Phật Học Vấn Đáp


Tiếp theo điều đã nói ở trên, bản thân Pháp sư giải sai kinh điển, làm lầm lạc chúng sinh thì chịu quả báo gì?

8/13/2022 5:22:53 PM

Thuyết pháp phải tuân thủ theo giáo huấn của Khổng Lão Phu Tử thì sẽ không có sai lầm. Phu Tử dạy chúng ta như thế nào? “Biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết, vậy mới là cái biết chân thật”. Việc giảng kinh không dễ, người giảng kinh thời xưa đều phải khai ngộ, không đại triệt đại ngộ thì sao dám giảng kinh? Chúng tôi học Phật, Thầy Lý muốn tôi tham gia lớp học kinh học giảng kinh, tôi giật mình ngẩn người ra. Tôi nói với Thầy: “Việc này con không làm được, năng lực của con không đủ”. Nói chung, phải khai ngộ thì mới có thể giảng kinh được, quy củ của người xưa như vậy. Thầy Lý nói với tôi: “Thời đại hiện nay, nếu đợi con khai ngộ rồi thì có lẽ thế giới này đã không còn nữa. Vậy phải làm sao? Không có người giảng Phật pháp”. Thầy nói với tôi, bất đắc dĩ mà làm từng bước, là giảng chú giải. Thầy nhắc nhở tôi điểm này, giảng chú giải của người xưa, vì sao vậy? Người xưa chú giải kinh đều là người đã khai ngộ, rất nhiều người đã chứng quả. Không phải là người khai ngộ chứng quả thì không thể chú giải kinh. Hơn nữa, kinh điển mà các Ngài chú giải lưu truyền đến đời sau, bạn phải hiểu là đã trải qua biết bao đời Tổ Sư Đại Đức xem qua, nếu có vấn đề thì đã sớm bị đào thải rồi, không truyền xuống được, thứ có thể truyền xuống đều là không có vấn đề gì. Thầy dạy chúng tôi xem từ trong Đại Tạng Kinh, bởi vì Đại Tạng Kinh là tiêu chuẩn, có thể được nhập tạng là đã được Tổ Sư Đại Đức khẳng định, đã giám định cho chúng ta.

Chúng tôi giảng kinh, người xưa chú giải bằng văn ngôn văn, chúng tôi phiên dịch văn ngôn văn thành văn bạch thoại. Thật ra không phải là giảng kinh, là lên bục giảng làm gì? Làm báo cáo tâm đắc học tập của chính mình, chia sẻ với các bạn đồng học, là tâm trạng như vậy, vậy thì đúng rồi. Thầy chỉ thị như vậy, chúng tôi rõ ràng minh bạch rồi, mới tiếp nhận sự giáo huấn của Thầy, tham gia lớp học giảng kinh của Thầy. Thầy mở một lớp, lớp này cũng không lâu, chỉ dạy có hai năm. Chúng tôi có hai mươi mấy đồng học cùng nhau học giảng kinh, nói thật ra là cùng nhau học giảng chú giải của Đại Đức xưa. Nếu chú giải của Đại Đức xưa quá khó, chúng tôi xem rồi vẫn không có cách gì lĩnh hội thì có thể tham khảo chú giải của người ngày nay. Chú giải của người ngày nay là do Thầy chỉ định mấy người cho chúng tôi, Thầy cho rằng sẽ không nói sai, chú giải của Pháp sư Đế Nhàn, chú giải của pháp sư Viên Anh, chú giải của Pháp sư Đàm Hư, chú giải của Pháp sư Bảo Tĩnh. Trong hàng cư sĩ, có chú giải của cư sĩ Giang Vị Nông, chú giải của cư sĩ Chu Chỉ Am, chú giải của cư sĩ Dương Nhân Sơn, Thầy chỉ định ra mấy vị đó. Thầy nói những người này không có vấn đề gì, là những người tại gia, xuất gia thật sự có tu hành. Chính là nói, họ có khai ngộ hay không thì không biết, có chứng quả hay không, điều này cũng không biết, ít nhất là họ thật học thật tu, sẽ không có sai lầm quá lớn. Chúng tôi y theo phương hướng này để đi thì không có sai lầm.

Cho nên, chúng tôi biết bao nhiêu thì giảng bấy nhiêu, điều không biết thì không được sĩ diện hão. Không biết thì phải làm sao? Không biết thì chúng tôi đọc qua đoạn kinh văn đó, giảng thì giảng sai, chứ đọc thì không sai. Thầy dạy chúng tôi cách làm này, chúng tôi mới dám lên bục giảng làm thử. Năm nay tôi cũng đã giảng thử được 49 năm rồi. Tôi khuyến khích các đồng học làm theo phương pháp này. Trong việc chân thật tu hành, đoạn phiền não, tập khí của chính mình thì rất khó, nhưng nhất định phải vô cùng nghiêm túc nỗ lực làm cho nó nguội lạnh đi, cũng chính là mỗi năm phải ít hơn một chút so với năm trước. Phiền não nhẹ thì trí huệ sẽ tăng trưởng, việc này là chắc chắn. Những bạn đồng học xưa đi theo tôi nhiều năm, các bạn đều có thể thể nghiệm được, các bạn xem tôi giảng kinh mỗi năm không như nhau, mỗi năm phiền não tập khí của tôi hạ thấp dần, trí huệ tự nhiên nâng lên. Trước đây xem bộ kinh này, xem chú giải này không hiểu, hiện nay xem hiểu rồi. Năm nay xem không hiểu, vẫn có rất nhiều chỗ không hiểu, có thể trải qua hai, ba năm lại phát hiện ra một chút. Cho nên, cùng là một bộ kinh điển, đọc trăm lần không chán. Chúng ta thọ trì một bộ kinh điển cả đời cũng không chán, vì sao vậy? Mỗi năm lại hiểu ý nghĩa mới, mỗi tháng lại phát hiện điều mới mẻ, bạn sẽ được pháp hỉ sung mãn, bạn sẽ thường sanh tâm hoan hỉ. Cho nên phải hiểu rõ đạo lý này.

Giải sai kinh điển, đa phần là không biết mà cho là biết, sẽ xuất hiện những vấn đề này. Làm lầm lạc chúng sanh thì lỗi lầm rất nặng, nhất định chính mình phải cẩn thận. Mình không biết thì nói không biết, điều này không sai lầm. Chúng ta chưa thành Phật, chưa chứng quả, cũng chưa khai ngộ, những thứ không biết thì rất nhiều. Trong kinh Phật, chỗ không hiểu rất nhiều thì mình cứ nói là mình không hiểu, mình không biết, điều này không có sai lầm, đây không phải là gạt người. Thật sự làm được không lừa mình, không dối người là được. Nhưng có người nhắc nhở, điều này tôi không biết, tôi sẽ nghiên cứu tiếp, sẽ tham khảo tư liệu tiếp, khi tìm được đáp án rồi thì tôi sẽ cùng chia sẻ, như vậy là đúng rồi.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Thập Niệm       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật