Phật Là Ai?
Cư Sĩ Tịnh Mặc

“Chư Phật ra đời cốt để khai thị cho chúng sanh đều chứng ngộ được Phật tánh”. LỜI PHẬT DẠY

“Ta không cầu một phúc báo nào, cả phúc báu được tái sanh ở một nơi Cực lạc, nhưng ta tìm sự lợi lạc cho loài người, ta tìm cách làm cho những kẻ lạc được quay trở lại, soi đường cho những kẻ sống trong tối tăm và lầm lẫn, làm cho đời hết mọi phiền não và đau thương.” LỜI PHẬT DẠY

PHẬT LÀ AI?

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người giác ngộ đã giảng dạy Đạo Phật cho thế gian chúng ta.

Đời sống của đức Phật Thích Ca Mâu Ni như thế nào, nhiều sách đã viết đầy đủ chi tiết (thí dụ: Đời sống của đức Phật, Ánh Đạo vàng…)

Người Phật tử nên đọc những sách ấy để suy nghĩ và có ý niệm rõ ràng về đời sống cao cả của Ngài, hoàn toàn vì người, hoàn toàn trong sáng, hoàn toàn nhập với một Chân lý.

Ở đây chúng ta chỉ nên nhắc qua rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một người có thật trong lịch sử, chứ không phải là một vị Thần linh tưởng tượng trong trí óc.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước khi thành Đạo, là Thái tử Tất Đạt Đa, con vua một tiểu bang bên Ấn Độ (kinh đô là Ca Tỳ La Vệ) gần biên giới xứ Nepal bây giờ.

Ngài giáng sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch, năm 623 trước dương lịch (theo cổ truyền thì cho là vào ngày 8 tháng tư âm lịch).

Thái tử Tất Đạt Đa sống êm đềm trong cung điện của vua cha Tịnh Phạn, có vợ đẹp là công chúa Da Du Dà La và con trai là La Hầu La.

Một hôm Thái tử ra chơi ngoài thành, trông thấy những cảnh khổ sở, ốm đau, già, chết của dân chúng. Ngài cảm động và xót thương vô hạn.

Ngài quyết chí bỏ đời sống sung sướng, huy hoàng để tu học, tìm phương thuốc chữa đau khổ cho chúng sanh. Năm ấy Ngài 19 tuổi.

Sau mười một năm học Đạo và tu khổ hạnh với nhiều thầy và bạn, Thái tử Tất Đạt Đa vẫn chưa tìm ra được phương thuốc gì. Ngài bèn bỏ lối tu ép xác sai lầm ấy, rồi một mình ngồi thiền định và quán sát dưới cội Bồ đề Trúc lâm.

Sau 49 ngày thiền định, trong đêm trăng tròn tháng tu âm lịch (theo cổ truyền của ta, vào đêm mồng tám tháng tháng chạp). Ngài giác ngộ hoàn toàn Chân lý, thấy rõ ràng trong trí tuệ sáng suốt của Ngài nguyên nhân đau khổ, nguyên nhân của Sanh tử, Luân hồi. Lúc ấy Ngài đã tìm ra được đạo Giải Thoát.

Nhắc lại phút cao cả này, Ngài nói rằng: “Trong khi tôi phát minh những điều trên đây, tôi thấy trong lòng đã giải thoát hết cả các tham, ái, si mê. Đạo Giải Thoát phát giác trong tâm con người Giải Thoát. Khi ấy tôi đã thành Phật.”

Ngài lấy danh hiệu là Thích Ca Mâu Ni Phật và đem Đạo Giải Thoát nhiệm mầu giảng dạy khắp nơi, cho hết thảy mọi người, từ vua chúa đến kẻ trộm cướp, từ người phú quí đến kẻ hạ tiện, không phân biệt một ai.

Ngài chuyển bánh xe Pháp (tức là thuyết pháp, giảng Đạo) trong 49 năm ròng rã, giáo hóa và cứu độ không biết bao nhiêu mà kể.[1]

Rồi trong đêm trăng tròn tháng tư năm 543 trước dương lịch (theo cổ truyền của ta là đêm rằm tháng hai), Ngài từ giã thế gian và nhập Niết Bàn. Năm ấy Ngài 80 tuổi. (Theo khảo cứu gần đây thì đức Phật Thích Ca giáng sanh, xuất gia, thành đạo và nhập diệp cùng trong đêm trăng tròn tháng năm dương lịch, tức là vào đêm rằm tháng tư âm lịch.)

Từ khi ấy cho đến ngày nay, các đệ tử của đức Phật nối tiếp nhau truyền giảng Giáo lý của Ngài.

Tuy nhiên, chính đức Phật Thích dạy cho chúng ta biết rằng không phải ngài đã lập ra đạo Phật và đạo Phật vẫn có từ ngàn xưa trong khắp mọi thế giới.

Ngay trong cõi Ta Ba này – trong ấy có một ngàn triệu thế giới[2], mà thế giới của chúng ta là một – đã có sáu đức Phật giáng thế từ vô số lượng kiếp về trước (đức Phật Tỳ bà Thi, Thi Khí, Tỳ xà Phù, Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm Mâu Ni và Ca Diếp) Đức Thích Ca Mâu Ni Phật là đức Phật thứ bảy ứng hiện trong cõi Ta Ba của chúng ta.[3]

Sau này, khi nào Đạo Phật lu mờ, vì chúng sanh quá u mê, đã quên giáo lý của Phật, khi ấy đức Di Lặc, hiện đương làm Bồ Tát trên cõi trời Đâu Suất Nội Viện sẽ hiện xuống thế gian để dạy lại Đạo lý cho chúng sanh. Ngài sẽ là đức Phật thứ tám trong cõi Ta Bà.

1. Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật. Đức Phật Thích Ca còn giảng dạy cho chúng ta biết rằng tất cả mọi người, cũng như tất cả các loại chúng sinh khác, đều có đầy đủ khả năng thành Phật.

Ở trong chương thứ nhứt, chúng ta đã giảng rằng chúng sinh và chư Phật đều chung một Bản Thể sáng suốt, đều cùng một Chân Tâm trong sạch, linh diệu, bất sinh, bất diệt. Nhưng Bản thể chúng sinh đã bị nhơ bụi phủ kín, Chân Tâm của chúng sinh đã bị ngu tối làm mê lầm, xấu xa.

Khi nào chúng sinh lau chùi hết nhơ bụi, diệt trừ hết vô minh, phiền não. Bấy giờ tự nhiên sẽ thành Phật, không khác gì đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tất cả chư Phật mười phương thế giới.

Hiện nay, sự khác biệt giữa chúng sinh và Phật không phải do nơi Bản Thể, nơi Chân Tâm mà do ở sự sai lầm giữa Giác ngộ sáng suốt và Ngu tối mê lầm…

Các đức Phật là những chúng sinh đã giác ngộ hoàn toàn, còn những chúng sinh vì còn say đắm trong cảnh tham, giận, si mê, nên chưa thành Phật.

Bởi vậy đức Phật Thích Ca dạy rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Nếu chúng sinh kiên quyết tu tập theo giáo lý của Phật thì chắc chắn thế nào cũng thành Phật.

Bởi vậy đức Thích Ca coi tất cả mọi chúng sinh đều bình đẳng như Ngài và đức Phật chỉ tự nhận là một người hướng đạo, một vị chỉ đường mà thôi.

Chúng là vẫn niệm “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” ấy là vì chúng ta chân thành, cung kính, sùng bái đức Phật Thích Ca là ông Thầy (Sư: Thầy học; bổn: gốc của ta), chứ không phải là một ông chúa tể, một vị Thượng đế, có quyền năng định đoạt số mệnh của chúng ta.

2. Tại sao chúng ta niệm Phật A Di Đà? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người giảng dạy Đạo Phật cho chúng ta, vậy tại sao hầu hết các Phật tử ở Việt Nam hằng ngày đều niệm đức Phật A Di Đà?

2.1. Đức Phật A Di Đà là ai? Chúng ta niệm như thế chính là do lời giảng dạy của Đức Phật Thích Ca. Ngài thấy rằng chúng ta phần nhiều căn cơ còn kém cỏi lại chật vật với đời sống cực nhọc trong thế gian nên sự tinh tấn tu hành để thành Phật rất khó.

Đức Phật Thích Ca mới dạy cho chúng sinh một pháp tu giản dị. Kết quả là họ sẽ đạt tới một cảnh giới đầy đủ thuận tiện để rồi có thể tu tập mau chóng đến quả vị Phật.

2.2. Thế giới Cực Lạc hay Tịnh độ Đức Phật Thích Ca giảng cho ta biết rằng: Ở về Phương Tây cõi Ta ba này có một thế giới gọi là thế giới Cực Lạc (Cực lạc là sung sướng vô cùng). Thế giới ấy gọi là Tịnh độ, nghĩa là trái đất trong sạch (Tịnh là trong sạch, Độ là đất).

Thế giới Cực Lạc ấy đã được tạo ra do công đức của đức Phật A Di Đà (tiếng phạn là Amita có nghĩa là sáng suốt vô cùng và sống lâu vô tận; chữ nho là Vô lượng quang, Vô lượng thọ).

Trong thế giới ấy không có những khổ cực. Dân chúng hóa sanh từ những bông hoa sen trong sạch. Họ không cần lo lắng về ăn mặc vì các thứ ấy đã có sẵn trong tự nhiên. Cảnh vật đều là châu báu. Những loài chim đẹp hót những tiếng hòa nhã như niệm Phật, làm cho lòng người vui vẻ mà niệm theo. Gió dịu dàng thổi vào những hàng cây ngọc và phát ra những điệu nhạc êm đềm, khuyến khích người nghe học đạo.

Trong thế giới Cực Lạc ấy có rất nhiều Bồ Tát và A La Hán đang làm bạn với chúng sanh, cùng chúng sanh dạo chơi đàm luận và cùng nhau nghe đức Phật A Di Đà thuyết pháp.

Vì có nhiều thuận tiện như vậy nên ai được vãng sanh sang cõi Tịnh độ sẽ dễ dàng và chắc chắn tu tập chóng đạt quả vị Niết Bàn.

Muốn được vãng sanh về Tịnh Độ thì đức Phật Thích Ca dạy rằng hằng ngày cần niệm đức Phật A Di Đà, hoặc khi sắp lâm chung (chết), niệm danh hiệu Ngài mười lần với hết tất cả tâm thần yên lặng (nhất tâm bất loạn). Nếu ai niệm được như thế, đức Phật A Di Đà sẽ tiếp dẫn sang thế giới của Ngài.

Sở dĩ chúng ta có thể được đức Phật A Di Đà tiếp dẫn là do lời nguyện rộng lớn của Ngài khi còn tu hành. Trước khi thành Phật, Ngài đã làm bốn mươi tám đại nguyện, trong điều nguyện thứ 18 nói rằng: “Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh chí tâm tín mộ, muốn sanh về nước tôi, niệm mười (10) niệm nếu không được vãng sanh thời tôi không ở ngôi Chánh Giác, trừ kẻ phạm tội ngũ nghịch[4] hoặc phỉ báng chánh pháp.”

Pháp tu Tịnh độ là một pháp tu dễ dàng. Nhưng chúng ta nên nhận ngay từ bây giờ là cần phải niệm Phật với một tấm lòng chí thành, chí thiết. Tâm trí lúc bấy giờ phải hoàn toàn yên lặng, gạt bỏ hết những tư tưởng thế gian (tham, giận, oán ghét, vui mừng, luyến tiếc, băn khoăn việc nhà, việc đời…) mà chỉ còn nghĩ đến đức Phật A Di Đà, chỉ còn thấy trước mắt và trong tâm mình đức Phật Vô cùng Sáng suốt, Vô cùng Sống lâu với những công đức vô số kể của Ngài.

Niệm được như thế là ta đã sửa soạn thân tâm đến mức có thể hưởng thụ sự cảm ứng của đức Phật A Di Đà và đã gây đủ nhân duyên để được tiếp dẫn sang thế giới Cực lạc của Ngài.

3. Tại sao chúng ta niệm các vị Đại Bồ Tát ? Ngoài việc niệm chư Phật, các Phật tử thường còn niệm nhiều vị Đại Bồ Tát như đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát… Vì lẽ gì ?

Trước hết chúng ta hãy hiểu biết thế nào là một vị Đại Bồ Tát.

Nguyện và hạnh rộng lớn của các Đại Bồ Tát.

Trong chương thứ hai, chúng ta đã biết qua rằng trong bước đường tu hành để đạt được quả vị Phật là quả vị không gì cao hơn (vô thượng), các Đại Bồ Tát là những vị tu pháp Lục Độ, đã giác ngộ rồi và đã đủ khả năng để Nhập Niết Bàn. Nhưng khi phát nguyện tu hành các vị ấy đã làm bốn nguyện rộng lớn.

1. Chúng sinh không số lượng, thệ nguyện đều độ khắp.
2. Phiền não vô số kể, thệ nguyện đều dứt sạch.
3. Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học.
4. Phật Đạo không gì cao hơn, thệ nguyện viên thành.

Vì lời nguyện thứ nhứt: Độ hết chúng sinh vô lượng, không phân biệt giống nào, loài nào, nên các vị Đại Bồ Tát, tuy đã giác ngộ mà chưa nhập Niết Bàn. Các Ngài còn ứng hóa, qua lại khắp mọi thế giới để cứu độ những chúng sinh cần đến các Ngài cứu giúp.

Và vì lời nguyện thứ tư: “Phật Đạo không gì cao hơn, thệ nguyện viên thành” nên các vị Đại Bồ Tát còn làm việc giác ngộ chúng sinh cho đến khi nào công việc ấy đầy đủ, trọn vẹn.

Như thế các vị Đại Bồ Tát phát nguyện và thực hành đúng với lời Phật dạy: “Tự giác, Giác tha, giác hạnh viên mãn.”

Vậy các vị Đại Bồ Tát là những vị tu hành đã giác ngộ đến mực giải thoát, đang biến hóa, qua lại trong khắp mọi cõi, để tùy duyên làm hạnh cứu độ khắp mọi loài.

Cho nên khi chúng ta niệm các vị Đại Bồ Tát, chúng nhắm hai mục đích. Một là chúng ta nghĩ đến đức lớn, những công hạnh lớn của các Vị ấy để chúng ta noi theo mà tu tập. Hai là chúng ta cầu nguyện các Vị ấy cứu độ, nghĩa là giúp chúng ta có đủ khả năng, sáng suốt và nghị lực, có đủ trợ duyên để giải quyết những nỗi khó khăn, sợ hãi, vượt qua những phiền não, khổ đau.

Khi chúng ta yên lặng tâm trí, chí thành, chí thiết niệm các vị Đại Bồ Tát đến mực chỉ trông thấy các Vị ấy trước mắt hay trong lòng, lúc ấy chúng ta sẽ thoạt nhiên nhận thấy bản thể sáng suốt của chúng ta. Bản thể ấy cùng với Bản thể của các Vị Đại Bồ Tát, vẫn chan hòa trong vũ trụ, sẽ cảm ứng với nhau. Ấy là các vị Đại Bồ Tát đã gặp duyên để cứu độ chúng ta vậy[5].

Nhưng chúng ta cần nhắc lại một điều đã nói. Chư Phật và Bồ Tát tiếp dẫn hoặc chỉ đường cho chúng ta vượt qua những nỗi khó khăn, đau khổ nhất thời, chớ không làm phép nhiệm mầu, biến hóa chúng ta thành Phật đâu.

Chính đức Phật Thích Ca đã dạy: “Ai ăn người ấy no, Ai tu người ấy chứng”, chớ không có cách nào để người khác tu hộ cho mình thành Phật, thành Bồ Tát được cả.

Sự giác ngộ và giải thoát bao giờ cũng hoàn toàn do ở nơi ta, ở sự siêng năng tu tập, sửa đổi tâm trí của ta. Các đức Phật và Bồ Tát chỉ là những vị dẫn đạo chúng ta đi vào con đường sáng sủa của Chân lý mà thôi. Chúng ta phải tự mình đi đến đích.

[1] Theo các sách của Phật giáo nguyên thủy bên Tích Lan thì Thái tử Tất Đạt Đa lấy vợ năm 16 tuổi, xuất gia năm 29, tu học trong 6 năm, thành Đạo năm 35 tuổi và thuyết pháp trong 45 năm.
[2] Mỗi thế giới là một thái dương hệ có mặt trời, mặt trăng và các hành tinh khác.
[3] Ba đức Phật Tỳ Bà Thi, Thi Khí và Tỳ Xá Phù là ba đức Phật cuối cùng trong 1. đức Phật đã giáng thế trong kiếp quá khứ (Kiếp Trang Nghiêm). Bốn đức Phật Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm Mâu Ni, Ca Diếp và Thích Ca Mâu Ni là bốn đức Phật đầu tiên trong 1. đức Phật giáng thế trong kiếp hiện tại (Kiếp Nhân Hiền). Vậy nói đã có bảy đức Phật ra đời chỉ là một cách nói tượng trưng để tỏ sự liên tục giữa Quá khứ và Hiện tại.
[4] Ngũ nghịch là năm tội: 1. Giết cha, 2. Giết mẹ, 3. Giết A La Hán, 4. Phá sự hòa hợp của các Tăng, 5. Dùng ác tâm làm cho thân Phật chảy máu ; ngày nay là phá hư, moi khoét tượng Phật, hủy hoại kinh Pháp.
[5] Chúng ta cũng như một cái mày thâu thanh, khi muốn tiếp nhận một làn sóng phát thanh nào (dụ cho Phật và Bồ Tát) thì việc cần thiết là phải vặn máy thâu thanh đến đúng mức độ của làn sóng ấy.
Trích từ: Đường Vào Ánh Sáng Đạo Phật
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Các Tông Phái Đạo Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
2 Đường Vào Ánh Sáng Đạo Phật, Cư Sĩ Tịnh Mặc Tải Về
3 Ánh Sáng Chân Tâm, Viet Nalanda Foundation Tải Về