Home > Khai Thị Phật Học > Den-Di-Vo-Ich
Đến Đi Vô Ích
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Vào một đêm, người cha nói với con « ngày mai hai cha con mình đến thôn nọ, lấy vài thứ đem về ». Người con trời vừa sáng, chẳng cần hỏi cha, tự đi đến thôn đó, đến nơi người con mệt lả, chẳng biết thứ gì để lấy, lại đói khát gần chết, lần mò về lại nhà. Người cha liền mắng « mày là đứa ngu si, chẳng chút trí huệ, sao không cùng ta đi, mà đi không về không như vậy ». Người con tự dưng chịu khổ lại còn bị thế nhân chê cười.

Người ngu cũng vậy, đã được xuất gia, cạo tóc mặc y, chẳng cầu minh sư chỉ bầy giáo pháp, mất hết thiền định đạo phẩm công đức, cùng diệu quả sa môn, như gã ngu kia đến đi vô ích, chỉ tự lao lự, hình dáng sa môn nhưng thật chẳng đắc được gì (hình tợ sa môn, thật vô sở đắc).

Lời Bình:

Người cha dụ cho thiện tri thức, người con dụ cho người tu học, trong đêm dụ cho khi còn vô minh, đến sáng dụ cho khi phát sinh trí huệ, tới thôn nọ là sự tu hành, lấy vài thứ về dụ cho đắc Phật pháp thành tựu được công đức vô lậu.

Phàm phu nghe thiện tri thức nói đạo pháp có vô lượng công đức, nên sinh tâm tham cầu, xuất gia tu hành, nhưng khi tu hành không nương thân tâm nơi thiện tri thức nên bơ vơ lạc lõng trong cảnh xuất gia, mà chẳng biết làm sao để đạt được sự tu hành chân chính, hầu đem về được những công đức của đạo pháp, chỉ biết ngày hai buổi công phu, thờ Phật ăn oản, một cách lấy lệ cho qua tháng ngày, bằng sự công phu không chân thành thiết thực, khi mưa lúc nắng. Do thiếu thốn bi trí, thân tâm vẫn mỏi mệt với đời sống, chẳng khác nào người con nghe cha nói mai đến thôn nọ lấy của, nên một mình lên đường, đến nơi mới sực nhớ là quên hỏi cha của sẽ lấy là của gì, vì vậy phải chịu nhọc mệt vì đi đường, lại thêm đói khát. Đa phần Phật giáo đồ hiện nay, bất luận là tăng hay tục tuy sinh hoạt trong đạo pháp nhưng vẫn không hiểu biết và nắm vững cái mục tiêu mình muốn được « lấy về » bằng sự sinh hoạt nói trên, vì vậy họ vẫn quanh quẩn với bao mục đích vọng cầu « lấy về các phúc báo của thế tục trong cõi Dục », vốn không cần đến Phật pháp cũng đạt được.

Phật pháp sở dĩ xuất hiện nơi đời, là do đức Thế Tôn muốn đưa chúng sinh đến bờ giải thoát, vượt khỏi cảnh giới phúc họa, mà không hề chỉ muốn cho chúng sinh 1 cái phúc trong cảnh họa. Điều này dụ như lập phương tiện đưa nạn nhân của thiên tai ra khỏi vùng khổ nạn đến chốn an lành, thay vì chỉ cho họ cơm áo và để yên họ sống trong cảnh bần túng và hiểm nguy, cần giúp đỡ che chở từng ngày. Chúng sinh sống trong nhà lửa tam giới, chịu vô lượng nỗi khổ nơi thân và tâm, song không muốn rời bỏ cái « quê hương lầm than » đó, chỉ cầu được các nhà hảo tâm bồ tát cứu trợ để tồn tại đến hết đời, mặc dù các hảo tâm bồ tát chỉ mong sao đưa hết thẩy những chúng sinh trong nhà lửa thoát ra hẳn bên ngoài về chốn bình an.

Do vì ý tưởng thoát ly khỏi nhà lửa tam giới không được chúng sinh hưởng ứng hay chấp nhận, nên chư đại bồ tát đành phải cứu khổ cứu nạn tạm thời cho chúng sinh theo hình thức cứu trợ, tựa như các nhà hảo tâm cứu đói cứu rét nhất thời cho nạn nhân thiên tai vậy. Và đây là sự cứu giúp được chúng sinh trong nhà lửa hoan nghênh, đáp ứng và ngưỡng mộ nhất.

Mặc dù đến cuối đời, sau khi đã khai mở trí huệ cho biết bao chúng sinh, đức Thế Tôn đã thẳng thắn tuyên thuyết « Như Lai xuất hiện nơi đời cũng chỉ vì một đại sự nhân duyên, đó là khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến ». Đức Thế Tôn tuyên thuyết vào thời điểm cuối đời khi đã khai thị Phật tri kiến cho 1 số đông đồ chúng hiểu biết được chỗ đến và thứ cần đạt được (lấy về), tựa như người cha dặn con 2 chữ « trời sáng » trong câu nói « sáng mai chúng ta sẽ đến thôn nọ lấy những thứ kia về », trời sáng biểu trưng cho nhận chân và thấy rõ mọi ngã đường để đến đi, như người tu học được Phật tri kiến giúp soi tỏ mọi nhân quả của mọi cảnh giới để đến đi tự tại bằng hành theo nhân quả. Nhưng đa số Phật giáo đồ sinh hoạt trong giáo pháp « Phật tri kiến » lại mù mờ không biết đâu là nẻo đi lối về, và đâu là cứu cánh cần được nơi đức tu hành của Phật pháp. Do vậy mà có đến thôn nọ khi trời sáng, nhưng không biết lấy về thứ gì, tựa như biết quy y Tam bảo (sáng), thường sinh hoạt Phật pháp (đến thôn nọ), song vẫn không cầu Phật tri kiến nói chi đến ngộ nhập (đồng với không biết lấy thứ chính xác cần lấy về). Bằng vào các chi tiết này ta có thể kết luận rằng đến với Phật pháp mà không nhận được khai thị và ngộ nhập Phật tri kiến là « đến đi vô ích ».

Người con dù chờ sáng mới đi, nhưng giống như đi giữa nửa đêm, vì mù mờ như tối trời do không biết mình đi lấy thứ gì về, điều này tượng trưng cho chúng sinh biết quy y Tam bảo học pháp (sáng), nhưng vẫn mờ mịt chẳng biết đâu là chỗ chính xác cần đạt được trong Phật pháp, nên đến với đạo pháp tay không và về lại với thế gian trắng tay, thành thử bị chư Phật quở là « đến đi vô ích ». Người cha dặn bảo chờ sáng sẽ dẫn con đi lấy của, dụ cho chờ đến khi có trí huệ, tức được khai thị Phật tri kiến, biết đâu là công đức để đạt, trên con đường xuất gia đến với chính pháp. Và Phật tri kiến đó sẽ cùng đi và đưa đàn con Phật tới đúng chỗ, lấy đúng vật, biểu trưng cho sự ngộ nhập Phật tri kiến. Khác với chúng sinh đi một mình không có Phật tri kiến đi cùng, như người con không có cha đồng hành, nên tốn công vô ích, còn bị người cha trách mắng.

Chúng sinh quy y theo Phật, cầu được sinh về cõi nước an lạc, nhưng không theo hành nguyện của chư Phật, mà vẫn ôm ấp cái hành nguyện tham dục vị kỉ cố hữu, khác nào người con nghe lời cha nói, độc hành tìm đến thôn nọ, không cùng đi với người cha, do vậy không đạt được kết quả.

Phật và pháp tương tức, tương sinh, không Phật thì không pháp, không pháp cũng không Phật, do vậy Phật lấy pháp làm thân, pháp lại lấy Phật làm thân. Quy y Phật tất không thể không quy y pháp, quy y pháp tất không thể không quy y Phật. Quy y Phật mà không quy y pháp, tất Phật không thành. Quy y pháp mà không quy y Phật tất pháp không hiện. Nói như thế tức có nghĩa muốn hướng đến quả Phật cần tu học pháp, muốn được các pháp ắt nương cầu Phật.

Nay phần đông người muốn thân cận Phật, muốn thành Phật quả nhưng lại hoặc khước từ, hoặc né tránh không cùng chính pháp « hành nguyện » của chư Phật đồng hành trên con đường đến với Phật, họ đi bằng cái hành nguyện tham cầu vị kỉ xưa nay của họ, cho nên chung cục nhọc công vô ích, và còn bị Thế Tôn quở mắng là ngu si, không cùng ngài đồng hành mới ra nông nỗi « đến đi vô ích ». Cũng chỉ do không biết cùng Phật đồng hành chính là nguyện mọi nguyện độ sinh của Như Lai, hành mọi hành cứu độ của chư Phật. Xét cho tường tận tất dễ dàng nhận thấy không một đức Phật nào trong ba đời không đi cùng hành nguyện cứu độ mà đến được Bát niết bàn, thành được quả Phật.

Thế nên muốn đến cảnh giới giải thoát Bát niết bàn và thành tựu Phật quả mà không phát tâm hành nguyện cứu độ tức bồ đề tâm, thì chẳng khác người con lìa cha tự đi, và bị quở là ngu si.

Người xuất gia trở thành sa môn nhờ phát tâm bồ đề đắc được thiện pháp giới định huệ, trừ được ác pháp tham sân si, nhưng nếu không đắc được hai pháp hành thiện đoạn ác này tất chẳng thực phải sa môn, do chỉ có hình tướng sa môn mà tâm tính phi sa môn, nên nói hình tợ sa môn, thật vô sở đắc. Vô sở đắc có hai nghĩa thế và xuất thế, nghĩa vô sở đắc của thế gian, tức chẳng đạt được bất cứ sự mong cầu chân chính nào của mình. Nghĩa vô sở đắc của xuất thế, tức chẳng nắm bắt bất cứ một thứ gì, đồng với nghĩa vô cầu trong tam giải thoát môn, hay vô sở trụ trong kinh Kim Cương.

Câu chuyện này chỉ ra phương diện hàng xuất gia cầu đạo, mà không nương thiện tri thức, chỉ học được chút ít nhưng suy nghĩ theo cái ngu kiến của ngã xưa nay, mà không y lời thiện tri thức thực hành. Mặc dù bao năm tháng tu học, những người này đã từng biết vọng thức ngã chấp của mình không bằng được thật trí vô ngã của thiện tri thức, song vì bao đời làm nô lệ cho ngã nên vẫn mê muội theo ngã cho dù biết ta không hiểu biết như thiện tri thức, xuất gia cầu đạo mà không hành theo sư trưởng hay thiện tri thức mà vẫn hành theo ngu kiến của ngã chấp nên sự xuất gia này chỉ nhọc mệt vô ích, và những người xuất gia này chỉ là hình tợ sa môn, mà chẳng thật là sa môn, vì không có quả chứng của sa môn, nên vẫn còn đầy tham sân si, như đức Phật dậy « dầu tụng nhiều kinh điển, không hành trì phóng dật, chẳng khác đếm bò người, không hưởng sa môn hạnh ». Không hưởng sa môn hạnh là nghĩa vô sở đắc của thế gian trên con đường xuất gia.

Do ngã chấp đồng với ôm lấy nghiệp làm thân, nên tuy sống trong Phật pháp, nhưng thường hành theo mọi thức tình, tính toán hơn thua, không cùng Phật tri kiến đồng hành, nên có xuất gia tu học, niệm Phật lễ bái cũng nhọc thân không kết quả, đó là hậu quả của đi một mình hay nói cách khác là cùng ngã kiến đồng hành, xa lìa Phật tri kiến.

Hành giả xuất gia tu học thường thân cận Phật tri kiến qua 2 phương diện tự tha. Tự ắt thâm tín nhân quả, phàm hành động hay tư duy đều tuân thủ luật nhân quả. Tha tất nương các bậc thiện tri thức chỉ bầy các pháp nhân quả một cách thật đức năng. Ta có thể kết luận rằng người luôn đồng hành với Phật tri kiến là người chân chính quy y Tam bảo. Chữ Y có nghĩa không lìa tức đồng hành. Chữ Quy hàm nghĩa hướng đến tức cứu cánh. Như vậy Quy Y Tam bảo hàm nhiếp nghĩa cùng tam bảo tức Phật tri kiến đồng hành thì đến được quả vị của Phật, hoặc giả muốn đến quả vị Phật ắt phải cùng Phật tri kiến đồng hành. Nếu không thì chẳng khác nào người con ngu si lìa cha ra đi một mình, để rồi khổ thân mệt mỏi đến đi vô ích.