Home > Khai Thị Niệm Phật
Trích Yếu Mộng Du Tập Của Đại Sư Hám Sơn Ðức Thanh Đời Minh
Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


* Phật dạy pháp tu hành thoát sanh tử có nhiều môn phương tiện, chỉ có pháp Niệm Phật Cầu Sanh Tịnh Ðộ là thiết yếu, nhanh tắt nhất. Kinh dạy: “Muốn tịnh cõi Phật, hãy nên tịnh tự tâm”, cho nên nay tu hành Tịnh nghiệp phải lấy tâm trong sạch làm gốc. Muốn tịnh cái tâm mình, điều trước tiên là giới căn phải thanh tịnh, vì ba điều ác nơi thân, bốn điều ác nơi miệng, ba điều ác nơi ý chính là mười nghiệp ác tạo thành khổ nhân của tam đồ.

Ðiểm cốt yếu của trì giới là trước hết phải tam nghiệp thanh tịnh thì tự tâm thanh tịnh. Thân chẳng giết, trộm, dâm thì thân nghiệp sẽ thanh tịnh. Miệng chẳng nói dối, nói thêu dệt, nói đôi chiều, ác khẩu thì khẩu nghiệp sẽ thanh tịnh. Ý chẳng tham, sân, si thì ý nghiệp sẽ thanh tịnh. Dứt vĩnh viễn mười điều ác như thế thì tam nghiệp trong suốt như băng. Ðấy là yếu quyết để tịnh tâm. Do cái tâm thanh tịnh ấy, nhàm chán nỗi khổ Sa Bà, phát nguyện vãng sanh An Dưỡng, lập chánh hạnh Niệm Phật.

Ðiều cốt yếu của Niệm Phật là tâm thiết tha; trước hết phải đoạn ngoại duyên, chỉ vâng giữ nhất niệm, lấy một câu A Di Ðà Phật làm mạng sống, niệm niệm chẳng quên, tâm tâm chẳng đoạn. Trong mười hai thời, đi, đứng, nằm, ngồi, cầm muỗng, co tay, gập, xoay, cúi, ngửa, động, tịnh, rảnh, bận, trong hết thảy lúc chẳng ngu, chẳng muội, không có các duyên khác.

Dụng tâm như vậy lâu ngày thuần thục; thậm chí trong mộng cũng chẳng quên mất. Ngủ hay thức giống hệt nhau thì công phu miên mật đúc thành một khối. Ðấy là lúc đã đắc lực vậy. Nếu niệm đến mức nhất tâm bất loạn thì khi mạng chung, cảnh giới Tịnh Ðộ hiện tiền, tự nhiên chẳng bị sanh tử giam cầm nên cảm được Phật A Di Ðà phóng quang tiếp dẫn. Ðấy chính là cách hiệu nghiệm để nhất định được vãng sanh.

* Tu Huệ bằng quán tâm; tu phước nơi vạn hạnh. Quán tâm lấy niệm Phật làm quan trọng nhất, vạn hạnh lấy hạnh cúng dường làm đầu. Hai điều ấy bao gồm hết thảy. Trong hết thảy những việc làm hằng ngày của chúng ta, khởi tâm động niệm đều là vọng tưởng, là gốc sanh tử; cho nên chuốc lấy quả khổ. Nay đem cái tâm vọng tưởng chuyển thành tâm niệm Phật thì mỗi niệm trở thành cái nhân Tịnh Ðộ, tạo thành quả vui. Nếu niệm Phật tâm tâm chẳng dứt thì vọng tưởng tiêu diệt, tâm quang phát lộ, trí huệ hiện tiền, trở thành Pháp Thân của Phật. Sở dĩ chúng sanh bần cùng thiếu phước huệ là do đời đời, kiếp kiếp chưa từng có một niệm cúng dường Tam Bảo để cầu phước huệ, chỉ lăm lăm vì cái thân sanh tử khổ sở, niệm niệm mong cầu sự vui ngũ dục để vun bồi cội khổ.

Nay chuyển cái tâm tham cầu cho riêng ta thành tâm cúng dường Tam Bảo, đem cái thân mạng hữu hạn nương theo sức mạnh của tâm cúng dường mười phương thì tuy chỉ cúng một nén hương, một cành hoa, một hạt gạo, một cọng rau, phước ấy cũng vô tận! Vì vậy, cảm được Phật quả, Hoa Tạng trang nghiêm tạo thành cảnh thọ dụng của chính thân mình trong tương lai. Bỏ qua những điều này thì không có hạnh mầu nhiệm nào khác để thành Phật!

* Niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ là muốn rốt ráo đại sự sanh tử. Nếu chẳng biết cội gốc sanh tử thì biết hướng về đâu để giải quyết trọn vẹn cho được? Cổ nhân nói:

Nghiệp chẳng nặng chẳng sanh Sa Bà;

Ái chẳng đoạn chẳng sanh Tịnh Ðộ.

Cho nên biết là Ái chính là cội rễ của sanh tử. Từ khi có sanh tử đến nay, đời đời kiếp kiếp xả thân, thọ thân đều là trôi lăn theo ái dục. Nay niệm Phật thì trong từng niệm phải đoạn ái căn ấy; tức là trong những cảnh duyên tiếp xúc hiện hữu hằng ngày, người tại gia niệm Phật mắt nhìn thấy con cái, cháu chắt, gia duyên, tài sản, không gì là chẳng yêu mến; không một niệm nào, không một sự gì chẳng phải là kế sách để tăng trưởng sanh tử. Ngay trong lúc niệm Phật nếu trong tâm chưa từng có một niệm buông bỏ được ái căn, như vậy thì chỉ càng niệm Phật, ái  càng thêm lớn.

Nếu như có lúc khởi tâm quyến luyến con cái, hãy hồi quang xem xét một câu niệm Phật có thật sự chống nổi ái niệm ấy hay không? Có thật sự đoạn nổi ái đó hay không? Nếu chẳng thể thật sự đoạn nổi ái ấy thì làm sao rốt ráo thoát khỏi sanh tử cho được?

Do ái duyên quen thói đã từ nhiều đời, còn niệm Phật thì chỉ mới phát tâm nên còn sơ sài. Lại do niệm Phật chẳng chân thật, thiết tha, nên chẳng đủ sức. Nếu chẳng thể khống chế ái cảnh hiện tiền, lúc lâm chung sẽ chỉ thấy sanh tử ái căn hiện tiền, trọn chẳng thể làm chủ cảnh duyên được! Vì thế, khuyên mọi người hãy niệm Phật:

Ðiều quan trọng nhất là tâm sanh tử tha thiết. Muốn đoạn cái tâm sanh tử tha thiết, trong mỗi niệm phải đoạn dứt cái gốc sanh tử thì mỗi niệm đều là lúc liễu sanh tử. Nghĩa là: Những việc trước mắt đều là chuyện sanh tử, trước mắt thấu rõ sanh tử là Không. Niệm niệm chân thành, thiết tha như thế; [giống như] từng nhát dao cắt xuống đều tuôn máu. Nếu [tu tập như thế mà] chẳng được thoát khỏi sanh tử thì chư Phật đều mắc tội vọng ngữ hết!

* Học đạo chẳng có tài khéo chi khác, chỉ cốt biến cái sống thành cái chín, biến cái chín thành cái sống; lâu ngày thuần thục, đúc thành một khối: Niệm niệm Di Ðà, khắc khắc Cực Lạc. Kẻ học đạo hiểu biết thiển cận, chỉ biết tham cầu lẽ huyền diệu, chẳng biết hướng ngay đến chỗ căn bản để dốc cả tánh mạng ra hạ thủ công phu. Gặp phải cảnh vinh, nhục, họa hoạn, sanh tử, liền thấy chân tay cuống quít. Ðấy chẳng những là đã dối người, mà còn là tự lừa mình nữa!

Cội gốc của sanh tử chính là các thứ vọng tưởng hằng ngày của chúng ta: Ta người, ghét yêu, tham, sân, si v.v… Các nghiệp phiền não nếu còn mảy may chưa dứt, sẽ trở thành cội gốc sanh tử. Nếu ai muốn tham Thiền đốn ngộ giải thoát sanh tử, xin hãy tự xét sức mình thật sự có thể trong một niệm đoạn ngay được phiền não trong bao kiếp như cắt đứt mớ tơ rối hay không? Nếu chẳng thể đoạn phiền não, dù có đốn ngộ cũng trở thành ma nghiệp, há có nên xem thường ư!

Xét ra, chư Tổ đốn ngộ đều là do đã tích lũy công hạnh, tu hành dần dần trong nhiều đời, nên mới đốn ngộ một chốc. Nói dễ, chứ thật ra rất khó, nếu chẳng phải một dạ công phu trong vòng hai, ba mươi năm, làm sao có thể ở ngay trong phiền não mà nhất niệm đốn ngộ được! Cần phải biết rõ căn khí của mình như thế nào!

Còn như một môn Niệm Phật thì người đời chẳng biết chỗ nhiệm mầu của nó, coi nó là thiển cận, thật ra, môn Niệm Phật bước nào cũng đạp lên Thật Ðịa! Vì sao vậy? Do vì bọn ta từ lúc có cuộc sống đến nay, niệm niệm vin níu vọng tưởng, tạo nghiệp sanh tử, chưa hề có một niệm hồi quang phản chiếu tự tâm, chưa hề có một niệm chịu đoạn phiền não. Nay nếu thật sự có thể chuyển cái tâm vọng tưởng thành tâm niệm Phật thì niệm niệm đoạn trừ phiền não. Nếu niệm niệm đoạn được phiền não thì niệm niệm thoát sanh tử. Nếu thật sự có thể nhất niệm niệm Phật chẳng thay đổi, nhất tâm bất loạn, so ra còn hơn là tham Thiền, vì tham Thiền còn có thể bị đọa lạc. Nói chung, chỉ cốt sao nhất niệm chân thành, thiết tha mà thôi!

Nhưng tham Thiền thì nhất định phải diệt sạch cái tâm thế gian, chẳng dung một niệm vọng tưởng. Còn niệm Phật là dùng tịnh tưởng để hoán chuyển nhiễm tưởng, dùng tưởng trừ tưởng. Căn khí của bọn chúng ta có thể thực hành pháp thay đổi này dễ dàng!

* Tu Tịnh Ðộ chẳng cần cầu minh tâm ngộ tánh, chỉ chuyên lấy niệm Phật làm Chánh Hạnh. Lại lấy bố thí, trai Tăng, công đức tu các phước để giúp trang nghiêm cõi Phật. Trong tâm niệm Phật, tuy phát nguyện vãng sanh, nhưng nếu biết đoạn cái gốc sanh tử trước thì mới có công năng mau chóng.

Gốc sanh tử chính là lòng tham đắm các thứ thọ dụng trong thế gian, sắc đẹp, tiếng dâm, vị ngon sướng miệng, hết thảy [những thứ ấy] đều là gốc khổ; cũng như hết thảy các tâm sân nộ, phẫn hận, chấp trước, si ái.

`Ðối với hết thảy pháp tà giáo do bọn thầy tà ma ngoại đạo rao truyền đều phải tận tình mửa ra hết, chỉ dốc lòng tin một môn Niệm Phật. Mỗi ngày tụng kinh A Di Ðà hai lượt, niệm Phật mấy ngàn câu; hoặc chẳng kể đến số, chỉ tâm tâm chẳng quên Phật hiệu.

Phật là Giác. Nếu niệm niệm chẳng quên Phật thì niệm niệm minh giác. Nếu tâm quên Phật thì là bất giác. Nếu niệm đến mức trong mộng vẫn niệm Phật thì chính là thường giác bất muội. Nếu hiện tại tâm này bất muội thì lúc lâm chung tâm này bất muội, tức là những cảnh lầm lạc của tâm này sẽ bị rơi rớt mất. Nay việc nước đa đoan vạn mối, quyết định chẳng thể tham Thiền, chỉ có niệm Phật là tốt nhất, chẳng nệ rảnh, bận, động, tịnh, ở hết thảy chỗ nào cũng có thể niệm được. Chỉ là nhất tâm chẳng quên, chứ không có cách hay khéo nào khác cả!

* Tham Thiền cần phải lìa tưởng; niệm Phật lại chuyên tưởng. Vì chúng sanh trầm luân trong vọng tưởng đã lâu, nên lìa vọng tưởng thật khó. Nếu có thể biến đổi nhiễm tưởng thành tịnh tưởng, đó là dùng độc trị độc, là một cách thay đổi mà thôi. Vì thế, tham cứu khó ngộ, niệm Phật dễ thành. Nếu tâm thật sự khẩn thiết vì lẽ sanh tử, dùng cái tâm tham cứu niệm Phật thì còn lo chi trong một đời chẳng thể giải thoát sanh tử nữa ư?

* Niệm Phật chính là tham Thiền, há phải là hai pháp? Nghĩa là: Trong lúc niệm Phật, trước hết, tưởng hết thảy phiền não, vọng tưởng, tham, sân, si, ái, các thứ ý niệm tạp loạn trong lòng mình đều buông bỏ hết, buông bỏ đến mức không còn gì để buông bỏ nữa. Chỉ đề khởi một câu A Di Ðà Phật vằng vặc phân minh chẳng đoạn trong tâm, giống như sợi chỉ xuyên suốt qua từng hạt châu. Lại giống như mũi tên khi cắm ngập [vào đích], chẳng hở trống mảy may nào!

Dốc sức vào Định như thế, trong hết thảy nơi, chẳng bị cảnh duyên lôi kéo, đánh mất. Ðối với mọi sự động tịnh hằng ngày chẳng bị tạp loạn, ngủ và thức đều giống hệt như nhau. Niệm cho đến lúc lâm chung, nhất tâm bất loạn thì chính là lúc siêu sanh Tịnh Ðộ vậy.

* Trong pháp môn này:

- Thứ nhất là chí phải quyết định.

- Thứ hai là phải buông xuống.

- Thứ ba là thuận theo duyên, tùy duyên mới an thân lập mạng được.

- Thứ tư là phải nhận thức đúng thì mới chẳng bị lầm lạc.

- Thứ năm là phải khẩn thiết chán khổ. Tâm khẩn thiết chán khổ thì dục niệm mới tự trừ, chẳng bị lui sụt.

Ðấy chính là năm bí quyết để giữ được nhất niệm.

* Cách thức tu hành cũng có thứ tự, nhưng đối với thời khóa công phu của chư Tăng, chẳng cần phải rập theo khuôn sáo ấy: [Hành nhân tại gia] lấy niệm Phật làm chính; mỗi ngày sáng dậy lễ Phật liền tụng một cuốn kinh Di Ðà, lần chuỗi niệm danh hiệu Phật ba hoặc năm ngàn tiếng, hoặc một vạn tiếng. Niệm xong đối trước Phật hồi hướng, phát nguyện vãng sanh cõi kia. Ðó là khóa tụng buổi sáng; buổi chiều cũng giống như vậy. Hằng ngày lấy đó làm định khóa, nhất định chẳng để sót. Dùng pháp này dạy người trong nhà để cùng tu hành đúng pháp rất hay. Ðó là thường hạnh.

Nếu để lo cho đại sự sau cùng thì càng phải ra sức công phu khẩn thiết: Mỗi ngày trừ hai thời công khóa ra, trong mười hai thời, chỉ giữ một câu A Di Ðà Phật trong tâm, niệm niệm chẳng quên, tâm tâm bất muội. Chẳng nghĩ ngợi gì đến hết thảy việc đời, chỉ lấy một câu Phật hiệu làm mạng sống của chính mình, cắn chặt nơi hàm răng, quyết chẳng buông bỏ.

Thậm chí, trong lúc ăn uống, đứng lên, ngồi xuống, đi, đứng, nằm, ngồi, một câu Phật hiệu này luôn luôn hiện tiền. Dù gặp phải hoàn cảnh thuận, nghịch, vui, giận, phiền não, hay lúc tâm bất an, vẫn đem câu Phật hiệu ra ứng phó thì ngay khi ấy phiền não sẽ tự tiêu diệt.

Do phiền não trong mỗi niệm chính là gốc khổ sanh tử, nên nay dùng niệm Phật để tiêu diệt phiền não thì đó chính là Phật độ chúng sanh thoát khỏi chốn khổ! Nếu niệm Phật tiêu được phiền não thì sẽ giải thoát sanh tử, chứ còn có pháp nào khác nữa đâu!

Nếu niệm Phật đến mức làm chủ được phiền não thì sẽ làm chủ được mộng mị. Nếu đã làm chủ được mộng mị thì sẽ tự chủ được trong khi bệnh khổ. Nếu đã tự chủ được trong khi bệnh khổ thì lúc lâm chung sẽ phân minh, rành rẽ, biết mình được sanh về đâu.

Làm được việc này chẳng khó, chỉ cốt sao một dạ khẩn thiết vì sanh tử, nương tựa một cách quyết định duy nhất vào câu Phật hiệu, không còn mong mỏi, nghĩ đến gì khác! Lâu ngày thuần thục, tự nhiên được đại an lạc tự tại, được đại hoan hỷ thọ dụng, sự vui ngũ dục thế gian không thể nào sánh được. Ngoài cách này thì không còn cách nào ngắn gọn, thẳng tắt hơn được nữa!

Nhận định:

Muốn rốt ráo sanh tử, tâm cần phải khẩn thiết lo lắng vì sanh tử, mà trước hết là cần phải đoạn trừ cội ái của sanh tử. Nhưng ái là thói quen của nhiều đời nên chẳng dễ đoạn; người nhập môn hạ thủ công phu cần phải biến chỗ sống thành chỗ chín, biến chỗ chín thành chỗ sống[2]. Lâu ngày thuần thục thì niệm cực, tình không, ái căn tự đoạn. Các cội gốc sanh tử khác như các thứ vọng tưởng hằng ngày, các phiền não nghiệp như ta, người, đúng, sai, tham, sân, si, mạn v.v… chẳng mong đoạn trừ mà tự nhiên đoạn trừ!



Từ Ngữ Phật Học Trong: Trích Yếu Mộng Du Tập Của Đại Sư Hám Sơn Ðức Thanh Đời Minh