Phật Học Vấn Đáp


Niệm Phật gặp phải nghịch cảnh có thể niệm thêm một vài chú ngữ Mật tông có được không?
Thưa Hòa thượng! Giả như trong quá trình niệm Phật có gặp phải nghịch cảnh hoặc chướng ngại thì có thể niệm thêm một vài chú ngữ Mật tông hoặc uống vài viên cam lộ của Thượng sư Mật tông đã gia trì để giúp vượt qua khó khăn. Áp dụng phương pháp này có được hay không?

8/16/2022 11:15:11 AM
Tôi trả lời với bạn là được. Tại sao được? Bởi vì bạn có niềm tin. Bạn tin vào sự gia trì của Thượng sư trong thuốc cam lồ. Niệm đó rất linh! Bạn chỉ cần tin thì linh, không tin thì không linh. Có câu nói rằng: “Tất cả pháp từ tâm sanh ra”. Chỉ cần nắm vững nguyên lý này thì vấn đề được giải quyết rồi. Sự gia trì của Thượng sư, chú ngữ của Thượng sư linh hay không đều ở nơi tín tâm của bạn. Bạn có một phần tín tâm thì có một phần linh nghiệm. Bạn có mười phần tín tâm thì có mười phần linh nghiệm. Nếu bạn có tâm Hòai nghi thì nó Hòan toàn không linh. Bạn chẳng cần phải để ý vật của Ngài có linh hay không? Mà chính cái tâm của chúng ta có linh hay không? Điều này tôi giảng nói quá nhiều rồi. Chẳng phải chỉ việc này mà còn nhiều việc khác. Ví dụ như có bệnh, bạn đi đến bác sĩ khám, bác sĩ cho bạn uống thuốc. Bệnh của bạn có lành hay không? Đối với bác sĩ không liên quan, thuốc cũng không liên quan. Cái gì liên quan? Là tín tâm của bạn. Bạn có niềm tin vào bác sĩ cũng như những toa thuốc của bác sĩ đã cho thì sẽ đem lại kết quả trong chữa trị. Tín tâm sẽ chữa lành bệnh cho bạn. Vị thầy thuốc kia có giỏi đi nữa mà bạn chẳng có niềm tin, trong tâm luôn Hòai nghi thì khi uống thuốc một chút công hiệu cũng chẳng có.

Kinh “Hoa Nghiêm” dạy rằng: “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu. Trưởng dưỡng nhất thiết chư thiện căn”. Bạn có thể xây dựng tín tâm nơi chính mình. Chữ “Tín” trong nhà Phật khác với các tôn giáo khác. Chữ “Tín” của nhà Phật: Thứ nhất là tin vào chính mình; thứ hai là tin vào đối phương, vào thầy hướng dẫn chỉ dạy mình. Được vậy thì con đường học đạo của bạn mới thuận buồm xuôi gió! Đối với chính mình có tín tâm, mà với Thầy không tín tâm thì không thể thành tựu. Còn đối với thầy có tín tâm, mà chính mình không có tín tâm thì cũng thất bại. Ngẫu Ích Đại Sư trong quyển “Di Đà Yếu Giải” nói đến 6 điều tín: Thứ nhất là tin vào chính mình. Thứ hai là tin vào tha lực (tức là bậc thiện tri thức bên ngoài) tức là tin vào Thầy, vào Phật. Thứ ba là tin sự, tín lý. Thứ tư là tín nhân, tín quả. Thứ năm tín pháp thế gian. Thứ sáu tín pháp xuất thế gian. Nếu bạn hiểu rõ ràng minh bạch sáu chữ tín này thì toàn bộ vấn đề đã được giải quyết. Khi chúng ta bị bệnh, có nên đi khám bác sĩ không? Nếu không đi, bệnh phát nặng thêm hoặc xảy ra vấn đề gì, họ sẽ nói bạn đã hại họ. Vì vậy, cần phải đi khám bác sĩ. Sao bạn khuyên họ đừng đi khám bác sĩ? Chúng ta không thể làm cách đó được. Riêng chúng tôi khuyên bạn nên đi tìm vị bác sĩ mà bạn tin tưởng để chữa trị. Bác sĩ làm tăng thượng duyên cho bạn, còn thân là nhân duyên chính. Nếu bạn thật sự biết đoạn diệt tất cả việc ác, tu tất cả điều thiện thì tốt lắm. Đây mới thật sự gọi là tiêu tai, thật sự gọi là tiêu trừ nghiệp chướng. Bệnh tật cùng nghiệp chướng có sự liên quan mật thiết. Nghiệp chướng tiêu trừ rồi thì bệnh tật tự nhiên thuyên giảm. Phải trưởng dưỡng tâm từ bi, nhất định không sát sanh, hại vật thì tai nạn của bạn sẽ giảm thiểu. Mọi sự khổ vui chẳng phải từ bên ngoài đưa đến mà đều do tự mình chiêu cảm. Điều này trong Kinh luận, Phật, Tổ thường nói với chúng ta rất rõ.
 

Trích từ:  Tịnh Độ Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Thích Nhuận Nghi


Thẻ
Niệm Phật        Chướng        Chướng Ngại       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật