Home > Khai Thị Niệm Phật
Niệm Phật Chớ Cầu Phước Báo
Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch


Người đời phần nhiều niệm Phật nhưng không hiểu ý nghĩa, hoặc Hỏi: "Anh niệm Phật tinh tấn thế là để cầu gì?”. Ðáp rằng: "Ðể cầu phước báo đời sau”. Những người như thế là nguyện lực đã sai rồi. Ðức Thích Ca sở dĩ lập pháp môn niệm Phật, là vì chúng sinh ở cõi Ta bà này bị các thứ khổ não bức bách thân tâm, nên dạy niệm Phật cầu sinh Tây phương để thoát ly Ta bà khổ, được niềm vui Cực lạc. Nay niệm Phật không nguyện vãng sinh Tây phương mà lại cầu đời sau làm người để hưởng phước lạc thế gian thì thật là đáng tiếc. Không biết rằng ở thế gian, hết thảy đều là khổ, không, vô thường, nào có niềm vui chân thật? Dù được giàu sang vinh hiển, được những điều khoái lạc của ngũ dục thế gian như tài, sắc, danh, thực, thùy đi nữa thì những khoái lạc này đều chẳng phải là chân lạc. Người xưa dạy rằng: "Chỉ sắc thân này, ai tin thân là gốc khổ? Tham đắm dục lạc ở đời, không biết niềm vui ấy là nhân của khổ!”. Lại có kinh nói rằng: "Tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ là năm điều căn bản để đọa vào địa ngục, nếu không trừ tận ngũ dục thì không bao giờ ra khỏi trần lao. Nếu cầu phước báo đời sau, sinh vào gia đình giàu có, hưởng thọ phước lạc, nhưng nào có biết công danh phú quý ở đời phù hư như hạt sương đầu ngọn cỏ, như bong bóng mặt hồ, rồi trong phú quý không tu hành, phước báo hết ắt phải đọa tam ác đạo, ngày hưởng phước thì ngắn, ngày chịu khổ thì dài”. Sư Tử Phong dạy rằng: "Luyến sắc tham tài ham mọi thứ, là con đường tắt mất thân người; ngày nào cũng ê chề rượu thịt, là nhân địa ngục đã trồng sâu; trước mắt cầu khoái lạc nhất thời, chết xuống chịu đắng cay muôn kiếp”.

Niệm Phật, được ly khổ đắc lạc. Nếu không cầu ra khỏi Ta bà, cầu sinh Tịnh độ thì trong biển khổ Ta bà chịu khổ muôn đời kiếp. Ta bà là thế giới cực khổ, khổ ấy vô lượng nói không cùng tận, nay chỉ lược nói tám khổ mà người đời không thể tránh khỏi.

1/ Sinh khổ: Người đời đều theo nghiệp chuyển mà thọ báo, do ba duyên hòa hợp: nghiệp duyên đời trước, duyên cha và duyên mẹ, thân trung ấm mới được đầu thai. Thấy cha mẹ giao cấu bỗng động dục niệm, do đó kết tưởng thành thai, bên dưới là Sinh tạng, trên là Thục tạng và giữa là bào thai. Lúc mẹ ăn thức nóng vào, bào thai phải bị chịu nóng rất dữ dội, tựa hồ như ở trong vạc dầu sôi. Khi mẹ ăn thức lạnh vào, bị thức lạnh áp bức không khác gì địa ngục hàn băng. Mười tháng ở nơi tối tăm, xung quanh

chỗ nào cũng dơ uế, đó là Thai ngục. Lại lúc ra khỏi bào thai, phải chịu khổ của phong đao cắt thân (lạnh như dao cắt), cho nên đứa trẻ lúc mới sinh ra, khóc liền mấy tiếng: Khổ a! Khổ a! Phàm là người, không ai tránh khỏi cái khổ này.

2/ Già khổ: Ngày tháng trôi qua thì thân người cũng bị thời gian lão hóa, mắt mờ tai điếc, tóc bạc da nhăn, khí lực tiêu hao, thân thể khô gầy, chân run gối mỏi... việc gì cũng phải nhờ cậy người khác. Trên hội Lăng Nghiêm, Phật hỏi vua Ba Tư Nặc rằng: "Ðại vương cũng bị thời gian làm cho già nua sao?”. Vua Đáp: "Nó thay đổi trong từng sát na nhỏ nhiệm, trẫm không nhận ra, Thu qua Ðông lại, đến nay trẫm đã thế này. Trẫm nhớ hồi còn trẻ, khí huyết sung mãn, nhưng nay răng hầu như sắp hết, tóc đốm bạc khá nhiều, chắc trẫm không còn trụ thế bao lâu nữa”. Như thế đủ thấy, tuy làm vua, quý như con trời, làm chủ cả bốn bể mà cũng không tránh khỏi lão khổ. Cổ nhân dạy rằng: "Giàu sang không thể mua tuổi trẻ, ngày tháng trôi qua tóc biến màu”.

3/ Bệnh khổ: Khi tứ đại bất hòa thì trăm bệnh phát sinh, thế gian ít có người suốt một đời không bệnh, cổ nhân dạy: "Bệnh đến mới biết thân là khổ, lúc mạnh hãy nên sống vì người”. Tạm không nói đến những căn bệnh trầm kha, khốc liệt, chỉ nhức răng chóng mặt thôi cũng đủ làm cho người ta đi đứng không yên, ăn ngủ sút giảm. Lấy đó để biết, hết thảy các bệnh không bệnh nào là không khổ. Thời Tam Quốc, Trương Phi là một người tính tình cương dũng, nói với Vũ Hầu rằng: "Trên đời này tôi chẳng sợ ai cả!”. Vũ Hầu viết một chữ "bệnh” đưa cho xem, Hỏi: "Cái này chú có sợ không?”. Trương Phi ngước mắt nhìn Vũ Hầu, nói: "Ái chà! Cái này thì tôi đã đau khổ nhiều vì nó”. Ðủ thấy khi bệnh khổ đến thì anh hùng lực sĩ cũng không thể cưỡng chống lại chúng. Chúng ta lúc bệnh tật, nhất tâm niệm Phật, không vì bệnh khổ mà phiền não. Như vậy lúc mạng chung, trăm khổ hoành hành, chúng ta cũng được tự tại.

4/ Tử khổ: Kinh rằng: "Nhờ nhân duyên hòa hợp mà có thân này, khi nhân duyên tan rã thì thân hư dối này cũng diệt”. Ðã có sinh ra ắt có chết đi. Khi sinh thì giả mượn tứ đại làm thân, lúc chết thì tứ đại phân tán, dụ như con trâu sống bị lột da, đau đớn không cùng. Xương thịt gân cốt là Ðịa đại; máu mủ đàm dãi là Thủy đại; hơi ấm trong thân là Hỏa đại; hơi thở vào ra, tay chân động đậy là Phong đại. Lúc chết thì Phong đại đi trước nên hơi thở chấm dứt, tay chân không còn co quắp. Thứ đến là lửa rời khỏi thân nên thân thể lạnh ngắt. Ba là thủy đại, khi Thủy đại lưu xuất thì chỉ còn lại Ðịa đại là những gì thuộc về thân thể. Ngạn ngữ nói rằng: "Xương trắng đầu núi thành bùn đất”. Chết là một điều tất yếu mà đời người phải trải qua, không ai tránh khỏi. Chúng ta nay còn sống nên khéo quán sát, việc lớn của đời người là sinh tử chứ tiền muôn bạc vựa nào có ích gì, cho dù vợ con thương khóc cũng không cách gì cưỡng lại được. Giả như con đàn cháu đống, có ai thay cái chết cho mình.

Tôi thấy người khác chết

Lòng tôi như lửa thiêu

Chẳng phải xót cho người

Mà là tôi cũng chết.

Cổ nhân dạy:

Hồng hồng trắng trắng chớ dối nhau

Chẳng có ai thịt đỏ cả đâu

Chết đi không bằng trâu với chó

Nay thử nhìn lại tử thi xem.

Trâu dê chết đi, thịt của nó còn có người mua, con người chết thì ai cũng sợ.

5/ Thương yêu mà phải chia lìa là khổ (ái biệt ly khổ): Yêu tức yêu mến, con người yêu mến nhau bất quá là cha mẹ, anh em, vợ chồng, thân quyến, nếu phải xa nhau thì lòng như dao cắt. Gọi là: "Yêu nhau lắm hận nhau cũng lắm, vừa chia tay đã sẵn mối sầu”, không biết rằng đời người tụ tán vốn thuộc vô thường, có hợp tất có ly, có gì phải đau khổ. Xưa có lời dạy: "Cha mẹ ân sâu rồi cũng biệt, vợ chồng nghĩa nặng phải chia lìa; đời người tợ chim cùng trú ẩn, gặp đại hạn thời mỗi tự bay”.

6/ Ghét nhau mà phải sống chung là khổ (oán tắng hội khổ): Không thương yêu nhau mà phải sống chung là do chiêu cảm nghiệp đời trước; nặng thì kết oán cừu, nhẹ thời ghen ghét tật đố. Ghét nhau mà không xa nhau được, đó biết là do nghiệp lực sai sử, muốn xa nhưng lại sống cùng, hoặc là cha con, hoặc là anh em, hoặc là vợ chồng, hoặc là bè bạn... nặng thì thanh toán lẫn nhau, nhẹ thì chọc nhau gây gổ. Vì nhân duyên mà phải sống chung, không cách gì rời xa nhau được, cũng như người câm ăn Hoàng liên, đắng ngắt mà chỉ ấm ứ không thể nói ra. La trạng nguyên có thơ rằng: "Thị thị phi phi ngày nào rõ, phiền phiền não não lúc nào thôi”.

7/ Mong cầu không được như ý là khổ (cầu bất đắc khổ): Người đời ai cũng muốn toàn vẹn, nhưng vì bất túc nên sinh mong cầu. Nếu mong cầu được như ý thì hân hoan vui thích, ngược lại thì ưu sầu phiền não, cả ngày ủ rũ. Thế gian như vậy đều do si mê không tự tỉnh giác, phải biết được mất, giàu nghèo đều là nhân quả, há không nghe: "Thế sự luôn luôn như dòng chảy, chớ đem danh lợi quải trong lòng; cơm lạt áo thô tùy duyên độ, giàu sang vinh hiển chớ mong cầu”.

8/ Năm ấm không điều hòa là khổ (ngũ ấm xí thạnh khổ): Năm ấm tức năm loại lửa phiền não sắc, thọ, tưởng, hành, thức thiêu đốt tâm chúng sinh. Phiền não nếu nặng thì như ngọn lửa bốc mạnh. Hoặc theo nội căn ngoại trần mà khởi phiền não, thuộc sắc ấm; hoặc nương ngũ thức, lãnh nạp năm trần mà khởi phiền não, thuộc thọ ấm; hoặc theo ý thức, tưởng niệm pháp trần mà khởi phiền não, thuộc tưởng ấm; hoặc nương thức thứ bảy, luôn suy nghĩ đắn đo mà khởi phiền não, thuộc hành ấm; hoặc nương vào thức thứ tám, vi tế lưu chú mà khởi phiền não, thuộc thức ấm. Bảy loại trước là biệt khổ, nay chỉ nói một loại. Loại này là tổng khổ, tổng quát các khổ mà nói, thật là thế sự hết thảy đều là khổ, sao bằng sớm niệm Nam mô A Di Ðà Phật.

Tám cái khổ trên chỉ là lược nói về con người, bất luận là trí hay ngu đều không tránh khỏi. Gọi là nghìn người thì có nghìn cái khổ khác nhau, không ai giống ai, nếu phát nguyện tu để hưởng phước báo đời sau, thì lại phải chịu khổ, như vậy há không phải đã nguyện sai rồi sao! Tôi thường dạy người niệm Phật nhất định phải cầu sinh Tịnh độ mới lìa khổ được vui. Cõi Tịnh độ của Phật A Di Ðà là cõi không có các khổ, chỉ có an vui, vượt hơn các quốc độ Phật khác. Người niệm Phật không những không được nguyện đời sau làm người để hưởng phước báo mà còn không được nguyện thân sau sinh lên cõi trời hưởng lạc. Phước báo cõi trời cũng có một ngày sẽ hết, gọi là "tám vạn kiếp rốt cuộc cũng không, ba ngàn cõi không đâu tồn tại”. Thiền sư Vĩnh Gia nói: "Bố thí, trì giới được phước sinh lên cõi trời, giống như bắn mũi tên lên không vậy; khi sức bắn đã hết thì lại phải rơi xuống đất và lại tiếp tục luân hồi trong ba cõi”. Nên biết cầu sinh Tịnh độ, kinh nói không phải được chút ít phước lành mà được sinh lên cõi ấy. Ðại sư Tỉnh Am nói: "Nói phước nhiều, không bằng trì danh hiệu Phật; nói thiện nhiều, không bằng phát quảng đại tâm. Trì Thánh hiệu, phước hơn bố thí trăm năm; phát đại tâm, phước hơn tu hành muôn kiếp. Niệm Phật là kỳ hẹn làm Phật mà không phát tâm rộng lớn thì niệm Phật ích gì. Phát tâm là gốc của tu hành mà Tịnh độ không sinh thì rất dễ bị thoái chuyển. Gieo hạt giống Bồ đề, cày bằng cày niệm Phật thì đạo quả ắt được tăng trưởng; đáp con thuyền đại nguyện vào biển lớn Tịnh độ thì Tây phương quyết định vãng sinh”. Nên khuyên người niệm Phật chớ cầu phước báo trời người. Như đem viên minh châu, đổi lấy sự no ấm bằng bữa ăn chiếc áo, há không đáng tiếc sao? Hãy nên nguyện sinh như kinh A Di Đà khuyến phát nguyện rằng:

Chúng sinh nghe xong, hãy nên phát nguyện, nguyên sinh về nước Cực Lạc.