Home > Khai Thị Phật Học > Lao-Hoa-La-Hien-Tuong-Tu-Nhien
Lão Hóa Là Hiện Tượng Tự Nhiên
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Mọi người thường nghĩ “sinh” là việc đáng mừng. Thực ra, “sinh” là một sự thật về đau khổ.

Khổ từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Hệ lụy từ nỗi khổ của

“sinh” là già khổ, bệnh khổ và chết khổ, nên có thể tổng kết rằng bản thân của sự sống, của sinh mạng là khổ. Một đời người chỉ một lần sinh ra và chết đi nhưng già lão là cả một quá trình liên tục. Trong quá trình lâu dài và liên tục đó, người ta thường mắc bệnh trong một thời gian nhất định, có nhiều trường hợp bệnh tật suốt cả một đời từ khi sinh ra cho đến khi chết. Quả thực “già” và “bệnh” dày vò con người trọn cả một đời.

Có người nhầm khi cho rằng sau khi sinh ra thì phải sinh bệnh mới đến giai đoạn già nua. Thực ra không phải đợi đến khi tóc bạc da mồi mới được gọi là già mà già lão là kết quả tích lũy trong từng giờ từng phút trong suốt một thời gian nhất định. Từ khi sinh ra đời, và quãng thời gian từ khi sinh ra cho đến khi chết đi là cả một quá trình lão hóa. Một đứa bé đang lớn lên cũng có thể nói đó là một quá trình lão hóa! Con người đang già theo từng giờ từng phút, nên trong bài kệ tán ở khóa tụng buổi chiều (công phu chiều) có câu “thị nhật dĩ quá, mạng diệc tùy giảm, như thiểu thủy ngư, tư hữu hà lạc, đại chúng đương cần tinh tiến như cứu đầu nhiên, thận vật phóng dật” (một ngày qua đi mạng sống giảm dần, như cá trong ao nước cạn, hỏi có gì vui, mọi người phải nên tinh tiến tu hành, chớ có phóng túng).

Hồi còn bé, ai cũng mong mình sớm thành người lớn vì một khi lớn sẽ hưởng thụ được những quyền lợi của một người lớn tuổi, có thể đi chơi, làm việc tùy thích mà không bị ai ngăn cấm. Khi đó, thầy cô, bố mẹ không còn quản mình, cũng không phải nghe lời người khác dạy dỗ, hưởng được tự do cao nhất. Sở dĩ thuở nhỏ chúng ta có cách nghĩ thế vì chúng ta chưa từng biết cảm giác “già” là gì. Cuộc đời ngắn ngủi, học hết cấp một, cấp hai, cấp ba rồi vào đại học, tốt nghiệp đi làm, dựng vợ gã chồng xong là giật mình thấy tóc trắng trong tay, như ngày xưa Lý Bạch nói “tóc sáng xanh ngắt mà chiều đã bạc trắng”.

Nhiều người nghĩ: “Lại thêm một năm trôi qua, thế mà chẳng làm nên trò trống gì, trong khi người ta đến độ tuổi này đã công thành danh toại...”. Cách so sánh tuổi tác như thế cũng là một nỗi khổ.

Tuy lão hóa là một hiện tượng tự nhiên nhưng nhiều người, nhất là các cô các chị, rất ngại mỗi khi có người đề cập đến chúng; họ thường giấu tuổi của mình như một bí mật cá nhân, hễ có người hỏi đến liền cho rằng hỏi như thế là thiếu lịch sự, khi người khác đoán tuổi mình trẻ hơn tuổi thật thì vui mừng và cho rằng khuôn mặt và vẻ ngoài của mình trẻ hơn tuổi thực. Phần lớn ai cũng sợ già, không muốn cho người khác thấy mình đã già, họ muốn giữ mãi tuổi thanh xuân, muốn mình trẻ mãi trong mắt người khác. Tâm lí sợ già, trốn tránh sự già nua của tiến trình tự nhiên quả thực là một trong những nỗi khổ của con người, đeo đẳng mãi.

Già không nhất thiết chỉ già đến độ lầm cầm, nhưng đến tuổi suy lão quả rất khổ. Nhiều người an ủi tôi: “Thưa thầy, thầy trẻ lắm, trông như chỉ mới 50 thôi!”. Tôi nói: “A di đà Phật! Đạo hữu chớ khen tôi quá thế, năm nay tôi đã bảy mươi!”. Tôi thế nào chỉ mình tôi hiểu, thế mà nhiều người lại muốn “lừa” tôi, khen tôi trẻ khổe như chỉ độ ngũ tuần! Bảy mươi tuổi là bảy mươi, sáu mươi năm mươi là sáu mươi năm mươi, giống nhau thế nào được, nhưng xuất phát từ tâm lí sợ già, sợ tuổi tác, đấy cũng là một nỗi khổ. Vì thế, chúng ta cần cảnh giác mọi lúc mọi nơi trong suốt quá trình lão hóa, đồng thời phải biết tận dụng từng giây phút của đời mình. Như thế chúng ta mới giúp mình sống hữu ích trong thân xác tạm bợ và thời gian tồn tại ngắn ngủi này.

Trích từ: An Lạc Từ Tâm