Phật Học Vấn Đáp


Phật giáo không phải là tôn giáo. Xin hỏi nên hiểu câu nói này như thế nào?
Trong đối thoại của lão Pháp sư với phóng viên có đề cập đến “Phật giáo không phải là tôn giáo, nhưng trong xã hội nói chung vẫn cho rằng Phật giáo là tôn giáo, nếu không thì không gọi là Phật giáo nữa”. Xin hỏi nên hiểu câu nói này như thế nào?

8/12/2022 1:15:30 PM

Điều này hình như là câu hỏi của Hà Thủ Tín ở truyền hình ATV. Phật giáo vốn dĩ không phải là tôn giáo, điều này chúng tôi nói rất nhiều rồi, Phật giáo là giáo dục. Thích ca Mâu ni Phật cả đời thị hiện: Sau khi giác ngộ rồi thì Ngài bắt đầu dạy học cả đời, điều này mọi người đều biết. Cả đời Thích ca Mâu ni Phật giảng kinh hơn 300 hội, thuyết pháp 49 năm, từ năm Ngài 30 tuổi đến khi Ngài 79 tuổi viên tịch, dạy suốt 49 năm. Hơn 300 hội, giống như hiện nay chúng ta đang tổ chức lớp học, tổ chức lớp học hơn 300 lần. Quy mô mỗi lần lớn nhỏ không như nhau, thời gian ngắn dài cũng không như nhau, có khi một lần giảng suốt mấy năm mới kết thúc, có khi một lần chỉ có mấy giờ đồng hồ.

Những năm Thế Tôn còn tại thế, bất luận là dạy học cho mọi người hay là cá nhân thỉnh giáo Ngài, Ngài đều giảng kinh giải đáp cho họ. Như vậy bạn có thể cảm nhận được Ngài giảng kinh suốt 49 năm đúng thật là không gián đoạn, hơn nữa, phần lớn thời gian mỗi ngày đều là dạy học, không khác gì Khổng Tử ở nước ta. Khổng Tử dạy học 5 năm, Đức Phật dạy học 49 năm. Trong các cổ Thánh tiên Hiền ở Đông Tây Phương, thời gian Thích ca Mâu ni Phật dạy học là dài nhất. Đức Mohamad của Hồi giáo dạy học 27 năm, Chúa Jesus dạy học 3 năm thì Ngài bị người ta hại chết. Cho nên thời gian dạy học của Đức Phật là dài nhất, hay nói cách khác, kinh nghiệm phong phú nhất, trí huệ cũng viên mãn nhất. Chúng ta học Phật chính là phải học Thích ca Mâu ni Phật.

Thầy của tôi là Đại sư Chương Gia, vừa bắt đầu dạy thì Ngài bảo tôi đọc Thích ca Phổ, Thích ca Phương Chí. Hai loại sách này là trước tác của người thời Đường, là truyện ký về Thích ca Mâu ni Phật. Nội dung của sách đều là từ trong kinh giáo mà trích lục ra, đúng thật là thuật nhi bất tác, toàn là kinh văn trong kinh điển nói về cả đời của Thích ca Mâu ni Phật. Sau khi chúng tôi đọc xong thì mới biết Ngài là một học giả, Ngài là một nhà giáo dục. Dùng lời hiện nay mà nói, cả đời Ngài làm việc gì? Chính là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, nói theo người hiện nay thì Ngài là nhà giáo dục. Thân phận của Ngài chính là người làm công tác tình nguyện giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, Ngài dạy học tình nguyện, không thu học phí, dạy học không phân biệt ai, không phân quốc gia, không phân dân tộc, cũng không phân tôn giáo, cho nên thời đó ở Ấn Độ có rất nhiều tín đồ các tôn giáo đều học tập với Ngài.

Ngài cũng không bảo người ta phải thay đổi tôn giáo. Bạn là Bà la môn thì vẫn là Bà la môn, không bảo người ta thay đổi tôn giáo, họ đến là để học, còn tôn giáo là một việc khác. Ở trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta xem thấy có Bà la môn, Bà la môn giáo là sớm nhất. Trong Kinh Hoa Nghiêm còn xem thấy có ngoại đạo Biến Hành, đây đều là các tôn giáo khác. Các tôn giáo khác có tín đồ, có thầy truyền giáo, có Trưởng Lão của họ đến nghe Phật giảng. Người học tập với Phật rất nhiều, đều không thay đổi tôn giáo. Đa nguyên văn hóa mà hiện nay chúng ta nói, Thích ca Mâu ni Phật ở 3.000 năm trước đã làm rồi, đã thực hiện rồi, điều này chúng ta không thể không biết.

Hiện nay phổ biến tình trạng cho rằng Phật giáo là gì? Phật giáo thật sự đã biến thành tôn giáo, bạn xem những nghi thức tôn giáo hằng ngày, phục vụ cho người chết. Thích ca Mâu ni Phật không phục vụ cho người chết mà phục vụ cho người sống, đây là dạy học, chưa từng phục vụ cho người chết. Phật giáo truyền đến Trung Quốc mấy nghìn năm trước, những Pháp sư Đại đức học Phật cũng không phục vụ cho người chết, điểm này các vị phải hiểu. Phật giáo truyền đến Trung Hoa là giáo dục, là dạy học, bạn xem nơi làm việc của họ gọi là “Tự”, Tự là gì? Tự là văn phòng làm việc của chính phủ. Nếu bạn đến Bắc Kinh tham quan, đến xem Cố Cung thì bạn sẽ hiểu được ngay. Trong Cố Cung có 9 cái Tự, Tự là cơ quan do Hoàng Đế trực tiếp quản. Vì sao gọi là Tự? Tự là vĩnh viễn không thể thay đổi, vĩnh viễn truyền xuống, tổ chức này mới được gọi là Tự. Tự dưới quyền trực tiếp của Hoàng Đế. Cơ quan dưới quyền quản lý của Tể Tướng gọi là Bộ. Nói thật ra, Tự tương đương với Bộ, nhưng vẫn cao hơn một chút, vì sao? Tự dưới quyền quản lý của Hoàng Đế, còn Bộ dưới quyền quản lý của Tể Tướng, người quản lý không như nhau. Cho nên Tự là tổ chức làm việc của chính phủ.

Trước đây, giáo dục là do Tể Tướng quản lý, gọi là Bộ Lễ. Bộ Lễ chính là Bộ Giáo Dục hiện nay. Sau khi giáo dục của Phật đà đến Trung Quốc, công tác giáo dục này do Hoàng Thượng quản lý, Hoàng Thượng cũng quản lý giáo dục, cho nên tổ chức này gọi là Tự, không gọi là Bộ. Trước đây ở trong Tự làm việc gì? Khi Phật giáo vừa mới truyền đến Trung Quốc, việc quan trọng nhất chính là phiên dịch số lượng lớn Kinh Phật. Sau khi dịch xong thì dạy học, giảng giải, lúc đó Hoàng Thượng cũng đi nghe. Đúng thật là giáo dục! Sau này Tự được xây dựng nhiều, khắp nơi đều có, có người xuất gia ở trong Tự viện để dạy học, giáo hóa chúng sanh.

Những việc siêu độ rốt cục là do đâu mà có? Hồi mới học Phật, tôi cũng hiếu kỳ, hiện tại các chùa chiền đều làm việc siêu độ này. Tôi từng hỏi Pháp sư Đạo An, ở Đài Loan, lão pháp sư Đạo An đã qua đời. Tôi đã hỏi Ngài việc siêu độ từ đâu mà có? Ngài nói với tôi, việc này có thể là từ thời Đường Minh Hoàng, khi đó An Lộc Sơn tạo phản, gọi là An Sử chi loạn, tưởng chừng như mất nước. Nhờ một vị đại tướng là Quách Tử Nghi mà bình định được sự động loạn này. Sau khi bình định, ở mỗi chiến trường lớn, nhà vua đều cho xây một ngôi chùa, gọi là chùa Khai Nguyên, là trong những năm Khai Nguyên. Tên gọi chùa Khai Nguyên là từ đó mà có, đây là do nhà nước xây dựng. Tương tự như chúng ta hiện nay ở Đền Trung Liệt làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ, là ý nghĩa này. Ước chừng mỗi năm làm pháp hội một lần. Quốc gia làm như vậy nên nhân dân trăm họ liền học theo, trong nhà có người qua đời đều thỉnh Pháp sư đến làm Phật sự này. Lúc đó là thỉnh thoảng làm, còn bây giờ trở thành phụ lấn át chính, trong đền chùa không giảng kinh cũng không dạy học nữa, chuyên môn làm việc này, vậy thì biến thành tôn giáo rồi. Cho nên, nó đã biến chất rồi, bạn không thể nói Phật giáo hiện nay không phải là tôn giáo, Phật giáo đúng thật đã là tôn giáo rồi.

Chúng ta học Phật, chúng ta biết rất rõ ràng, chúng ta không học Phật giáo tôn giáo, chúng ta phải học Phật giáo giáo dục, phải đi theo Thích ca Mâu ni Phật, như vậy thì chính xác, chính mình chân thật có thể được lợi ích, được thọ dụng. Phật giáo của tôi là do tiên sinh Phương Đông Mỹ giới thiệu. Thầy giới thiệu triết học kinh Phật, thầy dạy cho tôi môn học này, tôi mới biết kinh Phật là triết học. Thầy nói với tôi: “Triết học Kinh Phật là cao cấp nhất trong các triết học trên toàn thế giới”. Thầy nói học Phật là hưởng thụ cao nhất của đời người. Tôi bị hai câu nói này dẫn vào trong cửa Phật. Triết học kinh Phật ở đâu? Ở trong kinh điển, nếu bạn không chịu đọc kinh điển thì bạn sẽ không biết, bạn cũng không đạt được sự hưởng thụ. Bạn xem câu đầu tiên trong Luận ngữ, Khổng Phu Tử nói: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ?” (học rồi luyện tập, chẳng vui lắm sao?). Chữ “duyệt” này chính là hưởng thụ tối cao, hưởng thụ của việc đọc sách, hưởng thụ của việc giác ngộ rõ lý. Thật sự đã làm cho điều này rõ ràng, sáng tỏ rồi.

Từng có người đặt ra câu hỏi thế nào là Phật? Phật có thật không? Có Bồ tát thật không? Bạn đã thấy chưa? Các đồng tu bị hỏi không trả lời được, đến đây nói với tôi. Cho nên tôi đã vẽ ra một bức tranh, hiện nay đã đem bức tranh này làm thành một đĩa DVD, sau này mọi người đã biết thế nào gọi là Phật? Thế nào gọi là Bồ tát? Thế nào gọi là A la hán? Thế nào gọi là phàm phu? Trong Kinh Hoa Nghiêm nói rất hay, bạn vốn dĩ là Phật. Bạn có tin không? Nếu bạn không tin thì bạn làm sao mà thành Phật được! Cho nên bạn phải chắc chắn thừa nhận mình vốn là Phật, cùng với trong Tam Tự Kinh, đây là tổ tiên xưa của chúng ta dạy, tánh người vốn thiện. Tánh của tôi vốn thiện, tánh của bạn cũng vốn thiện, tánh của họ cũng vốn thiện, vậy mọi người đều giống nhau rồi. Tánh tương cận. Tôi vốn dĩ là Phật, bạn cũng vốn dĩ là Phật, Họ cũng vốn dĩ là Phật. Sau đó trong Kinh Hoa Nghiêm, Bồ tát Phổ Hiền dạy chúng ta “lễ kính chư Phật”, bạn sẽ hiểu. Đối với bất kỳ ai cũng tuyệt đối không khinh nhờn, không xem thường, bạn nhất định phải tôn trọng họ. Tôn trọng chính mình thì sẽ tôn trọng người khác, không tôn trọng chính mình thì sẽ không tôn trọng người khác, không yêu thương chính mình thì sẽ không yêu thương người khác, phải hiểu đạo lý này.

Tôi làm ra đĩa DVD, giúp mọi người dễ hiểu hơn, bởi vì chúng tôi vẽ thì bạn nhìn vẫn là bốn hình tròn, người ta thoạt nhìn thì tưởng đây là bốn người; không phải, là một, không phải là bốn! Một hình thì vẽ không ra, cho nên dùng máy vi tính để làm ra, chính là một hình tròn. Trên hình tròn này không bị ô nhiễm gì cả thì chính là Phật. Bạn vốn dĩ không ô nhiễm, hiện nay vẫn là không ô nhiễm, cho nên thật đúng là Phật, không phải là giả. Ô nhiễm là giả không phải thật, cho nên gọi là vọng tưởng. Ô nhiễm đầu tiên chính là vọng tưởng, trong Kinh Hoa Nghiêm nói ba loại ô nhiễm lớn là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Ô nhiễm vọng tưởng nhẹ, nhưng nó bắt đầu có rồi, nếu không dạy cho tốt thì ô nhiễm càng ngày càng nghiêm trọng. Nghiêm trọng thì họ có phân biệt, đến khi nghiêm trọng nhất thì họ có chấp trước.

Cho nên khi có ô nhiễm, có ô nhiễm nhẹ nhất chính là vọng tưởng, thì gọi họ là Bồ tát, chứ không gọi là Phật. Ô nhiễm nặng hơn một bậc thì gọi là A la hán, không gọi là Bồ tát. Nặng hơn thì chính là phàm phu. Chúng ta hiểu được, hiện nay chúng ta là ô nhiễm, có thật bị ô nhiễm không? Không phải thật, chân tánh của mình thật sự không bị ô nhiễm, cảnh giới bên ngoài cũng không bị ô nhiễm. Cảnh giới bên ngoài là pháp tướng, pháp tướng là do pháp tánh biến ra, tánh không ô nhiễm thì pháp tướng cũng không có ô nhiễm. Cho nên, ô nhiễm ở bên trong và bên ngoài đều là giả, đều không phải thật. Khi bạn xem hiểu bức tranh này của tôi thì sẽ sáng tỏ, rồi bạn mới biết cần phải tu hành như thế nào, thành tựu ra làm sao.

Đại sư Chương Gia dạy tôi “nhìn thấu, buông xuống”. Buông xuống chấp trước thì bạn chính là A la hán, buông xuống phân biệt thì bạn chính là Bồ tát, buông xuống vọng tưởng thì bạn chính là Phật, một chút cũng không sai. Phật dạy chúng ta, từ sơ phát tâm đến Như Lai địa, đến quả vị rốt ráo, không có gì khác, chỉ là buông xuống mà thôi! Nếu bạn chịu nhất loạt buông xuống thì khi nào thì có thể thành Phật? Một niệm liền thành Phật, đâu cần thời gian dài gì đâu! Chỉ cần bạn trong một niệm hiểu rõ rồi, bạn buông xuống triệt để thì liền thành Phật. Không thể buông xuống hoàn toàn, chỉ buông xuống một phần thì thành A la hán, thành Bồ tát, là đạo lý là như vậy. Nếu bạn không chịu buông xuống thì vĩnh viễn ở trong sáu nẻo luân hồi, vậy thì sai rồi.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Phật Giáo       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật