiền tông, kết quả của hai bên nào có khác gì nhau?

b So Với Luật.

Tác dụng của Giới luật là giữ gìn ba nghiệp, thân, khẩu, ý được trong sạch. Mục đích là làm điều lành, tránh điều dữ. Khi tu theo pháp môn Tịnh Ðộ, thân lễ Phật, miệng niệm Phật, ý tưởng nghĩ đến Phật, cả ba nghiệp đều tập trung, hết thảy sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều thâu nhiếp. Nếu nói làm lành thì chẳng có lành nào hơn. Nếu nói bỏ ác thì thử hỏi khi ba nghiệp đã tập trung hết vào Phật, đâu còn có chỗ nào hở nữa để làm ác? Như thế vì sao không nói được rằng tu Tịnh Ðộ tức là tu Giới luật?

c So Với Giáo.

Còn nói đến Giáo, nghĩa là tuy câu "Nam Mô A Di Đà Phật" chỉ có sáu chữ mà thôi, nhưng nếu bàn đến tác dụng thì 3 tạng 12 Bộ giáo lý của đức Phật thuyết pháp suốt trong 45 năm đều hàm chứa trong đó cả.

Vả lại, mục đích nghiên cứu giáo lý là cốt để hiểu rõ lý nghĩa mà phát lòng chánh tín, thiết thật tu trì để thật chứng quả Phật. Mục đích của pháp môn niệm Phật là cắt đứt vọng tâm, duy trì chánh niệm, vãng sanh Cực Lạc, lên bậc bất thoái rồi cuối cùng cũng chứng quả Vô thượng Bồ Ðề. Vì thế nếu hành giả phát tâm thành thật tu niệm thì không cần phải nhọc công nghiên cứu giáo lý mà tựu trung tất cả giáo lý đều đã đầy đủ. Như vậy, vì sao không nói được rằng tu Tịnh Ðộ tức là tu theo Giáo nghĩa?

d So Với Mật.

Phép tu của Mật tông chú trọng về "Tam Mật gia trì". Tam mật gia trì nghĩa là giữ gìn thân mật (thân bắt ấn), khẩu mật (miệng niệm chú), và ý mật (ý quán tưởng tự mẫu). Nếu tinh tấn hành trì đúng ba phép mật ấy thì "tức thân thành Phật" và chứng được sáu thứ vô úy. Đó là điểm đặc sắc của Mật tông. Nhưng với pháp môn Tịnh Ðộ thì khi ba nghiệp đã tập trung, kết quả thật tế so với tam mật gia trì của Mật tông không khác nhau mấy. Vả lại, tác dụng của pháp môn Niệm Phật có công năng khiến tâm ta và tâm Phật dung hợp làm một, liền chứng được Niệm Phật Tam Muội. Trong lúc tam muội hiện tiền, Phật và ta không hai không khác, không thể phân biệt rằng đó là ta hay là Phật. Vì vậy, trong lúc đương niệm "Nam Mô A Di Đà Phật", tự thân ta chính là A Di Đà rồi vậy. Như thế cũng có thể nói là "tức thân thành Phật". Dù cho chưa đạt được niệm Phật, được sự cảm ứng đạo giao và được hào quang Phật nhiếp thọ, thì bản thân hành giả có uy lực thần thông của Phật gia bị, có cái gì đáng sợ hãi nữa đâu? Như vậy, vì sao lại không nói được rằng Tịnh Ðộ tức là Mật tông?

Tóm lại căn cứ vào các ý nghĩa như trên, ta có thể thấy lý do vì sao xưa nay các bậc cao tăng đại đức, các hàng cư sĩ đại nhơn khi tu học Phật pháp đều đề xướng pháp môn Tịnh Ðộ. Phạm Cổ Nông tiên sanh cũng nói: "Học thì nên theo Duy Thức, Hành thì nên quy về Tịnh Ðộ". Vì vậy, nên hễ hành giả càng thâm nhập kinh tạng chừng nào thì lại càng tán dương pháp môn Tịnh Ðộ chừng ấy. Chỉ có những ai còn đứng ngoài cửa nhìn vào mới xem thường Tịnh Ðộ. Phải có con mắt tinh vi mới phân biệt được ngọc và đá; biết được ngọc Biện Hòa dễ mấy ai?

Tiết Thứ 9. Chơn Nghĩa Của Pháp Môn Tịnh Độ Chỉ Có Phật Mới Biết Hết

Ba bộ kinh Phật dạy về pháp môn Tịnh Ðộ không hề có trình bày một luận lý nào thâm diệu, trái lại, từ lời văn cho đến ý nghĩa, hết thảy rất bình dị đơn giản; do đó một số người lầm tưởng rằng phương pháp Niệm Phật không có học lý. Họ cho rằng đó chỉ là một phương pháp để an ủi các ông già bà lão mà thôi, chứ không phải phương pháp dành cho các bậc thức giả triết sĩ tu tập. Họ nghĩ rằng nếu những người như họ mà cũng làm theo thì nào có khác gì ông già bà lão hay kẻ ngu phu! Họ sẽ làm trò cười cho thiên hạ. Nhưng không, chính họ đã lầm to!

Trong các kinh nói về Tịnh Ðộ, sở dĩ Phật không dùng lý để lập luận một cách chặt chẽ mà chỉ chuyên khuyên phát tín tâm và thực hành, không phải vì pháp môn Tịnh Ðộ không có lý nghĩa vững chãi chẳng qua vì nghĩa lý ấy quá thâm diệu và "bất khả tư nghị", lại thêm ngữ ngôn chỉ hữu hạn, không thể nào nói đầy đủ được, dù cho có nói nhiều đến đâu cũng chỉ diễn tả được một khía cạnh nào đó thôi, không sao tránh được thiếu sót, không sót bên nọ cũng sót bên kia, hoặc nói được một lại sót đến mười. Đó là các lý do khiến Phật không lý luận mà chỉ chuyên khuyên tu trì, thật hành phép Niệm Phật. Nếu hành giả quyết tâm tu trì, một cách chơn chánh và thiết thực thì tất cả nền giáo lý Phật Đà đều đã hàm chứa trong đó rồi. Tu theo pháp môn Tịnh Ðộ ví như tắm nước biển, trong nước biển vốn đã có cả nước trăm sông ngàn hồ quy tụ về.

Còn nói đến ý nghĩa và cảnh giới của pháp môn ấy thì duy chỉ có Phật mới liễu ngộ được hết cái tinh vi, uẩn áo, cái cao thâm diệu vợi của nó mà thôi, dù cho với trí tuệ của các bậc Đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Thế Chí v.v... cũng chưa hiểu biết đến chỗ cùng tận

Chúng ta thử nghĩ, nếu phương pháp trì danh niệm Phật không phải thật có nghĩa cao siêu và công đức bất khả tư nghị thì tại sao trong kinh "Phật thuyết A Di Đà", Phật dạy rằng khi Phật nói kinh đó thì hết thảy chư Phật trong sáu phương đều tán thán và hộ niệm? Như vậy, thì biết rằng pháp môn ấy đặc biệt và nhiệm mầu như thế nào?

Vả lại, trong kinh nói: "Không thể nhờ một ít nhơn duyên phước đức thiện căn mà có thể vãng sanh được". Tiếp đó, Ngài lại dạy: "Bảy ngày chấp trì danh hiệu, đạt được nhất tâm bất loạn thì liền được vãng sanh". Như thế thì thiện căn phước đức nhơn duyên của sự chấp trì danh hiệu quả không phải nhỏ vậy.

Tiết Thứ 10. Không Nên Ngộ Nhận Lý Luận: Tự Tánh Di Đà, Duy Tâm Tịnh Độ

Có người vì quá thiên trọng lý thuyết nên khinh lờn thực hành. Lý họ thường viện ra câu: "Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Ðộ", rồi liền lầm cho rằng Tịnh Ðộ chỉ ở trong tâm, làm gì có cõi Tây phương mà hằng mong về! Thế là, họ phủ nhận tất cả 48 đại nguyện của đức A Di Đà và thế giới Cực Lạc trang nghiêm.

Có sự chấp nệ tai hại ấy, nguyên do chỉ vì họ lầm lẫn hai hiện tượng Chân Ðế và Tục Ðế mà họ vô tình đem trộn lại làm một. Vì lấy thể làm dụng nên thể dụng hỗn loạn, chân tục bất phân. Đã là người học Phật, ít nhất cũng đã từng đọc qua bài Bát Nhã Tâm Kinh. Trong tâm kinh có dạy rằng: "Vô trí diệc vô đắc" (không có trí mà cũng không có sở đắc). Nhưng liền sau đoạn ấy, Tâm kinh lại dạy: "Dĩ vô sở đắc cố... đắc a nậu đa la tam miệu tam Bồ Ðề" (Vì vô sở đắc cố... được quả Vô Thượng Bồ Ðề). Qua hai đoạn kinh ấy, ta thấy rằng: Nếu y vào Chân Ðế thì nói rằng không có “sở đắc” (chỗ đạt được), nhưng nếu y vào Tục Ðế thì phải nói rằng có sở đắc. Nếu lầm lẫn Chân Ðế và Tục Ðế, tức là tự mâu thuẫn rồi vậy.

Các câu như trên, không riêng gì Tâm Kinh mới có, trong các kinh khác thường cũng nói đến. Đó là y cứ vào hai phương diện chân và tục bất đồng mà khai thị cho rõ khía cạnh, xin các học giả đừng ngộ nhận khiến sai lạc hết ý nghĩa uẩn áo của kinh văn. Còn như Ngài Lục Tổ, khi Ngài phủ nhận cảnh giới Tây Phương, chính là lúc Ngài đương y vào chân lý thường trú để thuyết minh chân tâm, chứ không phải y vào tục lý để nói về các cảnh giới. Vì duy chân thì hết thảy đều không, nhưng duy tục thì vạn hữu đều có.

Chúng ta không nên tuyệt đối nhận lầm rồi chấp trước ý Tổ, khiến sinh tâm mạt sát pháp môn Tịnh Ðộ. Có hiểu được như vậy thì mới thật là biết cách đọc sách cổ nhân một cách thiện xảo và thâm hiểu ý cổ nhân một cách tinh vi.

Vì các lý do trên, một lần nữa, ta phải cân nhắc lại thật kỹ để định lại một cách chân xác giá trị và phạm vi của câu danh ngôn "Tự tánh Di Đà, Duy tâm Tịnh Ðộ". Nếu đứng về phương diện Chân Ðế mà nói thì không một pháp gì tồn tại (nhất pháp bất lập), ngay đến Phật cũng không còn được trú trước, huống nữa là Cực Lạc và niệm Phật cầu vãng sanh! Vì thế mà nói ngoài bản tánh không có Di Đà (tự tánh Di Dà) và ngoài tâm không có Tịnh Ðộ (duy tâm tịnh độ).

Cảnh giới ấy là cảnh giới tuyệt đối của Ðệ Nhất Nghĩa Không, cho nên đem "dụng" quy về "thể" thì không một pháp nào được gọi là pháp sở đắc cả.

Ngược lại, khi chưa đạt được Ðệ Nhất Nghĩa Không thì phải trú trên "dụng" mà nói và phải nương theo từng tầng bậc tu chứng để làm bàn đạp và tiến lên, do đó mỗi tầng bậc đều có những pháp sở đắc riêng biệt. Đối với công phu nội chứng của hành giả chưa đạt đến trình độ tuyệt đối thì không thể bảo rằng tâm cảnh đều không, thọ tưởng đều tịch. Tâm cảnh chưa không, thọ tưởng chưa tịch thì hiển nhiên năng và sở còn tồn tại, y báo và chánh báo đều phân minh. Một sắc, một hương, một cành hoa, một ngọn lá của cảnh giới Cực Lạc trang nghiêm, thảy đều là đối tượng của ta và ta cần phải mong cầu đạt đến chứ không thể bỏ qua. Nếu không tự lượng sức, chỉ nhắm mắt học thuộc luận điệu của kẻ khác, có thể rất xác thực với kẻ ấy, nhưng chỉ là lý suông đối với mình thì có khác nào kẻ điên rồ chưa qua khỏi sông đã toan bỏ thuyền bè!

Ta hãy xem lại trong ba bộ kinh thuyết minh Tịnh Ðộ, khi nói đến tướng tốt của Phật thì không một mảy lông nào, một chân tóc nào, một hào quang nào, một sắc đẹp nào mà không diễn ra một cách tuyệt trần vi diệu; khi nói đến cảnh giới trang nghiêm của Tịnh Ðộ thì nào là hoa thơm, quả báu, hồ ngọc, cây vàng v.v... không một cảnh nào mà không phải là cảnh hy hữu trên thế gian? Tướng ấy, cảnh ấy toàn là sự thật mà Phật đã thân chứng, chứ đâu phải vẽ vời đặt để ra cho thêm hoa mỹ. Ta không nên có tà kiến cho các cảnh ấy là không có mà bị đọa vào "không vọng ngoại đạo" rất là nguy hiểm.

Tiết Thứ 11. Lý Và Sự Cần Phải Tương Xứng

(Nếu Không thì thà thiên về sự còn hơn)

Trên bước đường tu tập, Lý và Sự phải hô ứng nhau, cùng phối hợp để hỗ tương giúp đỡ nhau mới mong đi đến thành tựu. Có Lý, Sự mới có chỗ y cứ dùng làm cương lãnh và mục tiêu để khởi tác dụng. Ngược lại, có Sự, Lý mới chánh xác và có hiệu quả. Lý soi đường cho Sự, Sự thực hiện mục tiêu của Lý. Phàm làm việc gì mà có Lý có Sự, việc mới thành tựu, ví như đã biết lộ trình mà lại còn chịu cất bước ra đi. Nếu có Lý mà không có Sự thì khác nào kẻ biết đường nhưng lại không chịu đi; cũng như có Sự mà không có Lý thì không khác kẻ muốn đi nhưng lại không biết đường. Người đã biết đường và chịu đi theo đường ấy, Lý Sự tương xứng nhau, nhất định phải thành công. Còn như hai hạng trên kia thật là khó hy vọng thành tựu, nhất là hạng không chịu đi. Hạng chịu đi, mặc dù không biết đường nhưng còn tự biết mình trình độ thấp kém, trí không kiêu căng, lòng không tự mãn, trên lộ trình chưa từng biết đích xác, hạng nầy với một ý chí cương quyết, cứ lần theo con đường mòn của người trước đã đi qua và đã vạch sẵn, một mạch thẳng tiến không chần chờ không do dự; như vậy cuối cùng rồi cũng sẽ đạt đến đích. Kinh, Luận và sách trước tác của các bậc cổ đức thuật lại các sự tích xưa đều là những mũi tên chỉ đường, người sau nên chiếu theo đó mà thật hành, quyết sẽ được thành công như người xưa không khác.

Vì các lẽ ấy cho nên mặc dù thiếu Lý soi đường, những người chịu thực hành cũng chưa lấy gì làm lo. Có lo chăng là với hạng người chỉ ngồi nói suông mà không chịu thật hành thì dù có nói suốt đời cũng không tiến bộ được nửa bước. Phê phán một cách xác thực hơn nữa thì người không có Sự, quyết nhiên cũng không thể có Lý. Ví như biết nhà gần sập mà không biết tự liệu để tránh, cứ ngồi nói suông cho khoái khẩu đến nỗi bị nhà đè chết, sao còn gọi được là biết? Vì vậy, Phật pháp có công năng độ kẻ ngu phu thất phụ không biết nửa chữ một cách dễ dàng, chứ khó độ người thế trí biện thông hoặc người không chịu thiết thiệt tu hành.

Ngày xưa, khi Phật còn tại thế, có Ngài Châu Lợi Bàn Đà Già là người rất độn căn. Khi xuất gia làm đệ tử Phật, chỉ được Phật dạy cho hai chữ là Tảo và Chửu, thế mà học mãi không thuộc. Hễ nhớ được chữ sau liền quên chữ trước, học chữ trước thì lại quên mất chữ sau. Tuy thế, Ngài vẫn không nản chí, hết lòng cố gắng, không hề xao lãng, cuối cùng vọng niệm tiêu trừ, hoặc nghiệp đoạn giải, Ngài chứng được quả A la Hán.

Đồng thời với Ngài Châu Lợi Bàn Đà Già có Ngài Đề Bà Đạt Đa, một đệ tử rất thông minh và có biện tài vô ngại, Đề Bà học đủ hết các môn thần thông, đọc làu cả sáu vạn pháp tụng, nhưng vì bản tánh kiêu căng, không chịu tu tập nên cuối cùng bị đọa địa ngục. Xem đó đủ biết, dù bác thông giáo lý, biện luận như thác nước chảy, nhưng nếu không thiết thực tu trì thì hoặc nghiệp từ vô thỉ vẫn còn nằm yên bất động, không giảm được một hào ly; thử hỏi sự hiểu biết ấy có bổ ích gì không? Công hiệu lợi ích thiết thực so với một bà già nấu bếp, mặt lem mày luốc, nửa chữ không tường, chưa chắc ai đã hơn ai, nhất là khi bà già nầy tinh tấn niệm Phật, luôn luôn một lòng tin tưởng, lúc lâm chung nhất định sẽ vãng sanh.

Hành giả nếu suốt đời vùi đầu vào các danh từ lý luận để cầu hiểu biết, những mong làm nhà bác học trong Phật giáo, nhưng không chịu hạ thủ tu hành thì luôn luôn nhớ hai ví dụ mà Phật đã từng dùng để răn bảo đệ tử; ví dụ món ăn và ví dụ đếm tiền. Người học mà không tu chẳng khác gì nói món ăn ngon mà tự mình không ăn, hoặc đếm của cho người mà tự mình không có xu nhỏ; chung quy bụng đói vẫn đói, túi rỗng vẫn rỗng.

Tóm lại, người học Phật mà thông đạt Lý và y Lý hành Sự một cách đúng đắn thì nhất định phước đức và trí huệ đều đầy đủ; phần lý giải và phần thực hành đã tương xứng, thì nhơn viên quả mãn; quả vị Phật chắc chắn mười phần bảo đảm. Do đó, Lý Sự không thể thiếu một thành công mới có phần nào khả vọng. Ai là người học Phật chân chính nên lưu ý điểm nầy.

Tiết Thứ 12. Tịnh Độ Là Pháp Môn Duy Nhất Của Hàng Phật Tử Tại Gia

Nếu muốn tu bất cứ một pháp môn nào cũng tương đối dễ dàng chỉ cần chịu khó gia công là thành tựu. Trái lại hàng tại gia bị gia đình ràng buộc, mưu sinh khó khăn, công việc xã hội phức tạp, thực khó mà thực hành cho được các pháp môn thiền định, quán tưởng và đồng thời nghiên cứu cho thấu đáo nền giáo lý thâm diệu của Phật đà. Nhà bác học ngày nay, cỡi hỏa tiễn lên cung trăng, tưởng e còn dễ dàng hơn hàng thiện nam tín nữ Phật tử tại gia muốn tu theo đạo xuất thế để cầu ra khỏi nhà lửa.

May thay là đức Phật đã vận dụng trí tuệ vô biên và từ bi vô lượng, đề ra pháp môn Tịnh Ðộ rất giản tiện mà có hiệu lực rất lớn, giúp được tín đồ không phí thì giờ, khỏi bỏ công việc, mà vẫn có thể thành tựu được đạo quả một cách chắc chắn. Hễ ai có tu là có chứng, không luận tại gia hay xuất gia, không bỏ sót một ai. Hàng Phật tử tại gia, ngoài pháp môn niệm Phật nầy ra, tưởng cũng khó có hy vọng thành công đối với các pháp môn khác. Càng khó thành công thì lại càng dễ hay sinh chán nản, lắm lúc còn làm cho thoái khuất rồi mất hẳn tín tâm. Tai hại biết bao! Vì các lẽ ấy nên nói rằng pháp môn Niệm Phật là pháp môn duy nhất cho hàng Phật tử tại gia hiện tại.

Rất mong các đạo hữu tại gia nhận thức tròn đầy tất cả công hiệu viên dung của pháp môn nầy để cùng nhau niệm Phật và một ngày kia cùng gặp nhau trên ao sen bảy báu của đức Phật A Di Đà.

Nam Mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát.

(Phỏng theo Tịnh Pháp Khái Thuật)



Từ Ngữ Phật Học Trong: Chung Quanh Vấn Ðề Vãng Sanh