Home > Khai Thị Niệm Phật > Luat-Tinh-Song-Hoang-Hoang-Duong-Luat-Tong-Va-Tinh-Tong-Dong-Thoi
Luật Tịnh Song Hoằng (Hoằng Dương Luật Tông Và Tịnh Tông Đồng Thời)
Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Ðại sư Ðạo Nguyên Trung Luân Năng Tín thời Dân Quốc, họ Vương, người Thương Thủy, tỉnh Hà Nam. Từ bé đã thông duệ, bảy tuổi vào trường đọc sách; hai mươi tuổi xuất gia. Không lâu sau, thọ Cụ Túc, thân cận đại sư Từ Châu ở tỉnh Giang Tô và đại sư Ấn Quang chùa Linh Nham.

Ðối với hai tông Luật Tông và Tịnh Tông, Ngài được thọ truyền và tâm đắc thâm sâu. Ngài liền bế quan ba năm, tiềm tu Tịnh nghiệp, dùng hai tông Luật và Tịnh để tự hành và hóa độ người, chẳng tiếc sức. Sư triều lễ ba đại danh sơn Phổ Ðà, Cửu Hoa, Ngũ Ðài; từng đảm nhiệm chức giáo sư và chủ giảng tại các Phật học viện.

Sư liên tiếp đảm nhiệm vai trò Giáo Thọ trong sáu lần Giới Ðàn. Ngài trụ trì các chùa Ðâu Suất ở Hà Bắc, chùa Vân Tuyền Sơn ở Trương Gia Khẩu, chùa Tịnh An ở Thượng Hải… Ngài luôn giảng diễn Giới Luật, hoằng dương Tịnh Ðộ. Giải hạnh đều thâm sâu, tứ chúng quy ngưỡng!

Tháng Ba năm Dân Quốc ba mươi tám (1949), Sư qua Ðài Loan, sáng lập Tịnh Ðộ Tông Hải Hội Tự ở núi Chánh Ðạo thuộc phường Bát Ðổ, thành phố Cơ Long. Sư thường chủ trì Phật Thất, hoằng truyền Tịnh Ðộ. Ở Ðài Loan, mỗi năm truyền tam đàn đại giới một hoặc hai lần, truyền giới tại gia nhiều lần, hầu như đại sư luôn đảm nhiệm một chức vị trong Tam Sư.

Lúc được suy cử làm Lý Sự Trưởng (Hội Trưởng) hội Phật Giáo Trung Quốc, khi đại hội Hoa tăng thế giới khai mạc, Sư lại được cử làm chủ tịch của chủ tịch đoàn đại hội. Ðức hạnh của Sư vang dội cả hoàn cầu, Sư thường du hóa tại các nước Mỹ, Gia Nã Ðại, Nhật Bản, Ðại Hàn, Indonesia, Thái Lan, Tinh Châu (Singapore), Mã Lai, Cao Miên v.v… Hương Cảng là nơi Sư thường đến để giảng kinh, truyền giới. Pháp duyên thù thắng, ít vị Tăng nào bằng nổi.

Về già, Sư sáng lập Năng Nhân Phật Học Viện để bồi dưỡng, đào tạo tăng tài hoằng dương Tịnh Tông. Cả một đời, Sư thường ở khắp các chùa viện để giảng kinh, thuyết pháp, hoằng truyền Tịnh Ðộ ngũ kinh, nhất luận. Nhằm thích ứng với cơ duyên các nơi, Sư cũng thường giảng các kinh luận như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Viên Giác, Ðịa Tạng, Khởi Tín Luận v.v… Giảng kinh luận nào, Sư cũng đều quy hướng Tịnh Ðộ. Người nghe pháp khởi lòng tin, trì giới niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ chẳng biết là bao nhiêu!

Tiếc là những kinh, luận Sư đã giảng chưa được ghi chép đầy đủ, chỉ có những cuốn giảng lục kinh Di Ðà, Quán Kinh và Phật Ðường Giảng Thoại Ngũ Tập là được ấn loát và lưu hành trong đời, nhưng cũng đủ để làm chỉ nam phổ độ chúng sanh đồng quy Tịnh Ðộ.

Ngày mồng Hai tháng Chạp năm Dân Quốc 76 (1987), Sư chợt thị hiện có bệnh, nằm điều dưỡng trong bệnh viện. Biết thời giờ đã đến, Ngài liền phó chúc hậu sự. Ðêm ngày Rằm tháng Tư năm sau, Sư chợt bảo đồ chúng đang hầu cận đưa Ngài về chùa Hải Hội. Sư ngồi ngay ngắn, hướng dẫn đại chúng niệm Phật. Một chốc sau, Sư lên giường nằm an tường bên hông hữu, môi khẽ động niệm Phật. Ðến bảy giờ rưỡi tối hôm sau, giữa tiếng niệm Phật của đại chúng, Sư an tường xả báo, vãng sanh Cực Lạc.

Ðến ngày Mười Tám, khi làm lễ đại liệm, toàn thân Sư vẫn mềm mại, sắc mặt như còn sống. Ngày Mười Ba tháng Năm, di quan trà tỳ, thu được hơn ngàn viên xá lợi ngũ sắc, chiếu sáng rực rỡ. Sư thọ tám mươi chín tuổi. (theo Ðạo Nguyên Lão Pháp Sư Kỷ Niệm Tập)

Nhận định:

Ðại sư học pháp từ hai vị đại lão Từ Châu và Ấn Quang. Tiếp nối nghiệp thầy, nên lấy Tịnh Luật song hoằng làm trách nhiệm, phổ khuyến đại chúng trì giới niệm Phật, hóa độ phổ cập khắp Trung Hoa lẫn hải ngoại. Từ sau lúc vị Tổ thứ mười ba của Tịnh Tông là Ấn Quang đại sư quy hồi An Dưỡng, chỉ có mình đại sư hoằng truyền Tịnh Tông, là chỗ hướng về của đại chúng.

Ngài đáng được tôn xưng là Tổ thứ mười bốn của Tịnh Tông vì đã tiếp nối người trước, mở đường cho người sau, tiếp nối lối cũ, mở lối mới, ắt có lẽ tứ chúng trong Tịnh tông ta đều cùng tán đồng vậy!