Chuyển luân thánh vương(1) là vị có phước báo bậc nhất ở thế gian, hơn cả người ở châu Bắc Câu lô, chỉ kém chư thiên cõi Dục(2). Xét kết quả thì biết được nguyên nhân, vậy, chúng ta có thể nghĩ ra: Trong đời quá khứ, vị ấy chỉ tu nghiệp phước đức mà đã không tu nghiệp trí tuệ của bậc xuất thế.(3)

Luân vương có bốn bậc: Ở kiếp tăng của tiểu kiếp thứ mười, lúc thọ mạng con người tăng lên đến hai vạn tuổi, Thiết Luân vương xuất hiện, thống trị toàn thể châu Nam Thiệm bộ. Lúc tăng lên đến bốn vạn tuổi, Đồng Luân vương xuất hiện, thống trị cả hai châu Nam Thiệm bộ và Đông Thắng thân. Lúc tăng lên đến sáu vạn tuổi, Ngân Luân vương xuất hiện, thống trị gồm cả ba châu Nam Thiệm bộ, Đông Thắng thân và Tây Ngưu hóa. Lúc tăng lên đến tám vạn bốn ngàn tuổi, Kim Luân vương xuất hiện, thống trị toàn cả bốn thiên hạ. Gọi bốn vị Luân vương là Thiết, Đồng, Ngân, và Kim là căn cứ vào chất liệu làm thành luân bảo(4) của mỗi vị. Những chất liệu ấy đều có liên quan với chúng sinh đương thời; và ngay mỗi vị Luân vương cũng có phước báo riêng của mình; cho nên mới có sự khác biệt giữa các luân bảo như thế.

Khi vua Chuyển luân ra đời, châu Nam Thiệm bộ này cũng xuất hiện bảy thứ quí báu tốt lành, dành riêng cho vua: 1) Bánh xe báu bằng vàng (kim luân bảo): Đó là bánh xe với cả ngàn cây căm, toàn bằng chất vàng, vua cùng với bốn đội binh voi, ngựa, xe, và bộ, đều ngồi trên đó; du hành bốn thiên hạ, đem mười nghiệp lành giáo hóa các quốc vương ở các nước, rồi mới trở về lại châu Nam Thiệm bộ, ngự trong cung điện bốn báu(5). 2) Voi báu trắng (bạch tượng bảo): Đó là con voi thuần trắng, vừa sinh ra đã có sáu ngà, dùng cho vua cưỡi trong những lúc tuần du các nơi gần. 3) Ngựa báu xanh (cám mã bảo): Đó là con ngựa màu thanh thiên, có thể bay trên không mà đi, dành cho vua cỡi. 4) Ngọc báu mầu nhiệm (thần châu bảo): Đó là viên ngọc tám góc, treo trên cao, tuy ở ban đêm, nó vẫn tỏa sáng như ban ngày. 5) Ngọc nữ báu (ngọc nữ bảo): Đó là người phối ngẫu của vua, nhan sắc diễm lệ đoan trang, mình thơm như trầm hương, hơi miệng như hoa sen, thân thể ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè, hầu hạ khéo léo, rất hợp ý vua. 6) Quan chủ kho báu (chủ tạng thần bảo): Đó là một người có nhiều công đức, do phước báo mà có được thiên nhãn, thấy suốt tất cả các vật dụng cất giữ trong kho, vua cần dùng vật gì là lấy ra ngay. 7) Tướng quân báu (binh thần bảo): Đó là một người thông hiểu quân cơ, biết rành sách lược, có tài dùng binh.

Vua Chuyển luân có bốn thứ phước báo: Một là rất giàu, châu báu, nhà cửa, ruộng đất, người hầu hạ, nhiều vô kể; đáng gọi là “thiên hạ đệ nhất”. Hai là tướng mạo trang nghiêm đoan chính, có đủ 32 tướng tốt(6), đáng gọi là “thiên hạ đệ nhất”. Ba là thân thể tráng kiện, không có bệnh tật, an ổn sung sướng, đáng gọi là “thiên hạ đệ nhất”. Bốn là mạng sống dài lâu, đáng gọi là “thiên hạ đệ nhất”.

Khi vua Chuyển luân xuất hiện, châu Nam Thiệm bộ này, đất đai sạch sẽ, bằng phẳng, không có gai gốc, gò đống, hầm hố, phân, nước tiểu, các vật vụn vặt hôi thúi; đầy đủ bảy vật báu(7), khí hậu ôn hòa, người người an vui. Con của Luân vương có một ngàn người. Vua mạng chung liền sinh lên cõi trời Đao lợi; bảy ngày sau đó thì bốn món báu là bánh xe vàng, voi, ngựa và ngọc, tự nhiên biến mất; ba món báu còn lại là ngọc nữ, chủ kho và tướng quân đều mạng chung. Thành báu cũng biến thành gạch vụn. Thế mới biết, tất cả các cảnh giới ở thế gian đều do nghiệp lực mà tồn tại; khi nghiệp lực chấm dứt thì cảnh giới cũng hoại diệt. Đức Phật phân tích tướng trạng của thế gian, chỉ là khổ đau, trống rỗng, vô thường và vô ngã; thật là cặn kẽ vậy.

CHÚ THÍCH

01. Mạng sống con người, bắt đầu tính từ mười tuổi, cứ mỗi một trăm năm tăng thêm một tuổi, tăng đến tám vạn bốn ngàn tuổi thì ngưng; đó gọi là “kiếp tăng”. Rồi lại tính bắt đầu từ tám vạn bốn ngàn tuổi, cứ mỗi một trăm năm giảm đi một tuổi, giảm đến còn mười tuổi thì ngưng; đó gọi là “kiếp giảm”. Trải qua một lần tăng và một lần giảm như thế, là một “tiểu kiếp”.

02. Bốn châu lớn ở Đông, Nam, Tây và Bắc, cũng được gọi là “bốn thiên hạ”.

03. Căm hay nan xe là khúc cây thẳng ở trong bánh xe, đầu trong thì gắn vào vành bao trục xe, đầu ngoài thì gắn vào vành bánh xe. Cái bánh xe được làm bằng một ngàn cái căm như thế, thì đó là một cái bánh xe rất lớn, rất chắc chắn.

04. Màu thanh thiên là màu xanh lam mà có pha tí màu hồng.

05. Đó là hình tám góc.

06. Thiên nhãn là mắt của chư thiên, bất cứ chỗ tối, chỗ sáng, chỗ gần, chỗ xa, chỗ khuất, chỗ trống, đều thấy suốt, không có gì ngăn cản.
PHỤ CHÚ

(01) Chuyển luân thánh vương: hay gọi tắt là Luân vương, là từ dịch ý của tiếng Phạn cakra vartirajan, nghĩa là người chủ của bánh xe báu xoay chuyển. Luân vương có bảy món báu đặc biệt mà tất cả mọi người không ai có: bánh xe báu, voi trắng báu, ngựa xanh báu, thần châu báu, ngọc nữ báu, quản kho báu, và tướng quân báu. Vua có bốn đức lớn, không ai sánh bằng: sống lâu, không tật bệnh, tướng mạo đoan trang, và kho đầy của báu. Quốc độ của vua giàu có, nhân dân khắp nơi đều sống trong cảnh thái bình an lạc. Vua thống quản cả bốn châu lớn chung quanh núi Tu di, dùng chánh pháp để trị đời. Truyền thuyết về sự xuất hiện của Chuyển luân thánh vương, rất được thịnh hành trong thời Phật tại thế. Nhiều kinh luận đã đề cập tới Chuyển luân thánh vương, và nhiều chỗ còn so sánh vị vua này với đức Phật. Luận Đại Trí Độ nói: Phật chuyển pháp luân cũng giống như Luân vương chuyển bảo luân... Luân vương vận chuyển bánh xe báu đi giữa hư không vô ngại, Phật vận chuyển xe pháp đi giữa thế gian vô ngại. Người thấy được bánh xe báu, các tai nạn, độc hại đều tiêu diệt; người gặp được bánh xe pháp, tất cả phiền não, tà kiến đều tan biến... Luận ấy lại nói: Luân vương chưa dứt sạch mọi phiền não; Phật đã xa lìa vĩnh viễn mọi phiền não... Bánh xe báu là vật giả tạm; bánh xe pháp là chân thật. Bánh xe báu là nơi đầy kiết sử, vui với năm dục; bánh xe pháp là nơi không có kiết sử, vui niềm pháp lạc... Nhiều chỗ còn so sánh các Luân vương với các giai vị của Bồ tát hạnh, như: Thiết Luân vương tương đương với hàng Thập tín; Đồng Luân vương tương đương với hàng Thập trụ; Ngân Luân vương tương đương với hàng Thập hạnh; Kim Luân vương tương đương với hàng Thập hồi hướng. Có chỗ nói Luân vương gồm ba loại: Vua A Dục chẳng hạn, là Quân (quân binh) Luân vương; bốn vị Kim, Ngân, Đồng và Thiết Luân vương là Tài (của cải) Luân vương; và đức Phật là Pháp Luân vương.

(02) Chư thiên cõi Dục: Tất cả các loài chúng sinh còn có tâm ham muốn các đối tượng như hình tướng, âm thanh, chạm xúc, ăn uống, tiền của, danh lợi, sắc dục, v.v... đều sống trong phạm vi cõi Dục. Trong cõi này, từ thấp lên cao, gồm có sáu loài như sau: Địa ngục, Ngạ quỉ, Bàng sinh, A tu la, Người và Trời. Loài Trời ở đây cũng là loài người, nhưng do có tu mười nghiệp lành ở các kiếp trước nên được hưởng phước báo cao hơn loài người ở cõi Người. Trú xứ của họ là các cõi Trời – được gọi là “Trời cõi Dục”; gồm có sáu cõi, từ thấp lên cao như sau:

1) Tứ vương thiên (Caturmaharajika deva): Theo thế giới quan của Phật giáo, ở lưng chừng núi Tu di lại có một ngọn núi chia làm bốn đầu, xoay ra bốn hướng Đông, Nam, Tây, Bắc. Mỗi đầu do một vị thiên vương cùng toàn bộ thiên chúng thuộc quyền cư trú. Vị thiên vương trấn ở đầu núi phía Đông tên là Trì Quốc (Dhrtarastra); phía Nam tên là Tăng Trưởng (Virudhaka); phía Tây tên là Quảng Mục (Virupaksa); và phía Bắc tên là Đa Văn (Dhanada). Bốn vị thiên vương này có nhiệm vụ bảo hộ bốn châu thiên hạ, nên được gọi là Hộ Thế tứ thiên vương, và ngọn núi bốn đầu ấy được gọi là Tứ vương thiên, là tầng trời đầu tiên của sáu tầng trời cõi Dục. Các vị thiên vương cũng như thiên chúng ở cõi trời này sống lâu 500 tuổi; mà một ngày đêm ở đây tương đương với 50 năm ở cõi Người. Sự dâm dục ở đây cũng giống như ở nhân gian. Em bé mới sinh ra đã lớn bằng em bé năm tuổi ở nhân gian, y phục tự có đầy đủ.

2) Tam thập tam thiên (Trayastrimsa deva): cũng có tên là Đao lợi thiên. Cõi trời này tọa lạc ngay trên đỉnh núi Tu di, chia làm 33 cung, là tầng trời thứ nhì của sáu tầng trời cõi Dục. Chúa của cõi trời này là trời Đế Thích (hoặc: Thiên Đế Thích, Thích Đề Hoàn Nhân, Nhân Đà La, Kiều Thi Ca, v.v... – Sakra Devanam indra), ngự tại cung trung ương. Ở bốn phương chung quanh, mỗi phương có tám cung (cộng cả thảy là 33 cung). Thiên chúng ở cõi trời này sống lâu một ngàn tuổi (một ngày đêm ở đây dài bằng một trăm năm ở nhân gian). Họ cũng dựng vợ gả chồng, sự dâm dục giống như ở cõi nhân gian. Em bé mới sinh ra đã lớn bằng em bé sáu tuổi ở nhân gian, y phục tự có đầy đủ.

3) Dạ ma thiên (Yama deva): Đây là tầng trời thứ ba trong sáu tầng trời cõi Dục; và cũng là cõi trời đầu tiên tọa lạc ở trong hư không, phía trên trời Đao lợi. Cõi trời này lúc nào cũng sáng rỡ, không có ngày và đêm. Chúa của cõi này là trời Tu Dạ Ma (Suyama devaraja). Thiên chúng ở đây sống lâu hai ngàn tuổi (một ngày dài bằng hai trăm năm ở nhân gian), mỗi giây mỗi phút đều thọ hưởng sự hoan lạc ngoài sức tưởng tượng của loài người. Ý niệm dâm dục chỉ khởi lên khi biết đúng lúc, và vợ chồng chỉ ôm nhau là âm dương thành tựu. Đến lúc sinh, người thiên nữ khởi niệm, liền có em bé hóa sinh nơi đầu gối, lớn bằng em bé ba, bốn tuổi ở nhân gian.

4) Đâu suất thiên (Tusita deva): cũng gọi là Đâu suất đà thiên. Đây là tầng trời thứ tư trong sáu tầng trời cõi Dục, nằm phía trên trời Dạ ma. Chúa của cõi trời này là thiên vương San Đâu Suất Đà (Samtusita devaraja). Cõi trời này chia thành hai viện: nội viện và ngoại viện. Nội viện là nơi cư trú của các vị Bồ tát một đời thành Phật (bổ xứ) – như trước đây là đức Thích Ca, hiện nay là đức Di Lặc. Thiên chúng ở nội viện thường được đức Di Lặc thuyết pháp hóa độ, thường tu tập tám con đường chân chánh. – Phật giáo Trung quốc, từ thời Đông Tấn (317 419) trở đi, tín ngưỡng về cõi tịnh độ Đâu suất rất thịnh hành. Rất nhiều vị cao tăng các đời từng phát nguyện vãng sinh về Đâu suất nội viện của đức Di Lặc. – Ngoại viện là nơi thiên chúng cư trú, phần nhiều chỉ hưởng khoái lạc, ít được nghe Phật pháp. Thọ mạng ở đây là bốn ngàn tuổi (một ngày đêm dài bằng bốn trăm năm ở nhân gian). Chúng sinh ở đây, niệm dâm dục nhẹ nhàng, biết đủ, và nam nữ chỉ cầm tay nhau là âm dương thành tựu. Em bé mới sinh đã lớn bằng em bé tám tuổi ở nhân gian.

5) Hóa lạc thiên (Nirmanarati deva): cũng gọi là Hóa tự tại thiên. Đây là tầng trời thứ năm trong sáu tầng trời cõi Dục. Chúa của cõi này là thiên vương Thiện Hóa (Sunirmita devaraja). Người ở cõi trời này tự hóa ra các trần cảnh để hưởng thụ, thân tướng thường có ánh sáng; niệm dâm dục càng nhẹ nhàng, và nam nữ chỉ nhìn nhau mỉm cười là âm dương thành tựu; con cái hóa sinh từ đầu gối của cha hoặc mẹ, mới sinh ra đã lớn bằng đứa trẻ mười hai tuổi ở nhân gian. Họ sống lâu tám ngàn tuổi (một ngày đêm dài bằng tám trăm năm ở nhân gian).

6) Tha hóa tự tại thiên (Paranirmita vasa vartin): Đây là tầng trời cao nhất trong sáu tầng trời cõi Dục. Chúa của cõi này là thiên vương Tự Tại (Vasavartti devaraja), cũng là chúa của cả sáu tầng trời cõi Dục, và là một trong những ma vương chủ trương phá hoại Phật pháp. Tuy nhiên, theo kinh luận ghi chép, một vài pháp hội kinh Hoa Nghiêm và Bát Nhã, đã từng được Phật thuyết tại thiên cung này. Thiên chúng ở cõi này chuyên lấy những trần cảnh do cõi trời Hóa lạc hóa ra để hưởng thụ. Dục niệm ở đây chỉ còn rất ít, thiên nam và thiên nữ chỉ nhìn nhau là âm dương thành tựu. Muốn có con thì khởi niệm, liền có thiên tử hóa sinh nơi đầu gối, lớn bằng đứa trẻ mười tuổi ở nhân gian. Tuổi thọ ở đây là một vạn sáu ngàn tuổi (một ngày đêm dài bằng một ngàn sáu trăm năm ở nhân gian).

Trong sáu cõi trời Dục giới trên, hai cõi Tứ vương thiên và Đao lợi thiên đều tọa lạc trên núi Tu di, cho nên được gọi là “địa cư thiên”; bốn cõi còn lại đều tọa lạc trên hư không, cho nên được gọi là “không cư thiên”.

(03) Câu này, ý tác giả muốn nói: Bỏ ác làm lành, ngay cả dứt trừ trọn vẹn mười nghiệp ác và tu tập đầy đủ mười nghiệp lành, thì cũng chỉ đủ tạo phước đức để được hưởng quả báo sung sướng cùng tột ở các cõi trời mà thôi. Đó vẫn là thứ phước báo hữu lậu, không đủ khả năng giúp cho người tu hành phá vỡ vô minh, thoát li ba cõi, dứt tuyệt sinh tử luân hồi. Muốn giải thoát sinh tử để chứng nhập niết bàn, hành giả, ngoài việc tu tạo phước đức, còn phải nỗ lực phát huy trí tuệ, bằng cách tu tập thiền định, suy nghiệm chân lí, cho đến khi tuệ giác bừng sáng, vô minh phiền não hoàn toàn tiêu diệt. Con đường tu tập như vậy, trong Phật giáo gọi là “phước huệ đồng tu” (phước huệ song tu). Đức Thích Ca Mâu Ni, đã từng trải bao đời kiếp tu tạo công đức lành, nhưng phải đợi đến kiếp cuối cùng, do công phu tu tập thiền định một cách triệt để trong bốn mươi chín ngày dưới cội cây bồ đề, mới đạt được quả vị giác ngộ viên mãn, thành bậc Tối Chánh Giác. Bởi vậy, lời chúc “Phước Huệ Viên Thành” được coi là lời chúc đầy đủ ý nghĩa nhất mà các hành giả thường dùng để chúc nhau.

(04) Luân bảo: bánh xe báu, một biểu tượng của các đế vương thời cổ Ấn độ. Trong kinh điển Phật giáo thường nói, đó là một trong bảy thứ quí báu của vị Chuyển luân thánh vương, khiến cho ông trở thành kẻ vô địch, thống nhất bốn châu thiên hạ, khắp nơi sống trong thanh bình an lạc. Tùy theo chất liệu, luân bảo gồm có bốn loại: kim luân bảo, ngân luân bảo, đồng luân bảo, và thiết luân bảo. Theo đó, tùy theo quốc độ rộng hẹp mà Chuyển luân thánh vương cũng có bốn hạng: Kim Luân vương, Ngân Luân vương, Đồng Luân vương, và Thiết Luân vương. – Như Thiết Luân vương thì thống trị chỉ một châu Nam Thiệmbộ; Đồng Luân vương thống trị hai châu là Nam Thiệm bộ và Đông Thắng thân; Ngân Luân vương thì thống trị đến ba châu, là Nam Thiệm bộ, Đông Thắng thân và Tây Ngưu hóa; Kim Luân vương thì thống trị luôn cả châu Bắc Câu lô, tức khắp cả bốn châu thiên hạ.

Trong Phật giáo, bánh xe báu đó cũng được dùng để tượng trưng cho chánh pháp, nên sau khi thành đạo, đức Phật đã tuyên dương chánh pháp cho loài người, và gọi đó là sự “chuyển pháp luân”. Theo luận Đại Trí Độ, chữ “luân” ở đây có nghĩa là “trí tuệ và pháp tương ưng với trí tuệ của Phật”; và “pháp” ở đây, một cách tổng quát, là ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Lời Phật dạy được người thọ nhận hành trì, gọi là “chuyển”. Bởi vậy, đức Phật được tôn xưng là bậc “Pháp Luân Vương”. Từ ý nghĩa của sự “chuyển pháp luân” ấy, luân bảo cũng đã được Phật giáo dùng làm biểu tượng cho “bánh xe pháp” (pháp luân). Bánh xe này gồm có tám nan (biểu thị cho giáo pháp “bát chánh đạo”, hoặc mười hai nan (biểu thị cho giáo pháp “thập nhị nhân duyên”). Bàn tay và bàn chân Phật có tướng bánh xe một ngàn nan, cũng ứng vào ý nghĩa này.

Nhân tiện đây, người dịch xin nêu lên điều này: Trong bốn đại châu, châu ở phương Đông tên là Thắng thân, từ Phật học Hán Việt gọi là “Đông Thắng thân châu”. Từ trước đến nay, các sách Phật học Việt ngữ (kể cả bộ Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn), đều viết tên châu này là Đông Thắng thần châu. Có lẽ đó là viết theo Đinh Phúc Bảo trong Phật Học Đại Từ Điển. Trong khi đó, các bộ từ điển sau này như Phật Quang Đại Từ Điển, Từ Nguyên, v.v..., và cả tác giả ở đây, đều viết là “Đông Thắng thân châu”, Phật Quang Đại Từ Điển có ghi thêm chữ Phạn là “Purva videha” và giải thích “thắng thân” là thân tướng thù thắng. Có điều ngạc nhiên, Đinh Phúc Bảo (trong bộ Phật Học Đại Từ Điển), viết thì là “Đông Thắng thần châu”, nhưng cũng giải thích là thân tướng thù thắng. Trong khi đó, sách Trung Anh Phật Học Từ Điển (A Dictionary of Chinese Buddhist Terms) thì ghi ở một trang là “Đông Thắng thân châu” và ở một trang khác là “Thắng thần châu”; cả hai từ cùng được ghi kèm chữ Phạn là Purvavideha, và giải thích là đại lục ở phía Đông núi Tu di. Vậy thì, châu đó tên là Thắng thần hay Thắng thân? Trong chữ Phạn VIDEHA, thì ngữ vĩ “deha” (dịch âm Hán ngữ là “đề ha”), trong Trung Anh Phật Học Từ Điển, nó được dịch nghĩa là “the body”; và trong Phật Quang Đại Từ Điển, nó được dịch nghĩa là “thân”. Do đó, tên “Thắng thân” là chính xác.

(05) Bốn báu: Theo luận Đại Trí Độ, bốn món báu gồm có: vàng, bạc, tì lưu li, và pha lê. (Xin xem thêm phụ chú số 7 ở dưới.)

(06) Chuyển luân thánh vương cũng có 32 tướng tốt như Phật, nhưng theo luận Đại Trí Độ, một cách tổng quát, tướng Phật là tướng giải thoát, dứt tuyệt sinh tử luân hồi; còn tướng của Luân vương vẫn còn là tướng phàm phu, vẫn còn mắc kẹt trong vòng sinh tử luân hồi. Theo kinh Vô Lượng Thọ, 32 tướng của Phật rõ ràng, viên mãn; còn 32 tướng của Luân vương thì mờ nhạt, không trọn vẹn.

(07) Bảy báu: Kinh luận Phật giáo thường nêu lên bảy vật báu dùng trang nghiêm các cõi tịnh độ, mà cũng là những thứ trân quí nhất của thế gian. Theo các kinh Trường A Hàm, A Di Đà, luận Đại Trí Độ v.v..., bảy món báu đó gồm có vàng, bạc, lưu li, pha lê, xa cừ, mã não, và xích châu.

1) Vàng (kim, hay hoàng kim): Theo luận Đại Trí Độ, vàng là do từ cát đá, đồng đỏ trong núi sinh ra. Vàng có bốn đặc điểm: màu sắc không biến đổi; thể chất không ô nhiễm; thay đổi hình trạng (từ vòng sang xuyến, sang tượng cốt, chén đĩa, v.v...) không bị trở ngại; làm cho người ta trở nên giàu sang. Bốn đặc điểm này cũng có thể dùng làm tỉ dụ cho bốn đức Thường, Tịnh, Ngã và Lạc của pháp thân Phật. Cũng từ những ý nghĩa đó, thân của Phật tốt đẹp trang nghiêm vi diệu, nên được gọi là “kim thân”.

2) Bạc (ngân, hay bạch ngân): Theo luận Đại Trí Độ, bạc là do từ đá cháy sinh ra. Vàng và bạc là hai loại quí kim mà mọi người đều biết; riêng trong Phật giáo, đôi khi chúng được dùng để chỉ cho các chốn già lam, như “kim địa”, “ngân địa”, v.v...

3) Lưu li (hay tì lưu li): một loại đá ngọc màu xanh, ánh sáng trong suốt, là thần vật sinh từ thiên nhiên, không phải do người làm được. Tuy nhiên, cũng có thứ ngọc lưu li do người luyện thành, nhưng đó chỉ là loại ngọc giả mà thôi. Ngày xưa nước Tần (Trung quốc) nổi tiếng có nhiều loại ngọc thiên nhiên; riêng ngọc lưu li này cũng có đến mười loại (màu): đỏ, hồng, trắng, đen, tím, vàng, xanh, lam nhạt, da trời, và lá cây.

4) Pha lê (tức thủy tinh): Theo luận Đại Trí Độ, hai loại lưu li và pha lê là do từ trong các hang núi sinh ra. Giá tuyết đóng băng, trải qua ngàn năm thì thành ngọc, gọi là pha lê (nghĩa là ngọc nước). Loại thủy tinh ngày nay thường dùng làm các vật gia dụng như li, chén, bình cắm hoa, v.v..., là do con người lấy cát chế biến ra, không phải là ngọc pha lê thiên nhiên nói trên.

5) Xa cừ: một loại ốc biển rất lớn, vỏ dầy và cứng. Mặt ngoài của vỏ có nhiều lằn sâu như khắc, mặt trong thì trắng, sáng như ngọc; cho nên được xem là một loại đá ngọc, và được chế biến thành các vật trang sức quí giá. Cũng có người gọi loại san hô trắng là xa cừ. Nhưng, từ điển Từ Nguyên còn dẫn ở sách Nghệ Văn Loại Tụ của Trung quốc, có điều mục nói rằng, xa cừ là một loại ngọc quí ở Tây vực; và đó mới là một trong bảy món báu đề cập ở đây.

6) Xích châu (hay xích chân châu): là một loại ngọc màu đỏ, do một loài sâu đỏ sinh ra. Theo luận Đại Trí Độ, loại chân châu này cực kì quí báu, không phải là san hô. Loại chân châu thường thì có màu xám hoặc xám nhạt, nhưng loại xích chân châu thì có ửng màu đỏ; nếu được loại màu thuần đỏ thì quí giá vô cùng, trên đời hiếm thấy.

7) Mã não: là loại ngọc quí màu xanh biếc, rất sáng; khác với loại mã não thường thấy, là loại đá có vân đỏ.
BÀI TẬP

1) Hãy kể tên bốn hạng Luân vương. Các vị Luân vương ấy xuất hiện vào lúc tuổi thọ con người là bao nhiêu? Thống trị bao nhiêu châu?

2) Bảy thứ quí báu riêng của vị Chuyển luân thánh vương là gì?

3) Chuyển luân thánh vương có bốn thứ phước báo; bốn phước báo ấy là những gì?

4) Vào lúc Chuyển luân thánh vương xuất hiện, tình trạng của châu Nam Thiệm bộ như thế nào?

5) Luân vương sau khi mạng chung sẽ sinh về đâu? Tình trạng bảy thứ quí báu riêng của ông, sau đó sẽ như thế nào?
Trích từ: Giáo Khoa Phật Học - Cấp Hai
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Hòa Thượng Thích Đức Niệm Đọc Tiếp
2 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
3 Phật Pháp Căn Bản, Hòa Thượng Thích Đức Thắng Tải Về
4 Phật Lý Căn Bản, Hòa Thượng Thích Đức Thắng Tải Về
5 Các Tông Phái Đạo Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
6 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
7 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
8 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Đọc Tiếp Tải Về
9 Đạo Lý Nhà Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
10 Triết Lý Nhà Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
11 Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật, Hòa Thượng Thích Trung Quán Tải Về
12 Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Phẩm Bồ Tát Tâm Địa, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
13 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
14 Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
15 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về

Ba Khổ - Tám Khổ
Cư Sĩ Phương Luân

Tu Học
Cư Sĩ Tịnh Mặc

Chính Pháp Và Tượng Pháp
Đại Sư Gia Tường Cát Tạng