Đức thầy chỉ đạo ấy là đức Phật Thích-Ca. Thật vậy, đức Phật Thích Ca Mâu Ni quả là đức thầy chỉ đạo của đời sống ý nghĩa, của những người muốn sống đời sống ý nghĩa ấy, vì hơn ai tất cả. Ngài đã tự chỉ đạo cho mình sống và đã sống hoàn toàn đời sống ý nghĩa đó.

Đức Phật Thích Ca, thiếu thời là một hoàng tử tài đức. Uy quyền nhiều, hạnh phúc đủ, nhưng vị hoàng tử ấy rũ sạch, ra đi xuất gia vì chí nguyện sống cho người, vì người. Chí nguyện ấy là hạt giống đã gieo tự nhiều kiếp của đời sống ý nghĩa. Ngày nay, những người ham thích và quyết chí sống đời sống ý nghĩa ấy vẫn còn luôn luôn tưởng thấy một thanh niên tuổi 29 mang trong mình bao nhiêu cao sang của ngai vàng, bao nhiêu lẫm liệt của quyền hành và bao nhiêu tha thiết của tình yêu, bao nhiêu sung túc của cuộc sống, vậy mà thanh niên ấy đã bỏ lại tất cả cho hoàng thành Ca tỳ la vệ trong một đêm tối, và từ đêm tối ấy, với vó ngựa mạnh mẽ, thanh niên vượt qua thành trì rực rỡ mà trụy lạc, phi vào rừng núi gai góc nhưng cao cả. Hình ảnh này đã hoạt diễn và còn hoạt diễn mãi trong tâm trí của những người tha thiết sống đời sống ý nghĩa.

Rồi mặc như gắn vào mình chiếc ca sa muôn đời của tam thế chư Phật, thanh niên ấy đi tìm thầy học hỏi những cái mà chí hướng vì người của mình đòi hỏi. Hết học lại tu. Hết tu với người lại tự tu tập một mình. Trong sự tu tập, vừa suy nghiệm lại vừa thực nghiệm. Cho đến khi tuệ giác tối thượng đến với thanh niên dưới gốc cây bồ đề thì bấy giờ hết thảy nguyện vọng của đời sống ý nghĩa đã thật hiện đầy đủ. Thanh niên ấy, hoànt tử của chí nguyện cao cả ấy đã thành một đức Phật, đức thấy chỉ đạo của tất cả.

Đức Phật, sau khi đại giác ngộ về đời sống ý nghĩa rồi, tận tụy đem những điều mình đã giác ngộ, đã thật hệin về đời sống ấy, suốt đời chỉ đạo lại cho người. Đời sống ý nghĩa mà Ngài chỉ đạo có vô số hiệu quả thực tế. Đời sống ấy đã và sẽ làm cho hàng triệu người lúc ấy, bây giờ và mãi mãi về sau này chuyển đời sống đen tối, vô giá trị của họ thành đời sống ý nghĩa. Đặc biệt là đời sống ấy không những làm cho loài người sống có ý nghĩa mà còn lan tràn ánh sáng đến cả đời sống của loài vật. Trong kinh điển còn chép rõ những thực trạng đó khi Phật còn tại thế.

Điều cần thiết của đời sống ý nghĩa là tự tin và tự gắng năng lực hướng thệin của chính mình. Cho nên một đời tận tụy chỉ đạo đời sống ý nghĩa cho người bằng mọi cách – vừa chỉ đạo bằng sự giáo huấn, vừa chỉ đạo bằng cách đích thân làm gương, cho đến khi sức khỏe tàn tạ với tuổi tám mươi, đức Phật tóm thân tất cả đường lối chỉ đạo của mình trong lời di giáo cuối cùng này: “Hãy lấy mình làm căn cứ và làm đuốc sáng, hãy lấy chánh pháp làm căn cứ và làm đuốc sáng”. Tất cả giá trị của đời sống ý nghĩa là lấy chánh pháp làm căn cứ và làm ánh sáng, tất cả điều kiện cần thiết của đời sống ý nghĩa là lấy mình làm căn cứ và làm ánh sáng trong sự hướng về chánh pháp, cuối cùng, tính cách chỉ đạo, tính cách xứng đáng của sự chỉ đạo mà ta tìm thấy duy nhất ở đức Phật là vạch rõ những điều ấy.

Là đức Thầy chỉ đạo mọi người, nhưng đức Phật không nói các người phải theo ta, cũng không khuyên ta nên theo Ngài. Ngài chỉ vạch đường, đưa đường và “dĩ thân tác chứng”, đích thân làm gương và làm chứng trong sự chỉ đạo mọi người sống đời sống ý nghĩa. Đời sống ấy phải làm thế nào và có ý nghĩa gì, Ngài đã làm và làm đã kết quả. Một đời sống hoàn toàn ý nghĩa, người ta chỉ nhìn vào đời đức Phật là thấy. Và người ta chì tìm thấy cũng như đã tìm thấy đời sống ấy ở đức Phật mà thôi.

Chỉ đạo cho mục đích hợp lý, hành động hiệu lực, tín ngưỡng minh chánh của một đời sống ý nghĩa, đức Phật đã làm với tất cả sự đề cao bản tánh của con người, sự nâng đỡ lý đoán của con người và sự phát triển năng lực của con người, bằng tất cả đức đại hùng, đại lực, đại từ bi của Ngài. Với lý thuyết “vô ngã” Ngài xả bỏ đời mình cho tất cả và chỉ đạo mọi người chuyển bỏ đời sống đen tối bước qua đời sống đầy ý vị. Với lý thuyết đời sống vô vị là cả một “khổ hải”, Ngài đã rời bỏ ngai vàng, bước đến với hết thảy những người muốn sống đời sống ý nghĩa. Với lý thuyết “vô thường” và “vô tánh”, Ngài đích thân làm cho mọi người thấy cuộc đời cần thay đổi và quan trọng nhất là có thể thay đổi được thành đời sống đầy ý nghĩa. Mực thường nhất của đời sống đầy ý nghĩa, như bổn phận đối với xã hội, nghĩa vụ đối với gia đình, từ đời sống riêng tư của cá nhân đến sự đối xử cần có đối với mọi người, đức Phật đã đích thân làm gương và chỉ đạo đầy đủ.

Chỉ đời sống ý nghĩa đức Phật vạch ra mới hợp lý, chỉ đức Phật vạch đời sống ý nghĩa mới hợp lý, và chỉ hợp lý là khi chính ta quyết chí sống theo đời sống ý nghĩa mà đức Phật đã vạch; những sự hợp lý như thế này quả thật chúng ta có thể tìm thấy khi chúng ta chiêm ngưỡng vào đức Phật, đức Thầy chỉ đạo của chúng ta.
 
Trích từ: Tâm Ảnh Lục - Thích Trí Quang
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Đạo Ở Trong Sinh Hoạt Hằng Ngày
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Pháp Khế Đạo
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam

Tôn Tượng Phật Tại Đạo Tràng
Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc

Nhập Đạo
Pháp Sư Đạo Thế