Home > Khai Thị Phật Học > Khai-Thi-Phat-That-Tai-Chua-Linh-Son-Nam-Mau-Ngo-Lan-Thu-Nhat
Khai Thị Phật Thất Tại Chùa Linh Sơn Năm Mậu Ngọ (Lần Thứ Nhất)
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Thưa chư vị lão sư, chư vị đồng tu,

Hôm nay là ngày kết thất thứ nhất. Riêng tại Ðài Trung, sau khi quang phục[1], bắt đầu kết thất tại chùa Linh Sơn, tính đến nay kết thất cũng gần được ba mươi năm rồi. Nói đến việc mở Phật Thất suốt ba mươi năm chưa hề gián đoạn thì thật là điều rất khó có được, hoàn toàn là do nhân duyên. Hôm nay, tôi xem thấy những bạn đồng tu trong đạo tràng này, đồng tu cũ cũng có, đồng tu mới cũng có, giảng nói càng khó hơn, biết làm sao đây? Nếu giảng sâu thì bạn đồng tu mới nghe sẽ chẳng hiểu. Nói sơ lược ư? Lại sợ bạn cựu tu đã nghe qua nhiều lần rồi. Vì thế, tôi chọn lấy những điều trọng yếu mà trình bày.

Trước hết luận về kết thất. Kết thất chú trọng nơi thực hành niệm Phật, hoàn toàn chẳng phải là để giảng kinh, giảng giáo lý. Trước hết, phải hiểu rõ như thế! Ðã là để nghiên cứu thực tu thì nói càng ít càng tốt, nên tôi bèn chuyên giảng “làm thế nào để đạt được Nhất Tâm”. Ngoại trừ điều này ra, chỉ nói in ít, nói nhiều càng thêm phiền. Gây phiền thêm để làm gì? Mọi người đến đây để cầu Nhất Tâm, nghe tôi thuyết pháp nhiều thì tâm càng loạn. Xin quý vị hiểu cho điều này.

Trước hết, dùng mấy lời như vậy để minh định rõ ràng. Hôm nay là ngày đầu tiên, trước hết, cần phải tu hành đúng như pháp. Tu hành pháp môn nào cũng phải có biện pháp của pháp môn đó, phải dựa vào những biện pháp do Phật, Tổ đã dạy chúng ta. Nếu như tự mình suy diễn những cách tu không dựa vào Phật pháp, hoặc dùng những phương pháp tu của các pháp môn khác để tu thì là sai lầm vậy. Mỗi pháp môn có cách tu riêng của nó.

“Trở về nguồn không hai đường”, thế nào là không hai đường? Nói chung là để minh tâm kiến tánh, pháp nào chẳng thể minh tâm kiến tánh thì chẳng tu. Do có nhiều môn phương tiện nên phương pháp cũng chẳng đồng nhất. Chẳng hạn như trong nhà Phật có rất nhiều tông phái, nhưng trong hai phái tối trọng yếu thì một là Thiền. Thiền chú trọng vào Không, thường quán Không, hễ ngộ được một chữ Không thì rất tốt, nhưng Tịnh Ðộ Tông chẳng giống vậy. Tịnh Ðộ Tông chú trọng quán Hữu. Có phải là hai tông này mâu thuẫn nhau không? Kỳ thật chẳng hề mâu thuẫn nhau dù chỉ một điểm. Ðiều này có giáo lý đấy, nhưng hôm nay tôi chẳng giảng giáo lý, chỉ giảng những gì quý vị có thể dựa theo đó mà tu cho tốt. Nếu muốn hiểu kỹ về mặt giáo lý thì chúng tôi có giảng kinh tại thư viện hoặc liên xã, chứ chẳng phải chỉ giảng kinh ở một chỗ, quý vị có thể đến đó nghe.

Ở đây tôi chỉ chuyên giảng sao cho quý vị đạt được Nhất Tâm, để bảy ngày kết thất này của quý vị không bị uổng phí. Trong kỳ kết thất này, nếu chẳng đắc Nhất Tâm thì uổng công rồi. Quý vị phải biết là trước tiên phải nhớ kỹ những lời giảng trong ngày thứ nhất, mấy ngày sau đó quý vị nghe người khai thị nói gì cứ thực hành theo đó là ổn.

Ở đây chúng ta tu Tịnh Ðộ, kết thất niệm Phật bảy ngày. Niệm Phật bảy ngày để làm gì? Người khéo công phu niệm một ngày liền đạt Nhất Tâm. Chẳng phải là người hằng ngày luôn niệm Phật thì hôm nay đến đây niệm Phật một ngày không cách chi đắc Nhất Tâm được! Phải là người đã tu hành ít nhiều năm, hiểu rõ giáo lý rồi, chỉ vì một mình người ấy tu trì chẳng thể đắc Nhất Tâm, đến đây tham dự Phật Thất mới có thể đắc Nhất Tâm. Nếu công phu chưa khéo thì từ một ngày đến bảy ngày chi đó bèn đắc Nhất Tâm. Ðây là nói về hạng người nào? Là hạng người tinh tấn suốt bảy ngày, chứ chẳng giống như bọn mình, mỗi ngày niệm vài cây hương là thôi. Họ niệm ngày đêm không nghỉ nên bảy ngày liền đắc Nhất Tâm.

Nói cho quý vị nghe điều thật tuyệt diệu này: Ðạt Nhất Tâm chính là đã đoạn được Kiến Tư Hoặc trong vòng bảy ngày. Ðiều này trong kinh không giảng rõ vì sợ quý vị tự tổn hại mình. Ðoạn hết Kiến Tư Hoặc thì đạt được Nhất Tâm, chẳng đoạn được Kiến Tư Hoặc thì không thể đắc Nhất Tâm. Là vì nếu Hoặc chưa đoạn thì chúng vẫn còn khuấy loạn trong tâm, quý vị đạt Nhất Tâm sao được? Bởi vậy mới bảo: Nếu công phu chẳng tận sức thì dù có niệm cả trăm năm cũng chẳng được Nhất Tâm! Nếu thế thì biết làm cách nào đây?

Tịnh Ðộ Tông có một phương pháp đặc biệt là chế phục Hoặc. “Chế phục Hoặc” nghĩa là mỗi khi vọng niệm khởi lên, bèn dùng A Di Ðà Phật đè nén vọng niệm, hễ vọng niệm khởi bèn dùng niệm Phật đối trị. Cách này rất đơn giản, chỉ cần niệm thuần thục là làm được. Nhưng trong cả ngàn người, khó kiếm được một người niệm thuần thục. Ðại đa số, hễ một vọng niệm khởi thì vọng niệm khác liền tiếp nối, rong ruổi theo vọng niệm, chẳng biết đè nén vọng niệm, dùng A Di Ðà Phật để đè nén chúng. Ðây là một công phu đơn giản nhưng lắm người chưa làm được là vì duyên cớ nào? Là vì nhiều đời, nhiều kiếp đến nay, họ nghĩ đến vọng niệm quá thuần thục rồi nên tuyệt đối chẳng thể dùng A Di Ðà Phật để đàn áp vọng niệm được, có nói cũng chẳng nghe. Nếu như vậy thì chẳng còn biện pháp nào cả. Quý vị phải hiểu rõ điều này.

Trên đây, tôi thưa chuyện cùng quý vị mấy câu như vậy là nhằm trình bày những việc quý vị cần phải hiểu rõ trước khi đả thất, chứ chưa khuyên quý vị phải nên thực hành cách nào; giờ đây tôi sẽ thưa. Sau này quý vị sẽ thấy những lời ấy cũng rất bình thường. Quý vị đừng phân biệt là bình thường hay không, cả sáu chữ “nam mô A Di Ðà Phật” kể ra rất bình thường, nhưng vì sao nhiều đời, nhiều kiếp vẫn không niệm được?

Chúng ta tu hành thực tiễn, chẳng cần biết là tu theo tông nào, nói chung tông nào cũng đều có hai phương diện:

- Một là Chánh Công Phu. Thế nào là Chánh Công Phu? Thực hành Chánh Công Phu chẳng ngoài mục đích để Tu Hành. Khai trừ, khử sạch những Kiến Tư Hoặc, những thứ loạn tạp rối bời trong tâm quý vị thì gọi là Tu Hành. Chúng sanh ai nấy đều có Phật Tánh. Bổn tánh của quý vị chính là Phật Tánh, nhưng đáng tiếc là tánh ấy bị các thứ bại hoại che đậy. Biện pháp để trừ khử hết sạch những thứ bại hoại ấy thì gọi là Chánh Công Phu.

- Ta hiểu được những gì bại hoại cần phải đào thải khỏi tâm này là một chuyện, nhưng trừ bệnh đâu phải là chuyện dễ, vì thế, cần phải có công phu hỗ trợ (Trợ Công Phu). Mỗi tông có công phu hỗ trợ riêng. Hôm nay tôi sẽ vì quý vị phân biệt rõ phải thực hiện Chánh Công Phu và Trợ Công Phu như thế nào.

Quý vị đến dự Phật Thất là vì muốn đạt Nhất Tâm. Ðoạn Hoặc là Nhất Tâm, chế ngự được Hoặc cũng là Nhất Tâm. Ðạt được Nhất Tâm thì lúc lâm chung mới có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, không được Nhất Tâm thì không vãng sanh. Ðấy chính là điều kinh A Di Ðà đã dạy. Lấy lời kinh dạy làm chuẩn. Lắm người cứ mơ hồ cho rằng lúc mình lâm chung, A Di Ðà Phật liền đến đón mình. Thật ra thì phải Nhất Tâm mới được Phật đón tiếp. A, vì sao vậy? Do tâm mình phát lộ quang minh, quang minh của A Di Ðà Phật liền dõi theo đó, tiếp dẫn mình sanh về cõi kia. Nếu Kiến Tư Hoặc, các thứ bại hoại phủ lấp quý vị, che lấp quý vị thì A Di Ðà Phật cũng không có biện pháp gì. Quý vị phải hiểu rõ điều này.

Mỗi khi chúng ta bước chân vào cửa chùa Linh Sơn thì liền thấy Phật. Phật có Pháp Thân, Pháp Thân chẳng phải chỉ hiện diện nơi tượng Phật đúc, mà chỗ nào cũng có Pháp Thân, chỉ tiếc là bọn phàm phu chúng ta chẳng thấy được. Bây giờ mỗi khi mình đến chùa Linh Sơn, thấy tượng Phật phải coi như là Phật, coi như là Phật đang ở ngay trước mắt. Tôi xin hỏi quý vị một câu: Quý vị gặp Tổng Thống thì thái độ ra sao? Tổng Thống đến đây thì chẳng dám nói lời nào, ngồi ngay ngắn, chỉnh tề, lưu tâm cẩn thận, hết sức quy củ. Tổng Thống cũng chỉ là phàm phu giống hệt như mình. Gặp ông ta thì ai nấy đều có thái độ như thế đó, nhưng gặp Phật lại chẳng được như vậy, dù thấy Phật cũng xem như Phật chẳng hiện diện, sao mà lầm loạn đến thế? Quý vị ơi, quý vị làm như vậy là khinh thường Phật quá đấy. Ðừng nói chi đến Tổng Thống, cục trưởng cảnh sát đi tới, quý vị có sợ hay chăng? Coi Phật không bằng viên cảnh sát trưởng như thế thì quý vị [có tu hành] thành công được chăng? Tổ Sư dạy như thế này: Ðiều đầu tiên là phải cung kính. Mỗi khi đến đây, phải coi như Phật đang ở ngay trước mắt, nói năng, động tác hết thảy đều cung kính, muôn phần cung kính. Nếu như trong tâm còn một phần lười nhác, một phần chẳng cung kính thì chẳng chứng được Nhất Tâm. Ðây là bước thứ nhất.

Ðã cung kính rồi, mỗi khi ngồi xuống niệm Phật hay lúc chẳng niệm cũng đều như nhau, tiến lên nữa là buông vạn duyên xuống. Thế nào là vạn duyên? Chính là vọng tưởng khởi lên thời thời, khắc khắc chẳng đoạn. Mỗi một vọng tưởng là một hạt giống của một lần luân hồi, một lần sanh tử, nguy hiểm lớn lắm. Vọng tưởng là gì? Mỗi một vọng tưởng là một Kiến Tư Hoặc, là vật bại hoại, là bụi bậm. Khởi vọng tưởng là tâm chạy theo bên ngoài. Chạy theo những pháp nào bên ngoài? Nghĩ cái bàn, nghĩ cái ghế, nghĩ đến cái gì tâm liền đặt nơi đó, tâm quý vị hoàn toàn chẳng đặt yên nơi A Di Ðà Phật. Ðây là chứng bệnh lớn gọi là Loạn. Nếu tâm quý vị chạy lung tung thì chẳng phải là loạn hay sao? Làm thế nào đây? Trong tâm chỉ có Phật, đem tâm đặt yên nơi Phật. Phật giống như một cái cọc thuyền trên sông, tâm là chiếc thuyền. Cột chặt thuyền vào cọc thì còn trôi đâu được nữa! Miệng không niệm Phật nhưng trong tâm có Phật, giữ lòng cung kính thì Phật hiện diện ngay trong chúng ta. Chẳng dám loạn tưởng thì dù miệng không niệm cũng được Nhất Tâm. Ðây là tầng thứ hai.

Ðiều thứ ba là lúc niệm Phật, niệm sáu chữ hay bốn chữ, dù sáu chữ hay bốn chữ đều cùng một cách niệm. Trước hết trong tâm phải tưởng. Nếu trong tâm chẳng niệm, chỉ gào xuông ngoài miệng thì đấy chỉ là xướng ca, không nên! Ðồng thời trong tâm chẳng khởi hai ý niệm, hễ nghĩ đến Phật thì không còn có ý niệm nào khác. Có ý niệm khác thì ý niệm về Phật cũng không còn. Ðiều này bọn chúng ta phàm phu thiếu công phu chưa thấy rõ. Niệm Phật trong tâm tưởng, trong tâm rõ ràng, trong trẻo. Miệng lại niệm ra, công phu niệm ra cũng rõ ràng, tách bạch. Sau đó, chính mình nghe, nghe chính tiếng mình niệm, nghe sáu chữ ấy cũng rõ ràng, minh bạch, chẳng để sót chữ nào. Tâm tưởng, miệng niệm ra, tai lại lắng nghe vào, giáp vòng như vậy thì tâm không chạy đi đâu được. Ðó là một cách.

Niệm đến mức nào? Quý vị khỏi cần phải hỏi ai là mình niệm đến mức nào cả. Quý vị như thế nào người khác làm sao hiểu được. Quý vị đã không hiểu mình như thế nào thì người khác làm sao hiểu được? Tôi chỉ cho quý vị hiểu nhé! Quý vị niệm Phật cứ tự mình nghe, nghe chính mình niệm Phật, chính miệng mình niệm Phật, chính mình tự nghe. Bất cứ thứ nào khác đều chẳng nghe thấy thì công phu của quý vị đã thuần, tự mình niệm Phật, tự niệm, tự nghe. Ðiều này khó làm được. Vì sao? Ở nhà thì không hề gì, mình ở trong nhà mình, mình niệm như vậy được, nhưng đến đây dự Phật Thất, mọi người đều niệm Phật, làm sao mình không nghe thấy được? Không nghe thấy là tốt, nhưng nếu nghe thấy thì làm cách nào? Nghe thấy cũng tốt. Vì sao nghe thấy cũng tốt? Trong Tịnh Tông có Trợ Niệm Ðoàn để hỗ trợ lúc lâm chung. Vì sao gọi là Trợ Niệm Ðoàn? Vong giả lúc lâm chung bị hôn trầm, phong đao chia cắt thân, trong tâm rối loạn. Vừa loạn vừa hôn trầm thì Phật chẳng hiện hữu. Người trợ niệm ở bên cạnh niệm “A Di Ðà Phật, A Di Ðà Phật, A Di Ðà Phật” để lay tỉnh tâm niệm người đó vì sợ người sắp chết quên khuấy chẳng đề khởi tâm niệm Phật. Người chết nghe thì cũng giống như chính mình niệm, chính mình tự niệm, tự nghe. Quý vị nghe người khác niệm cũng như chính mình đang niệm. Quý vị đến đây niệm Phật là tự mình nghe, người khác niệm Phật giúp cho quý vị, sợ quý vị quên đi. Quý vị có thể nghỉ niệm một chút, nghe người khác niệm rõ ràng, tách bạch, trong tâm vẫn có Phật, không chạy đi đâu hết. Ðây là bước công phu thứ ba.

Ðiều thứ tư, tự tu rất trọng yếu. Quý vị niệm Phật có tạo thành tiếng hay không? Mọi người có hiểu rõ điều này chăng? Có tiếng đấy. Niệm Phật dù nhỏ cách mấy vẫn có âm thanh. Dù miệng không niệm, chỉ niệm trong tâm vẫn có âm thanh. Quý vị cứ nghĩ lại lúc mình học bài sẽ hiểu điều này. Gọi là “tâm huyền” (dây đàn tâm) là ngụ ý: Tâm giống hệt như dây đàn, tâm cũng có âm thanh. Quý vị tưởng A Di Ðà Phật thì ngay ý niệm ấy phát ra âm thanh. Quý vị có âm thanh, âm thanh ấy chẳng tạp loạn thì chính là A Di Ðà Phật.

Pháp Thân của Phật A Di Ðà không chỗ nào chẳng hiện diện. Phật hiện diện ở đâu nơi đó đều có quang minh: “Quang trung hóa Phật vô số ức, hóa Bồ Tát chúng diệc vô biên” (trong quang minh hóa hiện vô số ức đức Phật, và cũng hóa ra vô biên các vị Bồ Tát). Trong quang minh của Phật, Phật A Di Ðà và các vị Bồ Tát hiện diện trong đó lại đều là quang minh. Âm thanh của quý vị phát ra đó sẽ đi về đâu? Ði đến quang minh của Phật. Quang minh của Phật lại đi đến đâu? Hòa nhập vào âm thanh của quý vị. Khi âm thanh hòa lẫn vào quang minh, quý vị chính là A Di Ðà Phật. Khi quang minh hòa nhập vào âm thanh thì A Di Ðà Phật chính là quý vị. Khi âm thanh và quang minh hòa hợp nhau, nếu quý vị không vãng sanh thì sẽ tới đâu nữa đây? Ðây là điều thứ tư. Có vậy mới kể là đã đạt công phu. Ðấy chính là biện pháp tu hành Chánh Công Phu vậy.

Lại còn có công phu để hỗ trợ. Sức của công phu hỗ trợ rất lớn. Vì sao vậy? Thưa cùng quý vị, giờ đây quý vị thực hành theo biện pháp tôi vừa nêu đến mức (chánh công phu) rất khá rồi, một khi quý vị bước chân ra khỏi cổng chùa, liền nghĩ: “Ái chà! Bây giờ mình có thể nói sướng miệng đây!” Hỏng rồi! Ngay lúc tâm khởi ý niệm buông lung khẩu nghiệp thì tâm quý vị liền chạy theo bên ngoài. Mới gom tâm để đạt được Nhất Tâm, vừa bước ra ngoài liền để tâm chạy theo bên ngoài thì công niệm Phật tại đây (chùa Linh Sơn) đành mất trắng. Ra ngoài thấy, nghe sự gì đó tâm lại loạn thì uổng mất công niệm Phật tại đây. Ở trong này, đàn áp được Kiến Tư Hoặc, nhưng vừa ra ngoài là lại chồng chất thêm, quý vị nghĩ nên trách ai?

Công phu tu hành xét đến cùng cực thì chính là ngày chầy tháng rộng, thời thời khắc khắc chẳng biến đổi. Chẳng những chỉ ở chùa Linh Sơn mới tu như vậy mà khi ra khỏi cổng chùa cho đến khi về đến nhà vĩnh viễn tu hành như vậy thì mới là tu hành, chứ chẳng phải ngoài dịp Phật Thất thì chẳng tu hành. Nếu như chùa Linh Sơn không mở Phật Thất, quý vị không tu thì chính là quý vị tự hại mình, chẳng cần biết là có mở Phật Thất hay không vẫn thực hành như vậy. Vậy thì xét ra biện pháp này có khó thực hiện hay chăng?

Nếu chẳng giữ vững được một câu Phật hiệu thì phải luôn sám hối. Ðiều này rất khẩn yếu. Sám hối là tự xét những điều mình làm chẳng đúng, tạo bao tội lỗi. Xét ra dù xuất gia hay tại gia, người tu hành chắc thật thì thấy mình làm gì cũng đều là tội lỗi. Hễ nhắc đến tội liền sám hối. Mình đã làm sai, nhưng làm sai rồi lại làm gì nữa? Ðã làm sai nhưng vẫn còn tái phạm. Mỗi ngày thời thời, khắc khắc từ sáng đến tối sám hối. Như vậy thì ngoài việc sám hối ra còn có gì làm loạn mình nữa ư? Dù có loạn ở chỗ nào đi nữa, vẫn chú tâm nơi Phật, thì còn có gì nữa đâu?

Thấy người khác làm điều tốt bèn sanh lòng hoan hỷ. Thật ra, phát tâm hoan hỷ cũng là loạn, chẳng thể vãng sanh; cho nên hễ thấy ai làm điều lành gì bèn nghĩ: “Tốt quá! Người ấy có thể vãng sanh”. Ai làm điều gì tốt mình cũng mừng rằng người ấy sẽ được vãng sanh. Vừa sám hối, vừa tùy hỷ như thế thì ngày chầy tháng đọng, dù loạn nhưng thật sự chẳng loạn. Ðây chính là công phu hỗ trợ thứ nhất.

Hơn nữa, mỗi tông có cách tu hành riêng. Dùng cách tu hành của tông khác để tu Tịnh Ðộ sẽ chẳng thành công. Dùng cách tu của Tịnh Tông để tu các tông khác cũng chẳng thể thành công. Tịnh Ðộ Tông có hai chữ “hân, yếm”. Hân là thấy sự tình gì mình bèn hy vọng được như vậy. Nói theo ngôn ngữ hiện tại thì Hân là “tâm hy vọng”. Yếm là nhàm lìa, chán ghét. Hai chữ Hân Yếm được coi là căn bệnh lớn trong nhà Thiền. Quý vị tu Tịnh Ðộ nghe các tông khác giảng giáo lý, họ sẽ nói hai chữ Hân Yếm là bại hoại, chẳng nên giữ lấy; nhưng trong nhà Tịnh, hai chữ xấu xa ấy đối với chúng ta lại là điều cực hảo vì cách sử dụng hoàn toàn khác nhau. Bí quyết huyền diệu của Tịnh Tông nằm ngay tại hai chữ đó!

Ðối với hết thảy mọi sự trong thế giới này, quý vị đều nên chẳng tham luyến vì chúng đều là giả cả, chẳng có chút gì chân thật. Thế giới Sa Bà là thế giới ô uế, giống như hầm phân, như cái giỏ bẩn thỉu, có gì tốt đâu! Chúng ta thấy cái giỏ bẩn thỉu bèn chẳng chịu chạm vào những thứ dơ dáy. Họa may là ruồi nhặng, giòi tửa thấy cái giỏ bẩn thỉu ấy mới cao hứng được thôi. Chúng nó thấy là tốt vì cùng là một phường, ta đừng bắt chước chúng. Thế giới Sa Bà này không có một điểm nào tốt cả nên mình chán ngán chốn này, chẳng mong ở mãi nơi đây, mong sớm được xa lìa nó. Lòng luôn nghĩ như vậy thì tham luyến còn trụ vào đâu được nữa.

Ðã thế, xem kinh Di Ðà mấy lượt, mọi sự nói trong đó không điều gì là không tốt; bởi thế nên bèn ưa thích cõi kia. Ðây là Hân. Quý vị nhìn ra ngoài thấy cao ốc lố nhố, đi đâu phải ngồi xe hơi, so với thế giới Cực Lạc khác nhiều lắm, ta chẳng ưa. Ðây là Yếm.

Chán nhàm cõi này, lại nghĩ trong cõi kia chẳng dùng đến xe, cứ ngồi trong nhà nghĩ muốn đến đâu thì nhà liền bay đến đó mang mình theo. Nếu không thích nhà cửa che tầm mắt mình thì tường vách cũng không còn nữa. Mỗi đóa sen ánh sáng thiên biến vạn hóa, chưa hề được thấy qua.

Quý vị thấy phủ Tổng Thống cõi này như thế nào? Là Kim Loan điện. Nói cho quý vị nghe, may là cõi Cực Lạc không có đại tiểu tiện. Nếu có đại tiểu tiện, hầm phân thì có hơn gì Kim Loan điện cõi này. A! Quý vị luôn nghĩ như sau: Nhàm chán cõi này, ưa thích cõi kia. Hân Yếm rất khẩn yếu, là biện pháp hỗ trợ rất lớn. Ba mươi bảy Ðạo Phẩm vốn là Trợ Công Phu khẩn yếu của Tịnh tông, nhưng có ai trong chúng ta nhớ hoài được. Cứ luôn nhớ kỹ hai chữ Hân Yếm này là được. Ðây là Trợ Công Phu thứ hai.

Ðiều thứ ba, chỉ cần tâm quý vị khởi một vọng tưởng thì đó chính là Ma. Quý vị hay nói người nào đó bị ma dựa, nhưng có thấy con ma đó chưa? Thật ra, ai cũng có ma theo bén gót. Ma trong tâm chẳng lo, lại toan dẹp Ma bên ngoài! Vậy thì Ma là gì? Vọng niệm khởi chính là Ma, đó là Nội Ma. Vọng niệm khởi lên thì dù quý vị có đi qua Tây Phương Cực Lạc thế giới nó vẫn dùng móc lôi kéo quý vị đi theo, quý vị không làm gì được. Sức lực của ma thật là lớn vậy. Làm sao bây giờ?

Dù thế nào đi nữa, sức Ma lớn đến đâu vẫn chẳng thể lớn hơn sức Phật. Một câu A Di Ðà Phật chiếu đến Ma, Ma liền bỏ chạy, Phật hiệu áp chế được Ma. Vọng tưởng là Ma, niệm một câu Phật hiệu là Phật, dùng Phật hiệu để áp chế Ma. Khi vọng tưởng khởi động là nghĩ tới Ma thì nó đến, ta trị không được, chỉ có mình Phật hiệu thắng được nó, quý vị liền gấp rút niệm Phật. Niệm thuần thục rồi thì dù mình có muốn gọi Ma tới, nó cũng chẳng tới vì khắp trong tâm toàn là Phật. Có Phật thì không có Ma. Có Ma thì không có Phật. Vì thế, đây là cách chế ngự Hoặc chứ không đoạn Hoặc, không trừ gốc của Hoặc. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới rồi thì tự nhiên đoạn sạch Hoặc.

Chẳng cần phải nói nhiều nữa, ba điều trên là đủ. Trong bảy ngày này, kính xin quý vị thực hành đúng theo những điều ấy, về đến nhà cũng vẫn tu như vậy thì kỳ Phật Thất này chẳng uổng phí. Tiếp đây, tôi dùng một bài kệ để kết thúc:

a. “Tịnh Ðộ nan tín khước dị hành” (Tịnh Ðộ khó tin, nhưng dễ hành):

Chỉ mình đức Phật là có thể giảng minh bạch Tịnh Ðộ Tông, trừ đức Phật ra, không còn một ai khác có thể giảng minh bạch được. Vì thế, Tịnh Ðộ là “nan tín”. Học Phật nhiều năm, kinh sách mười phần coi hết chín, vẫn chẳng tin nổi Tịnh Tông. Vì thế bảo là pháp Nan Tín. Nhưng đối với ai tu được pháp này thì nó rất đơn giản. Những lời tôi nói đây đều là lời của Tổ Sư, của Phật giảng, chứ chẳng phải là lời tôi giảng. Tôi chỉ là cái máy cassette phát lại cho quý vị nghe mà thôi. Pháp tu dễ dàng nhưng phải có rèn luyện lâu dài, chứ chẳng phải là vừa tu là thành tựu được ngay, vừa tu là chứng ngay. Ðó là câu kệ thứ nhất.

b. “Toàn do nhị lực chánh trợ công” (hoàn toàn do hai lực và Chánh Công Phu, Trợ Công Phu):

Nhị lực tức là công phu của chính mình (tự lực). Mình không dụng công không xong. Ngoài ra còn có Phật lực, Phật đến tiếp dẫn mình. Quý vị xem, phần nhiều tượng Phật A Di Ðà là tượng đứng, là dạng tiếp dẫn. Thật ra, vị Phật nào cũng đều có Tịnh Ðộ riêng, nhưng các đức Phật khác chẳng đến tiếp dẫn mình. Chỉ mình đức Phật A Di Ðà đến tiếp dẫn ta. Quý vị không biết đường cũng chẳng sao, A Di Ðà Phật cầm hoa sen đến đón quý vị, cứ ngự lên hoa sen, cứ ngự lên hoa sen! Ngài đưa quý vị đi! Nếu sanh về cõi khác sẽ chẳng có phương tiện này đâu, quý vị phải tự nhận biết đường.

c. “Tất đắc Nhất Tâm phương hữu hiệu” (phải đạt được Nhất Tâm thì mới hữu hiệu):

Quý vị phải niệm đến Nhất Tâm mới hữu hiệu. Niệm không Nhất Tâm thì vô dụng. Ðiều này ai nấy hãy nghe cho rõ. Thế nào là Nhất Tâm? Ðoạn Hoặc là Nhất Tâm thuần túy. Chế ngự Hoặc cũng là Nhất Tâm, cũng được vãng sanh.

d. “Phương tiện phục Hoặc tức cảm thông” (dùng phương tiện chế ngự Hoặc liền cảm thông):

Ðoạn Hoặc chẳng dễ. Thành A La Hán là pháp Tiểu Thừa, đoạn sạch Kiến Hoặc rồi còn phải sanh vào nhân gian hay cõi trời bảy lần, tu tập cả vạn năm mới thành tựu, mới đoạn sạch Tư Hoặc. Quý vị niệm A Di Ðà Phật bảy ngày thành công, thật là thuận tiện quá. Quý vị chẳng dùng công phu trên đây không thể đoạn Hoặc, làm thế nào đây? Thì lại có pháp phương tiện là chế phục Hoặc. Còn đối với các tông khác thì sao? Trong các tông khác, chế phục Hoặc là điều hoàn toàn vô dụng. Tu các tông khác thì dù có chế phục Hoặc vẫn còn trong luân hồi, hoàn toàn vô dụng. Chế phục Hoặc chỉ hữu dụng đối với Tịnh Ðộ Tông, trong các tông khác chẳng thể áp dụng cách này được.

Do chế phục Hoặc, quý vị được sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới thì sẽ đoạn Hoặc ở nơi đó, tự nhiên A Di Ðà Phật sẽ giúp quý vị đoạn Hoặc. Cốt sao cảm ứng thì quang minh dung thông lẫn nhau mới có thể thành công.

Nói tóm lại, đến ngày thứ tư tôi sẽ giảng nữa. Nay giảng đôi điều về công phu, mọi người nên nhớ kỹ. Hôm nay là ngày đầu, từ đây đến suốt bảy ngày sau quý vị cứ thực hành theo đó, tận dụng thời gian này khẩn thiết niệm Phật. Xin lão sư sắp sẵn kiền chùy[2], ai nấy buông xuống vạn duyên, cứ một câu A Di Ðà mà niệm mãi.

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
4.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
5.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
10.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
12.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
14.    Tử Thư Tây Tạng, Cư Sĩ Nguyên Phong, Việt Dịch
15.    Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập, Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch