Hỏi: Kinh Kim Cang nói: "Tất cả pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bóng, bọt". Thế thì cảnh Ta Bà đã huyễn, mà cõi Cực Lạc cũng là huyễn. Sao không đi ngay vào bản tâm chân thật, còn cầu về cảnh huyễn làm chi?
- Đáp: Thật ra các cõi Uế Độ và Tịnh Độ trong mười phương đều dường mộng huyễn; nhưng khi nào chứng được Như Huyễn Tam Muội, mới thấy đó là hư giả. Bằng chưa được như thế, vẫn thấy nó là thật, vẫn bị nó chi phối, vẫn còn biết khổ vui, vào mùa nắng vẫn khó chịu về sự nóng bức, cho đến việc rất nhỏ như con kiến, con muỗi cắn đốt cũng vẫn còn bị đớn đau. Như vậy sao được gọi là Huyễn? Nên biết môn Tịnh Độ là phương tiện nhiệm mầu của Phật, mượn cảnh như huyễn an vui, để đưa chúng sanh thoát khỏi cảnh như huyễn thống khổ dẫy đầy chướng duyên và hiểm nạn. Rồi từ cảnh an vui như huyễn đó tiến tu dễ dàng, để mau chứng vào cõi chân tâm thường tịch.
Lấy một thí dụ như tại cõi Ta Bà này, cảnh gia đình hay nơi thị tứ ồn ào là huyễn, cảnh chùa am hoặc chốn núi non vắng vẻ cũng là huyễn. Nhưng tại sao người tu giải thoát, lại bỏ cảnh gia đình thị tứ tìm nơi chùa am thanh vắng ở núi non? Có phải tại chốn gia đình nhiều bận buộc, cảnh huyên náo khó nhiếp tâm, mà nơi chùa am hay chỗ núi non thanh vắng dễ tu chăng? Cho nên cảnh phàm tình cùng cảnh thánh chứng khác nhau, phàm tình mà đặt mình vào cảnh thánh chứng là điều xa vời trái với thật tế. Ta còn phàm phu hãy cứ theo phận phàm phu mà tuần tự tiến tu, đừng vội đem con mắt thánh nhìn nói quá cao xa, thành ra vọng ngữ và có hại.
Khi xưa cũng có một Thiền giả cho cõi Cực Lạc là huyễn mộng, niệm Phật cầu vãng sanh vô ích. Triệt Ngộ đại sư nghe lời này, liền bảo: "Không phải thế đâu! Từ bậc Thất Địa Bồ Tát trở về trước, đều tu hành ở trong mộng. Đến như đối với mộng lớn vô minh, thì bậc Đẳng Giác vẫn còn say ngủ. Duy riêng chư Phật mới có thể tôn xưng Đại Giác, là những bậc hoàn toàn thức tỉnh mà thôi. Khi tự thân đã ở trong mộng, thì sự vui khổ vẫn uyển nhiên, vui cũng thấy vui, khổ còn biết khổ, sao được gọi mình là người tỉnh mơ, cảnh là huyễn mộng? Thế thì thay vì ở trong cảnh mộng khổ của Ta Bà, sao bằng về cảnh mộng vui nơi Cực Lạc! Huống chi mộng ở Ta Bà là từ mộng vào mộng, bị cảnh duyên nghiệp lực lôi cuốn, mãi luân hồi sống chết chìm mê. Còn cảnh mộng ở Cực Lạc là từ mộng đến giác, lần lượt sẽ thức tỉnh hoàn toàn chứng lên quả Phật. Cho nên mộng huyễn vẫn đồng, mà duyên cảnh mộng ở hai nơi thật chẳng đồng vậy. Thế thì sự niệm Phật cầu vãng sanh chẳng là cần thiết lắm ư!"
Lời cổ đức giải thích như thế, thì sự cầu sanh đã được hiển minh. Tuy nhiên, bài kệ trong Kinh Kim Cang nói đó, vẫn còn là lời phương tiện để cho chúng sanh lìa quan niệm chấp có theo phàm tình. Tiến một bước cao hơn, như Kinh Đại Phẩm Bát Nhã nói: "Như Lai vì hạng người căn tánh tối, mà nói các pháp như huyễn vắng lặng, vì e họ sanh chấp kiến; vì hạng người căn tánh sáng, nói tướng hảo của chư Phật, bởi họ như hoa sen chẳng nhiễm trần." Cho nên Tu Bồ Đề là bậc giải ngộ lý Không bậc nhứt, tuyệt không danh tướng, mà đức Thế Tôn lại thọ ký cho ông về sau thành Phật, hiệu là Danh Tướng Như Lai. Thế thì lý mầu không danh tướng chẳng ngoài danh tướng, tất cả pháp mộng huyễn đều là Phật pháp chân thường. Và đi sâu đến chỗ viên dung, như đức Lục Tổ nói, thì phàm phu nguyên là Phật, phiền não tức Bồ Đề, tất cả vô minh huyễn vọng đều là thể viên minh chân giác của Như Lai tạng.