Home > Khai Thị Phật Học
Pháp Giới Tổng Luận
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm


Tiết mục:

1.   Luận về bốn pháp giới
II.   Luận về y chánh
III.   Luận về đồng biệt dị kiến
IV.   Luận về cộng bất cộng biến

Kinh sách tham khảo:   Kinh Hoa Nghiêm, Thập Lục Quán Kinh Sớ, Kinh Pháp Hoa, Kinh Duy Ma Cật, Kinh Anh Lạc Bản Nghiệp, Kinh Nhân Vương, Thành Duy Thức Luận, Kinh A Hàm, Tông Cảnh Lục.

Đề yếu:  Thật ra, khi nói:   Luận về pháp giới, trong ấy tất phải có nhiều vấn đề.  Nhưng ở đây, bút giả đã gom góp những điểm chính yếu chia thành bốn tiết để trình bày, nên xin tạm gọi là tổng luận.

Hai tiết đầu thuyết minh chung về tánh tướng của pháp giới.  Tánh tướng nầy nếu tế phân thì vô cùng, nhưng gom lại không ngoài bốn pháp giới và hai phần y chánh.  Hai tiết sau tuy không minh luận duyên khởi của pháp giới, song kỳ thật trong ấy đã ẩn thuyết về lý nầy.  Như tiết đồng biệt dị kiến tuy nói về tương vi thức tướng của hữu tình, nhưng nội dung đã ẩn lý nghiệp cảm duyên khởi.  Và đoạn cộng bất cộng biến thì ẩn lý A lại da duyên khởi.

Xem qua bản chương, đọc giả nên chú ý:   thuyết Duy tâm của Phật giáo không phải cực đoan như Duy tâm hay Duy vật của các môn triết học khác.  Theo quan niệm Phật giáo, tâm tức vật, vật tức tâm, tâm vật chỉ là bản thể duy nhất, mà tánh tông gọi đó là Duy tâm và tướng tông lại gọi đó là Duy thức.

Pháp giới Duy tâm hay Duy thức chính là lý nầy. 

Tiết I:   Luận Về Bốn Pháp Giới 

Nếu so sánh phạm vi lớn nhỏ, thì một Tiểu thế giới không bằng một Tiểu thiên thế giới, một Tiểu thiên thế giới không bằng một Trung thiên thế giới, một Trung thiên thế giới không bằng một Đại thiên thế giới.  Đại thiên thế giới tức là một Phật độ; nhưng chư Phật có vị lấy một cõi Đại thiên làm một Phật độ.  Đem một Phật độ so sánh với một thế giới chủng thì thật cách biệt vô cùng!  Một thế giới chủng gồm hai mươi tầng từ thấp đến cao, mỗi tầng có từ một Phật sát vi trần Phật độ, cho đến hai mươi Phật sát vi trần Phật độ.  Thế giới chủng sánh với thế giới hải lại còn kém xa.  Như riêng về thế giới hải Liên Hoa Tạng Trang Nghiêm, có đến mười bất khả thuyết Phật sát vi trần thế giới chủng.

Bàn đến thế giới hải, thì thật là cảnh giới tuyệt rộng rải mênh mang, không lường không ngằn, tợ hồ thế giới đến đây là cùng cực.  Nhưng mà chưa bao quát, thế giới hải còn có Pháp giới an lập hải.  Theo kinh, một An lập hải đại khái gồm có những thế giới hải nhiều bằng số bụi nhỏ của tám bất khả thuyết cõi Phật.  Như trong kinh Hoa Nghiêm, bậc đại thiện tri thức hiện thân làm Chủ dạ thần, tên là Tịch Tịnh Âm Hải nói:   “Khi Ðức Tỳ Lô Giá Na Như Lai ở nơi đạo tràng nầy thành quả chánh giác, mỗi niệm thị hiện sức đại thần thông bấy giờ tôi được thân cận, liền chứng vào môn Tam Muội Niệm Niệm Xuất Sanh Quảng Đại Hỷ Trang Nghiêm Giải Thoát.  Lúc chứng được môn giải thoát nầy rồi, tôi có thể hiện thân vào những Pháp giới an lập hải nhiều bằng số bụi nhỏ của mười bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật.  Trong vô lượng vô biên Phật sát vi trần số cõi Phật của tất cả An lập hải, tôi thấy mỗi mỗi Phật độ đều có Ðức Tỳ Lô Giá Na Như Lai trong mỗi niệm thành chánh giác và hiện các phép thần biến.  Và cũng lại thấy mình ở nơi chỗ các Ðức Như Lai ấy thừa sự cúng dường, nghe nói diệu pháp”.  (Lược thuật)

Theo đoạn kinh trên, ta thấy cảnh giới của chư Phật rộng rãi vô biên, nếu không vào môn đại giải thoát, không chứng được đại tam muội, thì không thể nào thấy hiểu nỗi.  Đạt đến cảnh nầy thì quên tình tuyệt lự, tâm địa rỗng rang không còn sự suy nghĩ nữa.  Nhìn lại chúng ta, chút thân trần mạt, một điểm thức linh, sánh với pháp hải bao la, còn nhỏ hơn hạt cát nơi bãi sa mạc, bóng bọt giữa trùng dương, hoảng hốt như huyễn như hóa, dường mộng dường mê, thật không đáng chi cả!

Trên đây, sở dĩ gọi Pháp giới an lập hải, bởi pháp giới là danh mục của chân tâm; thể dụng chân tâm rất sâu rộng, tánh và tướng vô ngại, lấy tâm làm pháp, lấy tâm làm giới, nên xưng là “Pháp giới”.  Trong pháp giới có những diệu tướng sai biệt trang nghiêm, tập hợp thành từng khu vực riêng không lẫn lộn nhau, nên gọi là “An lập”.  Mỗi cõi An lập bao trùm vô lượng vô biên Phật sát, thế giới chủng, thế giới hải; vì nó có tánh cách rộng rải mênh mang như biển cả bao hàm muôn tượng, nên gọi là “Hải”.  Sánh với An lập hải, thế giới hải tuy cũng gọi là biển thế giới, nhưng chỉ là vùng biển nhỏ, thua kém hẳn trùng dương rộng rải bao la.  Chân tâm đã có vô biên An lập hải, nên tánh và tướng giao nhiếp, sự cùng lý viên dung, gọi là Nhất chơn pháp giới.  Từ Nhất chơn pháp giới phân xuất ra bốn pháp giới như sau:

1.  Lý pháp giới:   Đây là chỉ cho phần chân như môn của Như Lai tạng.  Thể chân như nầy linh hư vắng lặng, sáng suốt một mầu, đủ bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh.

2.  Sự pháp giới:   Đây là phần sanh diệt môn của Như Lai tạng, gồm vô lượng sự tướng sai biệt.  Sự tướng nầy sanh diệt thay đổi, như sóng bọt nổi tan ngoài biển cả, ráng mây biến huyễn nơi trời cao, tùy hạnh nghiệp thiện ác mà hóa hiện.

3.  Lý sự vô ngại pháp giới:   Vì muôn pháp như huyễn, không có tự tánh và thật thể, nên toàn sự là lý.  Bởi chân như cũng không tự tánh và thật thể tùy duyên mà biến hiện, nên toàn lý và sự.  Lý và sự đây ví như nước với sóng, ngõa khí cùng vi trần; sóng tan thành nước, nước nổi thành sóng, vi trần kết hợp thành ngõa khí, ngõa khí tiêu hoại thành vi trần, không thể phân biệt ngoài sóng có nước, ngoài ngõa khí có vi trần.  Cho nên chân không chẳng ngoài diệu hữu, chân lý không ngoài huyễn sự, vì lý tức sự, sắc tức không, nên gọi là vô ngại.

4.  Sự sự vô ngại pháp giới:   Lý đã tức là sự, nên lý không ngại sự, sự không ngại lý, lý không ngại lý, sự không ngại sự, mỗi trần không ngại, mỗi pháp dung thông.  Vì lẽ sự sự vô ngại, nên bậc Bồ Tát chứng vào cảnh giới Bất tư nghì giải thoát, có thể xem tường vách núi non hư không, lại qua tự tại; có thể kéo dài sát na thành muôn kiếp, thâu gọn muôn kiếp trong sát na; lại có thể để núi Tu Di vào hạt cải, dùng hạt cải bao chứa núi Tu Di, mà cảnh giới và loài hữu tình trong ấy không bị tăng tổn.

Về ý chí “pháp giới” trên đây, thì “pháp” lấy quỷ tắc làm nghĩa, “giới” lấy tánh phần làm nghĩa.  Quỷ tắc và tánh phần nầy, ở nơi lý là Lý pháp giới ở nơi sự là Sự pháp giới; cho đến lý sự và sự sự cũng như vậy.  Bởi lý không chừng hạn, sự có muôn sai, nên cổ đức đã bảo:   “Hòa ấm hơi xuân đồng một tiết.  Thấp cao hoa cỏ khác muôn màu”.

Tóm lại, trong tánh tạng, thế giới trùng trùng, tịch quang lặng lặng, không và sắc bao la, nhưng phải ngoài lý cùng sự.  Lý, sự nầy diễn ra thành bốn pháp giới, thâu lại về cõi Nhất chơn. 

Tiết II:   Luận Về Y Chánh 

Khắp mười phương thế giới đã vô lượng vô biên, mà loài hàm linh cũng vô cùng vô tận.  Nhưng tóm lại, tất cả không ngoài y báo và chánh báo.

Y, Chánh là gì?  Kinh Anh Lạc Bản Nghiệp nói:   “Sắc thân của tất cả hữu tình thuộc về phần chủ thể của nghiệp quả, nên gọi là chánh báo.  Cảnh giới của loài hữu tình nương tựa và thọ dụng như y phục, thức uống ăn, vật dụng, phòng nhà, ruộng vườn, cho đến núi, rừng, sông, biển, đất đai, gọi là y báo”.  Với lập nghĩa bao quát hơn, Hạnh Nguyện Phẩm Sớ Sao nói:   “Quốc độ sở y hoặc tịnh hoặc uế của phàm thánh là y báo.  Thân năng y của trời, người, nam, nữ, tại gia, ngoại đạo, chư thần cho đến Bồ Tát, Phật gọi là chánh báo”.  Thế thì nói cho đủ, y báo gồm có bốn độ, chánh báo gồm có mười giới.

1.  Chánh báo:   Mười giới của chánh báo là gì?  Ấy là thân thể của sáu phàm, bốn thánh.  Sáu phàm là Địa ngục, Bàng sanh, Quỷ thần, A tu la, Người và Trời.  Bốn thánh là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật.  Thân thể của lục phàm tùy nghiệp nhân thiện ác mà có xấu đẹp.  Bậc Thanh Văn, Duyên Giác về phần tâm thì thanh tịnh, nhưng phần thân vì còn chịu ảnh hưởng của nghiệp nhân nên cũng có hơn kém khác nhau.  Chư Bồ Tát và Phật do phước huệ đều thắng, nên cả thân tâm đều trang nghiêm thanh tịnh.  Chư Thanh Văn, Duyên Giác ngoài thật thân còn có biến hóa thân.  Chư Bồ Tát có biến hóa thân và báo thân.  Chư Phật có đủ ba thân là biến hóa thân, báo thân và pháp thân.  Về nghĩa tam thân của Phật, vì xưa nay các Kinh luận hoặc nói riêng về một phương diện, nên những nhà học Phật kém công phu nghiên cứu dễ bị mê mờ.  Tam thân theo Tiểu thừa và Đại thừa có chỗ sai biệt; riêng về Đại thừa lại có thông nghĩa và biệt nghĩa.  Về biệt nghĩa chẳng hạn như Thiên Thai tông và Mật tông, mỗi bên có lập thuyết riêng về tam thân.  Nay xin y theo nghĩa Tiểu thừa và thông nghĩa Đại thừa mà giải thích về ba thân của Phật.

Theo Tiểu thừa, Phật có ba thân:   Pháp thân là thật thể trong sạch, gồm có năm công đức:   giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến.  Báo thân là thân cao một trượng sáu có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Phật, do những phước nghiệp kết thành.  Hóa thân là Phật do lòng từ bi hóa ra thân các dị loại như sư tử, nai, chim hóa độ các loài ấy.

Theo Đại thừa, nghĩa tam thân có phần rộng rãi và phiền toái hơn.  Kể từ thấp đến cao, trước tiên biến hóa thân cũng gọi ứng hóa thân nghĩa là chư Phật do lòng từ bi muốn hóa độ chúng sanh nên hiện ra nhiều thân.  Ứng hóa thân có hai:   thắng ứng thân và liệt ứng thân.  Liệt ứng thân là thân Phật một trượng sáu là hóa thân thuộc chín giới.  Có chỗ gọi là kim thân một trượng sáu là ứng thân, còn các dị loại do Phật hóa hiện là hóa thân.  Thắng ứng thân là thân Phật nơi Tịnh độ như kinh Quán Vô Lượng Thọ nói:   “Đức Phật A Di Đà thân cao sáu mươi muôn ức na do tha hằng hà sa do tuần, viên quang như trăm ức cõi Đại thiên.  Phật có tám muôn bốn ngàn tướng, mỗi tướng có tám muôn bốn ngàn vẻ đẹp”.

Báo thân của Phật cũng có hai:   tự thọ dụng thân và tha thọ dụng thân.  Tha thọ dụng thân là như Ðức Thích Ca Mâu Ni hiện ra thân Lô Xá Na cao một ngàn trượng, có vô lượng tướng hảo, ngồi trên hoa sen ngàn cánh, vì hàng Thập Ðịa Bồ Tát mà thuyết pháp.  Bởi Phật hiện ra thân nầy với mục đích làm lợi lạc cho các bậc đại sĩ, nên gọi là tha thọ dụng.  Có chỗ nói tha thọ dụng thân và thắng ứng thân danh khác nhưng thể đồng, vì hai thân nầy có vi trần tướng hảo và đó mới chính thật là thân quả báo của Phật do vô lượng phước lành kết hợp.  Tự thọ dụng thân chính là cõi Thật báo trang nghiêm rộng rãi vô biên bao hàm vi trần quốc độ.  Chư Phật chứng được cảnh giới nầy, tự mình thọ dụng pháp lạc nhiệm mầu, nên gọi là tự thọ dụng.  Đây là lấy độ làm thân; và vì báo thân có hai nghĩa thọ dụng ấy, nên cũng gọi là thọ dụng thân.

Pháp thân chính là cõi Thường tịch quang.  Đây là thể Nhất chơn pháp giới bao hàm tánh tướng rộng rãi vô biên; vì Phật lấy pháp tánh pháp tướng làm thân, nên gọi là pháp thân.  Pháp thân với tự thọ dụng thân cũng danh khác thể đồng; tự thọ dụng thân hiển phần tướng ẩn phần tánh.  Pháp thân hiển phần tánh ẩn phần tướng.  Pháp thân đây vì lấy chân như bản tánh làm thân, nên cũng gọi là tự tánh thân hay pháp tánh thân.

Vì nghĩa thắng ứng thân thông với tha thọ dụng thân, pháp thân thông với tự thọ dụng thân; nên trong Kinh luận có chỗ gọi thắng ứng thân là báo thân hoặc tự thọ dụng thân là pháp thân, làm cho người học Phật dễ bị mê mờ lầm lạc.  Nơi đây xin nói rõ hơn, đối với ba thân của Phật, các hàng phàm phu Nhị thừa chỉ thấy được ứng hóa thân; chư Bồ Tát thấy được báo thân, báo thân nầy về sắc thân có vô lượng tướng hảo, về quốc độ có vô lượng trang nghiêm; còn pháp thân duy chư Phật mới chứng kiến một cách viên mãn.  Mỗi vị Phật đều có đủ ba thân, riêng về đấng giáo chủ cõi Ta Bà, thì pháp thân Như Lai là Ðức Tỳ Lô Giá Na, báo thân Như Lai là Ðức Lô Xá Na, ứng thân Như Lai là Ðức Thích Ca Mâu Ni.  Ba Đấng Như Lai nầy một có đủ ba, ba chính là một, chỉ vì tùy thuận thế gian mà luận ba thân thế thôi. Ðể giải thích thêm, đoạn trước tuy nói hàng Nhị thừa có biến hóa thân, chư Bồ Tát có biến hóa thân và báo thân nhưng thân của Nhị thừa, Bồ Tát chưa được tự tại viên mãn bằng Phật.

2.  Y báo:   Bốn bộ của y báo là gì?  Ấy là Phàm thánh đồng cư độ, Phương tiện hữu dư độ, Thật báo vô chướng ngại độ và Thường tịch quang độ.

Phàm thánh đồng cư độ là cõi có bậc Tam thừa thánh nhơn và phàm phu ở chung.  Cõi nầy chia ra làm hai loại:   Phàm thánh đồng cư tịnh độ và Phàm thánh đồng cư uế độ.  Uế độ như cõi Ta Bà dẩy đầy non cao vực thẳm, các tướng nhơ ác, ngoài Tam thừa thánh nhơn ở còn có vô lượng chúng sanh thuộc sáu đạo cư trú.  Tịnh độ như cõi Cực Lạc thanh tịnh trang nghiêm, nơi đây duy có các bậc Đại thừa thánh nhơn và những người niệm Phật vãng sanh ở.

Phương tiện hữu dư độ là tâm độ của bậc Thanh Văn, Duyên Giác.  Nói “phương tiện” là bởi các vị nầy do tu phương tiện đạo như Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, phá kiến tư hoặc, chứng quả nhơn không.  Gọi “hữu dư”, vì hàng Thanh Văn, Duyên Giác còn chưa phá được trần sa và vô minh hoặc.  Trí chứng của hàng Nhị thừa trên đây, thuộc về Nhất thế trí.

Thật báo vô chướng ngại độ là báo độ của hàng Đại thừa Bồ Tát.  Nói “thật báo” là bởi các bậc nầy do viên tu tam quán, phá hết trần sa hoặc và một phần vô minh hoặc, chứng vào báo độ chân thật của cảnh giới nhị không.  Gọi “vô chướng ngại”, vì trong cảnh giới nầy không tức sắc, sắc tức không, tâm và sắc không ngăn ngại lẫn nhau.  Trí chứng của hàng Bồ Tát trên đây thuộc về Đạo chủng trí.

Thường tịch quang độ là Tịnh độ của chư Phật.  “Thường” tức là đức Pháp thân, “Tịch” tức là đức Giải thoát, “Quang” tức là đức Bát Nhã.  Đây là cảnh giới nhất chơn, dung thông cả tánh tướng bao la.  Ba cõi trên nếu có gọi Tịnh độ là chỉ căn cứ ở ít nhiều phần thanh tịnh, riêng cõi Thường tịnh quang mới thật là Tịnh độ viên mãn cứu cánh.  Cho nên kinh Nhân Vương nói:   “Tam hiền thập thánh ở quả báo duy Phật mới trụ nơi Tịnh độ”.  Và trí chứng nầy thuộc về Nhất thế chủng trí.

Về chánh báo và y báo trên đây, hàng phàm phu vì mê mờ, bậc Nhị thừa còn pháp chấp, nên thấy có y, chánh riêng biệt, thân, độ khác nhau.  Chư Phật và Bồ Tát đã chứng lý nhị không, nên thấy y báo tức là chánh báo, quốc độ nguyên chính tự thân.  Đây là những sở kiến biệt và đồng về y chánh. 

Tiết III:   Luận Về Đồng Biệt Dị Kiến 

Đồng biệt dị kiến tức là đồng nghiệp kiến; và biệt nghiệp kiến vì chỗ thấy thuộc về đồng nghiệp và biệt nghiệp khác nhau nên gọi là dị kiến.  Đồng nghiệp kiến là ví như trong một đám tiệc, những người không uống rượu, tâm trí tươi tỉnh, đồng thấy nhà cửa vẫn bình tịnh yên lặng.  Biệt nghiệp kiến là như cũng chính cảnh đó, mà người say rượu riêng thấy nhà cửa bàn ghế đảo lộn, đất đai nghiêng đổ gập ghềnh.  Lại như cũng đồng một thời khắc, mà người say mê công việc thấy giờ phút trôi qua rất mau, kẻ khoắc khoải trông chờ lại cảm thấy ngày dài vô tận.  Và như cũng đồng một cảnh mà người có hỷ sự thấy cây cỏ vui tươi, chim hót như chào, hoa cười như đón; còn kẻ mang nặng mối sầu, lại thấy trời mây áo não, cây cỏ ưu tư, vật chi cũng đượm một vẻ u buồn.  Đây cũng chỉ tạm mượn việc người để giải thích, thật ra sở kiến của các loài còn có rất nhiều sai biệt.  Cảnh đồng biệt dị kiến nầy đối với chúng sanh toàn là vọng, với chư Phật thuần là chơn.

Luận về vọng kiến sai biệt của chúng sanh, như lửa của Ngạ quỷ, loài người thấy là nước; nước của người, Ngạ quỷ thấy là lửa hay một dòng sông máu mủ.  Như một con sông, loài người thấy là sông, chư thiên thấy là lưu ly hay bảo địa, loài thủy tộc thấy đó là nhà cửa của chúng.  Như một khúc gỗ, loài người thấy là gỗ, mọt mối thấy đó là thức ăn.  Lại như phẩn uế loài người thấy là chất hôi nhơ, Bàng sanh thấy là thức ăn thơm ngon; một cổ tiệc đầy đủ các món nấu nướng chiên xào, người thấy đó là trân hào mỹ vị, chư thiên thấy là chất nhơ nhớp.  Và như cung điện của người cùng Quỷ thần đồng ở một chỗ, song người không thấy cung điện của quỷ, quỷ không thấy cung điện của người; quỷ đối với tường vách của người thì không ngại, với tường vách của mình thấy bị ngăn cách, trái lại người cũng vậy.  Nói chung, chúng sanh vì tùy nơi nghiệp duyên, nên đều ở trong vòng vọng kiến, đồng nghiệp thì thấy đồng, biệt nghiệp lại thấy khác.

Còn chư Phật vì vọng nghiệp tiêu trừ nên không còn sở kiến sai biệt như chúng sanh, chỉ thấy muôn cảnh đều hư huyễn toàn là một màu vắng lặng, không thật, không hư, không đồng, không khác (Phi thật phi hư, phi như phi dị, bất như tam giới kiến ư tam giới chi tướng (Kinh Pháp Hoa).  Cho nên cõi Phật cùng cõi chúng sanh đồng ở một chỗ, nhưng kiếp lửa chỉ làm hoại cảnh thế gian.  Phật độ vẫn là bất hoại.  Vì thế, kinh Hoa Nghiêm nói:   “ Trong mỗi mỗi sát chủng.  Kiếp lửa không nghĩ bàn.  Hiện cảnh tuy đại ác.  Nơi ấy thường kiên cố”.  Kinh Pháp Hoa cũng nói:   “Chúng sanh thấy kiếp hết.  Lửa lớn đốt tiêu tan.  Cõi ta đây yên ổn.  Thiên nhơn hằng đông luôn”.  Về điểm nầy, các nhà chú sớ cho cõi hư hoại thuộc về biến hóa độ, cõi không hư hoại chẳng phải chỉ riêng cho pháp tánh độ, mà chỉ cho tha thọ dụng độ; vì pháp tánh độ cố nhiên vẫn là như như bất hoại.  Cho nên kiếp lửa chỉ thiêu hoại cảnh thế gian, không thể làm hoại báo độ của chư Phật, dù rằng hai cõi nầy đồng ở một nơi.  Hai cõi tuy đồng, một trụ xứ mà chúng ta không thấy được Phật độ, là bởi nghiệp báo không đồng.

Như trong kinh Duy Ma, ngài Xá Lợi Phất thấy cảnh Ta Bà nầy đầy dẫy núi rừng hầm hố và các tướng uế ác, liền nghĩ rằng:   “Ðức Thế Tôn đã nói nếu tâm Bồ Tát tịnh thì cõi Phật thanh tịnh, mà cõi nầy dẫy đầy sự nhơ ác như thế, chẳng hóa ra tâm của Ngài chưa được thanh tịnh hay sao?  Loa Kế Phạm Vương biết ý niệm ấy liền bảo Xá Lợi Phất:   “Ngài chớ nên nghĩ như thế.  Chính tôi thấy quốc độ của Phật Thích Ca thanh tịnh như Tự Tại Thiên cung”.  Khi ấy, Phật bảo:   “Thế nào, Xá Lợi Phất!  Nhật nguyệt trong sáng mà người mù chẳng thấy, đó là lỗi tại họ hay lỗi bởi đôi vầng nhật nguyệt?”  Liền đó, Phật bấm ngón chân xuống đất, tức thời ba ngàn thế giới của cõi Ta Bà biến thành thanh tịnh, có đủ trăm ngàn thứ kỳ trân dị bảo trang nghiêm, ví như cõi Vô Lượng Công Đức Bảo Trang Nghiêm Như Lai. Ðại chúng thấy thế đều than thở khen ngợi cho là việc chưa từng có.  Ðức Thế Tôn lại bảo Xá Lợi Phất:   “Phật độ của ta thường nghiêm tịnh như thế, nhưng vì muốn độ chúng sanh hạ liệt, nên thị hiện ra cõi bất tịnh uế nầy.  Ví như chư thiên ăn chung trong một bảo khí, tùy nơi phước đức hơn kém mà mỗi kẻ thấy màu sắc thức ăn khác nhau.  Nếu người nào thanh tịnh, sẽ thấy cõi nầy có đủ công đức trang nghiêm.

Về đoạn kinh trên, ngài Cưu Ma La Thập đã giải thích:  “Chư Phật vì muốn xứng hợp với tâm chúng sanh, nên hiện ra quốc độ không đồng.  Chỗ thấy của Loa Kế Phạm Vương là chỉ tùy sở kiến riêng, thật ra ông cũng chưa thấy hết sự nghiêm tịnh của Phật độ Ðức Thích Ca.  Đoạn sau so sánh Phật quốc của Đức Bổn sư như cõi Vô Lượng Công Đức Bảo Trang Nghiêm, thế thì biết báo độ của Ðức Mâu Ni Thế Tôn thật rất nghiêm tịnh và ở ngay cõi nầy.  Đây là cảnh tịnh và uế đồng một trụ xứ song không chướng ngại và lẫn lộn nhau; ví như đồng trong một bảo khí mà hai vị thiên tử vì phước đức hơn kém, nên thấy có hai thức ăn sai biệt”.

Tóm lại, pháp thân nguyên vô tướng, ứng vật mà hiện hình; chân độ vẫn vô phương, tùy cơ mà hiển lộ.  Đây là do nghiệp thiện ác của chúng sanh và bản nguyện của chư Phật, nên trong đồng có biệt, trong biệt có đồng, trong tịnh có uế, trong uế có tịnh vậy. 

Tiết IV:   Luận Về Cộng, Bất Cộng Biến 

Tất cả thế giới do đâu mà có, và ai là tác giả?  Đó đều do tâm mà có, và duy tâm tạo ra.  Từ vô thỉ đến nay, tất cả chúng sanh bởi mê chân hợp vọng, nên cấu thành A lại da thức; do thức nầy mà biến ra các loại căn thân và khí thế giới.  A lại da tức là thức thứ tám, thức nầy chia làm hai phần:   Kiến và Tướng.  Kiến phần biến thành bảy thức trước, Tướng phần biến thành căn thân và khí giới; nội lục căn vì có chấp thọ nên thuộc về thân tướng phần, ngoại khí giới vì không chấp thọ nên thuộc về sơ tướng phần.  Hai món tướng phần nầy đều do tứ đại hợp thành, tứ đại là năng tạo, y chánh là sở tạo, và tám thức là chủ thể của năng biến.  Tám thức nầy chia thành tam năng biến, mà A lại da thức lại là động lực căn bản.  Vì thế, Duy thức nói:   “Từ vô thỉ làm nhân.  Và sở y các pháp.  Do đây có các nẻo.  Cùng sự chứng Niết bàn”.  Lại nói:   “Ba cõi không có pháp chi khác, chỉ là một tâm tạo ra.  Tất cả nhân quả, thế giới, vi trần đều nhân tâm mà thành thể”.

Theo như trên, nếu thức biến tợ ra thế giới, là mỗi thức riêng biến, hay là các thức chung biến?

Lý nầy rất uẩn khúc, xin chia làm bốn nghĩa để giải thích:

1.  Cộng trung cộng biến:   Đây là do sức thành thục của bát thức cộng tướng chủng, biến ra các tướng thế gian.  Trong đây, tuy sở biến của các hữu tình đều riêng, mà tướng tương tợ không khác.  Ví như một vùng đèn đuốc sáng tuy sự sáng ấy do từ cá biệt của các ngọn đèn hợp lại, nhưng tánh cách sáng của mỗi ngọn đèn đại để đều giống nhau, nên chúng mới tương hợp được.  Như núi non do sức nghiệp Kiến chấp của những cá biệt chúng sanh hợp lại biến thành, sông ngòi do sức nghiệp Tham ái của những cá biệt chúng sanh họp lại mà huyễn hiện.  Đây gọi là cộng biến (cộng trung).  Trong tướng non sông vô chủ của cộng biến nầy, mỗi người cho đến các loài đều có thể thọ dụng, nên lại gọi trùng lập thêm một chữ Cộng (Cộng trung cộng).

Ðức Thế Tôn đã bảo:   “Nếu pháp minh được chân tâm, trở về nguồn giác, thì mười phương thế giới thảy đều tiêu tan”.  Từ xưa đến nay những vị tu hành đắc đạo cũng nhiều, nhưng tại sao thế giới vẫn còn hiển hiện, hay là lời Phật nói không đúng ư?  - Thưa không!  Khi người tu phát minh chân nguyên, thì cảnh giới quả thật cũng tiêu tan, nhưng chỉ tiêu một phần tự biến của mình mà thôi; cho đến người chết thác sanh về cõi khác cũng vậy.  Như một vùng nhiều đèn sáng, nếu một đôi ngọn tắt mất hay bị dời đi nơi khác, thì sự sáng cũng vẫn còn, bởi hãy còn các ngọn đèn kia.  Nếu quả thật mỗi chúng sanh đều trở về nguồn giác thì tất cả cảnh giới đều tiêu tan, lẽ ấy không còn nghi ngờ chi nữa!

2.  Cộng trung bất cộng biến:   Đây là cảnh tự biến và riêng mình được thọ dụng trong tướng cộng biến.  Như một dãy núi non hay một vùng ruộng nương rộng rãi, tuy do nghiệp thức của nhiều chúng sanh biến hiện; nhưng có một khoảnh núi hay ruộng do tự thức mình biến tạo và riêng mình được thọ dụng.  Lại như một khu đô thị do nhiều lầu đài nhà cửa của nhiều người hợp lại mà thành, nhưng trong ấy có một ngôi nhà do mình kiến tạo và chỉ riêng mình được làm chủ; cảnh tự biến trong cộng biến là như vậy.

3.  Bất cộng trung cộng biến:   Đây là cảnh sở hữu của một người mà kẻ khác có thể tạo tác và thọ dụng.  Như một khu vườn đất rộng, trước tiên do một người khai khẩn và làm chủ.  Sau người nầy lại cho nhiều kẻ khác mướn; những kẻ ấy có thể cất nhà cửa, trồng cây cối nơi những vuông đất mình mướn, và đều có thể thọ dụng phần tạo tác của mình.  Vì cảnh tướng trong khu đất rộng ấy tuy do một người tạo lập và làm chủ, nhưng thật ra cũng do nhiều kẻ khác kiến thiết và được thọ dụng, nên gọi là cảnh bất cộng trung cộng biến.

4.  Bất cộng trung bất cộng biến:   Đây là cảnh riêng mình tạo lập và riêng mình làm chủ.  Như anh thợ mộc cất một ngôi nhà, đóng những giường tủ bàn ghế tùy tự ý để cho mình thọ dụng.  Những thứ nầy do anh tạo ra và chính anh làm chủ, nên thuộc về cảnh tượng bất cộng trung bất cộng biến.

Bốn nghĩa thế gian tướng trên đây tuy có uẩn khúc, nhưng đều không ngoài những điểm:   tự biến, cộng biến, tự thọ dụng, cộng thọ dụng.

Đến đây có một điểm nghi cần giải thích.  Theo như trên đã nói thì sắc do thức biến, nhưng tại sao chư thiên ở cõi Tứ thiền còn tâm thức, mà cõi ấy lại gọi là Vô sắc?  Vô sắc giới chẳng phải không có hình tướng, nhưng vì sắc chất ấy quá vi tế con mắt tầm thường không thể thấy được, nên gọi là Vô sắc.  Như Kinh Hoa Nghiêm nói:   “Tỷ căn của Bồ Tát ngửi biết được mùi thơm nơi cung điện của cõi Vô sắc”.  Kinh A Hàm cũng nói:   “Khi Tôn giả Xá Lợi Phất nhập niết bàn, chư thiên ở cung trời Vô sắc rơi nước mắt như mưa!”  Cho nên chỗ thấy của chúng sanh ở hạ giới thuộc về nghiệp quả sắc, hiện cảnh của Vô sắc giới thuộc về định quả sắc.

Kinh Hoa Nghiêm nói:   “Nếu người muốn biết rõ.  Chư Phật trong ba đời.  Nên quán tánh pháp giới.  Tất cả do tâm tạo”.  Trong lý tâm tạo nầy lại có nghĩa Tự tại biến và Bất tự tại biến.  Bất tự tại biến là chúng sanh do biệt nghiệp mà có những cảnh tướng biến hiện riêng, và bị cảnh giới ấy chi phối nên không được tự tại.  Như loài Ngạ quỷ do nghiệp tham lam bỏn sẻn, nên thấy đâu cũng là cảnh sông máu, biển lửa hay sa mạc khô khan, rồi bị khổ trong đó không được tự do.  Bởi chúng sanh do biệt nghiệp khiến mỗi loài có những cảnh tướng riêng như thế, nên cảnh ấy cũng gọi là Tương vi thức tướng.  Tự tại biến là bậc đắc đạo, đã phá tan hoặc nghiệp chứng lý duy tâm, nên có thể biến hiện cảnh tướng một cách tự tại, như chỉ cõi đất hóa vàng ròng, khuấy sông dài thành tô lạc.  Đây là cảnh tùy theo chân trí mà biến chuyển, cảnh nầy gọi là Sắc tự tại tướng.

Tóm lại, trong pháp giới tất cả đều do tâm tạo, mà tâm là vật, vật là tâm, nên Đức Phật đã bảo:   “Ba cõi duy tâm, muôn pháp duy thức”.  Đáng lẽ trong đây nên minh luận về các lý duyên khởi của pháp giới, nhưng vì chương nầy có hạn, và bản ý của bút giả cũng muốn lưu lại mục ấy để phân biệt giữa thuyết Duy tâm và Duy thần trên phương diện tìm đường giải thoát, nên xin hẹn lại ở thiên sau.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Pháp Giới Tổng Luận

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Giáo Trình Phật Học, Chan Khoon San | Lê Kim Kha, Việt Dịch
2.    Kinh Pháp Hoa Tinh Yếu, Hòa Thượng Thích Thái Hòa
3.    Luật Học Tinh Yếu, Hòa Thượng Thích Phước Sơn
4.    Phật Học Căn Bản - Chương Trình Phật Học Hàm Thụ - Tập 1, Tỳ Kheo Thích Thanh Giác
5.    Phật Học Căn Bản - Chương Trình Phật Học Hàm Thụ - Tập 2, Tỳ Kheo Thích Thanh Giác
6.    Phật Học Căn Bản - Chương Trình Phật Học Hàm Thụ - Tập 3, Tỳ Kheo Thích Thanh Giác
7.    Phật Học Căn Bản - Chương Trình Phật Học Hàm Thụ - Tập 4, Tỳ Kheo Thích Thanh Giác
8.    Phật Học Cho Trẻ Em, Cư Sĩ Hoàng Phước Đại, Việt Dịch
9.    Phật Học Cơ Bản, Nhiều Tác Giả
10.    Phật Học Dị Giải, Cổ Phong Trăn | Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Việt Dịch
11.    Phật Học Đức Dục, Ni Sư Hải Triều Âm
12.    Phật Học Phổ Thông Toàn Tập, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa
13.    Phật Học Tinh Hoa, Nguyễn Duy Cần
14.    Phật Học Tinh Hoa, Hòa Thượng Thích Đức Nhuận
15.    Phật Học Tinh Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
16.    Phật Học Trung Đẳng Tập 1, Đại Sư Thái Hư | Nguyễn Khuê, Việt Dịch
17.    Phật Học Trung Đẳng Tập 2, Đại Sư Thái Hư | Nguyễn Khuê, Việt Dịch
18.    Phật Học Và Y Học, Cư Sĩ Quách Huệ Trân | Thích Tâm An, Việt Dịch
19.    Phật Học Vấn Đáp, Pháp Sư Sướng Hoài | Đại Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, Việt Dịch
20.    Phật Học Vấn Đáp, Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Thượng Tọa Thích Đức Trí, Việt Dịch